Họat động xã hội dựa vào Niềm Tin
( Faith –based Social Action )
( Bài viết để hưởng ứng cuộc Hội thảo về Vai trò Tôn giáo)
Đòan Thanh Liêm
Kinh nghiệm họat đông về nhân đạo từ thiện của các tôn giáo thật là phong phú và đã khởi sự từ rất lâu, không những tại một địa phương nhỏ bé ở thôn xóm miền quê hẻo lánh, mà cả ở trong các ngõ hẻm tối tăm lụp xụp của thành phố. Nguyên do là các tín đồ thuần thành nào thì cũng giàu lòng trắc ẩn, thương cảm với nỗi khổ đau, bất hạnh của các nạn nhân thiên tai bão lụt hay các bệnh nhân mắc chứng nan y như bệnh phong cùi, bệnh Aids, các
người vô gia cư, các trẻ em bụi đời v.v…Và từ đó mà các tổ chức từ thiện của các tôn giáo dễ dàng kêu gọi sự yểm trợ của các tín đồ này cho các chương trình phục vụ xã hội của mình.
Và cùng với sự phát triển của ngành khoa học xã hội, cũng như của ngành tổ chức quản lý điều hành, các tôn giáo đã xây dựng được một mạng lưới dịch vụ xã hội rất chu đáo trong phạm vi các cộng đồng cơ sở địa phương, cũng như trên phạm vi tòan quốc (nationwide) và cả trên phạm vi tòan thế giới nữa (worldwide). Nhà nghiên cứu xã hội học Robert Wuthnow, trong tác phẩm “Saving America : Faith-based Services and the Future of Civil
Society” (Cứu vãn nước Mỹ : Dịch vụ Xã hội dựa vào Niềm Tin và Tương lai của Xã hội Dân sự) do Nhà xuất bản Đại học Princeton ấn hành năm 2006, đã đưa ra những con số thống kê khá chi tiết về các họat động xã hội của các tôn giáo tại Mỹ trong thời gian gần đây. Và ông đã đưa tới kết luận rằng : Chúng ta có quyền tin tưởng rằng các tôn giáo đã và đang đóng một vai trò trọng yếu trong các họat động xã hội để phục vụ quần chúng trong
những nhu cầu càng ngày càng nhiều và phức tạp, mà cơ quan xã hội của nhà nước không thể nào một mình cáng đáng hết được.
Cũng từ mấy năm nay, Tổng Thống George W Bush đã phát động một chương trình yểm trợ cho các “Faith-based Organisations” (FBO) để cùng hợp tác với chánh quyền trong các chương trình xã hội. Mặc dầu bị chỉ trích từ nhiều phía với lý do là “vi phạm nguyên tắc tách rời Nhà nước khỏi Tôn giáo”, chương trình này vẫn được Tổng Thống đương nhiệm Barack Obama tiếp tục với một số điều chỉnh nhằm tăng cao năng xuất, cũng như tránh
được sự lạm dụng với sự phân biệt kỳ thị vì lý do tôn giáo Lại nữa có một số Viện nghiên cứu và Đại học đã chủ trì một Diễn đàn lấy tên là “Roundtable on Religion and Social Welfare Policy” (Hội nghị Bàn tròn về Tôn giáo và Chánh sách An sinh Xã hội) để trao đổi về tình hình sinh họat xã hội và tìm kiếm phương hướng xây dựng chánh sách xã hội thích
hợp với thời đại. Trên phạm vi quốc tế, ta có thể ghi nhận sự hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả
giữa Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh( CELAM = Latin American Episcopal Conference) nhằm mục đích chăm sóc cho giới thiếu nhi trong các quốc gia vùng Châu Mỹ Latinh. Và còn rất nhiều sự hợp tác thuận thảo giữa Tôn giáo và các tổ chức xã hội văn hóa quốc tế nữa. Đó là một dấu hiệu đày phấn khởi, lạc quan chứng tỏ càng ngày khu vực Xã hội Dân sự càng lớn mạnh và mở rộng phạm vi họat động cùng khắp mọi nơi, mọi chốn.
Nói vắn tắt lại, các tổ chức xã hội dựa vào niềm tin (FBO) đã và đang góp phần tích cực trong việc xây dựng “Nguồn vốn Xã hội” (Social Capital) cho các công đồng từ cấp cơ sở địa phương nhỏ bé, lên đến cấp tòan quốc, cũng như đến phạm vi tòan cầu. Đó là sự tín nhiệm và tin tưởng gắn bó lẫn nhau giữa các thành viên của một cộng đồng, mà tập thể tạo dựng được thông qua những việc công ích, mà mọi người luôn có cơ hội thường xuyên cùng nhau
“nối vòng tay lớn”, nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng cụ thể, thiết thực để cải thiện môi trường sinh họat ngay tại địa phương nhỏ bé của chính mình. Rõ ràng là các Tôn giáo vẫn còn tiếp tục cái truyền thống phục vụ công ích bằng sự dấn thân nhập cuộc với quảng đại quần chúng, ngay tại các đơn vị cơ sở hạ tầng nơi thôn quê nghèo túng, hay tại các khu phố chật hẹp lầm than của các đô thị hỗn tạp./
California, Tháng Bảy 2009
Đòan Thanh Liêm