Mệt mỏi giữa đời thường
WGPSG — Câu chuyện của một người bạn
Bạn tôi làm kế toán cho một công ty đã hơn bốn năm qua. Vừa rồi, bạn ấy than thở rằng: “Em thấy chán và mệt mỏi quá anh ơi! Chuyện gì giám đốc và mọi người cũng đổ lỗi cho em. Em bị rầy la. Em bị nghi kỵ. Nếu không có người yêu của em trên này thì em đã về quê lâu rồi. Làm lương chẳng bao nhiêu mà áp lực thì nhiều quá!”
Bạn thân mến, con người ai mà chẳng trải qua những giây phút mệt mỏi trong cuộc đời. Mệt mỏi vì áp lực công việc. Mệt mỏi vì đời sống hôn nhân không hạnh phúc. Mệt mỏi vì cha mẹ suốt ngày cãi cọ v.v… Tựu trung lại, đó là những mệt mỏi giữa đời thường. Mệt mỏi thể xác. Mệt mỏi tinh thần. Ai cũng thế và ở đâu cũng vậy thôi. Vậy, làm thế nào để vượt qua những giờ phút mệt mỏi trong đời?
Mệt mỏi thể lý
Trước tiên, con người thường mệt mỏi thể lý. Nhiều công nhân mệt mỏi vì suốt tuần tăng ca ở công ty. Nhiều sinh viên và học sinh mệt mỏi vì thức khuya học bài thi cử. Nhiều bệnh nhân mệt mỏi bởi những chứng bệnh phải mang trong người. Nhiều bạn trẻ mệt mỏi vì thức khuya uống bia tới sáng v.v… Mệt mỏi thể xác làm ta chán ăn. Mệt mỏi thể xác làm ta mất ngủ. Mệt mỏi thể xác làm ta thấy nhức đầu v.v… Bởi vậy, một bạn gái đã thốt lên: “Em thật sự cảm thấy mệt mỏi, thấy bức bối, thấy uất ức một điều gì đó mà lúc này em chưa gọi nó ra
thành tên được.” Những lúc mệt mỏi như thế khiến bạn và tôi chẳng muốn làm gì cả.
Thật vậy, nhịp sống và lối sống Sài Gòn đô thị hiện đại dễ làm con người ta mệt mỏi thể lý. Họ nhức đầu bởi tiếng ồn của xe cộ. Họ khó thở bởi khí độc ở nhiều khu công nghiệp thải ra. Họ bất ngờ mang những chứng bệnh bởi nhiều thức ăn nước uống có nhiều hóa chất v.v… Quả thế, môi trường sống làm cho con người trở nên mệt mỏi thể lý. Những mệt mỏi thể xác kéo theo những mỏi mệt của tinh thần. Vậy, những mệt mỏi tinh thần của phần đông con người thời đại hôm nay là gì?
Mệt mỏi tinh thần
Tiếp đến, con người thường mệt mỏi tinh thần. Ngạn ngữ Latinh có câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện” (Mens sana in corpore sano). Vì thế, nếu mệt mỏi thể xác thì tinh thần không thể sáng suốt được. Những lúc nằm trên giường bệnh người ta thường suy nghĩ tiêu cực bi quan. Nhịp sống hối hả và bận rộn của Sài Gòn dễ làm con người ta căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Họ thấy chán nản. Họ thấy bất an. Họ muốn tự tử v.v… Dù vậy, người ta vẫn phải chấp nhận thích nghi với cuộc sống với bộn bê lo toan ấy thôi. Ví dụ một bạn trẻ chân thành thổ lộ rằng: “Công việc cơ quan thì bề bộn, cộng với
bao nhiêu sự thay đổi trong nhân sự, đổi mới trong công nghệ tại công ty. Mà phòng em thì anh quá biết rồi, vì đặc thù công việc nên phòng chỉ toàn nữ thành ra sự rắc rối càng nhân lên gấp bội. Em thấy mệt mỏi vì sự đố kỵ, kèn cựa lẫn nhau… và bao nhiêu điều khác nữa mà em không thể gọi nó ra thành tên.”
Chị tôi đã trải nghiệm quá nhiều về sự mệt mỏi tinh thần. Thất bại trong chuyện mở quán ăn làm chị chán nản. Mệt mỏi vì phải lo lắng chuyện trả lại mặt bằng. Mệt mỏi vì phải tìm người mua lại chén tô, bàn ghế. Mệt mỏi đi thuê một căn nhà cho con chị đi học ở Sài Gòn. Chị quá mệt mỏi tinh thần vì phải bon chen với cuộc sống thị thành. Ngoài ra, chị ta còn mệt mỏi vì tánh chồng chị hay ghen bóng ghen gió. Điều này cho thấy sự mệt mỏi thường xảy ra do ngoại cảnh tác động. Hơn nữa, sự mệt mỏi tinh thần thường xảy ra trong đời sống
gia đình. Người vợ mệt mỏi vì ông chồng suốt ngày cờ bạc, say xỉn. Người chồng mệt mỏi hoang mang vì vợ chỉ lo chuyện công ty đi sớm về khuya. Sự mệt mỏi thường dẫn đến những đổ vỡ trong đời sống hôn nhân. Bởi lẽ, sức chịu đựng của con người luôn có giới hạn. Vì thế, biết chấp nhận và vượt qua những lúc mệt mỏi tinh thần là một kỹ năng sống quan trọng cho con người hôm nay. Vậy, chúng ta phải làm gì?
Làm thế nào để vượt qua mệt mỏi?
Người bạn của tôi tâm sự như thế này: “Mình thích cảm giác của ngày thứ Bảy cuối tuần. Được nghỉ ngơi vì sáng mai Chúa nhật không phải đi làm. Nhưng tới sáng thứ Hai thì thấy mệt mỏi vì lại phải đi làm tiếp.” Điều này cho chúng ta thấy nghỉ ngơi và thư giãn là nhu cầu cần thiết cho con người. Và đó cũng là cách giúp ta vượt qua những lúc mệt mỏi. Nghỉ ngơi để giảm bớt mệt mỏi thể lý. Thư giãn để đầu óc thoải mái bớt căng thẳng. Vì thế, người Sài Gòn thường đi mua sắm, ăn uống và du lịch Suối Tiên, Đầm Sen… trong những ngày cuối
tuần. Đối với các linh mục Sài Gòn thì được nghỉ ngơi vào ngày thứ Hai v.v… Sự
mệt mỏi bởi cuộc sống bộn bề lo toan ảnh hưởng đến đời sống đạo của chúng ta.
Vậy, phải làm sao?
Cuối cùng, Chúa Giêsu đã khuyến khích các môn đệ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Thật vậy, mỗi Kitô hữu cần nghỉ ngơi lắng đọng tâm hồn. Chúng ta cần tĩnh tâm. Chúng ta cần cầu nguyện. Điều này sẽ ích lợi nội tâm và đời sống đạo của chúng ta. Bởi thế, một người Công giáo đã tâm sự chân thành: “Mới đây tôi nói với một người bạn rằng tôi có thể đi đâu đó vài ngày để tĩnh tâm. Bạn tôi là người đã có gia đình với ba đứa con, nói rằng: ‘Tôi có thể đánh đổi tất cả
mọi sự chỉ để được vài ngày trong thanh vắng!’ Điều đó cũng còn cho thấy đối với hầu hết mọi người cuộc sống hiện đại tất bật làm sao!”
nguồn: Maria Thanh Mai gởi