LỄ CHÚA LÊN TRỜI – HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN

LỄ CHÚA LÊN TRỜI

Cv 1,1-11, Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6) ,Ep 1,17-23, Lc 24,46-53

HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN

Ông bà anh chị em thân mến, trong lúc suy gẫm những bài đọc hôm nay nhân ngày Lễ CHÚA VỀ TRỜI, tôi thật hớn hở vui mừng và bỗng tựa đề của bài hát xâm chiếm lòng tôi, đó là HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN của Nhạc sĩ kiêm Ca sĩ Nguyễn Đức Quang. Một ít lời của bài hát như sau:

Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền – Hy vọng đã vươn lên trong tim người không bối rối – Hy vọng đã vươn lên trong cuộc tình toàn thế giới
Hy vọng đã vươn dậy trong ngày qua – sang ngày nay – cho ngày mai

Quà thực, thưa ông bà và anh chị em, giữa bao ưu phiền, lo lắng, hoang mang trước ngày mai, chúng ta có một NIỀM HY VỌNG vô cùng thánh thiện trên tất cả mọi hy vọng chóng qua.  Đã chóng qua-tuy là cần cho cuộc sống ở trần gian- hy vọng nào cũng có tính cách tạm thời mà thôi. Còn HY VỌNG thánh thiện này là một ngày kia mỗi chúng ta cũng được về sống vĩnh viễn ở trời, nơi không còn khóc lóc, khổ đau, vất vả ngược xuôi, nơi đó Chúa đã từng hứa Thầy đi dọn chỗ cho các con vì Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó với Thầy. Do đó, cũng như các tông đồ mà thánh Luca diễn tả trong Tin Mừng hôm nay đầy “lòng hoan hỷ” sau bao ưu phiền, bối rối trước cuộc khổ nạn của Thầy mình, nay được chứng kiến tận mắt “Thầy được đưa lên trời”, chúng ta hãy hoan hỷ vui mừng vì CHÚA VỀ TRỜI là niềm hy vọng vinh hiển của mỗi chúng ta như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định ở số 666 rắng: “Chúa Giê-su Ki-tô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người.” Vậy cùng hiểu thêm đôi chút về biến cố Chúa Giê-su Lên Trời quả thật là NIỀM HY VỌNG VƯƠN LÊN hầu quyết sống ái mộ những sự trên trời như Mầu Nhiệm thứ hai của Năm Sự Mừng khuyên nhủ nhằm đạt được sự vinh hiển Chúa hứa.

CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI.

Trước hết, sách Công Vụ Tông Đồ mô tả Chúa Giê-su lên trời như sau: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.”  Sau 40 ngày sống lại, hôm nay Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác giới hạn con người (nhân tính), để chỉ hành động theo thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho chúng ta. Dấu chỉ Ngài được đưa lên trời quyện trong đám mây như để các môn đệ và chúng ta biết Ngài trở về với Chúa Cha. Như thế, trời không phải xây dựng trong mây trong gió hay cõi mơ mộng viễn vông, nhưng lên trời là trở về tương quan với Chúa Cha đã có muôn đời sau khi hoàn tất sứ vụ nhập thể làm người, chịu khổ nạn và chết để cứu độ chúng ta

Thứ hai, Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là từ nay, Ngài sẽ cách biệt các môn đệ, cách biệt mỗi chúng ta, nhưng có nghĩa Ngài không lệ thuộc vào giới hạn của thân xác về thời gian và không gian. Ngài luôn luôn hiện hữu ở mọi nơi và mọi thời với con người: tại Mỹ cũng như tại Việt-nam; trong Bí Tích Thánh Thể cũng như khi cầu nguyện…

Thứ ba, Nước Trời hay Thiên Đàng, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích, không phải là một nơi ẩn giấu đàng sau bầu trời, nhưng là một trạng thái vinh quang và vĩnh cửu, do sự kết hiệp hoàn toàn giữa con người với Thiên Chúa. Nước Trời do đó là một trạng thái của bình an, hoan lạc, không còn khổ cực đau thương nhưng hạnh phúc vĩnh cửu.  Nếu hiểu như thế, Nước Trời hay Thiên Đàng đã bắt đầu ngay từ đời này, trong mỗi chúng ta – nhưng chưa đạt tới mức hoàn hảo như ở đời sau, khi con người được chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Chúa là.

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI.

Như thế, để đạt Nước Trời ngay lúc này, mỗi chúng ta cần sống làm sao cho niềm hy vọng sẽ chung hưởng vinh quang Nước Trời trở thành sống động, tích cực bằng việc làm, chứ không thì HY VỌNG trở nên hảo huyền. Bởi vì chẳng ai hy vọng trúng số mà lại không bỏ tiền mua vé số cả.  Niềm hy vọng này chỉ có thể đo lường bằng lòng ái mộ những gì thuộc về Nước Trời.  Chúng ta là con cái của Chúa, tức của Nước Trời. Thánh Phao Lô trong thư gởi tín hữu Cô-lô-sê 3:1-2: Anh em đã được chỗi dậy (tức sống lại…) cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc về (ở trên) Nước Trời, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.  Anh em hãy hướng lòng về những gì thuộc về ở trên (Nước Trời) chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc về ở dưới *hạ giới).  Tất cả chúng ta đều biết những gì thuộc về ở trên tức Nước Trời mà: đó là tình yêu, bình an và hoan lạc.  Tất cả chúng ta cũng đều biết những gì thuộc về ở dưới, tức thế gian mà: đó là chia rẽ, hận thù, ghen ghét, độ kỵ, hờn giận, xét đoán, cầm buộc, không tha thứ…Những điều này ngược lại với yêu thương và không chỗ cho NIỀM HY VỌNG NƯỚC TRỜI vươn lên trong tâm hồn được, Nước Trời không thể phát triển được.

Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu Về Trời cũng là dịp để chúng ta cử hành niềm hy vọng sống lại của chúng ta mà chúng ta tuyên xưng ở cuối Kinh Tin Kính, dịp để chúng ta tự nhận xét niềm hy vọng của mình có vươn lên hay đi xuống, dịp để nhắc nhở chúng ta tiếp tục sứ mệnh xây dựng Nước Trời ngay lúc này, bằng đời sống luôn ái mộ những sự trên trời, ngay nơi mình đang sống để những người xung quanh nhận biết chúng ta là con Chúa Trời. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta ái mộ sống cho những gì thuộc về Nước Trời, nào là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau.  Tất cả những điều này giúp chúng ta nhận ra vào dịp lễ Chúa Giêsu Về Trời mỗi năm, NIỀM HY VỌNG của mình đang vươn cao ở khoảng nào: xa, khá xa hay đang ở trong Nước Trời bây giờ.

Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay