Mỗi năm, khoảng 150,000 người ở Việt Nam bị ung thư
SÀI GÒN (NV) – Mỗi năm, Việt Nam có từ 100,000-150,000 người mắc ung thư và khoảng 70,000 người chết vì căn bệnh này do liên quan đến ăn uống.
Người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Thông tin kể trên được công bố tại “Hội nghị khoa học lần thứ 20” tổ chức ở thành phố Sài Gòn vào ngày 21 tháng 5, một nhóm nghiên cứu của Bệnh Viện Quân Y 175 tổ chức.
Theo đó, trong 1,355 ca ung thư các loại được chẩn đoán và điều trị tại Trung Tâm Ung Bướu của Bệnh Viện Quân Y 175 từ tháng 1, 2005 đến tháng 10, 2009 cho thấy, tỉ lệ bệnh ung thư dạ dày, phổi, máu, hạch, gan, đại trực tràng ở nam giới có tỉ lệ cao hơn các bệnh ung thư khác.
Ở phụ nữ thì tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi, dạ dày, tử cung, vú, buồng trứng cao hơn.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn cho biết, số người bệnh ung thư đến điều trị tại đây đều tăng hằng năm với tốc độ ngày càng tăng rất đáng lo ngại.
Cụ thể, năm 2014 số bệnh nhân mắc bệnh ung thư được quản lý tại Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn là khoảng 12,000 người. Thế nhưng, mới 5 tháng đầu năm 2015, số bệnh nhân ung thư được quản lý tại bệnh viện này đã lên tới gần 13,000 bệnh nhân.
Còn theo Cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế Globocan, có trụ sở ở Pháp thì, năm 1998 tại Việt Nam có hơn 70,000 trường hợp mắc ung thư mới. Nhưng đến năm 2012, số ca mắc ung thư mới là trên 150,000.
Như vậy, chỉ trong 14 năm số người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam đã tăng lên gấp đôi. Dù số cơ sở điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam đã tăng hơn so với trước, nhưng hiện cơ sở điều trị bệnh ung thư nào cũng quá đông.
Ngoài ra, theo ông Thịnh còn có nhiều nguyên nhân khác khiến số người mắc bệnh ung thư gia tăng trong những năm gần đây là do số người hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ăn thực phẩm bị mốc hoặc ăn những món chiên nướng, nướng đen, nhiều dầu béo, thói quen ăn thực phẩm phơi khô, muối mặn, những loại rau cải muối… đều có nguy cơ gây ung thư.
Đặc biệt, việc không kiểm soát được vệ sinh thực phẩm, thực phẩm có chứa những hóa chất độc hại, chẳng hạn lấy nguồn thịt đã bị thối rữa về ướp hóa chất độc hại để thịt dai hơn, thơm hơn, sau đó bán cho khách… cũng tăng nguy cơ ung thư.
Ông Thịnh cho biết thêm, theo số liệu nghiên cứu của Hiệp Hội Quốc Tế Phòng Chống Ung Thư (UICC) tại một hội nghị ở Úc năm 2014, có đến 30-50% các ca bệnh ung thư liên quan đến ăn uống, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Hiện nay, ung thư phổi và ung thư gan đứng đầu ở cả hai giới nam và nữ tại Việt Nam do người Việt được xếp cao nhất, nhì trong khu vực về số lượng người hút thuốc lá, với hơn 50% dân số. Riêng phụ nữ bị ung thư phổi cao là do phải “hút thuốc thụ động” của những người xung quanh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam còn nằm trong khu vực có khả năng mắc bệnh viêm gan siêu vi B, siêu vi C rất cao. Nếu mắc các bệnh này mà điều trị không tốt, lâu ngày sẽ chuyển hóa thành ung thư gan. (Tr.N)