Mẹ 18 năm bán rau nuôi con đậu đại học
Bước chân tập tễnh, chị Nguyễn Thị Ngãi nặng hơn 30 kg vẫn tần tảo gánh rau đi chợ. 18 năm qua, chị sống cảnh một mình nuôi con gái thi đậu Đại học Y Hà Nội (*).
Sáng sớm, chị Ngãi ở xóm 27, Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa, đội chiếc nón mê rồi xách chiếc thúng và xô ra đồng. Trước ngày con gái ra Hà Nội nhập học, chị tranh thủ hái thêm vài bó rau đi chợ làm lộ phí cho con. Mặt trời lên cao bằng con sào, nắng bắt đầu rát. Người mẹ 51 tuổi tay thoăn thoắt vừa hái rau, vừa lấy rơm bó. Nhờ ruộng rau này mà chị nuôi được cô con gái Nguyễn Thị Hương học giỏi, vừa thi đậu Đại học Y với 28 điểm.
|
Đôi mắt người mẹ âu yếm nhìn con gái, trong khi Hương luôn tự hào vì mẹ. Em quyết định học y khoa để lo cho sức khỏe của mẹ.
|
Căn nhà của hai mẹ con sát chân đê, thấp hơn mặt đê tới 4 m. Từ bên ngoài nhìn vào, gian nhà trống huơ hoắc giống nơi hàng quán lâu ngày bị bỏ hoang. Trong nhà chỉ có bộ bàn ghế cũ kỹ và chiếc giường để hai mẹ con nằm. Nền nhà quyện thứ đất đen ẩm mốc do bị mưa dột nhiều. Nhà không có điện, mỗi khi có khách tới chơi, chị Ngãi phải sang nhà hàng xóm mượn quạt, kéo ổ điện về. Tối đến, hai mẹ con thắp đèn dầu, dùng quạt mo cho đỡ nóng.
Trong bếp, Hương thổi phù phù những thanh củi ẩm để nhóm lửa nấu cơm, trong khi mẹ sắp xếp hộ quần áo vào ba lô. Người mẹ nhỏ thó, phát âm từng tiếng khó nhọc do miệng bị biến dạng sau cơn phong giật hồi lên 7 tuổi.
Tuổi xuân cô quạnh của chị Ngãi trôi đi trong ngôi nhà nhỏ ven đê. Năm 32 tuổi, chị đánh liều “xin” một đứa con để lấy chỗ dựa sau này. Ngày bé Hương chào đời, hàng xóm xung quanh ai cũng thương, người nấu cháo, người mang cho cái tã lót… cùng đùm bọc hai mẹ con chị trong lúc khó khăn nhất. Trông vào hai sào ruộng không đủ ăn, chị Ngãi mượn đất của người quen trồng thêm rau để bán. Mảnh trên cao thì trồng rau đay, rau cải, đến mùa đông trồng xà lách, cải bắp. Miếng ruộng ngập nước thì trồng rau muống bán quanh năm.
Ngày nắng cũng như mưa, hàng xóm thường thấy người đàn bà đội nón mê, đi ra ruộng rất sớm. Chị bảo rau phải hái vào buổi sớm mai mới tươi nên thường ra ruộng từ lúc 4h30 rồi đi chợ. Người mẹ tập tễnh từng bước chân với mẹt rau muống, rau cải, đi bán cách nhà hơn 2 km. Hương vào cấp ba, được hàng xóm cho chiếc xe đạp cũ, em thường tranh thủ giúp mẹ bó rau, rồi đèo mẹ đi chợ trước khi đến trường.
Hơn hai chục bó rau, chị bán 1.000 đồng một bó, rau lên giá cũng chỉ nghìn rưỡi đồng. Mỗi phiên chợ chị kiếm được 10.000 đến 15.000 đồng. Hết vụ rau kéo dài 3 tháng, chị thu được khoảng một triệu đồng. Hai mẹ con chỉ dám ăn đậu phụ, thi thoảng có thêm quả trứng. Chị cười: “Dân làng vẫn trêu bảo sẽ học theo tôi, cho con gái ăn đậu phụ mà vẫn trắng trẻo, học giỏi. Nghĩ thương con lắm nhưng nhà nghèo quá, đành thế”.
Giọng người mẹ tự dưng chùng xuống: “Nhìn con người khác đủ đầy lại thấy thương con gái mình quá”. Không có bố, Hương lớn lên dưới sự bao bọc của mẹ và xóm làng.
|
Chị Ngãi vất vả ruộng rau sớm hôm lo cho con gái.
|
12 năm liền, Hương đạt học sinh giỏi, chị Ngãi chưa mua được món quà nào tặng con, chỉ có những lời động viên con học giỏi để bước ra khỏi nghèo túng. Biết học trò khó khăn nên các thầy cô trong trường rất thương, miễn giảm hết các khoản đóng góp, cũng không lấy tiền học thêm của Hương. Đến Tết, thầy cô còn cho quà và mừng tuổi cô học trò nghèo hiếu học.
Chị Ngãi bảo, con gái lớn 18 tuổi nhưng chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ một thứ gì. Mỗi lúc đi học về ngang qua cổng chợ, thấy mẹ ngồi đó, Hương lại chỉ cho bạn “Mẹ tớ đấy”. Ngồi bên mẹ, Hương bảo: “Con tự hào về mẹ còn không hết, việc gì con phải ngại”. Bước chân vào cấp 3, Hương xác định sẽ thi vào Đại học Y Hà Nội. Hương tâm sự: “Mẹ em bệnh nhiều quá nên em muốn học y”. Hương còn thổ lộ muốn trồng cho mẹ một bộ răng. Trước đây mắc bệnh phong giật, chị Ngãi bị rụng hết răng, chỉ ăn được cháo hoặc cơm nhão.
Nhà không có điện, tối tối Hương lại mang sách vở sang nhà cô họ học bài. Hai cô cháu bằng tuổi, cùng “rủ” nhau thi trường y. Hương đậu Đại học Y Hà Nội cũng là lúc người cô nhận được giấy báo nhập học của Đại học Y Thái Bình.
Ngày thi đại học, Hương một mình bắt xe lên Hà Nội ứng thí. Em tâm sự, đứng trước cửa phòng thi tự dưng nước mắt trào ra khi nghĩ đến dáng mẹ liêu xiêu trên triền đê với mẹt rau đầy. “Em không nghĩ mình thiệt thòi hơn những bạn khác vì không có mẹ đi cùng. Trái lại, mẹ chính là nguồn động lực lớn nhất. Cảm ơn mẹ vì đã sinh em ra đời, thương em gấp 2 lần thay tình thương của bố”, Hương nhớ lại.
Biết con gái đậu đại học, chị Ngãi vui đến nỗi cả đêm không ngủ. Hai mẹ con thức tâm sự tới sáng. “Nó bảo ra ngoài Hà Nội học sẽ cố gắng đi gia sư. Ở nhà, tôi mượn thêm đất trồng rau đi chợ. Số tiền vay vốn hộ nghèo được 20 triệu đồng chưa dám tiêu, để dành cho con đi học dần. Thế nào hai mẹ con cũng vượt qua được 6 năm đại học”, chị Ngãi cho hay.
Ông Nguyễn Văn Khải, trưởng xóm 27, Xuân Tín, Thọ Xuân, cho biết, gia đình chị Ngãi thuộc diện nghèo nhất xóm, lại đơn thân nuôi con. “Ngoài chính sách hộ nghèo và trợ cấp người tàn tật 180.000 đồng mỗi tháng, mẹ con chị Ngãi không được hỗ trợ gì thêm vì trong thôn có nhiều gia đình khó khăn nữa”, ông Khải nói.
* Ở VN, hiện nay để vào được Đại Học Y Khoa rất khó vì phải chọi với rất nhiều thí sinh với số điểm cao, khi đậu phải hoàn toàn tự túc chi phí (hầu như chưa được nhà nước hổ trợ).
Hoàng Phương