HỌC PHÍ
Đỗ Duy Ngọc
Cách đây hơn 60 năm, khi tôi bắt đầu đi học, thời đó miền Nam có lẽ là có đời sống tương đối khá hơn miền Bắc XHCN. Tuy vậy, đất nước chắc chắn là không giàu có như bây giờ. Vậy mà suốt thời gian tôi ngồi ở ghế nhà trường, từ Tiểu học cho đến Trung học và cả những năm học Đại học, tôi chẳng phải đóng một đồng học phí nào. Chỉ có những năm tôi học thêm trường tư ban đêm để có thể học nhảy và mấy năm học kiếm thêm cái bằng nữa ở Đại học tư thì đương nhiên phải đóng học phí. Nhưng học phí rất nhẹ. Ở miền Nam trước 1975, có hai hệ thống trường học rất rõ ràng và minh bạch. Đó là trường công lập của nhà nước và trường tư thục của tư nhân. Học trường công thì sẽ không phải đóng một khoản phí nào. Chỉ cần điều kiện là phải thi đỗ vào trường. Học tiểu học thì nạp đơn xin vào học, không thi. Học đến lớp Nhất là lớp Năm bây giờ thì thi vào trường Trung học. Đậu thì học không tiền, rớt thì vào trường tư có học phí. Năm lớp Đệ Nhị tức lớp 11 bây giờ, thi Tú tài 1. Nếu đang học trường tư, thi Tú tài 1 đậu hạng Bình thứ trở lên có thể xin vào trường công lập học tiếp lớp Đệ nhất, khỏi đóng học phí. Ngoài hệ Phổ thông, còn có hệ thống trường Kỹ Thuật ở Vĩnh Long, Sài Gòn, Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, sau đó thì có thêm Nha Trang, Quảng Ngãi. Phải thi tuyển rất khó khăn mới vào học được trường Kỹ Thuật. Lại còn có hệ thống trường Trung học Nông Lâm Súc. Học sinh ngoài học văn hóa còn được học nghề, chuẩn bị hướng đi cho tương lai. Đa số học sinh Kỹ Thuật khi đậu Tú tài 2 đều thi vào trường Kỹ Sư Phú Thọ, Kiến trúc. Đại học thì có trường phải thi tuyển và một số trường ghi danh. Tuy vậy, ngoài các trường Đại học tư có thu học phí, tất cả các trường Đại học công lập dù thi tuyển hay ghi danh sinh viên cũng không phải đóng tiền học. Học trường thi tuyển như Sư Phạm lại được cấp tiền hàng tháng, số tiền cũng kha khá đối với một sinh viên xa nhà trọ học. Thi Tú tài 2 đậu hạng Bình thứ trở lên, có thể xin học bổng của chính phủ để đi du học các nước Âu châu, Hoa Kỳ, Canada…
Dài dòng như thế chỉ muốn nói lên một điều là ở miền Nam trước 1975 dù xã hội cũng chưa phải là giàu gì lại bị chiến tranh liên miên nhưng học sinh, sinh viên và gia đình không bận tâm đến chuyện học phí. Nhờ thế, rất nhiều con em nhà nghèo đã được học đến nơi đến chốn và rất nhiều học trò tình cảnh gia đình khó khăn đã trở thành Bác sĩ, Kỹ sư, Giáo sư… nhà khoa học, nghệ sĩ tài năng. Đặc biệt, khi tốt nghiệp Đại học trong nước cũng như du học trở về, nhà nước bố trí việc làm phù hợp với khả năng và bằng cấp chuyên môn, không có cảnh thất nghiệp, chạy đôn chạy đáo, lo lót tiền bạc để có việc làm như bây giờ.
Sau năm 1975 và đặc biệt là từ khi mở cửa kinh tế thị trường định hướng XHCN thì trường học từ nhà trẻ cho đến Đại học đều phải đóng tiền. Và học phí càng ngày càng tăng, những gia đình nghèo, đông con, tiền học là gánh nặng. Ngoài học phí, học sinh còn phải đóng nhiều thứ khác nữa và lại thêm tiền mua sách giáo khoa, sắm đồng phục, các khoản này cũng là số tiền không nhỏ. Lại còn nạn học thêm, dạy thêm. Con nhà nghèo đành chịu thất học bởi cha mẹ không kham nổi. Giờ lại nghe tin năm học này tăng học phí, mà tăng không phải là ít. Theo đề xuất này, từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021. Kiểu này những gia đình khó khăn, con đông, ở vùng sâu vùng xa chắc phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Do dân, vì dân đâu chưa thấy, chỉ thấy dân còng lưng đóng đủ thứ tiền. Chưa xong thuế, lại đóng tiền trạm để đi đường, tiền điện, tiền nước rồi tiền học cho con… cứ tăng ào ào. Khổ mọi bề. Sao không áp dụng kiểu trường công lập và tư thục như xưa để con nhà nghèo phấn đấu vào trường công khỏi tốn tiền học cho đỡ gánh nặng cho cha mẹ, gia đình. Để những nhân tài khỏi phải bị mai một vì nhà nghèo không đi học được.
12.11.2020
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10157895485323635&id=669643634
https://m.facebook.com/groups/lambaosach/permalink/721326435407804/
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2744463332438242&id=1787344571483461