Lại một chuyến về thăm quê nhà

LẠI MỘT CHUYẾN VỀ THĂM QUÊ NHÀ

                                                                            tác giả: Phùng văn Phụng

Tôi quyết định vượt nửa vòng trái đất về thăm má tôi vì má tôi tuổi hạc đã quá cao. Năm nay đã được 69 tuổi rồi.Tháng 12 năm tới, năm 2012, má tôi được tròn 100 tuổi. Tôi cũng muốn thăm lại các người thân, bà con hai bên, thăm lại bạn bè cũ và nhân tiện gặp gỡ lại các bạn đồng nghiệp cũ cũng như các em cựu học sinh trường Lương văn Can. Tôi cũng muốn về thăm lại nhà tôi ở hồi còn nhỏ, chỗ tôi lần đầu tiên cắp sách đến trường, được mang tên trường tiểu học Rạch Núi.

Tôi về Việt nam vỏn vẹn có 5 tuần lễ. Sinh hoạt, ăn ngủ, sống ở trong căn nhà cũ .. khi tôi còn học lớp đệ nhất (lớp 12) trường Chu văn An hồi 1961. Cách nay đúng 50 năm, ở đây ba tôi dựng tạm một nhà lá để ba tôi và tôi cùng vài người tài xế xe lam ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Xung quanh nhà tôi ở chưa có ai cất căn nhà nào khác cả. Năm này má tôi vẫn còn sống dưới quê, bán tiệm tạp hóa nhỏ ở làng Đông Thạnh, Chợ núi.

Về Việt nam lần này, tôi đi hảng máy bay Singapore. Máy bay đi từ Houston sang Moscow (Nga) rồi từ Moscow đi Singapore và từ Singapore về Sài gòn. Thời gian đi từ Mỹ về Việt nam cũng như từ Việt nam sang Mỹ mất khoảng 26 tiếng ngồi trên máy bay, kể cả giờ chờ đợi để chuyển máy bay ở phi trường Singapore và phi trường Moscow mất thêm khoảng 6, 7 tiếng nữa. Hôm trở về Mỹ, 5 giờ chiều mới được vào để “check in”lấy vé lên máy bay, vậy mà đến 2 giờ trưa ngày hôm sau mới tới được phi trường “George Bush” ở Houston. Ngồi trên phi cơ gần hai đêm một ngày mới tới nơi. Nếu đi hảng khác như hảng “Continental” chẳng hạn, từ Houston vượt Thái Bình Dương sang Nhật, rồi về Sài gòn, thời gian sẽ ngắn hơn nhiều.
Sau khi rời phi trường Tân Sơn Nhất, vừa về đến nhà, tôi vội vàng gọi cho anh Hồ công Hưng báo tin tôi đã về tới Việt nam để hy vọng anh Hưng tổ chức buổi gặp gỡ các bạn đồng nghiệp cũ cũng như các em cựu học sinh trường Lương văn Can để cùng nhau tâm sự vui buồn với nhau.
Tháng 3 năm 2009, tôi có về dự cuộc họp mặt với các thầy cô cũ và các em cựu học sinh trường Lương văn Can, ra trường 1975 tại nhà hàng Đồng Diều ở quận 8. Tôi có gặp Huỳnh văn Cung. Chuyến về thăm nhà lần này (2011) tôi không còn gặp được Huỳnh văn Cung nữa. Khoảng năm 1985, sau khi Cung ra tù tôi có mời Cung đến nhà tôi ăn một bửa cháo. Tôi cũng ra tù trước Cung chừng hai năm. Về lần này, tôi cũng không còn gặp được bạn đồng nghiệp rất thân là Nguyễn Kim Hùng, cùng tốt nghiệp trường sư phạm, cùng đổi về dạy học tại Quận Đất Đỏ (Bà rịa) những năm 1964,1965. Sau này Hùng đổi về trường Nguyễn An Ninh, đã mất vì bịnh ung thư máu.

Đi thăm quê nội làng Tân Tập, quận Cần Giuộc Long An.

Tôi về Việt Nam lần này gặp mùa mưa bảo. Hai trận bảo liên tiếp theo nhau. Hết bảo số 5 thổi vào miền Trung kế tiếp là bảo số 6 thổi vào Hà nội, Hải phòng. Do đó miền Nam bị ảnh hưởng mưa nhiều.Tôi về thăm mộ ba tôi ở làng Tân tập, nằm sâu giữa ruộng, phải xắn quần lên tới đầu gối, lội dưới nước sình mới tới được khu đất chứa nhiều ngôi mộ có mộ ông bà, chú bác tôi … trong đó có mộ của ba tôi. Ba tôi được chôn cất ở đây từ năm 2005, hơn sáu năm rồi. Có tin đồn sẽ giải toả khu mồ mả này, sẽ phải bốc mộ dời di nơi khác. Nhà nước sẽ lập khu thương cảng, chừng nào lập, có lập cảng không, không ai biết. Ở vùng Tân Tập này người ta đã bỏ hoang ruộng đất rất nhiều. Đất xấu, năng xuất thấp, cỏ năng mọc đầy, giá nhân công cao nên họ bỏ ruộng hoang không trồng lúa. Một số bà con chuyển sang nghề nuôi tôm hy vọng còn lời chút đỉnh để sống. Đa số người dân vùng này lên Sài gòn làm công hay buôn bán lặt vặt để có tiền lo cái ăn, cái mặc và lo cho con cái học hành. Xe đò có thể chạy từ Chợ lớn xuống tới bờ sông Soi Rạp luôn. Kỳ trước (2009) đường đang làm, xe cộ chưa chạy được, tôi phải đi bộ từ ngả tư đến nhà tôi gần chợ Rạch Núi. Kỳ này xe đò 16 chỗ ngồi có thể chạy trên đường này và đậu trước nhà cũ của tôi. Nơi tôi đã sinh ra, đã lớn lên, đã học từ lớp một cho tới lớp 5. Thầy hai Lang, thầy ba Hương, ông đốc Kiệt v.v…đã dạy cho tôi biết đọc biết viết, dạy cho tôi có kiến thức, hiểu biết thông thường để ra đời làm ăn sinh sống và quý thầy cô cũng dạy cho tôi biết yêu mến cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc, yêu quê hương đất nước qua các bài giảng trong sách Quốc văn Giáo Khoa Thư. Ngày nay đọc lại sách này vẫn còn xúc động, tình nghĩa thầy trò, bạn hữu, xóm giềng thân thương quý mến v.v. Tôi nhìn lại căn nhà cũ tôi ở hồi nhỏ, nay thuộc về chủ mới, chị mười Não con cô Bảy tôi. Căn nhà này ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, không còn phảng phất chút gì của khung cảnh cũ mà tôi đã sống từ hồi tấm bé.

Đi thăm Nhà thờ Tắc Sậy và mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Tháng 03 năm 2005 tôi có viếng nhà thờ Tắc Sậy và thăm mộ Cha Trương Bửu Diệp để cầu nguyện, xin ơn. Lúc đó nhà thờ cũ chưa xây. Mộ Cha ở sâu phía trong bên trái nhà thờ Tắc Sậy. Năm nay nhà thờ mới đã xây xong. Mộ của Cha được dời ra phía trước, xây cất khang trang hơn. Khách hành hương viếng mộ Cha Phanxicô càng ngày càng đông hơn. Nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn phục vụ cho khách hành hương tươm tất sạch sẽ hơn nhiều so với năm 2005.
Cha Phanxicô sinh ngày 01-01-1897, thụ phong Linh mục năm 1924 tại Nam Vang. Tháng 03 năm 1930 là cha sở họ đạo Tắc Sậy. Năm 1945-1946 chiến tranh loạn lạc, bà con di tản, Cha bề trên địa phận kêu Ngài lánh mặt khi nào yên ổn lại trở về họ đạo, nhưng Ngài trả lời: “Con sống giữa đoàn chiên, nếu chết cũng chết giữa đoàn chiên”. Ngày 12 tháng 03 năm 1946, Ngài bị bắt cùng với trên 70 giáo dân thuộc họ đạo Tắc Sậy và cuối cùng Ngài đã hy sinh, chết thay cho những người giáo dân bị bắt chung.
Trong bản tóm lược tiểu sử của Cha có ghi :
Tận Hiến Cuộc Đời cho Thiên Chúa
Hy Sinh Kiếp Sống Giúp Con Người.

Ngày nào cũng có khách hành hương đến viếng nhà thờ Tắc Sậy và mộ Cha. Riêng ngày thứ bảy, chúa nhật càng đông khách hành hương. Đặc biệt, hằng năm vào những ngày 11 và 12 tháng ba dương lịch ngày Cha Trương Bửu Diệp qua đời là lúc nhiều người không kể lương giáo từ khắp nơi nô nức đến họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ nay thuộc giáo phận Cần Thơ, nằm trong địa bàn của xã Tân Phong, huyện Gia Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Người ta đến đây để cầu nguyện với Thiên Chúa thông qua Cha Trương Bửu Diệp xin các ơn cần thiết cho bản thân, cho gia đình, cho thân nhân như xin được khỏi bịnh ngặt nghèo, làm ăn được may mắn, trôi chảy, cầu nguyện cho con cái chịu khó học hành, con hư hỏng trở về đường ngay v.v…hay cầu nguyện cho nhiều nhu cầu về đời sống tâm linh khác nữa. Con người ngoài đời sống vật chất cơm ăn, áo mặc, nhà ở còn đời sống tinh thần, đời sống tâm linh như sự đau khổ, bịnh hoạn, tật nguyền, sự sống, sự chết… con người cần đến Đấng Tối Cao là Thiên Chúa, là ông Trời nâng đỡ, an ủi, che chở, cứu giúp cho. Và ở đây có rất nhiều tấm bảng cũng như ghế ngồi của khách hành hương dâng cúng để tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Cha Trương Bửu Diệp cầu thay nguyện giúp những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho bản thân và gia đình họ. 

                            Nhà thờ Tắc Sậy
Vài suy nghĩ thoáng qua?
* Nếu sống ở Mỹ, khi cảnh sát thấy trẻ em đi ngoài đường trong giờ học từ thứ hai đến thứ sáu, thì trẻ em đó sẽ bị bắt và gọi cha mẹ đến phạt sao không cho con em đến trường và bảo lảnh các em này về, vì ở Mỹ trẻ em đến tuổi đi học bắt buộc phải đến trường. Giáo dục ở bậc tiểu học và trung học hoàn toàn miễn phí. Miễn phí từ lớp một đến lớp mười hai. Phụ huynh học sinh không phải đóng bất cứ học phí nào. Nếu học sinh thật sự nghèo còn được cho ăn trưa miễn phí. Hàng ngày các em còn có xe “bus”đưa rước đến trường. Dầu nghèo, dầu giàu các em đều có cơ hội đồng đều đến trường để mở mang kiến thức. Con của nông dân hay ngư phủ đều có thể trở thành Bác sĩ, Luật sư hay bất cứ ngành nghề nào nếu các em có ý chí và chịu khó siêng năng học tập. Khi đến tuổi vào Đại học các em được vay tiền đóng học phí với lãi xuất nhẹ. Sau khi học thành tài, ra trường làm việc các em trả nợ sau. Ở Việt nam 12 năm đầu đóng nhiều thứ tiền quá nên có nhiều trẻ em phải bỏ học vì cha mẹ nghèo, thật là một thiệt thòi cho các em, từ đó nhân tài có thể bị mai một. Có một buổi sáng khoảng 10 giờ, tôi đã nhìn thấy một cháu khoảng 9,10 tuổi đi bán vé số, đáng lẽ giờ đó em phải đến trường học.
Buổi chiều, nhiều người đi bán vé số quá từ trẻ tuổi đến người lớn tuổi đều có. Đa số họ sinh quán từ miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v… Ở Mỹ việc bán vé số dành cho các tiệm tạp hóa (grocery) bán bằng máy không cần người đi lang thang chào bán, cho nên đỡ rất nhiều nhân công.

* Sau 1975, vì không thể làm ăn sinh sống bình thường nên rất nhiều người phải bỏ đất nước Việt nam mà ra đi. Những kỹ nghệ gia, thương gia, bác sĩ, giáo sư những trí thức bị o ép, không được tự do làm việc, tự do phát triển khả năng nên họ tìm đất mới mà dung thân. Sự ra đi ồ ạt của giới trí thức, kỹ nghệ gia, thương gia, những người có tài, học vấn cao đã làm chảy máu chất xám. Các viên chức chế độ cũ bị tù đày (cải tạo) trên ba năm cũng đều được cho đi định cư tại nước ngoài. Đa số họ có trình độ văn hóa lớp 11 trở lên, đó là thành phần ưu tú của miền Nam Việt nam. Nếu ở đất nước cũ họ không được trọng dụng, là thành phần sống bên lề xã hội, nhưng qua đất nước khác, họ là thành phần đóng góp đáng kể vào xã hội mới. Con cái họ với “gene” di truyền của cha mẹ đã cố gắng học tập, chịu khó làm việc nên đã khá thành công trong xã hội mới. . Ngày nay những đứa con thuộc thành phần ưu tú đó đã tốt nghiệp ở các trường Đại học ở Mỹ, ở Âu Châu hay ở Úc. Hiện nay không khéo “cuộc di cư mới của những người con ưu tú” vẫn còn tiếp diễn, chảy máu chất xám vẫn chưa chấm dứt. Tất cả những học sinh giỏi sau lớp 12 hay sau bậc Cử nhân mà đi du học, nếu tốt nghiệp, nếu đậu Master hay PhD đều được các nước sở tại mời làm việc với lương bổng cao. Và dĩ nhiên, các sinh viên này sẽ ở lại nước mình đi du học thay vì trở về Việt nam làm việc. Muốn cho các em sau khi tốt nghiệp ở Đại học nước ngoài này trở về Việt nam làm việc, tài năng của các em phải được phát huy thực sự, các em phải được trọng dụng thực sự, lương trả cho các em phải tương xứng, lúc đó mới hy vọng lôi kéo được các em này trở về nước để phục vụ.Trước năm 1975, đa số các sinh viên đi du học đều trở về nước chứ ít khi họ chịu ở lại. Còn ngày nay đa số đều mong muốn ở lại nước sở tại sau khi tốt nghiệp hơn là trở về Việt nam mặc dầu đất nước Việt hơn 36 năm qua không có chiến tranh. Tại sao vậy?

* Trước cửa nhà tôi là chỗ sửa xe gắn máy và vá vỏ xe. Hai cháu nhỏ tuổi 9X đã văn tục, dùng ngôn từ đ.m. để tỏ thái độ giận dữ vì vỏ xe bị xẹp. Thế hệ trẻ tuổi của Sài gòn có thể phát ngôn thiếu văn hoá như thế sao? Tôi không thể tin rằng “văn hoá chửi thề” do miệng các cháu gái thế hệ 9X lại có thể xảy ra giữa Sài gòn được coi là “Hòn ngọc viễn đông” của Đông Nam Á này.

* Quán xá ăn uống quá nhộn nhịp nhất là về ban đêm. Chỗ nào cũng có thể bán quán nhậu được. Con đường Đào Cam Mộc, khoảng năm trăm mét đã mọc lên chừng 10 quán nhậu. Mà quán nhậu nào cũng đông khách. Có vẻ như dân Sài gòn ăn nhậu nhiều quá chăng?

* Một người cháu làm nghề điện lạnh đã đến một trường học để sửa chửa hệ thống máy lạnh của nhà trường. Anh ta than phiền là ông Hiệu trưởng đã đòi “lại quả” 10% số tiền mà anh đã nhận. Và anh Hiệu trưởng nói: “ anh đưa thẳng cho tôi không cần đưa bao thơ làm gì cả”. Và người cháu này đã nói một câu cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm: “Thầy giáo gì mà lại đòi hối lộ.”
Thầy giáo gì mà lại đòi hối lộ? Có nghĩa là anh ta vẫn rất quý mến nhà giáo, là những kỹ sư tâm hồn hiện nay, anh ta hoàn toàn tin tưởng người làm giáo dục thường rất đàng hoàng, không tham lam, “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, bởi vì thầy cô giáo không chỉ dạy dỗ cho các em nên người hữu dụng cho xã hội mai sau, nhưng nhà giáo còn phải là chứng nhân (làm guơng) cho các em học sinh mà còn làm gương tốt cho xã hội nữa. Cho nên nhiều người vẫn mong muốn: “Thời đại ngày nay không cần thầy dạy mà cần những chứng nhân”.

* Chạy vô đường ngược chiều được xem là bình thường. Khi gặp đèn đỏ xe vẫn chạy là bình thường vì nếu không chạy thì xe phía sau sẽ bóp còi. Xe gắn máy qua mặt rồi chận đầu xe đang chạy phía trước. Khi phải đậu lại vì đèn đỏ, nhiều xe chạy lấn tràn qua phía bên trái, chận đầu, cản trở xe ngược chiều không thể chạy lên được.v.v.. Ở Mỹ xe chạy theo “lane” của mình, muốn sang “lane” chớp đèn báo hiệu trước, rồi sang “lane”. Khi chạy xe ít dùng đến còi xe. Ở Việt nam đường hẹp, lưu lượng xe gắn máy quá nhiều, thường dùng còi xe inh ỏi, lúc nào cũng có vẻ bực mình, tôi có cảm tưởng như người Sài gòn muốn lao vùn vụt đi phía trước, để giải tỏa bớt sự nóng bức của thời tiết, bởi áp lực công việc, bởi nhiều thứ “stress” khác đè nặng lên tâm hồn con người Sài gòn ngày hôm nay.

Thăm Vĩnh hưng, Mộc hóa mùa nước nổi.

Lần đầu tiên thăm vùng nước nổi phải đi ghe máy để vào căn nhà của ông mười Mích, là thân hữu rất thân tình của anh Hưng. Căn nhà gạch lọt thỏm giữa vùng nước mênh mông ở Mộc Hóa gần biên giới Campuchia. Xung quanh toàn là nước phù sa màu gạch bùn. Chính phù sa này sau khi nước rút, đã giúp cho đồng bằng màu mở tốt tươi để bà con nông dân trồng lúa thu hoạch mùa màng năng xuất cao cũng như đem lại đủ loại cá tôm sau khi nước rút.
Xin xem “Về thăm lại Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” tác giả Hồ Công Hưng.

Buổi tiệc tại nhà hàng 241:

Một buổi tiệc do anh Hồ Công Hưng và một nhóm Cựu Học sinh trường Lương văn Can tổ chức tại nhà hàng 241 vào trưa ngày 09 tháng 10 năm 2011. Gặp lại Thầy Hiệu Trưởng Uông Đại Bằng, Cựu Nghị viên Dương văn Long đã hồi phục rất nhiều sau trận tai biến cách nay mấy năm. Gặp lại rất nhiều thầy cô cũ, thầy Trương sui gia với người anh bạn dì ruột, thầy Đinh Trọng Kỳ, thầy Truyền, thầy Trọng v.v…Gặp lại rất nhiều Cựu học sinh Lương van Can mà nay đã đến tuổi U60, đã có sui gia, đã làm ông bà nội, ông bà ngoại. Không khí ấm cúng, yêu thương, lưu luyến của tình đồng nghiệp, thầy trò ngày xưa. Những mẫu chuyện vui buồn hơn 36 năm về trước được kể lại, được nhắc nhở như gói ghém tình nghĩa yêu thương gắn bó với nhau dường như không muốn chấm dứt.

– Ngày 21.10.2011 –
Phùng văn Phụng

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay