LỜI KINH TUYỆT VỜI
Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN
Trích EPHATA 582
Phụng Vụ bước vào Tháng Mai Khôi. Suốt tháng này, lòng sùng kính của Dân Chúa đối với Đức Mẹ mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng Chuỗi Mai Khôi. Mọi tín hữu được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng” qua từng lời kinh chuỗi hạt Mai Khôi.
Tràng hạt Mai Khôi là một hành trang và là phương tiện “bỏ túi”, “đeo tay”, “đeo cổ” gọn nhẹ. Lời kinh kỳ diệu này giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Kinh Mai Khôi không khác gì điện thoại di động hòa đời người vào mạng lưới Sự Sống thiêng liêng.
Chuỗi Mai Khôi trong tiếng Latinh là “rosarium” nghĩa là “vườn hoa hồng”. Tháng 10, lần hạt Mai Khôi, đoàn con cái hiếu thảo dâng biết bao hoa hồng lên Mẹ Maria. Bằng chuỗi Mai Khôi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp tiến dâng Mẹ hiền.
1. Kinh Mai Khôi đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng
Chuỗi Mai Khôi thật cao quý, ai biết siêng năng lần hạt sẽ nhận được hiệu quả phi thường.
Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mai Khôi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, Thánh Đa Minh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Hội Thánh.
Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mai Khôi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mai Khôi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công Giáo. Cùng với việc triệu tập Đạo Quân Thánh Giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V ( 1504 – 1572 ) kêu gọi mọi người siêng năng lần Chuỗi Mai Khôi.
Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công Giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi Giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo Hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong Giáo Triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 7 tháng 10. Đức Giáo Hoàng đã thiết lập Lễ Mai Khôi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.
Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Hội Thánh bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm Tam Điểm. Nhà Thờ bị phá hủy, các Linh Mục và Tu Sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Hội Thánh. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mai Khôi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của Kinh Mai Khôi.
Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mai Khôi. Chẳng hạn Kinh Mai Khôi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12.9.1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan… Chuỗi Mai Khôi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức ( Lourdes ) hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mai Khôi.
Tạp chí Reader’s Digest số ra tháng 4 năm 1991 có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêsa thành Calcutta ( 1910 – 1997 ) và một thương gia người Mỹ như sau:
Trên chuyến máy bay từ Chritiamy về Thanasity, thương gia trẻ tên là Jim Caiso ngồi kề bên Mẹ Têrêsa và một Nữ Tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người Nữ Tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng đã yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người Nữ Tu từ từ rút xâu chuỗi ra khỏi túi áo Dòng và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người Công Giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai người Nữ Tu.
Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi: “Anh có thường lần chuỗi không ?” Anh trả lời: “Thưa không !” Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói: “Vậy thì anh hãy bắt đầu lần chuỗi đi nhé !”
Ra khỏi phi trường, Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một Nữ Tu đích thực của Chúa”.
Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta và trao cho người bạn. Anh nói như sau: “Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị…” Mặc dù không phải là người Công Giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quý giá ấy.
Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và giờ đây trao lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ và chữa lành người khác.
Trong thời gian đó, người chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng: “Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu…”
Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi quý giá ấy. Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, sức mạnh tinh thần được canh tân nơi tất cả những ai mượn tràng chuỗi ấy. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh luôn đáp trả một cách vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn: “Khi nào không cần nữa thì cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cần đến”.
Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gỡ đó với Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi Jim nhớ lại rằng: Mẹ Têrêsa mang tất cả hành lý của Mẹ trong cái xách tay nhỏ, anh cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của anh được đơn giản hơn. Anh nói như sau: “Tôi luôn cố gắng nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác…”
2. Kinh Mai Khôi, một kho tàng quý giá của Hội Thánh
Chuỗi hạt Mai Khôi 200 hạt, 150 hạt, 50 hạt hay 10 hạt được dùng để đếm số Kinh Kính Mừng là “…lời ca tụng Đức kitô không ngừng. Đức Kitô được nhắc đến trong mỗi Kinh Kính Mừng cũng là Đấng được trình bày trong chuỗi các mầu nhiệm: Người là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ…” ( Đức Giáo Hoàng Phaolô 6, Rosamrum Virginis Mariae, số 18 ).
Chuỗi Mai Khôi lần lượt diễn tả:
– Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập Thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.
– Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
– Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
– Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang Phục Sinh của Đức Kitô.
Vì thế, Chuỗi Mai Khôi là kho tàng thiêng liêng quý giá của Hội Thánh.
Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 nói: “Chuỗi Mai Khôi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó…”
Đức Thánh Cha Lêô 13 ( 1810 – 1903 ) là vị Giáo Hoàng của Kinh Mai Khôi. Ngài đã ban hành 12 thông điệp nói về Kinh Mai Khôi. Ngài đã thiết lập Tháng Mai Khôi và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: “Nữ Vương rất thánh Mai Khôi, cầu cho chúng con.”
Đức Thánh Cha Piô 10 ( 1835 – 1914 ) đã nhắn nhủ các gia đình Công Giáo: “Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối… Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần Chuỗi Mai Khôi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng Chuỗi Mai Khôi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần Chuỗi Mai Khôi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”.
Thánh Piô Năm Dấu Thánh ( 1887 – 1968 ) chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mai Khôi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua Chuỗi Mai Khôi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu, hãy lần Chuỗi Mai Khôi”.
Cha Stefano Gobbi ( 1930 – 2011 ) viết: “Chuỗi Mai Khôi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mai Khôi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mai Khôi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu”.
Đức Thánh Cha Piô 9 ( 1792 – 1878 ) đã khuyên nhủ: hãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình.
Đức Thánh Cha Piô 11 ( 1837 – 1959 ) viết: “Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi…”
Đức Thánh Cha Piô 12 ( 1876 – 1958 ) khuyên nhủ các bạn trẻ: Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mai Khôi. Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mai Khôi, và xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mai Khôi. Trong một lần tiếp kiến, ngài nói với một vị Giám Mục: “Hãy yêu cầu các Linh Mục của ngài cầu nguyện và hãy nói cho họ biết: Đức Thánh Cha vẫn lần chuỗi mỗi ngày”. Khi về già, trước lúc đi ngủ, dù là nửa đêm, ngài cũng vẫn lần chuỗi.
Đức Thánh Cha Gioan 23 ( 1881 – 1963 ), ngay trong năm đầu của triều đại cũng đã ra một thông điệp về Kinh Mai Khôi.
Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 ( 1920 – 2005 ), ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mai Khôi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Elisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Hội Thánh cùng liên kết với những lời kinh ấy”.
Các Đức Thánh Cha đều khẳng định về sự tuyệt diệu của Kinh Mai Khôi và mong muốn mọi tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi. Các tín hữu đã đáp trả lời mời gọi tha thiết ấy.
Đức Mẹ rất yêu mến những ai siêng năng đọc Kinh Kính Mừng. Qua Kinh Mai Khôi, chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần Kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả một trăm năm mươi lần, như một trăm năm mươi đóa hoa hồng dâng kính Mẹ, như lời Đức Giáo Hoàng Piô 5 đã nói: “Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi Kinh Kính Mừng, theo con số các Thánh Vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thơi suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.”
3. Kinh Mai Khôi, lời kinh gần gũi cuộc sống
Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng, trong Tông Thư “Kinh Mai Khôi”, một lần nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mai Khôi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Công Đồng Vatican 2 ( 1962 – 1965 ) khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.
Kinh Mai Khôi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược. Chuỗi hạt Mai Khôi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mai Khôi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.
Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 ( 1897 – 1978 ) khích lệ: “Bản chất việc đọc Kinh Mai Khôi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa.”
Điều thuận lợi của Chuỗi Mai Khôi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mai Khôi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mai Khôi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh… thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain ( 1882 – 1973 ) gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”.