KHI VỢ KHÁC NIỀM TIN TÔN GIÁO – Phần 1
Trích EPHATA 580
Người anh em mến,
Không khí tiết trời đang chuyển sang se se lạnh với gió nhẹ hiu hiu mỗi sớm mai thức dậy khiến nhiều người chúng ta đang trải nghiệm một cảm giác gì đó vừa thân quen lại vừa lạ lạ, bởi đất trời đổi thay và thời tiết thì cũng không nằm ngoài quy luật bất biến ấy. Cá nhân anh, cảm thấy lòng nhẹ nhàng và thanh thản đến lạ kỳ, khi mỗi sáng được ngồi bên khung cửa sổ của một quán cafe để chiêm ngắm cuộc sống.
Và ngay lúc này khi đang nghe đĩa nhạc thời danh Cantate Domino – một album nhạc cổ điển cho mùa Giáng Sinh đang về với chúng ta, đĩa nhạc được thực hiện bởi dàn nhạc Oscar’s Motet Choir dưới sự chỉ huy của Torsten Nilsson, với rất nhiều nhạc khúc tuyệt vời khác nhau của các nhà soạn nhạc tài ba qua mọi thời đại, anh chợt nhớ đến câu hỏi mà em đặt ra cho anh khi chúng ta trò chuyện cách đây ít lâu về chủ đề niềm tin tôn giáo trong cuộc sống lứa đôi.
Em cho anh biết, em đang quen bạn gái và người này lại khác niềm tin tôn giáo với em ( Một bên là Kitô Hữu Công Giáo và một bên là Phật Tử Phật Giáo ), em trăn trở vì không phải hai bạn khác nhau về niềm tin, nhưng là suy nghĩ đến thế hệ tiếp theo là những đứa con của hai em trong mối tương quan với tất cả những người xung quanh. Liệu con của các em nó có phát triển cách đúng đắn theo Đức Tin Công Giáo mà em đã được thụ hưởng không, hay nó sẽ bị rơi vào tình trạng rối loạn niềm tin như nhiều người khác mà em có dịp quen và làm việc chung với họ khi những người này là con của những gia đình khác niềm tin tôn giáo.
Trước vấn đề em suy nghĩ và trăn trở, anh xin được gửi đến em một vài chia sẻ khi đặt chính bản thân anh vào hoàn cảnh và tình huống của em. Những suy nghĩ này không có mối liên hệ gì đến Giáo Luật ( Vì Giáo Luật hoàn toàn cho phép hai bạn kết hôn khác niềm tin tôn giáo ), cũng không liên quan gì đến Pháp Luật ( Vì pháp luật không ngăn cấm ), và cũng không liên quan gì đến Đạo ( vì đạo nào thì cũng tốt theo nghĩa hướng người ta đến chỗ sống tốt ). Ở đây, anh chỉ đề cập đến yếu tố tập chú vào cháu bé khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên trong mối tương quan cháu bé được hai em cho dự phần vào Đức Tin Công Giáo.
Vùng đất nhiễm phèn và ngập mặn
Ai cũng biết ở vùng đất thế này thì chẳng có cây gì có thể trồng trọt, canh tác, hay phát triển bình thường được. Đây là một sự thật từ thiên nhiên mời gọi chúng ta suy nghĩ về mối tương quan giữa hai bạn và các con của hai bạn sau hôn nhân trong mối liên hệ đến sự pha trộn quá nhiều cái mà chúng ta không gọi là sự khác biệt cho bằng sự bất đồng về quan điểm giáo dục và niềm tin. Nếu vùng đất nước ngập mặn và nhiễm phèn đã khó và gần như không thể canh tác và trồng trọt, thì hẳn một môi trường gia đình pha trộn sự bất đồng của nhiều yếu tố cũng khó có thể mang lại cho xã hội một nhân tố tốt lành và hữu ích. Cây đó nếu trồng được thì hẳn sẽ không bình thường nếu không muốn nói là èo uột, còn giả như bình thường thì hẳn trái của nó sẽ không ngon ngọt như những cây được trồng ở đúng vùng đất tốt và hoàn hảo.
Trước hết, chúng ta nói với nhau về sự bất đồng về quan điểm giáo dục. Ở đây, ai cũng nhân danh cái gọi là “muốn con mình là người tài đức và hữu ích cho gia đình và xã hội” trên môi miệng để tạo nên thế đối kháng khi giáo dục con cái về nhân cách. Có quá nhiều gia đình mà các bậc cha mẹ không thống nhất với nhau về quan điểm nuôi dạy con cái, đã tạo nên cho những người con mình một sự phát triển không đúng đắn về tâm lý và nhân cách sau này.
Vì sự không thống nhất này mà hễ cháu ngồi với cha thì cha nói một đằng, cháu nghe và áp dụng; khi ngồi bên mẹ, mẹ lại thủ thỉ một đằng khác trên cùng một vấn đề, và cháu thắc mắc vì sao có sự khác khác này giữa cha và mẹ thì cả hai đều thay vì giải thích để cháu thêm phong phú ( nếu có ) lại quay ra chê bai quan điểm của nhau, vì ai cũng muốn con mình tung hô và khen là tài giỏi ( Lớn rồi mà vẫn cứ như con nít ).
Thế nên, bối rối giữa cha và mẹ mà lại không được giải thích cặn kẽ, nên để khỏi mất lòng cha mẹ, cháu tự nghĩ ra một quan điểm mới mang tên là “Quan Điểm Của Tôi”. Từ nay, ông nói kệ ông, bà nói kệ bà, tôi sống theo cách của tôi. Về mặt này, người anh em cần suy nghĩ cho thật đúng đắn trước khi kết hôn, cần có những trao đổi thẳng thắn trong thời kì tìm hiểu chứ đừng vì sợ mất cảm hứng, hay mất vui, hay mất lòng mà ngần ngại không dám đề cập và trao đổi với nhau. Đây cũng là lầm lạc rất lớn của nhiều đôi bạn khi hoặc vì nhát đảm hoặc vì thiếu hiểu biết sâu sắc thật sự mà không dám đề cập khi đang “yêu nhau”, để rồi khi lấy nhau về họ cũng chưa dám nói ra, và khi có con thì mâu thuẫn từ đây nảy sinh. Và thế là thay vì khiêm tốn nhận ra thiếu sót và chân thành cùng bàn bạc ra một đường lối và quyết sách chung, họ lại áp dụng phương thức mạnh ai nấy dạy con cho nó thành quái nhân.
Thứ đến, chúng ta cùng nói về sự bất đồng trong quan điểm giáo dục niềm tin ( nói theo cách chung nhất, vì theo quan điểm Công Giáo thì gọi là Giáo Dục Đức Tin ). Người anh em vốn đã được giáo dục Đức Tin Công Giáo tinh tuyền từ tấm bé, thế nên theo Giáo Luật thì cha mẹ phải có trách nhiệm sinh sản và giáo dục theo Đức Tin Công Giáo. Đó là luật buộc, không thể tranh luận gì thêm.
Tuy nhiên, khi người vợ anh em hoặc giữ đạo mình theo Phép Chuẩn Công Giáo (chồng giữ đạo chồng, vợ giữ đạo vợ) hoặc gia nhập Giáo Hội ( Tức là có cùng một Đức Tin vì mới theo đạo ) nên hệ quan điểm có phần nào hoặc bất đồng hoặc vì chưa chắc chắn vì bản thân cô ấy còn quá mới so với mấy chục năm sống. Vì đứa bé sẽ được giáo dục theo bố, tức là học tất cả mọi điều theo truyền thống giáo dục Đức Tin của Giáo Hội, nên bố lúc này sẽ giữ vai trò quyết định. Tuy nhiên, bản thân bố vì nhiều lý do mà đôi khi bản thân đã không thông tường hết mọi điều về Tín Lý và Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy đã thấy mình tự thân rối, nhưng vẫn ráng sức dạy dỗ cho con những điều căn bản.
Rồi người con ấy lại chạy đến hỏi mẹ, và mẹ vì không muốn con mình chê là thiếu hiểu biết nên đành giải thích theo cách mẹ nó hiểu ( Hiểu kiểu nào thì cũng sẽ gặp vấn đề, vì đức tin không thuộc phạm trù giải thích theo lý luận của triết học ), và từ đây đứa bé do thấy mâu thuẫn và thiếu thoả đáng, nó sẽ tự ý tạo ra một cách hiểu và thực hành Đức Tin mới có tên là “Kiểu Sống Đạo Của Tôi”. Từ nay, ông nói gì kệ ông, ông giải thích gì kệ ông, bà dạy gì thì tuỳ, tôi sống theo cách của tôi miễn sao lương tâm không cắn rứt và không hổ thẹn là được.
Về điểm này, anh em cần thẳng thắn hỏi lại bản thân mình cách nghiêm túc trước khi mời gọi người yêu của mình theo đạo hoặc đạo ai nấy giữ khi còn đang yêu nhau. Câu hỏi anh em cần đặt ra cho bản thân mình là “Tôi đã thực sự dùng thời gian để tìm hiểu kỹ càng Tín Lý và Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy chưa ?”, “Tôi đã thực hành Đức Tin của mình thế nào để có thể trở thành mẫu gương cho người bạn đời này qua đó mà nhận ra Đấng mà tôi tuyên tín ?”
Nếu hai câu hỏi này mà anh em can đảm quả quyết “CHƯA !” thì anh em hãy khoan lập gia đình, không phải vì hèn nhát, nhưng vì phần ích và phần rỗi của cả vợ và con người anh em tương lai, nếu không muốn nói đến cả một cộng đồng to lớn phía trước đang chờ đón anh em phía trước.
Nếu phần anh em đã có chữ “RỒI” cách quả quyết thì cần hỏi về phía người anh em sẽ kết hôn. Câu hỏi là “Liệu nàng có thật sự tin theo một Đức Tin tinh tuyền mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi trái tim không, hay theo như một thủ tục để có chồng cho xong ?”, “Liệu nàng có thiện chí để sống hoà hợp trong cùng một Đức Tin với mình để tạo nên thế đồng nhất trong việc giáo dục con cái không ?” “Liệu nàng có hoàn toàn tôn trọng Đức Tin và truyền thống giáo dục Đức Tin của Giáo Hội và để tôi giáo dục con cái, cũng như để con cái được tự do theo Đức Tin ấy trong trường hợp nàng giữ đạo nàng không ?” Nếu sau khi trao đổi, tìm hiểu, và phán đoán, anh em thấy “KHÔNG” nhiều quá, thì tốt nhất can đảm ngừng lại mối quan hệ này còn hơn là cứ ráng nhân danh tình yêu để rồi phải chuốc khổ và tội vào thân.
Người anh em thân mến, anh xin dừng lại câu hỏi của em tại đây và sẽ chia sẻ tiếp với em vào các lá thư khác cùng chủ đề. Trong thư này, anh mời gọi em suy nghĩ về hai khía cạnh anh vừa nêu ra trước khi tiến đến hôn nhân thực sự. Vì như anh em biết đấy, hai đặc tính quan trọng của Hôn Nhân Công Giáo là Đơn Hôn và Bất Khả Phân Ly. Theo đó, đơn hôn nghĩa là chỉ một vợ một chồng và chung thuỷ với nhau cả trong tư tưởng lẫn trong các mối quan hệ; bất khả phân ly nghĩa là mối dây hôn phối ấy khi được xem là hợp Pháp và hợp Giáo Luật thì tồn tại cho đến khi chết ( hoặc vợ hoặc chồng ) còn ngoài ra thì không còn sự gì có thể chia rẽ đôi bạn, điều này loại trừ luôn sự ly dị ( Nghĩa là không có sự ly dị ).
Chính vì lẽ này, mà chúng ta không có quyền chọn lựa theo kiểu sống thử hay lấy thử, hợp thì tiếp tục không hợp thì chia tay theo như nhiều anh em ngoài Công Giáo vẫn sống được. Anh em hãy kết hôn cách có ý thức và trách nhiệm tròn đầy không phải chỉ trước mặt người mình yêu hay con cái, mà là trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội.
Xin được hẹn anh em trong lá thư tới chúng ta sẽ trao đổi các vấn đề khác trong cùng một chủ đề. Có điều gì anh em chưa rõ thì đừng ngần ngại thư cho anh nhé. Mến chúc anh em tìm cho mình câu trả lời xác thực nhất để sống vui và hạnh phúc nhé.
JOSEPH C. PHAM