Luật Khoa Tạp Chí: Loạt Bài về Quốc Nạn Tham Nhũng tại CHXHCN Việt Nam

Công cuộc “đốt lò” gây ra những tác hại cho thể chế và văn hóa chống tham nhũng.

 

Minh họa: Luật Khoa.

Những bài viết được share hỉ hả vui mừng về việc hai ông bộ trưởng bị bắt.

Những tin đồn về một vị “tai to mặt lớn” hơn nữa đứng đằng sau, kèm theo lời lẽ úp mở, bí ẩn, thâm sâu, “biết hết nội tình”.

Người yêu chính quyền đương nhiệm thì oang oang bảo đây là minh chứng cho một nhà nước ngày càng quyết liệt chống tham nhũng, “không có vùng tối, không có vùng cấm.”

Người không ưa chính quyền thì tấm tắc tự khen “tôi đã nói rồi mà”, sau đó tiếp tục úp mở những tin đồn vu vơ mà họ nghe đâu đó – như là minh chứng cho một nhà nước mục ruỗng sắp lụi tàn đến nơi.

Mỗi nhóm chính trị Việt Nam đang sống trong những phiên bản sự thật riêng về các đại án tham nhũng như Việt Á hay các chuyến bay giải cứu COVID-19.

Song có một điểm chung: Họ tiếp tục nhìn nhà nước, chuyện quản lý nhà nước như chuyện cấm cung khó ai rành, khó ai biết, và tin đồn từ những người được tuồn tin trở thành thứ nguồn mà ai cũng trân quý.

Công cuộc chống tham nhũng gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam dường như đang để lại những tác hại không thể lường trước đối với cơ chế chống tham nhũng của một nhà nước Việt Nam trong tương lai.

Chống tham nhũng: hiệu quả trong Đảng

Trước tiên, người viết cho rằng các thuyết âm mưu xem công cuộc chống tham nhũng là việc thanh trừng phe phái nội bộ đảng hay chỉ là một màn trình diễn đang dần mất đi tính xác thực và độ tin cậy.

Cả hai vị quan chức cấp cao mới bị bắt (Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh) đều là những cá nhân vừa đắc cử “100%”, vừa mới được các ban bệ chính trị lựa chọn vào năm 2020 và được hợp thức hóa bằng cuộc bầu cử vào năm 2022. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) chúc mừng ông Chu Ngọc Anh nhận chức chủ tịch UBND TP. Hà Nội vào tháng 10/2020. Ảnh: Vietnam Finance.

Các nhóm này được hình thành trong giai đoạn nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba của ông Nguyễn Phú Trọng. Gọi đây là thanh trừng chính trị rõ ràng là không còn hợp lý, xét đến thời điểm và mục tiêu của các chiến dịch chống tham nhũng gần đây.

Thêm vào đó, khó có thể gọi đây là màn trình diễn khi nó không có lợi ích gì cho hình ảnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, xét đến việc một lượng lớn nhân sự vừa được lựa chọn trong nội bộ đảng, ngồi chưa nóng ghế, nay đã chuẩn bị ra vành móng ngựa.

Một chiến dịch quy mô, công khai và ở cấp cao như thế này có thể sẽ khiến một bộ phận dân chúng đặt câu hỏi cho quy trình “tuyển chọn người tài” bên trong đảng.

Vậy lý giải hợp lý nhất cho các chiến dịch chống tham nhũng này là gì?

Chúng ta cần thừa nhận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những nỗ lực thực chất, với mong muốn trong sạch hóa bộ máy và xây dựng một đảng chính trị vững mạnh riêng của họ. Đây là điều khó có thể tranh cãi hiện nay lẫn sau này.

Thật ra, điều này không phải mới mẻ gì đối với các nhà nghiên cứu.

Chúng ta có thể kể đến một nghiên cứu khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu chính sách – pháp luật Việt Nam của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, từng là giảng viên tại trường Queensland University of Technology, Úc, có tên gọi “Resilience of the Communist Party of Vietnam’s Authoritarian Regime since Đổi Mới” (tạm dịch: Sức bền của chính thể chuyên chế Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ Đổi mới). 

Được công bố vào năm 2016, ngay sau khi các tranh chấp phe phái lớn nhất thời điểm đó chính thức hạ màn, một trong bốn điểm mà Tiến sĩ Hải cho rằng đã xây dựng nên sự bền bỉ của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là độ linh hoạt chính trị của nó (political flexibility).

Theo ông, độ linh hoạt chính trị này được thể hiện rõ trong cam kết và những nỗ lực chống tham nhũng. Tham nhũng luôn được các lãnh đạo xem là gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Sáu năm sau, dường như những quan sát trong nghiên cứu vẫn còn chính xác. Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiếp tục tự thanh tẩy, làm mới và hoàn thiện mình.

Tuy nhiên, sau khi dành những lời khen có cánh cho các chiến dịch chống tham nhũng gần đây, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế: Trong khi vai trò và năng lực chống tham nhũng trong nội bộ Đảng Cộng sản tăng cao, người trả giá là các thể chế chính trị khác trong xã hội Việt Nam.

Cái giá của quản trị nhà nước

Một chiến dịch chống tham nhũng được xem là thành công thì tại sao lại có “cái giá phải trả” gì ở đây?

Cái giá về thể chế, về pháp luật và về văn hóa pháp lý là thứ không thể thấy ngay, thấy rõ, và ai ai cũng thấy. Người viết xin đưa ra ba cái giá như sau.

1. Sự yếu kém của cơ quan điều tra tham nhũng nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung

Bộ Công an là bộ to nhất Việt Nam. To nhất cả về số lượng thành viên lẫn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.

Nói như Đảng Cộng sản Việt Nam thì Bộ Công an là thanh gươm bảo vệ đảng, và cân nhắc thực tế này thì Bộ Công an là một thanh gươm rất to.

Đã là một thanh gươm to thì dùng để “giết gà”, để trừng trị bọn “dân chủ”, để kiểm soát các nhóm tội phạm truyền thống, v.v. cơ quan này chắc chắn phải rất hiệu quả (thực tế đến đâu thì không nằm trong phạm vi bài viết này).

Tuy nhiên, thanh gươm to chưa chắc đã sắc.

Nếu Bộ Công an tiếp tục hoạt động trong mô hình hiện tại, họ sẽ chỉ hiệu quả khi phải đối mặt với các lực lượng yếu thế hơn về chính trị, về nguồn lực, về năng lực kết nối. Nhưng khi phải đối mặt với các quan chức trong hệ thống chính trị có kết nối rộng hơn, có nguồn lực lớn hơn, và thậm chí là quyền hạn chính trị hơn, cơ quan điều tra “giỏi nhất thế giới” này gần như bế tắc.

Năm 2016, cư dân mạng Việt Nam được một phen dậy sóng khi cựu tướng Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Anh Minh, giãi bày trước báo chí khi được hỏi vì sao thành phố Hồ Chí Minh ít phát hiện án tham nhũng qua khâu tự trinh sát. Ông nói:

“Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành Chỉ thị 15. Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên, mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên. Do đó, các án tham nhũng do Công an thành phố phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác.”

 

Thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu tại một hội nghị về phòng chống tham nhũng, lãng phí vào tháng 3/2016. Ảnh: Trung Hiếu/ Thanh Niên.

Nghe như thế, người ta thường nghĩ ngay rằng là do Đảng Cộng sản Việt Nam tạo cơ chế để kìm hãm các cơ quan điều tra. Tháo cái vòng kim cô Chỉ thị 15 mà vị tướng này nhắc đến là ổn ngay.

Nhưng người viết cho rằng, Đảng Cộng sản có tháo Chỉ thị 15 tại thời điểm đó đi chăng nữa, hệ thống công an Việt Nam cũng bất lực và mất phương hướng trong việc điều tra cũng như xử lý các xung đột lợi ích giữa các nhân vật chính trị và cấu trúc quyền lực nhà nước.

Để xây dựng một cơ quan điều tra tham nhũng có bản lĩnh, có năng lực và có khả năng điều tra sâu các vụ án động chạm nhiều nhân vật quyền lực, chúng ta trước tiên cần tìm ra một mô hình hợp lý cho Việt Nam, cần sự quyết tâm và thẩm quyền nâng cao của hệ thống tư pháp (như tòa án). Và quan trọng nhất, chúng ta cần thời gian để thử sai và xây dựng văn hóa pháp lý liên quan.

Những nhận định này cũng có thể áp dụng gần như hoàn toàn tương tự đối với các cơ quan tư pháp khác.

Chúng ta đã chứng kiến lực lượng công an – an ninh khét tiếng thế giới của Đông Âu và Liên Xô đổ vỡ như thế nào ngay khi các đảng cộng sản tương ứng chết bất đắc kỳ tử. Hàng chục năm kinh nghiệm chống tham nhũng, phê bình và tự phê bình, chống suy thoái, chống tự diễn biến trong nội bộ Đảng gần như không giúp ích gì được cho năng lực của các cơ quan tư pháp của nhà nước – từ quy trình đến cấu trúc hay mô hình, và đặc biệt là văn hóa pháp lý lẫn văn hóa đại chúng.

Dân chủ hóa – tư hữu hóa mà không có một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả sẵn sàng bọc hậu thì chẳng khác nào tự sát chính trị.

Những điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm, dù đáng ghi nhận, không thay đổi sự thật rằng chỉ có năng lực và tính chính danh của đảng đang được cải thiện.

Nếu trong tương lai, vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam không còn tồn tại, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục phải đối mặt với câu hỏi chống tham nhũng từ đầu.

2. Báo chí điều tra và các tiếng nói độc lập bị bóp nghẹt

Vâng, lại phải nhắc đến những người hay bị cáo buộc “rận chủ” trong diễn ngôn chính trị tại Việt Nam. Tuy nhiên, bộ phận bị khinh rẻ này có vai trò quan trọng không kém một cơ quan điều tra có năng lực và có kinh nghiệm trong điều tra tham nhũng.

Ai cũng có thể thấy được là ngay cả trong những quốc gia có thể chế tốt, tham nhũng và các sai phạm liên quan hoàn toàn có thể vượt mặt hàng rào tư pháp chính quy.

Vậy nên dân chủ, tự do báo chí, hệ thống xã hội dân sự, và thậm chí đến những điều cơ bản nhất của một xã hội hiện đại như một nền văn hóa tranh luận, quy trình đưa tin tức lành mạnh và chuyên nghiệp, v.v. đều có vai trò của riêng mình trong phòng chống tham nhũng.

Các thành viên của Báo Sạch, một nhóm làm báo độc lập, trong phiên tòa phúc thẩm vào tháng 1/2022. Họ bị kết án tổng cộng gần 15 năm tù. Ảnh: Vietnamnet.

Người viết thừa nhận rằng những nhóm đối lập nói chung không hoàn hảo.

Cực đoan thái quá, thiếu năng lực nhưng thừa tiếng nói, không biết cách thỏa hiệp và không thể tập trung tìm giải pháp, cùng hàng loạt vấn đề khác.

Chúng ta không thể tự huyễn hoặc mình viễn cảnh cứ tồn tại lực lượng đối lập mạnh thì tự nhiên tình hình kinh tế, chính trị của quốc gia sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, trách nhiệm tạo điều kiện và thậm chí là xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh để sẵn sàng “gác cửa”, can thiệp vào hệ thống chống tham nhũng chính quy khi hệ thống này bị các lợi ích chính trị ức chế, là một “điều kiện đủ” rất quan trọng cho môi trường chống tham nhũng hiệu quả.

Vai trò của những chủ thể này trong cuộc chiến chống tham nhũng không phải là sự đoán mò bừa bãi của người viết. Các báo cáo và nghiên cứu của USAID hay OECD cách đây 20 năm đã khuyến nghị tăng cường sức mạnh cho các chủ thể dân sự nhằm xây dựng một mô hình chống tham nhũng bền vững. 

Đặc biệt, nhiều nghiên cứu định lượng từ lâu cũng đã nhắc nhở rằng xã hội dân sự cần phải kết hợp với một nền báo chí điều tra độc lập thì mới có thể có tác động tích cực lên việc kiểm soát tham nhũng.

Một trong những nghiên cứu định lượng đầu tiên về mối quan hệ giữa xã hội dân sự, báo chí độc lập và kiểm soát tham nhũng của Themudo có tên gọi “Reassessing the impact of civil society: Nonprofit sector, press freedom, and corruption”. Trong đó, tác giả chứng minh được rất nhiều giả định mà chúng ta nhắc đến ở trên. 

Đồ thị trong báo cáo “Reassessing the impact of civil society: Nonprofit sector, press freedom, and corruption”.

Ví dụ, với biểu đồ được dẫn, chúng ta có thể thấy xã hội dân sự chỉ có thể kiểm soát tốt tham nhũng ở nhiều lĩnh vực khi mà hệ thống báo chí tại đó tương đối độc lập (bảng bên tay phải).

Còn ở những quốc gia nơi mà hệ thống xã hội dân sự đông đảo (như Argentina hay Brazil) nhưng báo chí điều tra, báo chí độc lập không thể phát triển thì xã hội dân sự gần như không thể làm giảm các chỉ số tham nhũng.

Bất chấp tất cả những thông tin nói trên, chính quyền Việt Nam hiện nay lại đang ngày càng thu hẹp cả không gian dân sự lẫn môi trường báo chí điều tra chống tham nhũng, dù những nhóm này có do nhà nước kiểm soát hay có hoạt động hợp pháp hay không.

Dường như quá tự tin với hệ thống chống tham nhũng mới của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự cho phép họ thanh trừng thẳng tay các lực lượng xã hội dân sự lẫn báo chí điều tra.

Những cái tên bị bắt bớ như nhà báo Nguyễn Hoài Nam,  một cây bút chống tham nhũng từng nhận bằng khen của nhà nước, hay bà Ngụy Thị Khanh,  một nhân vật hoạt động trong lĩnh vực môi trường hợp pháp và rất ôn hòa, cho thấy đảng cầm quyền đang xem rất nhẹ vai trò và đóng góp thực tế của các nhóm độc lập và đối lập trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, cũng như cải thiện hệ thống chính quyền.

Đó là một mất mát nữa về vấn đề thể chế tại Việt Nam.

3. Hệ thống pháp luật và độ minh bạch quản lý đã yếu ngày càng yếu hơn

Cuối cùng, có lẽ cũng cần nhắc đến tác động của cuộc chiến chống tham nhũng này đối với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ba văn bản pháp luật quan trọng nhất có thể được sử dụng cho cuộc chiến chống tham nhũng của nhà nước Việt Nam, ví dụ trong trường hợp của Việt Á, bao gồm: (1) Bộ luật Hình sự 2015, (2) Luật Phòng chống Tham nhũng 2018, và (3) Luật đấu thầu 2013.

Tuy vậy, thứ dân chúng biết đến trước tiên về những cáo buộc vi phạm lại không phải là qua những điều luật này. Thậm chí cho đến nay, ít có ai chắc chắn rằng những người bị cáo buộc sai phạm đã làm gì, và làm như thế nào, thông qua các văn kiện và quyết định của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Chu Ngọc Anh, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng như ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, bị ghi nhận là “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra”. 

Hiển nhiên, chúng thể hiện năng lực và đặt ra nghi vấn về việc có nên tiếp tục để hai nhân vật này tại nhiệm hay không. Nhưng những cáo buộc dạng này vốn không thể bị xem là vi phạm pháp luật hình sự, và chúng cũng không được ghi nhận trong Luật Phòng chống tham nhũng hay Luật Đấu thầu.

Kể từ đó, người dân lẫn báo chí tha hồ được đoán già đoán non về sai phạm của hai người. Thậm chí nhiều người bắt đầu chửi bới hay đưa ra những cáo buộc thậm tệ liên quan đến các quyết định phòng chống dịch bệnh trước đó – vốn cũng chẳng phải sản phẩm của riêng hai người vừa “ngã ngựa”.

Quá trình chống tham nhũng nhưng không làm tăng tính minh bạch và sự trao đổi thông tin mà chỉ làm mọi thứ trở nên mù mờ, khó đoán hơn đối với người dân cũng đã xảy ra và được cảnh báo tương tự tại Trung Quốc. 

Lý giải hiện tượng này, tác giả Daniel C.K. Chow – giảng viên và chuyên gia về pháp luật Trung Quốc của trường Đại học Ohio States – nhấn mạnh rằng mọi thảo luận, cáo buộc và thậm chí là các dàn xếp chính trị liên quan đến án tham nhũng gần như hoàn toàn được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thỏa hiệp trước khi phía chính quyền nhà nước và công luận biết bất kỳ điều gì để có thể tham gia vào.

Khi mà thẩm quyền của cơ quan điều tra, quyết định của tòa án, quá trình áp dụng pháp luật hiện hành cũng như là sự tham gia của báo chí trong các vụ việc tham nhũng chỉ xuất hiện khi được (đảng) bật đèn xanh, bất kể đảng có quyết tâm và có hiệu quả đến đâu, thì tư duy minh bạch và tác động tích cực lâu dài cho chống tham nhũng đã không còn ở đó nữa.

***

Với những thảo luận nói trên, dù công nhận những tác động tích cực về quản lý nhà nước và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cần nhớ rằng bài toán thể chế, bài toán văn hóa chống tham nhũng lâu dài vẫn còn để ngỏ chưa ai giải quyết.

Đảng Cộng sản Việt Nam có thể đang vững mạnh hơn, có thẩm quyền lãnh đạo cao hơn. Nhưng như lịch sử của mọi tập đoàn chính trị khác, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là một thực thể tồn tại mãi mãi.

Di sản mà quốc gia Việt Nam cần là thói quen, là thể chế, là văn hóa. Công cuộc đốt lò chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, đáng tiếc, lại không thể tạo ra những điều đó.


Published  

Tranh biếm họa Xi Jinping “đả hổ diệt ruồi” của Adolfo Arranz – SCMP.

 

Năm 2012, ngay sau khi trở thành người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc – Xi Jinping (Tập Cận Bình) – đã đẩy mạnh chiêu bài chống tham nhũng với câu khẩu hiệu “đả hổ diệt ruồi”, mà ngay cả người dân Việt Nam cũng nghe quen tai. (Điểm chống tham nhũng, theo tổ chức “Minh Bạch Quốc Tế” đã gia tăng chậm từ 39 điểm năm 2012 lên 45 điểm năm 2022.)

Điều này cho thấy, công cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc hầu như không khiến cho chỉ số cảm nhận tham nhũng của người dân tại đây thay đổi ở mức đáng kể. 

Trong đó, có mục khảo sát ý kiến của người dân về vấn đề chính phủ có làm tốt việc kiểm soát tham nhũng hay không, và họ có lạc quan về tình trạng khắc phục tham nhũng của quốc gia hay không. 

Đảng Cộng sản có phải là lý do tham nhũng tồn tại ở Trung Quốc?

Theo Giáo sư John Lee của Đại học Quốc gia Úc (Australian National University), và là tác giả cuốn Liệu Trung Quốc có sụp đổ (Will China Fail), thì tham nhũng là một phần không thể tách rời khỏi mô hình nhà nước chuyên chế (authoritarian model). Và vì vậy, sở dĩ Trung Quốc không thể kiểm soát tình trạng tham nhũng, cũng bởi do mô hình thể chế.

Tại Trung Quốc, Giáo sư Lee đánh giá, nhóm người đầu tiên trong xã hội được hưởng các đặc quyền từ mô hình phát triển kinh tế và nhận được các cơ hội mà điều này mang đến, chủ yếu là đảng viên và quan chức nhà nước.

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chính quyền Trung Quốc đã nhận diện được mối đe dọa tiềm ẩn từ nhóm trí thức trung lưu. Đó là những kẻ sẽ không còn xem “đảng” là con đường tiến thân duy nhất trong xã hội nữa. Trong bất kỳ xã hội nào đang thực thi mô hình công nghiệp hóa đất nước một cách thần tốc, thì thành phần trí thức thành thị sẽ là lực lượng quyết định số phận của các chính thể chuyên chế, độc tài.

Vì vậy, Giáo sư Lee nhận định, đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ còn cách tạo ra giai cấp tinh hoa ấy từ nội bộ của mình, để củng cố quyền lực cho đảng và giúp chế độ tồn tại. 

Mà để giai cấp này cúc cung tận tụy với đảng, thì phải cho họ mặc sức tự tung tự tác trong việc lũng đoạn nền kinh tế để mưu lợi riêng. Thế nên, nếu bây giờ chúng ta bảo rằng đảng Cộng sản phải thiết lập ra một cơ chế giải quyết dứt điểm và hữu hiệu tình trạng tham nhũng, thì không khác gì bảo họ phải hủy bỏ toàn bộ chiến lược chính trị nói trên.

Giờ đây, thành công về kinh tế và chính trị đã được xem là quá mức đan xen lẫn nhau. Một lượng lớn người tham gia chính trị hoặc chọn trở thành đảng viên, là để mưu cầu lợi ích kinh tế cho bản thân. Đây là một khế ước xã hội và chính trị có thật giữa đảng cộng sản Trung Quốc và giới tinh hoa.

Theo Báo cáo Hurun chuyên thống kê về tài sản ở Trung Quốc, trong năm 2015, đã có 203 vị đại biểu Quốc hội và các nhà lập pháp đứng trong danh sách 1.271 người giàu có nhất tại Trung Quốc, với tổng số giá trị ròng (net worth) là 463,8 tỷ đô la. 90% tổng số đảng viên Trung Quốc là những nhà doanh nghiệp và 98% tất cả vị trí lãnh đạo các tập đoàn lớn đều là những người mang thẻ đảng.

Không có gì đáng ngạc nhiên với những con số này, khi chính đảng Cộng sản đã và đang dùng lợi ích kinh tế để đổi lại lòng trung thành của đảng viên. Và con số người xếp hàng đăng ký tham gia vào đảng thì lên đến cả trăm triệu. Ngày nay, người ta vào đảng là tìm cơ hội “làm giàu không khó” cho bản thân.

Trong khi đó, theo Giáo sư Lee, từ năm 2013 đến năm 2015, chỉ có khoảng 200.000 đảng viên bị bắt giữ và kết án vì tội tham nhũng tại Trung Quốc, và con số này chỉ gần bằng 0,25% tổng số đảng viên tại đây.

Còn tài liệu từ phía Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc thì cho biết, chỉ riêng năm 2015, họ đã xử lý 300.000 quan chức. Theo BBC, Trung Quốc công bố họ đã xử lý hơn một triệu quan tham từ năm 2014-2016, nhưng đó cũng chỉ là 1,18% tổng số đảng viên.

Thế nên, ngoại trừ vài cái tên trong các vụ đại án như Bo Xilai (Bạc Hy Lai) và Zhou Yongkang (Chu Vĩnh Khang), thì rõ ràng là chẳng có bao nhiêu “hổ và ruồi” đã bị diệt.

Trong một mô hình nhà nước, nơi mà địa vị chính trị – hoặc đơn giản chỉ là các mối quan hệ chính trị chồng chéo – mới là yếu tố quyết định cho sự thăng tiến về mặt vật chất trong xã hội, thì tham nhũng là một phần không thể tách rời.

Giáo sư Lee cho rằng, không thể nào tách tham nhũng ra khỏi cái cơ chế mà nhóm quyền lực có trong tay tất cả đất đai, vốn liếng quốc gia, và ngay cả sức lao động của nhân dân, chỉ để phục vụ cho các mục đích cá nhân.

“Đả hổ diệt ruồi” rất có thể là một câu khẩu hiệu êm tai dùng để vỗ về công chúng trong chốc lát, và còn có tác dụng đe dọa hay triệt hạ các kẻ đối lập chính trị.

Nhưng trên thực tế, chính quyền Xi Jinping không thể nào ra tay “làm sạch” chính cái cơ chế đang bảo vệ cho đảng của ông ta được. Vì đảng Cộng sản chỉ có sức hấp dẫn khi nó còn tiếp tục mang lại các lợi ích về kinh tế cho cùng một đám hổ ấy, cũng như bọn ruồi nhặng bâu theo chúng.

Nếu không, nhóm tinh hoa trong đảng có cần quan tâm là lực lượng chính trị nào đang nắm quyền lãnh đạo đất nước nữa hay không? Không được đảm bảo về lợi ích kinh tế, Giáo sư Lee nhận định, họ chắc sẽ dám đòi cả nhà nước pháp quyền, chứ chẳng thèm để mắt đến “pháp quyền XHCN” của đảng.

Trở lại vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam

Tại Việt Nam, tham nhũng cũng là một vấn đề mà cả người dân rất quan tâm.

Việt Nam cũng có không ít thông tin về những lãnh đạo rất khá giả. Trong khi đó, đảng Cộng sản Việt Nam cũng chính là lực lượng lãnh đạo kinh tế quốc gia. Liệu có phải việc đảng giao phó cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) toàn quyền quản lý các khu vực kinh tế chủ đạo, đã tạo điều kiện cho các quan chức và người nhà của họ được hưởng lợi ích, từ đó mới trở nên giàu có?

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, DNNN được giao phó nguồn lực từ vốn liếng và tài nguyên quốc gia, với những ưu đãi, đặc quyền, và hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, họ có nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn, và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền.

Thế nhưng, tuy DNNN được hưởng nhiều ưu đãi như thế, nhưng chính thành phần kinh tế này lại “đóng góp” nhiều nhất cho tổng số nợ quốc gia, vốn đang ngày càng gia tăng.

Tại Trung Quốc, mối quan hệ giữa đảng Cộng sản và nhóm tinh hoa được hưởng lợi ích chính trị và kinh tế, vốn đã không thể nào tách rời khỏi nhau nữa.

Để bảo vệ cho quyền lực của chính mình, thì đảng bắt buộc phải bảo vệ quyền lợi kinh tế của nhóm lợi ích nên không thể nào thẳng tay “ném chuột”, khi phải luôn canh cánh nỗi lo về một nguy cơ “vỡ bình”. Mà nguy cơ đó chính là, một khi không còn khả năng đáp ứng cho giới tinh hoa trong nội bộ của họ quyền lực và lợi ích kinh tế, thì vị trí lãnh đạo của đảng phải làm thế nào mới có thể duy trì được tiếp tục?

Việt Nam liệu có đang trong cùng một hoàn cảnh với Trung Quốc khi đứng trước vấn nạn tham nhũng hay không?

Tài liệu tham khảo:

Nguyen văn Lung – Tạp Chí Luật Khoa

Quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc từ lúc mở cửa dường như luôn được vận hành theo các cỗ xe tam mã

Con ngựa đầu tiên là cá thể kinh doanh – biết hoặc nhận thấy được cơ hội sản xuất và cung cấp những sản phẩm được thị trường đón nhận. Con ngựa này, tuy nhiên, lại thường thiếu vốn và tư liệu sản xuất.

Con ngựa thứ hai là công ty nhà nước – có vốn, có tư liệu sản xuất, và đặc biệt là có mối quan hệ “trọng yếu” với hệ thống ngân hàng nhà nước độc quyền.

Nhưng cả hai con ngựa này cũng không làm nên trò trống gì nếu không có được sự chấp thuận từ con ngựa thứ ba: một quan chức cầm trịch tại địa phương – người có khả năng giúp mối quan hệ công tư còn lạ lẫm thời mới mở cửa dễ dàng được hệ thống chính trị cộng sản ở địa phương “làm ngơ”.

Nền tảng phát triển kinh tế không giống ai ngay từ trứng nước này liệu có vai trò gì trong sự song hành kỳ lạ giữa tham nhũng và phát triển tại Trung Quốc? Hay nó còn có nhiều lý giải đằng sau?

Thấu hiểu căn cơ dẫn đến hiện trạng “tham nhũng nhưng phát triển” tại Trung Quốc sẽ là một phản chiếu tốt cho việc nghiên cứu tham nhũng tại Việt Nam.

“Nghịch lý Đông Á” (East Asian paradox)

Mối quan hệ kỳ lạ giữa tham nhũng và phát triển kinh tế tại Trung Quốc (và mở rộng ra là một số quốc gia Đông Á khác) luôn là một vấn đề đáng chú ý.

Làm sao Trung Quốc có thể phát triển thần kỳ đến như vậy khi mà vấn nạn tham nhũng của nước này có thể nói là đứng đầu thế giới, cả về số lượng lẫn khối lượng tài sản tham nhũng? Đây luôn là một câu hỏi gây khó dễ cho các nhà nghiên cứu trong suốt hai thập niên trở lại đây.

Nhiều học giả Trung Quốc thừa nhận, về lý thuyết, tham nhũng là trở ngại phổ biến nhất và lớn nhất đối với sự phát triển của một quốc gia. [2] Một lượng tài sản khổng lồ, thay vì được đẩy vào thị trường, vào sản xuất và các hoạt động sinh lợi khác, lại bị đưa vào túi riêng của các quan chức.

Điều này làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh, cản trở và tạo ra khó khăn cho các hoạt động hành chính đơn giản nhất.

Giới học giả Trung Quốc tất tả đi tìm lý do, và họ nhận thấy hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Trung Quốc.

Nghiên cứu đầu tiên sử dụng thuật ngữ “East Asian paradox” (và cũng thường được trích dẫn nhiều nhất) có tên gọi “Development and corruption: The East Asian paradox” của Andrew Wedeman. Được xuất bản vào năm 2002, nghiên cứu ghi nhận lại hiện tượng nghịch lý khi những quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc hay Thái Lan phát triển như vũ bão mặc cho tham nhũng lan rộng. [3]

Vào năm 2004, nghiên cứu khác của hai tác giả Rock và Bonnett tìm ra được một số đặc trưng còn thú vị hơn.

Họ nhận thấy đối với các quốc gia đang phát triển, tham nhũng sẽ chỉ gây hại cho những nước có quy mô dân số và kinh tế nhỏ. Còn với các quốc gia có quy mô lớn và vừa công nghiệp hóa (như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc), tham nhũng và phát triển lại được cho là có mối quan hệ tịnh tiến thuận chiều. 

Như vậy, nghịch lý tham nhũng nhưng phát triển là một hiện tượng kinh tế – chính trị – xã hội xảy ra không chỉ ở Trung Quốc. Song nhiều người đồng thuận rằng Trung Quốc có lẽ là trường hợp điển hình và kỳ lạ nhất, khi mà kể từ thập niên 1980, tốc độ tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới này là tròm trèm 10%. Cùng lúc đó, quan lại Trung Quốc là tầng lớp hưởng lợi và “ăn trên ngồi trước” đối với những thành quả mà nền kinh tế mở cửa mang lại.

Trung Quốc và phần còn lại

Để hiểu vì sao Trung Quốc khác biệt, chúng ta cần hiểu khái niệm “developmental corruption”, hay mô hình “tham nhũng thịnh vượng hóa”. 

Đây là mô hình thường thấy ở hầu hết các con rồng châu Á như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Hiểu đơn giản, tham nhũng tại những quốc gia này được thể chế hóa bằng mối quan hệ chính trị khăng khít giữa các chính đảng và giới thương chủ, tài phiệt, và đại tư bản.

Trong đó, sau khi đầu tư và tìm kiếm các nguồn lợi phát triển kinh tế,  giới kinh doanh, tư bản dùng một lượng tiền thu được để xây dựng và củng cố sự lớn mạnh của các chính đảng thủ cựu về mặt xã hội – chính trị, có xu hướng thả lỏng quy định về lao động/ phúc lợi, tạo mọi điều kiện cho hoạt động kinh doanh và tích lũy của cải của doanh nghiệp.

Nói cách khác, họ là các chính đảng cánh hữu.

Như vậy, tham nhũng tại những quốc gia này có thể cực kỳ trầm trọng và tạo nên hệ thống dây mơ rễ má chính trị không thể cắt đứt. Việc bỏ qua nhiều yêu cầu về lao động và phúc lợi cũng thường xuyên gây ra những xung đột và khủng hoảng quyền dân sự. Song có một điều chắc chắn là cả bộ máy, dù tham nhũng, lại hoạt động theo hướng ủng hộ các chính sách kinh tế vĩ mô, mở rộng cơ hội làm ăn và phát triển kinh tế.

Lee Jae-yong, người đứng đầu tập đoàn Samsung, bị bắt tại Hàn Quốc vào năm 2017 với cáo buộc tham ô và đưa hối lộ. Ảnh: Getty.

Tham nhũng ở những nước trên là một điều kiện cần (precondition) để phát triển kinh tế nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này xảy ra không phải vì tham nhũng tạo động lực cho phát triển. Theo cách lý giải của tác giả Chalmers Johnson, vấn đề ở chỗ nếu thiếu vắng các hoạt động tham nhũng này, sự bất ổn chính trị của hệ thống thượng tầng và bộ máy hành chính thiếu hiệu quả sẽ làm giảm, hoặc thậm chí là gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế. 

Như vậy, tham nhũng thịnh vượng hóa, hay cũng thường được tiếp cận với khái niệm “tham nhũng cấu trúc” (structural corruption), là tổng hòa mối liên minh chính trị lợi ích giữa một chính quyền, chính đảng cánh hữu và các đồng minh thương mại của mình.

Chính quyền ban hành các chính sách tạo mọi điều kiện cho những nhà tài phiệt, kinh tế mở rộng kinh doanh và thu lợi nhuận. Chỉ số GDP từ đó tăng cao.

Đổi lại, giới doanh nghiệp và tài phiệt đổ tiền vào những chính trị gia/ chính đảng cánh hữu này để bảo đảm rằng họ có thể tiếp tục giữ vững vị thế chính trị và tạo ra không gian chính sách phù hợp để giới chủ có thể thu được lợi ích kinh tế một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Như vậy, đối với các quốc gia có mô hình “developmental corruption”, chúng ta có thể lý giải phần nào đó nghịch lý giữa tham nhũng và phát triển kinh tế thần tốc. Trong một số trường hợp (nền kinh tế mới, có nhiều nguồn đầu tư, phát triển kinh tế hữu cơ, v.v.), tham nhũng vừa giúp bôi trơn những tranh chấp chính trị, vừa giúp giảm thiểu rào cản quan liêu cho các quyết định có lợi cho việc phát triển kinh tế thần tốc.

Tuy nhiên, tham nhũng ở Trung Quốc lại không phải là tham nhũng thịnh vượng hóa.

Lịch sử của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy họ chỉ sử dụng vũ lực để xác lập quyền lực. Với bản năng của một tập đoàn chính trị cánh tả, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng chưa bao giờ cần đến mối liên minh với giới thương chủ để duy trì quyền lực, rồi từ đó buộc phải xây dựng các chính sách ủng hộ tuyệt đối sự phát triển và bành trướng của giới thương chủ.

Hoàn toàn trái ngược với những con rồng châu Á khác, tham nhũng tại Trung Quốc đa phần mang hình dạng “tham nhũng săn mồi”, hay “predatory corruption”.

Tại đó, những cá nhân, nắm các vai trò và vị trí nhất định trong bộ máy nhà nước, bòn rút lợi ích kinh tế từ sự phát triển chung.

Tuy nhiên, điều này càng khiến mối liên hệ giữa tham nhũng và phát triển kinh tế tại Trung Quốc đặc biệt.

Nó có thể là mô hình nhà nước duy nhất nơi tham nhũng săn mồi có thể đồng hành với phát triển kinh tế.


 

Huỳnh Cộng Đương – Tạp Chí Luật Khoa

6-4-2022

Một trong những tài phiệt bất động sản lớn nhất Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, vừa bị bắt vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. [1] So với nền tảng kinh tế/ tư bản mà ông Quyết gầy dựng được qua hàng chục năm thông qua bất động sản, đây là hành vi có vẻ không đáng lắm. Nhân dịp này, chúng ta có thể nghĩ lại một chút về sự an toàn được bảo đảm cho các ông hoàng bất động sản ở Việt Nam.

Sự thống trị của giới tài phiệt bất động sản trong bảng danh sách “nhà giàu” tại Việt Nam không phải là mới. Nhưng có thể nói, chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam (dám) giúp người dân hiểu được những vấn đề đằng sau hệ thống và mô hình tham nhũng liên quan đến đất đai tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Trung Quốc, các lý thuyết, thông tin và số liệu để nghiên cứu tham nhũng trong đất đai có thể nói là được hình thành từ rất sớm và rất bài bản.

Trong bài viết này, người viết xin giới thiệu đến bạn đọc nghiên cứu có tên gọi “The shadow of the skyscrapers: Real estate corruption in China”, được đăng tải trên tạp chí The Journal of Contemporary China. Tác giả của nghiên cứu này là Tiến sĩ Jiangnan Zhu thuộc khoa Chính trị và Quản lý công của Đại học Hongkong.

Dù đã được xuất bản cách đây 10 năm (năm 2012), tài liệu này vẫn có giá trị tham khảo hữu ích, giúp người đọc thấy rằng chính quyền Bắc Kinh và các nhà khoa học Trung Quốc dường như vẫn nắm đằng chuôi, có khả năng thấu hiểu và kiểm soát, dự đoán xu hướng tham nhũng trong cấu trúc bộ máy nhà nước quốc gia – một điều rất khác biệt so với Việt Nam.

*** 

Nghiên cứu bắt đầu với các thảo luận về lý thuyết tham nhũng tại Trung Quốc – và cũng là một trong những điểm khiến người viết thích thú với nghiên cứu này. Tác giả Jiangnan Zhu phân tích rằng các nghiên cứu ở Trung Quốc từ lâu đã hình thành hai khái niệm “tham nhũng tập trung” (centralised corruption) và “tham nhũng phi tập trung” (decentralised corruption).

Theo đó, tham nhũng càng tập trung thì được cho là… càng tốt, càng khả quan. Lý do giới nghiên cứu đưa ra là vì tham nhũng tập trung là môi trường tham nhũng mà “quyền tham nhũng” chỉ bị một số nhóm nhỏ các quan chức, vị trí và thẩm quyền tập trung ở trung ương độc chiếm.

Bản thân điều này không phải là tốt lành gì. Tuy nhiên, nếu so sánh các môi trường tham nhũng với nhau, tham nhũng tập trung giúp cho chính quyền và các cơ quan chấp pháp chính thống luôn có thể “nắm đầu” và “trích xuất” nguồn lợi từ những đầu mối tham nhũng và từ đó “sung công quỹ”.

Ngược lại, “tham nhũng phi tập trung” là tình trạng tham nhũng mà khả năng thao túng và tham nhũng lan ra khỏi những vị trí, cơ quan trung ương. Nói cách khác, đây là môi trường mà trong các vị trí nhà nước, ai cũng có thể tham nhũng bởi quyền lực nhà nước được phân tán ra các khu vực, địa phương. Nó diễn ra trong bối cảnh các công cụ kiểm soát quyền lực chính quyền chưa được xây dựng thành công, trong khi tư duy và văn hóa dân chủ – dân quyền cũng chưa hình thành trong quần chúng.

Vì lý do khác biệt nói trên, các học giả Trung Quốc cho rằng “tham nhũng tập trung” là thứ tham nhũng dễ chịu nhất, và thậm chí là có lợi nhất đối với một chính quyền nếu họ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề tham nhũng.

Tuy nhiên, tác giả Jiangnan Zhu cũng nhìn nhận là quá trình phi tập trung hóa kinh tế và quản lý nhà nước tại Trung Quốc (nhưng có thể là không đi kèm các biện pháp tăng cường dân chủ cơ sở và các công cụ giám sát tham nhũng tập thể – theo ý kiến của người viết) đã khiến cho tham nhũng phi tập trung tăng lên và từ đó gây trở ngại cho việc kiểm soát tham nhũng đất đai ở đại lục, ít nhất là tính đến năm 2012.

Dù còn nhiều điều để bàn, cách tiếp cận của các học giả Trung Quốc về vấn đề tham nhũng có thể nói là ấn tượng. Cho đến nay người viết không tìm được phương pháp hệ thống và cách tư duy tương tự tại Việt Nam.

Sau khi phân tích các lý thuyết và xu hướng áp dụng lý thuyết về tham nhũng vào bối cảnh Trung Quốc, tác giả bắt đầu phân tích thực trạng tham nhũng đất đai, tìm cách giải thích nó dựa trên lịch sử thay đổi định chế pháp lý và phương pháp quản lý.

Đầu tiên, bà cho rằng việc mở rộng thẩm quyền cho nhiều chủ thể nhà nước liên quan đến các dự án bất động sản, đất đai và các vấn đề liên quan làm tăng số lượng cán bộ, công chức có khả năng tham gia vào hoạt động tham nhũng này.

Như vậy, tác giả nhìn nhận việc tăng tham nhũng ngắn hạn không hẳn là chỉ dấu để đánh giá sự suy giảm của năng lực quản lý hệ thống (erosion of state capacity) mà là hệ quả không mong muốn (và không kiểm soát được) của quá trình phân bổ quyền lực nhà nước về địa phương.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ các công chức tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản trong tổng số công chức tham nhũng được phanh phui trên báo chí, giai đoạn 1995 – 2007. Nguồn: Nghiên cứu “The shadow of the skyscrapers: Real estate corruption in China”.

Theo thống kê của tác giả, trong tổng số các trường hợp công chức tham nhũng, số có hành vi tham nhũng trong ngành bất động sản ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Con số này tăng mạnh trong các giai đoạn mà chính quyền trung ương thử nghiệm hoặc cải cách tản quyền. Quá trình tư hữu hóa nhà ở cũng khuyến khích tăng đầu tư xã hội vào ngành bất động sản, và từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng.

Bà cũng cho biết trong giai đoạn này, các nhà phát triển bất động sản phải chi tiền cho tất cả các mắt xích của tiến trình cấp phép, khiến cho tổng chi phí “bôi trơn” trong nhiều trường hợp tăng lên đến 15% tổng giá trị dự án.

Trên cơ sở đó, tác giả bắt đầu tìm hiểu các “mắt xích” này, xem họ là những ai trong mô hình xét duyệt các dự án bất động sản.

Sơ đồ hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình hình thành và hoàn thiện một dự án bất động sản. Nguồn: Nghiên cứu “The shadow of the skyscrapers: Real estate corruption in China”.

Bà lập biểu đồ, thống kê, và đơn giản hóa cấu trúc phức tạp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia vào quá trình hình thành và hoàn thiện một dự án bất động sản. Từ cấp trung ương với ba cơ quan lớn là Bộ Xây dựng, Bộ Đất đai và Tài nguyên, cùng chính quyền cấp tỉnh/ trực thuộc trung ương, cho đến các cơ quan cấp địa phương và hàng loạt các phòng ban, người đọc dần tưởng tượng ra được dây mơ rễ má và độ phức tạp của những yêu sách tham nhũng mà các nhà phát triển địa ốc đối mặt khi muốn đầu tư vào ngành kinh doanh này.

***

Với hệ thống thông tin nền tảng có vẻ rất đầy đủ, tác giả bắt đầu phân tích các phương pháp kiểm soát và giải quyết tham nhũng đất đai tại Trung Quốc.

Dường như tác giả cho rằng các biện pháp “cải cách” mà chính quyền Trung Quốc đặt ra nhắm quá nhiều đến nhà đầu tư, trong khi đó không giải quyết ngọn ngành được câu chuyện quyền lực của các cơ quan, cán bộ.

Ví dụ, bà liệt kê một số biện pháp giải quyết lãng phí đất tại Trung Quốc, bao gồm quy định điều kiện tiên quyết để được giao đất thực hiện dự án là phải đóng đầy đủ tiền thuê đất và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước. Sau đó, họ chỉ có thể chuyển giao, bán lại hạ tầng nếu đã đầu tư ít nhất 25% tổng giá trị dự án. Ngoài ra, nếu trong vòng hai năm mà chủ đầu tư không hoàn thiện dự án, quỹ đất được giao sẽ bị thu hồi.

Những phương án này giúp hạn chế đầu cơ đất (land speculation) tại Trung Quốc vào thập niên 1990 và 2000, nhưng chúng không thể giải quyết vấn đề căn cơ của tham nhũng đất đai. Tác giả chỉ ra rằng nhà nước tiếp tục vừa đá bóng, vừa thổi còi trên hàng loạt các công đoạn của dự án bất động sản: vừa là người phân phối đất, vừa quản lý cơ chế cấp phép xây dựng, vừa là người giám sát, vừa là người nghiệm thu, v.v.

Vấn nạn tham nhũng trong các dự án bất động sản, theo đó, không chỉ dừng lại ở vấn đề giao đất, lập quỹ đất, đấu thầu hay quản lý đầu tư. Tác giả cho rằng mầm mống tham nhũng đã lan sang các cơ chế quản lý tinh vi hơn như thiết kế và quy hoạch đô thị, hay xây dựng chiến lược đô thị với tầm nhìn dài hạn.

*** 

Có thể sẽ có bạn đọc không hoàn toàn hài lòng với lượng thông tin mà nghiên cứu này đưa ra. Song ở một mức độ nào đó, chúng ta nhận thấy được sự thấu hiểu và tinh tường của giới nghiên cứu Trung Quốc về các hoạt động tham nhũng tại quốc gia này, từ việc hình thành lý thuyết để hiểu chúng cho đến tìm được những con số thực tiễn để mô tả chúng.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu tương tự, dù ở trong hay ngoài nước, hiện vẫn bị xem là bất khả thi. Cách hiểu của người Việt Nam về tham nhũng cũng chỉ giới hạn trong những thông tin mà báo chí được phép đăng, theo từng vụ việc.

Mười năm đã trôi qua kể từ khi nghiên cứu này ra đời. Các nghiên cứu mới và hiểu biết của Trung Quốc về vấn nạn tham nhũng trong ngành bất động sản chỉ tăng thêm kể từ đó.

Trong khi tại Việt Nam, đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xem tham nhũng trong ngành bất động sản là một đối tượng của nghiên cứu khoa học.

Đó mới là điều thật sự đáng lo.


Đọc thêm:

Tham nhũng thể chế: Vì sao kỳ công “đốt lò” của ông Trọng là vô nghĩa trong dài hạn

Tư bản thân hữu và mối liên hệ với thể chế của Việt Nam

 

 

Khi các nhà tài phiệt đổ tiền ra để “giúp đời”.

 By   

Minh họa: Luật Khoa. Ảnh gốc: VnExpress, Plutocracy.

 

Giải thưởng Khoa học VinFuture chuẩn bị được trình làng (từ ngày 18 đến ngày 21/1) với những lời có cánh từ giới khoa học quốc tế.  Cùng lúc, ông Phạm Nhật Vượng xuất hiện trở lại trước báo giới sau nhiều năm vắng bóng để nói về tham vọng “để lại gì đó cho đời” thông qua các chương trình được tài trợ bởi nguồn tư bản khổng lồ. 

Giới nghiên cứu có một thuật ngữ riêng để chỉ việc các nhà tài phiệt như ông chủ Vingroup đang làm: đổ tiền ra với danh nghĩa giải quyết các vấn đề xã hội. Đó là “thiện nguyện tài phiệt” (plutocratic philanthropy).

Liệu hiện tượng này đã chính thức hình thành ở Việt Nam chưa? Đó có phải là chỉ dấu của một nền chính trị tài phiệt không xa?

Tài phiệt và chế độ tài phiệt là gì?

Nhà tài phiệt, giới tài phiệt có từ tiếng Anh tương đương là “plutocrat”. Từ đó chúng ta có “plutocracy”, dịch là chế độ tài phiệt. Đây không phải là thuật ngữ xa lạ trên cửa miệng người Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất của thuật ngữ này từ hướng tiếp cận chính trị học.

“Plutocracy” là từ có gốc Hy Lạp, kết hợp giữa “sự giàu có” ( πλοῦτος, ploutos, wealth) và “quyền lực” (κράτος, kratos, power). Sự kết hợp đơn giản ngữ nghĩa của hai từ này gợi mở cho chúng ta một mô hình nhà nước nơi mà tầng lớp thượng lưu (sở hữu nhiều tiền của, tư liệu sản xuất) kiểm soát và chi phối quyền lực trong xã hội.

Nhưng người giàu can thiệp đến đâu vào các hệ thống thiết chế nhà nước thì mới bị xem là một nền chính trị tài phiệt? Và nền chính trị bị lũng đoạn đến đâu mới bị gọi là chế độ tài phiệt – “plutocracy”?

Đây là vấn đề còn tranh cãi và vẫn đang được nhiều người nghiên cứu.

Một số cho rằng sự tham gia hay can dự trực tiếp một cách thường xuyên của các nhà tư bản là minh chứng rõ ràng của chế độ tài phiệt. 

Trên cơ sở này, việc Trump ứng cử và đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ; hay việc những tỷ phú Mỹ kim như Michael Bloomberg hay Tom Steyer tích cực tham gia tranh cử (dù thất bại) cho thấy một phần tính chất của một nền chính trị tài phiệt. [3]

Tuy nhiên, bản chất của nền chính trị tài phiệt được cho là có thể ẩn mình và bám rễ sâu rộng hơn thế.

Ví dụ, trong chương “Economic Inequality and Political Representation” của quyển sách “Unequal Democracy” (tạm dịch: Nền dân chủ không công bình), [4] giáo sư Larry Bartels khảo sát các ưu tiên chính sách của ba nhóm thu nhập tại Hoa Kỳ: thấp, trung bình và cao. Kế đó, ông cân đối những ưu tiên và mong muốn chính sách của ba nhóm thu nhập này với xu hướng bỏ phiếu của các đại diện dân cử của Nghị viện Hoa Kỳ trong thập niên 1990 và 2010.

Kết quả mà Bartels nhận được là xu hướng bỏ phiếu (tức việc hình thành chính sách từ phía cơ quan lập pháp) tiệm cận với ưu tiên của nhóm thu nhập nhiều hơn cả.

Như vậy, chế độ tài phiệt không nhất thiết phải là người giàu làm lãnh đạo nhà nước, quốc gia. Việc người giàu sử dụng các nguồn lực kinh tế để chi phối các kênh truyền thông, tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu chính sách, hỗ trợ các nhóm hoạt động theo lựa chọn của họ, từ đó thúc đẩy các diễn ngôn và ưu tiên chính trị của họ – tất cả đều là những hành vi có thể tạo nền tảng cho một nền chính trị tài phiệt.

Minh họa: iStock.

Ngoài ra, cũng không thể nói về chính trị tài phiệt mà không nhắc đến hệ thống chaebol mang đậm phong cách Hàn Quốc. Trong hệ thống này, vai trò của các đại tư bản khuynh đảo gần như toàn bộ hệ thống tài chính, hạ tầng, nền tảng xuất nhập khẩu, các mối quan hệ lao động, tư liệu sản xuất trong nền kinh tế. Như vậy, dù công cuộc dân chủ hoá và hệ thống dân chủ Hàn Quốc có thể nói là không tồi, sự lệ thuộc của nền kinh tế Hàn Quốc vào sức mạnh của các nhóm tài phiệt cũng để lại nhiều vấn đề về nền tảng kiến trúc xã hội trong tương lai.

Tài phiệt tại Việt Nam và câu chuyện “thiện nguyện tài phiệt”

Với cách định nghĩa ở trên, câu hỏi đặt ra là liệu nền chính trị tài phiệt đã có tồn tại ở Việt Nam hay không?

Câu trả lời, theo quan điểm của người viết, là cả không và .

Không, bởi vì tính chất các thành phần kinh tế Việt Nam vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào “hồng ân” của nhà nước.

Trong bài viết về tư bản thân hữu lần trước, chúng ta đã khẳng định hầu hết các nhà đại tư bản, doanh nghiệp Việt Nam gần như không thể thoát khỏi vòng kim cô của chính quyền nếu muốn đạt đến một mức độ tích luỹ tư bản nhất định. 

Điều này rất khác với lịch sử và sự hình thành của nền chính trị tài phiệt, nơi tự do và bình đẳng kinh tế dẫn đến sự tích luỹ của cải và sự hình thành tự nhiên của một nhóm các nhà tư bản. Sau đó, nhóm này quay trở lại tìm cách can thiệp vào hệ thống chính trị và tìm cách thao túng các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, câu trả lời cũng có thể là có.

Như chúng ta đã nói ở phần định nghĩa, nền chính trị tài phiệt không đơn thuần là việc giới nhà giàu bơm tiền trực tiếp để lũng đoạn chính trị quốc gia. Việc họ tài trợ, chi tiền cho rất nhiều các hoạt động kinh tế – chính trị – xã hội khác cũng có thể dẫn đến nền tảng tư duy và văn hoá cho chính trị tài phiệt.

Thứ này được các nhà khoa học chính trị xã hội gọi là “plutocratic philanthropy”, tạm dịch là “thiện nguyện tài phiệt”. [6]

Hoạt động dưới danh nghĩa giải quyết các vấn đề xã hội, các tổ chức này do những hội đồng uỷ thác tư nhân riêng biệt quản trị. Họ nhận những ưu đãi thuế nhất định, tồn tại gần như vĩnh viễn, nhưng không chịu bất kỳ ràng buộc dân chủ nào.

Sẽ có người cho rằng tiền của người ta, người ta đã mang ra giúp xã hội thì còn ý kiến gì. Tuy nhiên, việc đẩy tiền ra ngoài xã hội với danh nghĩa tốt không đồng nghĩa rằng mục tiêu hay kết quả của hành động đó sẽ là tốt. Chưa kể đến việc ai sẽ giải quyết hệ quả xã hội và chính trị nếu có của các chương trình thiện nguyện đó.

Lấy ví dụ một nghiên cứu về giống cây trồng năng suất cao của một tổ chức thiện nguyện cung cấp vốn chuyển đổi và giống miễn phí cho người nông dân. Chương trình này sau cùng thất bại vì một số lý do (như thị trường không ưa thích giống mới bằng các giống cũ), vì vậy, những người nông dân tham gia chương trình không thể thu lợi nhuận như kỳ vọng, dẫn đến các hệ quả tài chính – kinh tế đối với gia đình họ.

Các tổ chức thiện nguyện, với nguồn lực khổng lồ nhưng không có gì để mất, sẽ nhảy ngay sang một dự án khác. Nhưng những người dân thì không có cơ hội ấy. Việc quay lại với cuộc sống trước đó cũng không phải dễ dàng.  Ai sẽ chịu trách nhiệm về chuyện này?

Đây chỉ là một ví dụ cực đoan cho tác hại và trách nhiệm của các dự án thiện nguyện do giới siêu giàu kiểm soát.

Còn lại, như rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, hàng tỷ Mỹ kim đổ vào các chương trình thiện nguyện tư nhân một cách có ý đồ sẽ có thể định hình các thảo luận chính trị, thao túng giới học thuật – các nhà nghiên cứu, và thậm chí định hình chính sách. 

Tương tự như câu chuyện Mark Zuckerberg tặng 100 triệu Mỹ kim cho hệ thống trường Newark vào năm 2010, [8] hay sự can thiệp dài hạn của các tỷ phú như Eli Broad, Bill và Melinda Gates; các khoản chi khổng lồ dưới tính chất quỹ thiện nguyện của Vingroup chắc chắn đang mở cánh cửa vào con đường thiện nguyện tài phiệt tại Việt Nam.


 

Theo Bao Bưu Điện Hoa Nam,    ngày 21-5-2023

Lộ Hội Anh

Cơn bão chống tham nhũng ở Trung Quốc đang tung hoành, với hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng nhà nước và cán bộ tài chính bị điều tra trong năm nay, trong khi các quan chức chính phủ và nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về tài sản gia đình và hành vi kinh doanh của họ.

Ngoài cơ chế kê khai tài sản hàng năm, đây là một số công cụ độc đáo mà các thanh tra kỷ luật và công tố viên Trung Quốc có thể sử dụng trong ván bài chống tham nhũng của họ.

1. Tiền Nhân dân tệ bằng số

Trung Quốc là quốc gia đi đầu thế giới trong việc thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và đồng nhân dân tệ điện tử của nước này, còn được gọi là e-CNY , đã được sử dụng ở hơn 26 thành phố thí điểm, với hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,3 tỷ USD). ) giá trị giao dịch được báo cáo cho đến nay.
 

Mặc dù nó chủ yếu được chỉ định cho các khoản thanh toán bán lẻ nhỏ như thanh toán tiện ích hoặc đặt một tách cà phê, nhưng nó thực sự có thể được sử dụng trong các tình huống khác như thương mại xuyên biên giới, chi tiêu của công ty, bảng lương và các khoản vay ngân hàng.

Hong Yong, một thành viên của viện nghiên cứu của Bộ Thương mại, cho biết vào năm ngoái: “Khả năng truy xuất nguồn gốc của tiền kỹ thuật số có thể được sử dụng để ngăn chặn và chống lại các khoản khấu trừ thanh toán và tham nhũng một cách hiệu quả”.

Suy đoán về việc sử dụng nó cho mục đích chống tham nhũng gia tăng khi Trường Thục, thành phố 1,5 triệu dân ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, tuyên bố vào tháng 4 rằng công chức và các nhân viên khu vực nhà nước khác sẽ nhận lương bằng đồng nhân dân tệ điện tử bắt đầu từ tháng 5.
 

Thông báo này ngay lập tức làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư của các quan chức địa phương, đặc biệt là về việc họ chi tiêu ở đâu và bao nhiêu mỗi ngày, đồng thời nó có thể làm sáng tỏ việc mua những món đồ xa xỉ hoặc những bữa tiệc cầu kỳ.

Trung Quốc đã xử tử Lai Xiaomin, cựu chủ tịch của China Huarong Asset Management, vào năm 2021 sau khi hàng triệu nhân dân tệ được tìm thấy trong nhà của ông ta (ảnh). Ảnh: Tân Hoa Xã
Những vụ án tham nhũng bị phanh phui trước đây thường có rất nhiều tiền mặt hoặc vàng thỏi cất giữ trong két sắt. Chẳng hạn, phó trưởng phòng của nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc, Wei Pengyuan , bị phát hiện giữ số tiền mặt trị giá 200 triệu nhân dân tệ ở nhà vào năm 2014.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt những lo ngại như vậy bằng cách nói rằng sẽ có một “sự ẩn danh được quản lý” và nó cũng sẽ áp đặt một cơ chế bảo vệ thông tin.

Hiện tại, tất cả người dùng số điện thoại của Trung Quốc đều phải đăng ký tên thật – điều bắt buộc để mở ví kỹ thuật số, giúp chúng có thể theo dõi được.

2. Hệ thống đăng ký bất động sản quốc gia
Tháng trước, Trung Quốc công bố rằng hệ thống đăng ký bất động sản thống nhất và quốc gia đã được hoàn thành sau nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ và hơn 790 triệu giấy chứng nhận đăng ký bất động sản đã được cấp trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giúp Bắc Kinh điều tiết thị trường nhà đất và áp thuế tài sản trong tương lai, nhưng nó có thể giúp các thanh tra viên – nếu họ được phép truy cập vào hệ thống – xem xét tài sản nhà ở của các quan chức, vợ/chồng, anh chị em hoặc con cái của họ.

Nhà ở là tài sản lớn của người Trung Quốc, nhưng thế hệ người trưởng thành trẻ tuổi đang nhận ra rằng bất động sản không còn là nguồn tài sản lớn như trước đây.

Trong những ngày đầu đăng ký bất động sản tại địa phương, nhiều quan chức bị phát hiện nắm giữ nhiều tài sản hơn mức họ có thể mua được. Ví dụ, một nhân viên thực thi pháp luật đô thị ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, bị phát hiện sở hữu 21 bất động sản vào năm 2012, gây phẫn nộ trên mạng và khiến chính phủ ngay lập tức phải điều tra. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến lệnh cấm tìm kiếm trái phép cơ sở dữ liệu địa phương và tiết lộ thông tin.

 
3. Truy quét rửa tiền, cấm tiền điện tử

Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã tăng cường trừng phạt các tổ chức tài chính vì vi phạm các quy tắc chống rửa tiền, với 670 giấy phạt, tổng số tiền phạt là 528 triệu nhân dân tệ, chỉ tính riêng trong tháng Hai.

Ví dụ, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã bị phạt 200 triệu nhân dân tệ trong tháng đó.

Vào đầu năm ngoái, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã yêu cầu những người gửi hoặc rút tiền mặt một lần vượt quá 50.000 nhân dân tệ, tương đương 10.000 USD bằng ngoại tệ, phải báo cáo nguồn và mục đích sử dụng số tiền. Tuy nhiên, chính sách này đã bị đình chỉ do “vấn đề kỹ thuật”.

Trong khi đó, quy định về “giao dịch đáng ngờ” vẫn tiếp tục. Các ngân hàng thường phải báo cáo bất kỳ giao dịch lớn nào, phần lớn được xác định là những giao dịch trên 50.000 nhân dân tệ, cho cơ quan quản lý.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cấm khai thác tiền điện tử như bitcoin. Trao đổi tiền kỹ thuật số và giao dịch nội địa của họ cũng bị cấm.

Vào tháng 12, 63 người đã bị bắt vì rửa 1,7 tỷ USD bằng tiền điện tử .
 
Lời Bàn của Kẻ đi tìm
 
– Trung Quốc luôn là đàn anh mở đường tiên phong kể cả trong lãnh vực chông tham nhũng cho chính quyền Cộng Sản đàn em là chính phủ CHXHCN Việt Nam.  Phương tiện chống tham nhũng bằng cách chống khai báo tài sản tiền mặt, bất động sản và chống rửa tiền bắt đầu được thí điểm tại Việt Nam.
 
Nguyên Chủ tịch HĐQT Viettin Bank bị kỷ luật cách chức bí thư tỉnh ủy Bến Tre vì khai báo tài sản không trung thực, 
 
– Việt Nam chưa kiểm tra tài sản bằng kỹ thuật số mà mới thí điểm cho bốc thăm trúng khai báo và kiểm tra sau khai báo.
– Trong 25.000 bản kê khai tài sản của cán bộ gộc chỉ mới phát hiện ra có 5 trường hợp chưa trung thực, nếu thực hiện bằng kỹ thuật số thì nó phăng ra đến hàng trăm, hàng ngàn hoặc hơn nữa.
 
Ảnh minh họa - Ảnh: DAD
 
Giỏi ghê, đại đa số cán bộ đã biết chuẩn bị tốt cho người nhà đứng tên tài sản tậu được từ tiền của mình. Chà, thoát lò kỳ này rồi! Hẹn đến kỳ sau vậy.


Được xem 3 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay