Lá thư gởi con trai

Lá thư gởi con trai
November 10, 2013


Tác giả: 35-015

nguoi-viet.com

Gởi Alex, con trai của má,

Hôm nay con đi thi bằng lái xe, má chúc con gặp nhiều may mắn trong kỳ thi này, con nhé! Thời gian gần đây, nhiều chuyện không vui xảy đến với con. Thấy con buồn, má cũng buồn lây, ngoài việc an ủi con, mong sao cho con sớm được nguôi ngoay, má không biết phải làm gì hơn.

Con ơi, con đang chập chững bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời. Bắt đầu từ đây, sẽ có nhiều việc đòi hỏi con phải tự suy nghĩ, tự quyết định, và tự vạch hướng đi cho tương lai của con. Cuộc đời của mỗi người được ví như một chiếc thuyền lênh đênh trên biển, và người thuyền trưởng điều khiển chiếc thuyền không ai khác hơn là chính bản thân người đó. Ðể có thể vượt qua những sóng gió, những nguy hiểm, dẫn dắt con thuyền về đến bến bờ một cách bình yên, người thuyền trưởng phải tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, nghị lực, và lòng tự tin.


Con biết không, con đường hai mươi năm lập nghiệp của gia đình mình trên nước Mỹ là một con đường nhiều chông gai. Những gì mình có được ngày hôm nay là thành quả của những ngày tháng gia đình mình đã chịu cực, chịu khó để đi học, đi làm. Những thành quả đó còn được đánh đổi bằng sự xa cách người thân, bằng sự hy sinh của cha mẹ dành cho con, và bằng những giọt nước mắt khóc xa gia đình, xa quê hương của những thành viên trong gia đình mình nữa, con à!

Cách đây hơn hai mươi năm, được sự bảo trợ của cậu, gia đình mình được qua Mỹ định cư. Bước chân lên máy bay ngày đó, trong lòng người nào cũng chất ngất những mối âu lo. Hai mươi bốn giờ đồng hồ trên hai chuyến bay trôi qua thật chậm, như cho mọi người có thêm chút thời gian để gói ghém lại những chuỗi ngày kỷ niệm, để tạm gác qua những ưu tư buồn phiền, và để chuẩn bị cho những thử thách đang đợi chờ phía trước.

Ngày đó, cậu mới học ra trường, sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, nhà cậu lại vừa bị cướp. Nhà mình qua Mỹ ngay vào thời điểm cậu đang gặp khó khăn về kinh tế. Không còn cách nào khác, cả nhà phải lao ngay vào tìm cho mình một công việc làm để có tiền sinh sống. Cũng may, vào thời bấy giờ, cộng đồng người Việt nơi gia đình mình cư ngụ, đang phát triển mạnh. Nhiều hãng xưởng, siêu thị đã có người Việt nam làm chủ, những dịch vụ truyền thông báo chí được đăng bằng tiếng Việt. Nhờ vậy mà gia đình mình đã có thể tìm được một việc làm tạm, mà không bị vấn để Anh ngữ làm trở ngại. Công việc làm đầu tiên của gia đình mình trên nước Mỹ là may đồ công nghiệp.

Lúc mình mới qua, lần đầu tiên mọi người nhìn thấy tờ báo Người Việt, do người Việt Nam làm chủ, ai cũng hết sức ngạc nhiên, vì không ngờ rằng ở Mỹ mà vẫn có thể tìm được một tờ báo đăng toàn chữ Việt. Khi đọc đến mục rao vặt, má thật mừng khi biết nhiều shop may gần nhà đang cần thêm thợ. Nhưng cũng lo lắm, vì khi còn ở Việt nam, mặc dù được ông bà Ngoại cho học may và may đồ cho cả nhà mặc, má chưa khi nào mở tiệm để may đồ kiếm tiền.

Vài ngày sau đó, cậu xin nghỉ làm một buổi chiều, lái chiếc xe hơi cà tàng của cậu, đưa cả nhà mình lên shop xin lãnh đồ về may. Ði lãnh đồ may mà tâm trạng người nào cũng phấn khởi, hồi hộp, như lúc mình còn ở bên Việt nam, được đi lãnh hàng do cậu gởi từ Mỹ về vậy. Khi cả nhà bước vào shop may, bà chủ shop may hỏi:

-May được bao lâu rồi?

Sợ rằng nếu nói thật là mình mới qua thì họ không dám đưa đồ về may, cho nên cậu con trả lời:

-Dạ, một năm rồi!

Bà chủ e dè hỏi lại:

-Mới có một năm hả?

Má lầm thầm trong bụng, “Ui trời! Một năm mà mới cái nỗi gì!” Cũng may cậu nói một năm, chứ như lúc nào cũng “Honesty is the best policy” (Thật thà là thượng sách) thì chắc nhà mình về nhà húp cháo nữa! Nhưng hỏi thì hỏi, bà chủ cũng cho đem đồ về may. Vậy là kể từ hôm đó, cả nhà mình từ trên xuống dưới đều trở thành những thợ may bất đắc dĩ!

Vào những năm đầu của thậạp niên chín mươi, đa số người Việt ở vùng Nam Californa đều sống bằng nghề may. Công việc may đồ này cực lắm, con à! Bởi vậy những người trên shop may ưa nói đùa với nhau:

“Ai ơi đừng lấy thợ may
Lưng khòm, bụng bự, đít chai, mắt mờ!”

Mà làm sao mắt không mờ, lưng không khòm khi phải ngồi ở bàn máy may từ sáng sớm đến khuya lắc khuya lơ, đầu tóc quần áo lúc nào cũng phủ đầy bụi vải, tiền kiếm được chỉ là hai ba chục đồng một ngày, trong khi thời gian bỏ ra là mười lăm mười sáu tiếng đồng hồ. Chưa kể lúc gặp người kiểm hàng khó, bắt mình đem nguyên lô áo cả ngàn cái về nhà tháo ra may lại. Những lúc như vậy, mấy ngày công cả nhà mình bỏ ra coi như mất trắng. Má và mấy dì cậu còn trẻ chịu cực đã đành, chỉ tội nghiệp cho ông bà Ngoại, phần thì ngồi cong lưng may cả ngày, phần thì buồn thương cho những đứa con mới qua Mỹ phải chịu cực chịu khổ, phần thì nhớ những đứa con cháu còn lại bên Việt nam, tóc bạc của ông bà Ngoại mỗi ngày một nhiều thêm.

Nhưng mất cái này được cái kia. Nghề may tuy vất vả nhưng không đòi hỏi người thợ phải đi làm đúng giờ về đúng giấc, vì may cái nào tính tiền cái đó, miễn sao đừng giao hàng trễ ngày. Vì vậy mấy anh em má có thể sắp xếp thời gian để vừa may vừa đi học. Những em nhỏ chừng bảy tám tuổi, sau khi tan trường về, ở nhà giúp ba mẹ làm những công việc lặt vặt như lộn túi áo, cổ áo, cắt chỉ, vân vân. Nhiều gia đình người Việạt Nam, sau vài năm làm nghề may, đã mua được nhà, con cái học thành bác sĩ, kỹ sư. Tất cả là nhờ vào bản tính chịu cực chịu khó của người Việt Nam mình đó con!

Thật cám ơn tờ báo Người Việt và nghề may thời đó, nhờ họ mà gia đình mình đã có được một công ăn việc làm ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, và cũng nhờ đó mà mấy anh em má được có cơ hội trở lại trường học.

Sống và lớn lên ở Mỹ, chắc con cũng đồng ý với má là nước Mỹ tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người dân có cơ hội đến trường. Có lẽ chưa khi nào con nghe nói về chuyện học sinh dưới mười tám tuổi phải nghỉ học ở nhà vì cha mẹ không có tiền đóng tiền trường hoặc nghỉ học để phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Ở đây, những học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp còn được miễn tiền ăn sáng và ăn trưa. Học sinh nào học yếu được nhà trường kèm thêm ngoài giờ, không nhất thiết phải tốn tiền đi học thêm. Chương trình học ở Mỹ không quá căng thằng, các con có thể vừa hoàn thành việc học ở trường, vừa có thời gian vui chơi, hoặc tham gia những hoạt động ngoài giờ học như thể thao, hướng đạo.

Vào đại học bên Mỹ không gay go như vào đại học bên Việt nam. Lý do là vì đại đa số trường đại học cộng đồng ở đây không đòi hỏi học sinh phải trải qua một kỳ thi đại học một đậu chín rớt mới có thể vào được. Má nhớ hồi xưa, học sinh đi thi đại học thường nghêu ngao đọc bài thơ con cóc:

“Giám thị nhìn em giám thị cười
Em nhìn giám thị lệ tuôn rơi
Cổng trường đại học cao vời vợi
Mười người leo, chín người rớt rồi!”

Nếu không được qua Mỹ định cư, có lẽ con đường học vấn của má đã không thành, cuộc sống của má có thể cũng bấp bênh như bao nhiêu người nghèo còn đang sống bên Việt Nam.

Nhờ được ông bà Ngoại cho học tiếng Anh khi còn ở Việt nam, đến khi qua Mỹ được tiếp tục sống chung với ông bà Ngoại, má có được mọi điều kiện thuận lợi để đi học trở lại. Lúc đang học ở đại học cộng đồng được hơn một năm, má lập gia đình về sống với ba con, bà Nội và cô. Hành trang má mang theo là lời dặn dò từ ông bà Ngoại phải ráng học để có bằng cấp, đi ra ngoài làm việc, ăn mặc đẹp với người ta. Nghe lời ông bà Ngoại, về nhà ba con hôm trước, hôm sau má đã vô trường nộp đơn xin học, không bỏ một ngày nào. Khi má mang thai con, cái thai hành má lắm, bởi vậy mỗi khi vào lớp học, má thường tìm dãy ghế chót, bên cạnh cửa ra vô để ngồi, để khi bị buồn nôn thì má có thể chạy kịp vô nhà vệ sinh. Sau khi con ra đời, má nghỉ tạm một mùa học để ở nhà chăm sóc con. Ðó cũng là lúc má vừa hoàn tất chương trình học hai năm và chuẩn bị chuyển lên trường đại học.

Hai năm ở trường đại học là thời gian má vất vả nhất trong suốt hơn hai mươi năm ở Mỹ. Mỗi ngày, năm giờ sáng, má chở con, lúc đó mới sáu tháng tuổi, đến nhà bà Lan nhờ bà trông chừng con, sau đó má đi làm. Ðến mười giờ má vô trường học, học về ghé rước con, lo cơm nước, dỗ con ngủ. Sau khi con yên giấc, má mới yên tâm ngồi vào bàn học bài. Mặc dù vất vả như vậy, trong suốt thời gian đi học, má chưa khi nào có ý định bỏ cuộc. Ngày má ra trường, ông bà Ngoại và gia đình mấy cậu dì qua dự lễ. Má vui lắm, cảm động lắm! Bồng con trên tay chụp hình lúc ra trường, bao nhiêu niềm vui sướng hạnh phúc cứ dồn về. Trong lúc làm lễ ra trường, nhìn những người lên lãnh bằng thạc sĩ, má ước mơ có một ngày mình cũng nhận được tấm bằng thạc sĩ đó. Nhờ có ba và hai con phụ má việc nhà để má có thời gian học hành, vài năm sau đó, má cũng đã đạt được ước mơ của mình.

Trong vấn đề học tập, sự động viên và khuyến khích của gia đình đóng một vai trò rất quan trọng, con à! Má may mắn có được gia đình lúc nào cũng ủng hộ việc học của má. Má sẽ noi theo gương đó, sẽ luôn ủng hộ và giúp đỡ các con trên bước đường học vấn. Má cũng hy vọng những ai được may mắn qua Mỹ sẽ cố gắng hết khả năng của mình để đi học cho có bằng cấp. “Kiến thức là một nguồn vốn mà đi buôn không bao giờ sợ lỗ”, câu nói này từ một người bạn của má, mà mỗi khi suy ngẫm, má đều thấy điều đó đúng vô cùng.

Ðối với việc chọn ngành nghề, những ai không bị trở ngại về Anh ngữ, như con và em của con, có thể theo đuổi bất cứ ngành nghề nào mà họ yêu thích. Còn đối với những người lớn lên ở Việt nam, khi vào học ở Mỹ, vấn đề nghe và nói tiếng Anh luôn là một trở ngại lớn. Lựa chọn những ngành nghề nào ít sử dụng kỹ năng nói trong công việc, học mau ra trường, có nhiều cơ hội tìm được việc làm để có tiền giúp đỡ gia đình là con đường mà nhiều người Việt nam mình đã lựa chọn và đi theo.

Như con đã biết, bằng cử nhân ở Mỹ đỏi hỏi thời gian học trung bình là bốn năm, nếu học toàn thời gian, một mùa con phải học mười lăm hoặc hoặc mười sáu unit. Người nào liên tục đổi ngành, hoặc vừa học vừa chơi, học một mùa chỉ vài unit, hoặc học đứt đoạn thì ngày tốt nghiệp, ngoài việc được trao cho tấm bằng đại học, còn được tặng thêm cây gậy và lá đơn để chống đi xin tiền già! Má tin rằng con của má sẽ không vướng vào con đường này!

Thỉnh thoảng con và em con hỏi má về chuyện xin việc làm ở Mỹ. Ở trường má học hồi xưa, mỗi năm đều có những công ty đến để phỏng vấn những sinh viên sắp ra trường. Hầu hết sinh viên đều mượn cơ hội này để ghi danh phỏng vấn tìm việc làm. Sinh viên đậu phỏng vấn sẽ được ký hợp đồng và có thể bắt đầu làm việc ngay sau khi ra trường. Trường của má vào những tuần lễ này vui lắm, sinh viên đi học mặc đồ đẹp, giống như những người làm việc chuyên nghiệp. Những sinh viên Mỹ trắng cao ráo đang học năm thứ ba, sau khi phỏng vấn vài lần đã có công ty ký hợp đồng mướn, còn những sinh viên nói tiếng Anh không rành hoặc học không giỏi thì sau khi tốt nghiệp, vẫn còn phải đọc báo tìm việc làm.

Trong vấn đề xin việc làm ở Mỹ, có thể nói hay không bằng hên. Khi con may mắn nộp đơn vào được những công ty đang cần người gấp, thì cho dù cho con không có nhiều kinh nghiệm, công ty vẫn mướn con, chỉ cần con tỏ ra nhiệt tình, chứng mình cho họ thấy là con thích làm và con sẽ sẵn sàng học hỏi thêm. Ðến khi con đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc thì vấn đề xin việc sẽ được dễ dàng hơn. Thêm vào đó, khi đi xin việc, nếu con nắm vững ưu thế thì con có thể đưa ra những điều kiện như điều chỉnh giờ giấc làm việc theo thời khóa biểu của con, hoặc xin thêm ngày phép. Ðể được như vậy, con cần phải giỏi và làm được việc, đem lại lợi ích cho công ty.

Những chỗ má làm xưa nay, không có chuyện cấp dưới nịnh hót cấp trên. Mặc dù chuyện phe đảng nơi công sở là có xảy ra, nhưng không lộ liễu. Những người có quen biết rộng bao giờ cũng có ưu thế hơn trong vấn đề tìm việc làm và thăng chức. Việc này có lẽ ở đâu cũng vậy. Mặc dù nước Mỹ là một nước tự do bình đẳng, nhưng sống trong đất nước đó vẫn là những con người bình thường như bao nhiêu người khác, tính tham sân si là không thể không tránh khỏi. Nhưng nếu con là người hoạt bát cởi mở, chịu khó làm việc thì đi đến đâu cũng sẽ được nhiều người quý mến.

Má may mắn được qua Mỹ lúc còn ở độ tuổi đến trường, được tiếp nhận nền học vấn của Mỹ, được đi làm cho công ty của Mỹ. Các con của má được sống trong một đất nước tự do với những điều kiện tốt nhất, ông bà Ngoại được chính phủ lo về đời sống và sức khỏe. Ðối với má, tất cả đã quá đủ, má không còn gì để đòi hỏi thêm nữa. Má luôn biết ơn nước Mỹ, biết ơn những người đi trước, và luôn thầm cám ơn sự giúp đỡ từ những người thân và bạn bè đã giúp gia đình mình trong suốt thời gian đầu mới qua Mỹ.

Con trai của má, qua câu chuyện về cuộc hành trình lập nghiệp của gia đình mình, má muốn con hiểu được một điều là trên đời này, việc gì cũng có cái giá của nó. Muốn được thành công thì mình phải nỗ lực. Những điều tốt đẹp không tự nhiên đến với mình, mình phải biết tận dụng cơ hôi, biết tạo dựng, và biết giữ gìn. Ðã đến giờ con vào thi rồi, hãy cố gắng lên con nhé! Trên con đường đời đang mở rộng phía trước, con sẽ còn trải qua rất nhiều kỳ thi. Kỳ thi càng cam go bao nhiêu thì nó sẽ càng giúp cho con có thêm bản lãnh, thêm nghị lực, và thêm lòng tự tin bấy nhiêu. Nhưng dù ở bất kỳ cuộc thi nào, con đều hãy nhớ rằng, ba má luôn ở bên cạnh con để giúp đỡ con , ủng hộ con, và cầu chúc may mắn cho con.

Má của con

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay