Lối sống từ xa hoa đến phung phí của những đại công tử miền Nam xưa

Kimtrong Lam

Miền đất Nam Bộ có rất nhiều lịch sử được ghi nhận lại và hiển nhiên, có một phần không thể thiếu góp phần tạo nên sự phong phú của lịch sử chính là sự xuất hiện của những đại công tử nổi tiếng với lối ăn chơi phung phí bậc nhất….

Bay sang Thái “hóng mát”, Hắc Công Tử đốt 200.000 giạ lúa

Trần Trinh Huy (1900 – 1973) hay còn được gọi là Ba Huy – nổi tiếng là tay chơi khét tiếng phóng túng Sài Gòn và miền Nam. Ở Việt Nam của những năm thập niên 1930 – 1940 phải nói là không có đối thủ. Mức độ vung tiền tiêu xài của ông rất nổi danh, xếp hạng đầu bảng trong số các Công tử Bạc Liêu thời bấy giờ, đến nỗi khi nói đến thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” người ta thường liên tưởng đến ông.

Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, ở thời điểm mà thực dân Pháp đã ổn định về mặt tổ chức ở vùng đất Nam Kỳ. Ông Trần Trinh Trạch (cha của Trần Trinh Huy) trở nên giàu có từ việc chia ruộng và cho vay nặng lãi, ông xây dựng được mối quan hệ tốt cùng người Pháp nên được ưu tiên cho những mẫu đất tốt nên gia sản ngày càng nhiều. Mọi tay nhà giàu thời đó đều theo trào lưu cho con du học Pháp nhưng hầu hết các vị công tử đều bị ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội nên thường đi vào con đường tay chơi. Và hiển nhiên, chẳng ai có thể chơi lại những công tử Bạc Liêu, về sau, thành ngữ này lại được dành riêng cho Trần Trinh Huy vì chẳng có công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính cùng độ phóng túng của vị công tử này.

Ngoài cái quý danh Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử). Cậu Ba Huy từng xin cha mẹ cho đi du học Pháp thay vì lên Sài Gòn học trường Tây, nhưng thay vì học hỏi kiến thức khoa học như cha mẹ kỳ vọng, cậu Huy lại chỉ thích học những thú ăn chơi ở phương Tây như lái máy bay, lái xe, nhảy đầm, tango…Ngày về nước, cha mẹ gặng hỏi con trai về bằng cấp đại học mà cậu đạt được sau ba năm thì cậu Ba Huy lại kể ra một người vợ Pháp và đứa con nhỏ được gửi lại Paris.

Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác nên cậu khá được lòng mọi người. Với người Pháp, Ba Huy cũng rất sòng phẳng, đã hứa những gì thì sẽ làm thế ấy. Song song với bản tính phóng khoáng được người yêu mến thì Ba Huy lại có thói tiêu tiền như rác. Ba Huy được biết nhiều đến với lối sinh hoạt cực kỳ xa xỉ, luôn diện lên mình những bộ cánh đắt đỏ nhất, tham gia những bữa tiệc xa hoa nhất, ngồi trên những chiếc xe đẳng cấp nhất.

Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, kính, gậy.

Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Ở thời điểm ấy, toàn Việt Nam chỉ có 2 chiếc, Ba Huy và vua Bảo Đại, nếu không tính máy bay của vua Bảo Đại là được trang bị riêng từ ngân khố quốc gia, thì Ba Huy chính là người Việt đầu tiên có máy bay riêng. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí tranh lái với phi công Pháp, bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa. Báo hại ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc cậu quý tử về.

Còn nữa, Công tử Bạc Liêu vốn là người ham vui nên những cuộc chơi nổ trời không thể nào thiếu sự góp mặt của cậu. Trần Trinh Huy thường lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh. Cứ mỗi chủ nhật ông đều đi nghỉ cuối tuần ở Vũng Tàu, Đà Lạt hoặc về Cần Thơ. Ngoài ra, Ba Huy còn là một kẻ mê cờ bạc, có lần ông tham gia đánh một cây bài lên đến 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ và lương của Thống đốc Nam Kỳ thời đó còn chưa tới 3.000 đồng/tháng.

Bạch Công Tử lấy tiền làm củi để gỡ gạc thể diện

Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước (1901 – 1950) – là một tay chơi nổi tiếng ở miền Nam những năm của thập niên 1920, 1930. Ông thường được gọi là George Phước, còn cái tên Bạch công tử là để phân biệt với Công tử Bạc Liêu Ba Huy.

Vốn là người rất mê cải lương nên thời gian du học tại Pháp, ông từng học ngành sân khấu. Khi về nước, ông hợp tác cùng với Nguyễn Ngọc Cương để lập ra gánh hát Phước Cương, tại đây quy tụ được nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo… Nhưng chỉ một năm sau, George Phước tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ,… Theo nhiều tài liệu ghi nhận lại, đây cũng chính là gánh hát có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ và cô đào kép nổi tiếng Phùng Há là vợ của Bạch công tử.

Nếu Hắc công tử đốt hết số tiền của mình vào những thú chơi cá nhân để thể hiện bản thân thì Bạch công tử lại tỏ ra nho nhã hơn khi tiêu tốn rất nhiều tiền vì sự nghiệp cải lương. Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền.Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia… đều có gánh hát tới. Vì thế mà ông được xem là người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương miền Nam khi đó, tạo điều kiện cho sân khấu cải lương phát triển. Tuy nhiên, đến năm 1930, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đời sống người dân hết sức khó khăn, nhiều gánh cải lương buộc phải giải tán, trong đó có gánh Huỳnh Kỳ. Khoảng 5 năm sau, Bạch Công tử cho tái lập lại nhưng không gây được tiếng vang. Vì vậy ông cho giải thể, chấm dứt sự nghiệp theo cải lương.

Ngoài được biết đến với gánh hát xa xỉ, câu chuyện đọ sức giữa ông cùng Hắc công tử cũng trở thành huyền thoại đất phương Nam. Đầu tiên là chuyện Bạch công tử mời Hắc công tử đến gánh hát của mình với ngụ ý khoe khoang. Trong lúc xem hát thì Bạch công tử vô tình làm rơi tờ 5 đồng khi móc túi lấy điếu thuốc lá, cậu đã cúi xuống tìm trong bóng tối. Thể hiện sự lịch thiệp của mình, Hắc công tử đã châm lửa đốt tờ 100 đồng, mượn ánh sáng để giúp “bạn” tìm tiền, khiến cho Bạch công tử bẽ mặt.

Với ý muốn “phục thù”, Bạch công tử đã thách thức Hắc công tử tham gia một cuộc thi “nấu đậu xanh”. Luật chơi vô cùng đơn giản, hai người thi nhau đốt tiền để nấu chín một kg đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Không rõ hai người đã đốt bao nhiêu cho cuộc chơi “điên khùng này nhưng kết quả Bạch Công Tử thắng.

Lúc còn hưng thịnh, Bạch công tử từng tuyên bố ông sẽ không bao giờ nhờ vả người khác, nên sau khi chia tay với Phùng Há, Bạch công từ ngày càng lún sâu vào nghiện ngập. Tài sản lần lượt bán hết, người ta thấy ông lang thang ở vườn Ông Thượng, mặc cho cơn nghiện và đói khát hành hạ, ông không hề ngửa tay xin xỏ hay nhờ vả ai. Đến cuối cùng lại mất trong cảnh nghèo túng.

Nhà công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy

Công tử Đinh bỏ tiền mua vợ, công tử Điều tặng nhà cho “tình một đêm”…

Ngoài hai vị Hắc – Bạch công tử, thì còn rất nhiều vị công tử nổi tiếng ăn chơi lưu danh đất Nam Kỳ.

Tỷ như Trần Trinh Đinh – Một trong số những anh em của Hắc công tử, đây cũng là một tay chơi có hạng. Nắm trong tay cả một nhà máy xay xát lúa gạo lớn nhất Nam Bộ, nên tiền bạc đối với Đinh chẳng là cái thá gì cả. Đinh có thói quen khá lập dị khi diện xà rông đi khắp mọi nơi – đây là một trang phục truyền thống của người Khmer. Bắt nguồn cho việc này chắc phải kể đến chuyện Đinh cướp vợ của người tài xế, lần đó anh tài xế chở Đinh có dẫn theo một người vợ Khmer – nhan sắc của nàng vô cùng hấp dẫn, khiến cho Đinh như bị bỏ bùa, mê đắm đuối. Đinh đã mở miệng hỏi mua vợ của anh ta, điều này khiến cho anh ta vô cùng tức giận nhưng vẫn mở miệng ra một cái giá “trên trời” – tận 20.000 đồng. Thế mà Đinh vẫn chi trả thật và rước người đẹp về nhà, sống đến cuối đời.

Không kém những đồng bạn, công tử Điều lại nổi tiếng với thói chơi gái. Điều sẵn sàng chi trả cả trăm giạ lúa để có được một đêm trăng hoa cùng người đẹp thôn quê. Nhưng điều đặc biệt của công tử này là chỉ ân ái “một lần duy nhất”, dù cô gái đó có hấp dẫn đến đâu cũng sẽ không có lần thứ hai. Nổi tiếng nhất phải kể đến chuyện tình một đêm giữa công tử Điều và con gái ông Trần Thanh Bạch – Hoa khôi xứ Bạc Liêu thời ấy. Không chỉ có lúa, công tử còn hào phóng tặng cho người đẹp một khoản tiền đủ để xây một căn nhà rộng lớn. Nhưng vẫn giống với nhiều cô gái khác, Điều không bao giờ qua lại với nàng lần thứ hai.

Độ giàu nứt vách ở Bạc Liêu cùng với thói chơi ngông đến ngang tàn gọi tên công tử Cân – tên đầy đủ là Phan Kim Cân. Một lần cưỡi ngựa dạo chơi, Cân vô tình gặp được một cô gái xinh đẹp tuyệt trần ở phía bờ sông, chỉ một ánh nhìn đã khiến Cần bần thần cả người. Đến khi lấy lại tinh thần, Cần đã về nhà…mang súng và lái ca nô đến nhà nàng để “cướp người”. Cân không biết người mà cậu vừa “cướp” chính là cô con gái út trong nhà Bá hộ Bành Tòng Mậu – Một điền chủ lớn trong vùng. Bá hộ Mậu cho người đuổi theo để ngăn cản lại nhưng bất thành, đành lên báo quan rằng con gái của mình bị một tên lưu manh cướp đi. Câu chuyện ầm ĩ cả một vùng nhưng sau đó được giải quyết êm xuôi bởi khoản tiền bồi thường hậu hĩnh và thế lực lớn từ nhà công tử Cân. May mắn một điều nữa là cô nàng cuối cùng cũng đồng ý về ở với Cân và được công tử yêu thương chiều chuộng hết mực.

Mùa bình an

“Bà già khó chịu”. Ðó là biệt danh hàng xóm đặt cho bà. Bà biết hết chớ. Nhưng họ chỉ dám gọi sau lưng bà, nên bà cũng miễn chấp. Nguyên tắc sống của bà vẫn không thay đổi. Bà không muốn động chạm đến ai, và cũng không muốn ai động chạm đến mình.

Chiều muộn bà ra sân sau gom lá đốt. Ðang lơ mơ nhìn những sợi khói quyện bay theo gió, chợt bà phát giác ra cành cây thông nhà bên cạnh chĩa qua vườn nhà bà. Trời ơi, đáng lẽ bà phải thấy sớm hơn mới phải. Nhánh cây đã dài cả khúc rồi còn gì.

Bà ngó nghiêng qua sân nhà họ, không thấy chiếc xe nào. Chắc họ đi đâu đó chưa về. Thôi, để sáng mai nhắc nhở cũng chưa muộn.

Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng suốt cả buổi tối bà cứ bồn chồn khó chịu. Sáng ra, nhác thấy bóng người trước thềm nhà hàng xóm, bà vội nhấc điện thoại than phiền:

– Ông bà xem tỉa giúp cành thông chìa qua nhà tôi nhé. Trái thông khô và lá rớt đầy cả góc sân nhà tôi đây nè. Phiền quá.

– Xin lỗi bà, tôi sẽ gọi người tới chặt ngay. Bên kia đầu dây, người hàng xóm nhã nhặn đáp. Nhưng bà đã kịp nghe thoáng tiếng thở dài rất nhẹ trước khi cúp máy.

Thật ra, khu phố bà đang ở, nhà nào cũng có khoảng vườn, việc cây cối chìa cành sang nhà bên cạnh, là lẽ thường. Riêng đối với bà, chuyện đó không bình thường chút nào. Vì nó “vi phạm” nguyên tắc của bà.

Ngay sáng hôm sau, chiếc xe cắt tỉa cây đã đến. Ðang hút bụi phòng khách, bà bỏ dở ra sân đứng canh chừng họ. Một người đứng trên thang dùng cưa máy để cắt cành cây, một người nắm sợi dây thừng chuẩn bị kéo cành về hướng an toàn. Ðộ rung của máy cưa làm lá và trái thông khô rớt tung toé. Bà lại gọi điện yêu cầu bên hàng xóm phải sang sân vườn bà quét dọn sạch sẽ “những tàn tích” đó.

Chưa kịp vào nhà, bà lại thấy hai chiếc xe bốn chỗ và một chiếc U- hall đỗ trước sân nhà hàng xóm bên trái. Nhiều người bước xuống, rồi khuân khuân vác vác. À, thì ra họ dọn nhà đến.

Chủ mới căn nhà là đôi vợ chồng trẻ và đứa con gái nhỏ. Còn có con chó nữa chứ. Ðã có trẻ con, còn thêm chó nữa! Thật phiền quá đi mất! Bà lẩm bẩm và đi vào nhà, không đáp lại lời chào niềm nở của cặp đôi hàng xóm mới.

Buổi trưa ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, bà thấy con bé hàng xóm đang lúi húi nhặt những trái Lê rụng quanh gốc cây. Cây Lê này, khi vừa mới mua nhà, chính tay chồng bà đã trồng, vì ông biết bà rất thích ăn Lê. Mỗi mùa thu đến, bà chờ đợi cây đơm hoa kết trái, háo hức như trẻ con. Kể từ ngày chồng mất, bà không còn cảm giác đó nữa. Thậm chí, trái Lê chín vàng bị dơi ăn rồi rơi rớt đầy sân, bà cũng chẳng màng. Nhưng như thế, không có nghĩa là ai muốn lấy những trái Lê của bà cũng được. Nguyên tắc sống của bà vẫn bất đi bất dịch.

Bà nhủ thầm, khoan hẵng ra. Cứ đợi con bé đem Lê về, bà sẽ gọi điện mắng vốn nhà họ. Rằng, con nít cần phải được dạy dỗ cẩn thận, không được qua nhà hàng xóm lấy trộm. Rằng, cha mẹ cần phải trông nom con chặt chẽ….

Ô, lạ lùng chưa kìa. Con bé không ăn mà cũng không mang Lê về. Nó chạy đến bên thềm, đặt quả Lê xuống, rồi lại chạy đến gốc cây, nhặt quả Lê khác xếp ngay ngắn bên cạnh. Con chó cũng chạy theo nó, liếm mép và hít hít mũi vì mùi Lê thơm phức.

Một lúc sau, con bé dừng lại, vỗ vỗ đầu con chó và bảo:

– Về nhà thôi Pom. Ði chơi lâu mẹ la cho đấy.

Rồi Con bé vạch lỗ rào chui trở về nhà- Cái lỗ nhỏ xíu. Con chó cũng lách mình chui qua theo .

Bà mở cửa, bước ra. Một thoáng bần thần, bà cầm quả Lê lên tay.

Bây giờ thì bà biết tên con bé là Katy. Và con chó là Pom.

Ngày của bà bây giờ không đơn điệu nữa. Bà có cảm giác bồn chồn, hay nhìn ra sân. Mắt bà ánh lên tia sáng, khi thấy Katy và con chó Pom xuất hiện ở sân nhà.

Vừa chui ra khỏi lỗ rào, bao giờ con bé cũng cẩn thận giũ lại váy áo. Con chó Pom cũng lắc lư mình giũ giũ bộ lông xù.

Rồi hai đứa chạy đến gốc Lê. Katy vừa lúi húi nhặt trái, vừa dặn dò Pom:

– Không được ăn vụng nhé Pom.

– Lê của bà thơm quá phải không. Có thèm thì cũng không được ăn nhé.

Ừ, mùi lê chín thơm thật, nên Pom nhà ta cứ thè lưỡi liếm liếm mép.

Mấy ngày lễ, cả gia đình Katy đi vắng. Chắc họ lại có reunion ở đâu đó. Tự nhiên bà nghe buồn và cô đơn vô cùng. Lễ hội là thời gian vui vẻ, đoàn tụ của mọi người. Nhưng với bà, đó là khoảng thời gian sầu thảm nhất.

Tháng Mười Một, ngày chưa qua mà trời đã âm u. Một vạt mây xám che ngang bầu trời ảm đạm. Bà đứng khuất sau cây Lê, nhìn sang nhà đối diện. Ánh sáng lấp lánh từ những ngọn đèn treo ngoài mặt tiền lẫn những ngọn đèn rực rỡ từ bên trong hắt lên màu hạnh phúc. Tiếng nói cười vang lên tưởng chừng như có thể sưởi ấm cả không gian.

Gió thông thốc thổi những chiếc lá khô bay xạc xào quanh sân bà. Mắt bà thoáng cay cay.

Bà vào nhà, kéo rèm cửa sổ xuống và với tay bật điện. Ánh đèn vàng hắt bóng phủ một màu đìu hiu soi căn phòng cũ kỹ. Bà nhận ra một điều, ở ngôi nhà này, tất cả đều cũ kỹ và già nua theo năm tháng, giống như bà.

Bà ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành to, lấy quyển albums đã sờn đặt trên đùi. Tay bà run run vuốt ve từng tấm ảnh. Ðây là hình của Paul mặc quân phục khi còn chiến đấu ở Việt Nam. Ðây là ảnh cưới của ông bà. Ðây là…

Không biết duyên nợ gì mà ông bà gặp rồi yêu nhau. Bà đã chấp nhận làm vợ ông, để theo ông về đất nước xa lạ cách quê hương bà một bờ đại dương thăm thẳm.

Hai người đã sống những tháng ngày hạnh phúc, cho dù không có con cái, vì ông bị ung thư. Thân thể to cao vạm vỡ như cây tùng cây bách của ông bị gặm nhấm từng ngày. Xót xa bà nắm lấy bàn tay gầy guộc của chồng và bất lực nhìn ông trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn.

Bà đã ngất đi không biết bao nhiêu lần trước thi thể bất động của chồng. Cũng không biết bao nhiêu lần, bà ngước nhìn trời cao, oán trách Thượng đế sao quá bất công với bà.

Từ cái chết của ông, bà sống khép kín. Nụ cười tắt trên đôi môi. Người phụ nữ có mái tóc dài đen nhánh, suốt ngày ca hát ríu rít như chim không còn nữa. Bà chẳng buồn giao tiếp với ai, nhốt mình trong ngôi nhà bằn bặt tiếng nói cười. Lẳng lặng bà đi ra đi vào một bóng. Nỗi đau khổ không vơi, mà chồng chất với thời gian, khi chỗ nào cũng phảng phất hình bóng của ông.

Ðêm im ắng. Có thể nghe được tiếng dơi vỗ cánh chao chát và tiếng gió rít lùa qua những cành khô.

Ðồng hồ gõ từng nhịp uể oải. Khuya lắm rồi mà bà vẫn còn chong mắt.

Những trái Lê bà đã nhặt để đầy chiếc rổ nhỏ trên bàn. Bà nhủ lòng, khi Katy về, bà sẽ cho con bé. Lâu lắm rồi, bà mới có cảm giác mong ngóng một ai đó.

Vừa chui qua cái lỗ nhỏ, Katy đứng thẳng lên giũ lại chiếc váy ren hồng. Xong, con bé chạy vội đến gốc cây Lê. Nhưng, ơ kìa, sao không có trái Lê nào hết vậy. Con bé ngơ ngác nhìn lên cây rồi lại nghiêng nghiêng người nhìn chung quanh. Ðôi mắt xanh biếc ngạc nhiên tròn xoe như hai hòn bi ve.

Bà bước ra. Tiếng cửa mở làm Katy giật mình. Pom sủa lên một tiếng, rồi im ngay, khi con bé đưa ngón tay lên môi suỵt suỵt.

Bà nói :

– Lúc cháu đi vắng, bà đã nhặt hết trái rồi.

Con bé tiu nghỉu:

– Thôi cháu về vậy.

– Khoan đã, đợi bà một chút.

Bà trở ra với rổ trái cây:

– Katy mang về mà ăn này.

Ðôi mắt xanh biếc lại mở to:

– Sao bà biết cháu tên là Katy? Cháu còn chưa quen bà mà.

– Ừ, bà còn biết con chó của cháu tên là Pom nữa kìa. Bà cũng biết cả việc hai đứa rất thích Lê, nhưng chưa bao giờ ăn vụng Lê của bà.

Hai bím tóc đung đưa khi con bé gật gù:

– Dạ, mẹ bảo ăn vụng của người khác là xấu lắm.

– Cháu ngoan lắm. Mai lại sang nhặt lê giúp bà nhé.

Khi mở cổng rào cho Katy và Pom, bà dặn dò:

– Muốn sang nhà bà thì đi bằng lối này. Ðừng chui qua lỗ rào, kẻo bị gai đâm xước đấy.

Vừa chạy vào nhà, Katy vừa gọi mẹ:

– Mẹ ơi, Mẹ ơi !

Con Pom phóng theo Katy, sủa gâu gâu inh ỏi, như muốn nói, con cũng về rồi nè mẹ ơi !

Ðang dở tay gói quà chuẩn bị cho người thân trong dịp Lễ Giáng Sinh và New Year, Megan giật mình ngước lên :

– Ở đâu mà con có nhiều lê thế?

Katy khệ nệ giơ rổ lê ra phía trước, liến thoắng:

– Là của bà cho con đó.

– Của bà à? Megan ngạc nhiên hỏi lại. Chuyện này là thế nào.

– Thật mà, mẹ. Katy cười tươi, quả quyết.

Megan áy náy nhìn vào gương mặt rạng rỡ của con:

– Con không được sang nhà bà nữa, nghe không?

– Ứ…Bà tốt lắm. Con thích bà lắm.

Megan nghiêm nghị:

– Không được cãi. Mẹ đã bảo không là không.

Không dưng bị mẹ la, Katy phụng phịu chực khóc. Con bé mếu máo trông thật tội nghiệp.

Megan nhẹ nhàng kéo con vào lòng. Cô không thể nói cho con bé nghe về Cái “bà già khó chịu” mà cả xóm đều không muốn dây vướng để tránh phiền hà. Cái “bà già khó chịu” mà cô đã cảm nhận ngay ngày đầu tiên dọn đến đây với cái quay ngoắt bất lịch sự khi cô lên tiếng chào hỏi. Với cô, hàng xóm là một điều rất quan trọng. Nếu sớm biết mình sẽ là láng giềng của “bà già khó chịu”, chắc gì cô quyết định mua ngôi nhà này, cho dù cô rất ưng ý nó.

Thôi thì đành cấm con bé vậy. Ðâu biết chuyện gì sẽ xảy ra …

Nhớ lời mẹ dặn, Katy không dám qua nhà bà, mà chỉ quanh quẩn trong sân nhà. Chốc chốc, con bé len lén nhìn những quả Lê chín vàng trên cây, rồi lại cụp mắt xuống. Con Pom chắc cũng nhớ mùi thơm những quả Lê, nên cứ cắn gấu váy của Katy mà kéo ra cổng.

Giằng co mấy lần như thế, Katy đành chịu thua con Pom. Cả hai đứa chạy ù sang nhà bà.

Vừa nhác thấy bóng Katy và con chó Pom, bà vội bước ra ngoài. Con bé hớn hở chào bà, rồi chạy đến gốc cây nhặt lê. Bà gom những quả lê, rửa sạch, lấy dao gọt vỏ, cắt ra đặt vào đĩa, gọi:

– Katy lại ăn Lê với bà này.

Con bé cầm lấy miếng Lê, cảm ơn bà và không quên xin phần cho con Pom:

– Bà ơi, bà cho con Pom ăn nữa nhé.

Bà gật đầu :

– Ừ, cho con Pom ăn nữa.

Lần đầu tiên được ăn lê của bà, con Pom sướng lắm, ngoe nguẩy đuôi mãi.

Ba bà cháu cùng ăn Lê với nhau thật vui vẻ. Vị lê ngọt mát tan trong miệng bà. Ðã bao nhiêu năm rồi, ngôi nhà mới vang ấm tiếng con người.

Hôm nay Katy chẳng thấy bà đâu. Con bé nhặt Lê xong rồi, mà vẫn không thấy bóng bà. Chần chừ một chút, Katy đành quay về. Con Pom cũng lẽo đẽo theo Katy. Hai đứa buồn xo vì không gặp bà và không được ăn Lê.

Ngày hôm sau, Katy lại dẫn con Pom sang. Con bé ngạc nhiên thấy những quả Lê hôm qua còn xếp ngay ngắn trên thềm. Sao bà không cất đi? Nhìn thấy cửa sổ mở, Katy nhón chân nhìn vào. Không thấy bà, con bé lên tiếng gọi:

– Bà ơi!

Con Pom cũng sủa gọi bà gâu gâu gâu một tràng dài.

Nhưng bà vẫn không ra.

Lạ lùng chưa.

Katy lại nhón chân gọi to hơn:

– Bà ơi, bà ơi!

Con Pom hít hít mũi như nghe thấy gì. Nó dùng chân cào cào tường và sủa lớn.

Trong nhà, nghe loáng thoáng tiếng Katy và tiếng sủa giật giọng của con Pom, Megan vội chạy ra. Nhìn sang sân hàng xóm, thấy hai đứa, cô hết hồn la lên:

– Katy về ngay.

Con bé hớt hải chạy về, níu tay cô:

– Mẹ ơi, mẹ sang gọi bà đi.

Megan giận lắm:

– Bây giờ còn muốn mẹ sang đó nữa hả? Ði vào nhà mau.

Con bé mếu máo theo sau mẹ, nhưng vẫn không chịu thôi, cứ nằng nặc xin mẹ sang gọi bà. Megan nén giận, hỏi lần hồi mọi chuyện. Thì ra, con bé vẫn lén mẹ sang chơi nhà hàng xóm. Hai bên bà cháu thân thiết nhau lắm. Nhưng từ hôm qua con bé không thấy bà. Hôm nay con bé và con Pom nháo nhào như vậy, mà bà vẫn không ra. Sực nhớ bà ấy ở một mình, cô cũng thấy lo. Nhưng cô cũng không dám tự ý vào nhà đó.

Megan đi sang nhà đối diện xin số điện thoại của bà. Khi đưa cho cô số, họ thắc mắc hỏi:

– Cô lại có chuyện gì với “bà già khó chịu” đó à?

Megan kể chuyện cho họ nghe. Mọi người cùng tán thành việc gọi điện cho bà ấy.

Chuông điện thoại gióng lên từng hồi, mà không có ai bắt máy. Bây giờ mọi người thật sự lo lắng:

– Chắc có chuyện gì rồi.

– Phải gọi báo cho 911 thôi.

Các nhà đối diện và lân cận đều tập trung trước cửa nhà bà. Lúc này mọi người không còn nhớ đến những phiền hà bà đã gây cho họ. Tất cả đều chung một tâm trạng thắc thỏm.

Xe cảnh sát trờ đến. Mọi người dạt sang một bên. Nhân viên cảnh sát phá cửa nhà xông vào. Họ tìm thấy bà đang trong tình trạng mê man.

Một lúc sau, xe cấp cứu chạy đến. Người ta khiêng bà lên xe đưa vào bệnh viện.

Sau ba ngày hôn mê, bà tỉnh lại. Bác sĩ quyết định chuyển bà sang khoa nội để theo dõi.

Từ giường bệnh, bà có thể nhìn thấy bầu trời ngoài kia. Vẫn với màu mây xám mênh mang, nhưng bà không cảm thấy buồn man mác như những cuối ngày ngồi trong nhà nhìn ra khoảng sân nhà hiu quạnh.

Có vài người hàng xóm đến thăm bà mang theo lời nhắn gửi của những người hàng xóm khác. Megan, mẹ của Katy cũng đến. Cô ấy bảo đã hết mùa Lê, mà Katy biết bà thích ăn Lê lắm, nên con bé cứ nằng nặc đòi mẹ phải đi chợ mua Lê vào cho bà.

Bà cảm thấy ấm áp vô cùng. Sự ấm áp tràn ngập cả tâm hồn, mà không có một loại máy sưởi nào làm được. Ðó là sự quan tâm, là tình người.

Bao nhiêu năm nay bà đã hoang phí đời mình trong những dằng dặc buồn phiền, khắt khe và ích kỷ. Chưa lần nào bà mở lòng ra với mọi người. Lần này ra viện, trở về, bà chắc chắn sẽ sống khác.

Megan giúp bà làm thủ tục xuất viện.

Khi xe vừa dừng lại trước nhà, vài người hàng xóm trông thấy, chạy ra đón bà.

Những ngày vắng bà, mọi người đã ngồi lại trao đổi với nhau. Ai cũng cảm thấy áy náy, vì chỉ muốn xa lánh bà để tránh phiền hà, mà không hiểu được sự cô đơn của bà. Nếu hôm nọ không có Katy và con chó nhỏ, chắc gì mọi người đã phát giác để kịp đưa bà đi cấp cứu.

Cuộc sống thật phù du. Cuối đời người có mang được gì qua thế giới bên kia. Sao không mở lòng ra với nhau khi mình còn có thể.

Peter, chủ nhà đối diện, lúc này mới nhìn thấy sự đối nghịch của hai nhà. Bên này sân, là đèn hoa rực rỡ. Bên kia là ngôi nhà rêu phong ẩm mốc. Anh quyết định giăng đèn phía mặt tiền và mua vòng hoa đỏ treo trước cửa nhà bà.

Nhà hàng xóm có nhánh thông chìa qua nhà bà lúc trước, cũng mua những chậu cây trạng nguyên đỏ thắm đặt trước thềm nhà bà.

Mọi người còn bàn nhau sẽ mở một “block party” vào dịp Giáng sinh và Năm mới này. Ðây cũng là dịp để hàng xóm gần gũi, cảm thông nhau hơn.

Bà bước xuống xe, bỡ ngỡ nhìn ngôi nhà rồi nhìn mọi người chung quanh. Mắt bà rưng rưng vì cảm động. Câu cảm ơn run run trên môi không thốt thành lời.

Katy chen mọi người để được nắm lấy tay bà. Con bé cười toe toét bày hàm răng vừa rụng mất một chiếc hôm qua.

Con Pom cũng cố luồn lách qua chân mọi người. Giây phút quan trọng thế này làm sao thiếu được sự hiện diện của nó.

______

Cờ bạc

Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp. Người dân Việt, qua lịch sử, làm lụng rất chăm chỉ, vất vả và lam lũ. Công việc đồng áng mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm trước khi mặt trời mọc và chỉ ngừng lúc tối mịt không còn thấy gì cả; chứ không phài như thời buổi bây giờ chỉ làm 8 tiếng một ngày và 40 tiếng một tuần. Tết nhất, lễ hội là lúc duy nhất để nghỉ ngơi, xem hội, giải trí và… đánh bạc.

Tại Việt Nam, ngoại trừ một thời gian ngắn dưới thời kỳ Pháp đô hộ, tổ chức cờ bạc quy mô do tư nhân đề xướng, như sòng bài chẳng hạn, vẫn còn được xem là bất hợp pháp và bị cấm. Tuy nhiên, trong những ngày tết, ngày hội, dân chúng, và ngay cả trẻ con, được phép tha hồ vui chơi, đỏ đen. Người lớn thì đua thuyền, đấu vật, tổ tôm, tam cúc, tứ sắc, xóc đĩa, tài bàn, xì phé, xì dzách (bài 21)… Trẻ con thì đánh đáo, lắc bầu-cua-cá-cọp … Nhưng ngay sau ngày tết, ngày lễ hội, người thắng, người thua, nam phụ lão ấu đều trở về lại với công việc hàng ngày; và chờ mong ngày lễ hội kế đến. Cờ bạc không hề là một vấn đề kinh tế hay xã hội gì mà dân Việt phải quan tâm. Mọi người đều hoan hỉ, vui thú!

Ngày hôm nay, nhất là ở hải ngoại, bộ mặt của cờ bạc đã thay đổi toàn diện từ hình thức cho đến kích thước. Mỗi ngày, chứ không phải chờ đến dịp lễ hội, chúng ta nhìn và cảm thấy chuyện cờ bạc đỏ đen diễn ra từ phải qua trái: xổ số, keno, bingo, thẻ cạo (scratchers), số đề, cá độ thể thao, đua ngựa, cờ bạc trên mạng … và ngay cả chơi “stocks” trên thị trường chứng khoán.

Cờ bạc bây giờ đã biến thành một cơn bệnh xã hội. Nó diễn tiến từ từ qua nhiều giai đoạn. Cờ bạc không còn là cơ hội để mọi người có dịp “vui chơi, xả hơi” như ngày xưa; mà có thể là một “cơ hội” sẵn sàng phá hủy người đánh bạc một cách toàn diện; gây khổ lụy cho những người có liên hệ trực tiếp với cá nhân đánh bạc như: vợ, chồng, con cái, bố mẹ v..v.. Cơn ghiền đánh bạc có thể là cấp tính, mãn tính… tùy từng cá nhân và hoàn cảnh.

Sự tiến triển của bệnh ghiền cờ bạc khởi đầu từ một chuyện nhỏ, một cái thú thật đơn giản, chẳng hạn như là: may mắn thắng được một món tiền nhỏ. Cái may mắn đó có thể tái diễn thêm một vài lần. Sự tai hại của vài lần thắng “nhỏ” này là nó làm cho người thắng cảm thấy lạc quan một cách quá đáng vô căn cứ, háo hức và đi đến tham lam; muốn thắng lớn hơn. Chuyện nhỏ này cũng có thể bắt đầu từ một cái thua nhỏ. Người thua muốn gỡ lấy lại số tiền đã mất. Cả hai sự việc thắng nhỏ và thua nhỏ vừa kể sẽ dần dà đưa đẩy đến giai đoạn cuối gọi là “giai đoạn tuyệt vọng.”

Người ghiền cờ bạc càng lúc càng tự ý gia tăng thêm thời gian đánh bạc, cũng như số tiền để đánh bạc. Thua lớn, quay ra đổ thừa, đổ lỗi vớ vẩn cho những người thân vô tội chung quanh chẳng hạn như: “Con vợ mình số nó xúi quẩy quá!” hoặc “Thằng con mình nhìn mặt mũi nó sao hãm tài quá!” Thật ra, chính ngay bản thân mình là kẻ xấu xí, ngu xi, vô duyên, lảng xẹc mà mình đâu có thời giờ soi gương để mà biết mình đã biến thành thứ động vật gì? Ở cuối giai đoạn tuỵêt vọng này, một vở bi kịch đang chờ sẵn để mở màn: Mất việc, ly dị, nghiền rượu, nghiền ma túy, bị tù và… có thể đi đến tự vận.

Một người ghiền cờ bạc làm tổn thương, thiệt hại trầm trọng cả đến gia đình, nghề nghiệp và cộng đồng. Thời giờ dùng để chăm sóc gia đình đã ít, lại còn tìm mọi cách ăn cắp tiền, hoặc bớt số tiền cấp dưỡng, của thân nhân để đem đi đánh bạc. Trong công sở làm, thì không thể tập trung vào việc làm được [đã thua vài ngàn đô la đêm hôm qua, thì sáng nay còn tâm địa đâu để làm việc 15 đô la một giờ? Dùng thời giờ làm việc, thay vì để sản xuất, để nghĩ ra cách ăn cắp, thụt két, biển thủ, thâm thủng ngân sách của nhà nước hoặc của hãng, xưởng, công ty để lấy tiền gỡ thua bạc.

Người đánh bạc sẽ mơ uớc: “mơ ước may mắn được thắng lớn, trúng độc đắc…” Nhưng mơ ước vẫn chỉ là cái mơ ước không bao giờ thành sự thật. Thật đơn giản, chỉ có một định luật duy nhất là: “Làm việc chăm chỉ thì sẽ may ra gặp may mắn mà thôi!”

Con người vốn dĩ bản tính ham vui. Có ai là người không thích vui? Ai bảo đánh bạc không vui? Nhưng rất khó mà giữ, củng cố được cái cái vị trí gọi là “chỉ đánh bạc cho vui thôi!” Bởi vì cái ranh giới giữa “cho vui” và “cho tận mạng” chỉ là một khỏang cách rất ngắn. “Đánh bạc cho vui” luôn luôn là bước đầu để đi đến những thảm trạng, những đổ vỡ của cuộc đời. Nếu chỉ mới là “bệnh” thôi thì còn hy vọng may ra còn chữa trị được. Một khi cờ bạc đã biến thành “tật” rồi thì xong phim, hết thuốc chữa!

Kể từ cái vui lành mạnh của ngày sinh nhật: “Nhân dịp kỷ niệm này, mình làm một chuyến đi Las Vegas cho vui!” Thật là thích thú. Ba tuần sau là kỷ niệm ngày đám cưới được 5 năm: “Làm một chuyến Vegas nữa!” Tiếp đến, hai tuần sau cái ngày “kỷ niệm 5 năm” đó, không tìm được “kỷ niệm” nào gọi là ra hồn để lấy cớ trở lại Las Vegas; bèn tự phát minh ra một lý do mới toanh thật tài tình: “Làm thêm một chuyến Vegas, vì xe mới vừa ‘tuned-up’ xong!” Sau đó là hàng loạt những lý do không tên, khôi hài, chẳng hạn “Đi Las Vegas vì xe vừa thay nhớt xong!” “Vừa lãnh tiền của hội tương tế trả về việc chôn cất ông gìa xong!!!” Cuối cùng… rồi mặc dù chẳng có lý do nào cả; nhưng vẫn phải đi “Vegas” cho bằng được. Không đi chịu không được! Sẽ có chuyện lớn chứ không đùa đâu à!!!

“Ê ! Đời là một canh bạc mà !” theo như lý luận của một tay ghiền cờ bạc hết thuốc chữa, “Mà nếu mình có thua hết đi nữa, thì mình có mất cái gì đâu (?!) Mình từ Việt Nam qua đây trên răng dưới dép (!?) Vượt biển nhịn đói nhịn khát 10 ngày còn chưa chết; làm sao có thể chết ở xòng bạc được!?” Thưa quý vị, xin quý vị chờ một tí, đừng vội lạc quan và nghe theo lời của me-xừ “lu dzơ” này nhé! Chuyện là vào khoảng 1995-96 tôi thất nghiệp lâu quá, tôi phải bỏ Orange County, mò mẫm lên tìm việc ở San Jose đúng và lúc xòng bài “Bay-101” mới khai trương.

Xòng bài mở 24/7 [có nghĩa là 24 tiếng mỗi ngày và 7 ngày một tuần] cho dân Mít tha hồ náo nức xếp hàng nộp tiền. Một bố Mít đánh hăng quá kiệt sức, rồi vào chết ngồi ở trong “bathroom” từ hồi nào không ai hay? Nhân viên quét dọn “bathroom” của xòng bài phát giác ra – đây là chuyện có thật “một chăm phần chăm,” có đăng báo “The Mercury News” của vùng Vịnh [Bay Area] – San Jose hẳn hoi, không phải chuyện bịa đặt nói xấu dân Mít!

Dần dà, người đánh bạc không còn vui nữa; mà bắt đầu hơi buồn buồn; đến thật là buồn… Chuyến đánh bạc lần này là để giải cái buồn của tuần trước …và cứ thế mà tái tục. Cờ bạc đã trở thành bệnh rồi mà không hay? Cơn bệnh cờ bạc này còn gây cho người mang bệnh một cái “biến chứng phụ” nữa: đó là bệnh nói dối. Người đánh bạc luôn luôn có khuynh hướng thổi phồng số tiền và số lần thắng; đồng thời cũng dấu nhẹm các lần thua đậm!

Bác Sĩ Richard Rosenthal một nhà nghiên cứu về vấn đề “ghiền cờ bạc” đã vạch ra 3 lý do chính làm cho một người bình thường trở thành nghiền cờ bạc:

Tự lừa dối mình là chỉ đánh bạc cho vui

Đang ở trong tình trạng trầm cảm (“depressed”), chán nản, cảm thấy mình vô dụng

Sống trong [hay ở gần] khung cảnh, môi trương cờ bạc.

Cờ bạc vì di truyền cũng được đề cập tới. Nhưng liên hệ này chưa được chứng minh rõ ràng.

Ngoài việc làm suy giảm sức sản xuất, cờ bạc còn làm thâm thủng tín dụng (“credits”) mỗi năm cả bạc tỷ. Thống kê cho thấy cứ trong 3 người ghiền cờ bạc thì có 2 người sẽ phạm pháp (để lấy tiền trả nợ!) Vấn đề phạm pháp dĩ nhiên còn gây gánh nặng cho luật pháp, nhà tù. Các thiệt hại và phạm pháp ghi nhận được như là:

Mất việc làm.

Nợ nần, phá sản.

Biển thủ, lường gạt, gian lận.

Tù.

Sức khỏe suy kém, tâm thần bất ổn…

Thử lấy California làm thí dụ. Theo thống kê của năm 2000 (?), California có 12% dân số là Á châu. Thế mà 40% số người vào xòng bài (ở California) là dân Á châu đầu đen – trong đó dân Mít mình chiếm con số không nhỏ. Thật ra, không cần phải tìm đọc các bản báo cáo, thăm dò của các cơ quan khảo cứu – chỉ cần nhìn là đủ. Không kể gì gìa hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, người Việt của mình thích cờ bạc! Đó không phải là chuyện bí mật quốc phòng hay là an ninh quốc gia cái con khỉ gì cả! Nói thẳng ra là có rất nhiều chủ gia đình Việt Nam mình ghiền cờ bạc. Và gia đình của chính những người ghiền cờ bạc này bị ảnh hưởng nặng nề nhất: Sự đe dọa của chủ nợ, hạnh phúc sứt mẻ, con cái bị bỏ rơi… Tội nghiệp nhất là con cái của họ.

Các chuyên gia về “bệnh ghiền cờ bạc” gọi chúng là “Casino Kids.” Đó là đám trẻ con bị bỏ lăn lóc, thiếu chăm sóc, thiếu ăn, thiếu uống, thiếu ngủ, thiếu tiện nghi, nằm ngồi trong các xe đậu tại các bãi đậu xe; hoặc lang thang một cách nguy hiểm loanh quanh các “casinos,” xòng bài vì luật lệ không phép chúng tháp tùng bố mẹ đi vào bên trong xòng bài. Phải lấy làm lạ là họ có thể đặt một cây bài vài trăm đô la; nhưng không dám mướn phòng để ở qua đêm chỉ tốn vài chục đô la! Đây là một phương trình không giải được!

Hãy mặc kệ các lời quảng cáo mời mọc hoa mỹ của các xòng bài. Tạm quên các chuyến xe “Bus” chở miễn phí mà còn cho thêm tiền túi đến các xòng bài. Chúng ta nên nhớ một điều luôn luôn là chân lý; đó là ở trên đất Mỹ này, không có bất cứ một cái gì gọi là miễn phí cả. Mình phải trả trước hay trả sau mà thôi! Chẳng hạn quí bạn ngồi đánh bài tại một bàn “xì dzách (21)” và được nhân viên xòng bài “xẹc” cho bạn uống một chai bia không phải trả tiền [đáng giá khỏang $1.50 nếu bạn phải mua ở chợ.] Đứng dậy sau ba mươi phút chơi bài, bạn thua hết $60.00. Hãy tính lại cho kỹ, bạn đã uống một chai bia đắt gía nhất ($60.00?) trong cuộc đời của bạn chứ đâu phải miễn phí! Vấn đề đánh bạc, sự may mắn không bao giờ kéo dài lâu; nhưng chắc chắn là những bất hạnh do đánh bài gây ra cho cuộc đời bạn sẽ dài vô cùng tận!

Việc hợp thức hóa [legalized] cờ bạc là một kỹ nghệ phát triển nhanh nhất của các chính quyền Tiểu bang, các Quận và các thành phố ở trên đất Mỹ hiện nay. Trên đất Mỹ chỉ có 2 tiểu bang, đó là Hawaii và Utah, là không cho hợp thức hóa cờ bạc mà thôi. Cờ bạc lấy đi từ trong túi chúng ta mỗi năm gần 100 tỷ đô la; hơn cả tất cả tổng số chi phí mà chúng ta chi tiêu cho vé xem xi-nê, vé xem thể thao và tiền chơi “video games,” cả 3 cộng lại với nhau. Trước đây, cờ bịch chỉ giới hạn ở một vài nơi hẻo lánh thuộc tiểu bang Nevada. Bây giờ bài bạc dưới mọi hình thức mọc lên chung quanh chỗ chúng ta sống như nấm dại mọc sau cơn mưa: Super Lottery Plus, Mega Millions, Fantasy, Keno, Daily Derby, Big Spin, Power Ball, Bingo, Scratchers, Indian Casinos, On-line Gamblings…

Tiền lời thu về từ các xổ số, trên nguyên tắc là để giúp các trương học, đã bị lạm dụng để xây nhà tù, văn phòng và cơ sở của chính phủ. Người nghèo bị cờ bịch của chính phủ móc túi nhiều nhất. Bởi vì nó tiện [nhưng dĩ nhiên là không có lợi!] và hấp dẫn: “chỉ một vài đô la mà có thể biến thành triệu phú.” Theo họ, dân khố rách áo ôm, đây là cái “cánh cửa duy nhất của hy vọng.” Thay vì dùng đồng tiền khó kiếm, mồ hôi nước mắt để mua thực phẩm, đồ gia dụng cần thiết cho gia đình; người nghèo lại dùng một số tiền lớn lao để mua “lottery,” mua cái “giấc mơ không bao giờ đến” ở ngay cái tiệm tạp hóa ở đầu ngõ; gần xịt mà. Đây chính thật là cảnh “chó cắn áo rách” diễn ra hàng ngày.

Cờ bạc rõ ràng là một cái gì rất tai hại, băng họai. Một cái đầu tư xấu xí mà người đầu tư sẽ chắc chắn lỗ lã. Như vậy mà tại sao chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư, bỏ tiền vào cái lỗ hổng không có đáy đó? Có lẽ chúng ta cần phải học lại môn toán cơ bản được dậy ở lớp mẫu giáo, lớp một để hiểu biết thêm về lời giải của một bài toán đơn giản cộng-trừ-nhân-chia!

Để kết thúc bài chuyện phiếm nhạt nhẽo như nước ốc này, người viết xin phép được lập lại lời của một bố Mít đã nói và ghi ở trên: “Ê ! Đời là một canh bạc mà!” Vâng, mình và gia đình được đặt chân lên đất tự do bình yên là đã một lần trúng “độc đắc” trong canh bạc đó rồi. Có bao nhiêu người trên cuộc đời này có cơ hội trúng “độc đắc” hai lần??? C’mon!

Trần Văn Giang (HNPD)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay