Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản, trích dẫn nguồn tin thân cận với quan hệ Nhật Bản-Hoa Kỳ, đưa tin hôm thứ Hai rằng Washington đang có kế hoạch thiết lập các căn cứ tạm thời tại Nhật Bản và Philippines để triển khai tên lửa “trong trường hợp xảy ra tình huống bất trắc ở Đài Loan”.
Theo báo cáo, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ triển khai Trung đoàn Thủy quân Lục chiến ven biển – được trang bị Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và các loại vũ khí khác – đến chuỗi đảo Nansei phía tây nam Nhật Bản trong khi Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền của Lục quân Hoa Kỳ sẽ đồn trú các đơn vị hỏa lực tầm xa tại Philippines.
Louie Dema-ala, phát ngôn viên của Quân đội Philippines, đã xác nhận báo cáo với tạp chí Tuần này ở Châu Á -This Week in Asia nhưng cho biết việc triển khai vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu. Ông nói thêm rằng mặc dù kế hoạch này tùy thuộc vào quyết định của người Mỹ, bất kỳ việc triển khai nào cũng sẽ tuân theo các thủ tục phù hợp tại Philippines.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ kế hoạch này. Mao nói: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các nước liên quan lợi dụng vấn đề Đài Loan làm cái cớ để tăng cường triển khai quân sự trong khu vực, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Mao nói: “Chìa khóa để duy trì hòa bình và ổn định ở hai bờ eo biển là phải duy trì cam kết với nguyên tắc Một Trung Quốc”.
Căng thẳng đã gia tăng ở eo biển Đài Loan kể từ khi nhà lãnh đạo có khuynh hướng đòi độc lập là William Lai, bị Bắc Kinh coi là “kẻ gây rối”, tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5.
Tín hiệu răn đe
Jennifer Parker, chuyên gia cộng tác tại Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc, chia sẻ với tờ This Week in Asia rằng các đợt triển khai này “có ý nghĩa quan trọng” đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Đây là sự củng cố quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong khu vực sau nhiều năm Trung Quốc gia tăng lời lẽ và hành động gây hấn”.
Bất chấp phản ứng của Trung Quốc đối với các đợt triển khai, bà nói thêm: “Tôi không coi đây là hành động leo thang mà là sự làm rõ các kế hoạch dự phòng của Hoa Kỳ. Một yếu tố chính trong sự răn đe của Hoa Kỳ là phát tín hiệu. Sự răn đe hiệu quả là chìa khóa cho sự ổn định trong khu vực”.
Abdul Rahman Yaacob, nghiên cứu viên tại chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy, đồng ý rằng thông báo của Washington có thể đóng vai trò răn đe Trung Quốc vì nó báo hiệu rằng Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để chống lại Bắc Kinh.
“Đây là tín hiệu cho thấy Washington quan tâm đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này rất quan trọng vì có một số bất ổn liên quan đến cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này với chính quyền Trump sắp tới”, Yaacob nói với This Week in Asia.
Vào tháng 4 năm nay, Quân đội Hoa Kỳ đã triển khai Typhon ở Bắc Luzon trong một cuộc tập trận chung. Hệ thống này vẫn được bố trí ở đó để quân đội Philippines có thể làm quen với các hoạt động của nó.
Hệ thống trên mặt đất này là một trong những hệ thống mới nhất của Washington và có thể bắn cả tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đánh chặn Standard Missile 6.
Hệ thống phóng tên lửa tầm trung mới của quân đội Hoa Kỳ, Typhon. Ảnh: Quân đội Hoa Kỳ
Vào cuối tháng 9, hãng thông tấn Associated Press đưa tin Hoa Kỳ và Philippines đã nhất trí giữ Typhon vô thời hạn tại quần đảo này.
Vào tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr đã cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các địa điểm quân sự trên khắp cả nước theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường.
Philippines và Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 để giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị một thế lực bên ngoài tấn công. Washington đã nhiều lần tái khẳng định cam kết “bọc thép” của mình là bảo vệ Manila.