Liệu sẽ có ‘cách mạng cơm-bún’ ở VN?
Nhà thơ Trần Tiến Dũng
Gửi cho BBC từ Việt Nam
Thứ sáu, 6 tháng 9, 2013
An toàn thực phẩm đang là quan tâm hàng đầu của người dân
Trong lúc hiểm họa về hàng hóa và thực phẩm độc hại có nguồn gốc ngoài biên giới, phần lớn là từ Trung Quốc vẫn không ngừng gieo họa lên người tiêu dùng Việt Nam, nay lại bùng phát thực phẩm độc từ nội địa.
Chuyện thịt thối thành tươi, rau quả không héo, trà bẩn, cà phê đậu nành… với chuyện bún phát sáng, cơm bao no đã tạo nên thực trạng món ăn, thức uống độc hại đến hốt hoảng.
Dù ăn uống ở nhà hàng tiệm quán hay ngay cả thực phẩm mua về cho gia đình từ siêu thị hay chợ đều không xác nhận được về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ai nếu lỡ mua nhầm, ăn nhầm thực phẩm độc hại là: Ráng chịu.
Được hỏi chuyện, một bà nội trợ ở quận 11, Sài Gòn nói: “Rau, thịt thì còn dùng kinh nghiệm để cố mà chọn thứ an toàn, nhưng tới cơm, bún có hóa chất độc hại thì kể như tận thế rồi.”
Nhưng ngay thời điểm mà sự kiện bún phát sáng làm chấn động dư luận thì ở các đô thị lớn khách ăn bún vẫn cứ ra vào tấp nập khắp các hàng bún.
Trước một quán bún mọc ngon không còn chỗ ngồi trên đường Trần Nhật Duật, Sài Gòn, một nhà báo cho biết:
“Đã là người Việt thì sau cơm thì bún là thực phẩm không thể thiếu.
“Hệ thống chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm nhà nước nếu không bảo đảm được cơm an toàn, bún an toàn thì nguy cơ mất an ninh còn hơn cả chuyện diễn tiến hòa bình.”
Một khi các thực phẩm chính duy trì sự sống lại tiếp tục không được bảo đảm an toàn, gây ra bệnh ung thư, vô sinh, tâm thần… thì hẳn nhiên cả cộng đồng sẽ có phản ứng. Ai dám chắc là không có cách mạng cơm-bún!
‘Người mình tính vậy’
Có thể không tin chuyện người dân sẽ xuống đường biểu tình đòi quyền được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không thể không đồng tình với quyền phẩn nộ của người đóng thuế muốn được sử dụng thực phẩm an toàn.
Người tiêu dùng Việt Nam có dễ bị kích động mất kiểm soát không? Một cán bộ hưu trí nói:
“Các tin về hàng hóa Trung Quốc độc hại tràn lan trên báo, trên mạng ai cũng biết mà có thấy phong trào chống hàng độc hại Trung quốc nào ra hồn đâu. “
Một cán bộ hưu trí
“Các tin về hàng hóa Trung Quốc độc hại tràn lan trên báo, trên mạng ai cũng biết mà có thấy phong trào chống hàng độc hại Trung quốc nào ra hồn đâu.
“Chuyện bún ồn lên một chút rồi thôi, người mình tính nó vậy.”
Một góc nhìn khác, một bác tài xe ôm nói: “Tôi không nhớ là chuyện đánh chết người trộm chó mới đây ở Bắc Giang là vụ thứ mấy có người chết vì trộm chó.
“Nhưng theo tôi người mình cứ nghe chuyện trộm chó là nghĩ đến chuyện trộm chó để bán giết thịt, thế là loạn, rồi đây ba cái chuyện thực phẩm độc hại ép người ta đến chỗ bịnh, chỗ chết thì còn khối chuyện loạn nữa đấy.”
Tin mới nhất cho biết ở nhiều thành phố lớn chính quyền đã xử phạt hoặc rút giấy phép hành nghề một ít cơ sở sản xuất bún tươi nhưng không ai biết được là đến bao giờ người tiêu dùng Việt Nam thoát nạn bún trắng sáng cũng như hết bị bao vây vô phương tự vệ bởi đủ thứ hàng hóa và thực phẩm độc hại.
Thử lòng ‘kiên nhẫn’
Người Việt tính ôn hòa, nhưng đừng thách thức tính ôn hòa và thói quen nhẫn nhịn bằng thực trạng cơm, bún, thịt, rau… độc hại.
Lòng kiên nhẫn của người Việt đang bị thử thách bởi thực phẩm đáng ngờ
Người tiêu dùng Việt Nam đoan chắc là nếu thực trạng thiếu trách nhiệm, mất kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay thì càng ngày bún phát càng sáng hơn nữa, gạo trắng sáng hơn nữa… các loại thực phẩm độc hại sẽ độc hại hơn nữa.
Không đầu mối thăm dò dư luận nào cho biết những vấn đề bức xúc về chính trị, kinh tế, văn hóa… so với vấn nạn thực phẩm không an toàn thì nguy cơ nào lớn hơn.
Thể chế hiện hành đang liên tục đưa ra mục tiêu phát triển gần và xa, nhưng cơ sở nào để tin nếu ngay lúc này không đủ năng lực và trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu cơ bản về thực phẩm an toàn cho người dân?
Bài phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, hiện sống tại Sài Gòn.