



HAY LÀ DÙNG LẠI SÁCH CỦA VNCH?
(Đã cố viết cho gọn, nhưng bài vẫn khá dài, các bạn ráng đọc. Hì hì…)
Chiều nay bỏ vài tiếng đọc từ đầu đến cuối quyển “Em Học Vần Lớp Năm” của Bộ Văn Hoá Giáo Dục VNCH xuất bản năm 1969 (viết tắt Q1). Lại xoay qua đọc tiếp giáo trình dạy đánh vần theo sách “Tiếng Việt 1 Công Nghệ Giáo Dục” của ông Đại (viết tắt Q 2). Thấy được đôi điều…
1- Trẻ con đi học ở VNCH không phải mua sách giáo khoa mà được nhà trường cho mượn. Trẻ con thời nay thì phải bỏ tiền mua sách từng năm.
2- Lời ngỏ cùng học trò ở Q1 được viết ngắn gọn, giản dị, chân tình khuyến khích các em giữ gìn sách cho đàn em sau này (Về điểm này, tôi nhớ khi trả sách lại cho nhà trường, mẹ phải mượn bàn ủi than để ủi phẳng lại những trang sách bị cuốn mép). Sách thời nay chả ai lưu tâm việc đó, xài mau hư thì càng bán thêm được sách!
3- Trong ba lần xuất bản Q1, từ 1964 đến 1969 không hề thay đổi nội dung. Vì sách đã được soạn thảo một cách tỉ mỉ và cẩn thận, không cần sửa chữa, bổ sung gì thêm.
Q2 thì không viết đã xuất bản mấy chục lần rồi, và có lẽ mỗi lần đều có thay đổi. (Đơn cử, ở bài đầu tiên học tách tiếng, ít nhất cũng thay đổi hình vẽ). Hệ quả là: đứa em năm sau lên lớp lại phải mua sách mới, không dùng sách của anh chị để lại được.
4- Phần giới thiệu ở Q1 gồm 8 trang, trình bày rõ ràng các bước dạy trẻ con từ dễ đến khó dần, phụ huynh chỉ cần đọc sơ qua là có thể theo đó học kèm với con mình.
Phần giới thiệu phương pháp dạy ở Q2 thì ôi thôi là dài, đọc mà muốn nhức đầu vì cí nhiều khái niệm lạ.
5- Về phương pháp dạy.
5.1- Phần Tách tiếng: ở Q1, trước khi bước vào học chữ, học trò cũng được học tách câu thành từng tiếng y như Q2, nhưng không phải tách bằng những “mô hình” (chữ mà người lớn nghe còn tá hoả) hình tròn, vuông, tam giác, mà chỉ bằng từng chữ kèm hình ảnh đơn giản nhưng rất thật để học trò có thể dễ dàng tự mình đoán trước câu đang học tách tiếng ấy. Việc tách tiếng này được dạy trong hai buổi học đầu, rất nhẹ nhàng cho việc tiếp thu của trẻ.
Mặt khác, những câu để học tách tiếng ở Q1 được thiết kế thật đơn giản với những tiếng cũng rất đơn giản. Nhờ đó, nhìn mặt chữ thôi, các em có thể nhớ được:
“tơ bẻ cà”, “tí, tơ đi bộ” ở bài đầu đến
“ba tí về nhà”, “má tí về nhà” ở bài thứ 7.
Bất cứ học sinh nào cũng có thể tự đoán được nội dung câu theo hình vẽ.
Điều đó hoàn toàn khác với bài học tách tiếng ở Q2, với hai câu dài 14 chữ kèm theo hình bông sen và cái mặt một ông già:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Rất áp đặt câu vào hình, và học sinh chỉ việc thụ động đọc theo cô, chứ không thể chủ động đoán được bông sen với cái mặt ông già kia là câu gì.
Hơn nữa, từng tiếng trong câu cũng quá phức tạp, nhìn mặt chữ, các em chẳng thể nào nhớ nổi (Dù chưa học chữ, nhưng nếu mặt chữ đơn giản thì có thể nhớ được sơ lược).
Hãy so sánh 2 bài:
Ở Q1: hình một bé gái khom lưng hái cà kèm với câu đơn giản “tơ bẻ cà” (không cần viết hoa tên bé Tơ, một chi tiết khá bất ngờ nhưng hết sức hợp lý). (xem Hình 3)
Ở Q2: hình ao sen và một khuôn mặt ông già, hai hình tách riêng, kèm theo một câu dài sòng sọc chẳng liên quan gì đến hình ảnh: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. (xem Hình 4)
Bạn thấy bài nào thực tế, gần gũi, trực quan, giản dị, dễ tưởng tượng, dễ nhớ mặt chữ (dù bài này chưa học chữ) và mang tính chủ động, không bị áp đặt hơn?
5.2- Học chữ.
Ở Q1:
– Kiểu chữ: chọn kiểu chữ đơn giản nhất, chữ Script (chỉ cần vẽ được vòng tròn và gạch thẳng là có thể viết được mọi chữ cái) và chỉ viết chữ thường. Sau này, khi các em đã rành rẽ, sẽ giới thiệu chữ hoa, và kiểu chữ viết đẹp ở cuối sách.
– Thứ tự dạy: dạy từ chữ dễ dàng nhất,
chữ i (chỉ gạch dọc một nét, thêm cái chấm là i, rồi thêm cái gạch nghiêng thành í).
Bài sau đó dạy
chữ t (gạch dọc 1 gạch ngang), kết hợp i ở bài trước thành ti, thêm dấu sắc ra tí, thêm dấu hỏi thành tỉ.
Cứ tăng dần độ khó của chữ, l, o, c, a, d, đ…và đưa dần các dấu thanh. Bài sau, chữ mới kế thừa và phát triển thêm chữ đã học. Những chữ/tiếng được chọn lọc thật đơn giản kèm theo hình minh hoạ rất thật và gần gũi bài học.
Ở Q2:
– Ngay bài học chữ đầu tiên, học trò phải học những chữ khó: “a, b, ba, ba ba, bà ba”.
Nét cong khó hơn nét thẳng, chữ a, b khó hơn chữ i, vì phải kết hợp nét cong và nét thẳng. Vậy mà ngay lần đầu cầm bút, học trò phải viết ngay những nét khó này, rồi còn ham hố thêm dấu thanh vào nữa chứ!
Bài học chữ thứ hai, chữ “c, a, ca, cá, cà, ca ba”.
Bài sau: “d, da, dạ, da cá, bà ạ”.
Rồi “đ, đa, đá, đa đa, đá à, dạ, bà ạ”
Tiếp “e, bé, đe, dẻ, be bé, e dè, da dẻ”
. . .
Không hề tuân theo quy tắc dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
(Ở trên là trích từ giáo án, không có sách GK, nên không biết kèm theo những chữ trừu tượng thì hình minh hoạ sẽ ra sao).
6. Hiệu quả dạy học.
Không cần biết dạy theo kiểu gì, nhưng điều rõ ràng là:
– Cách truyền đạt càng đơn giản, hình ảnh càng trực quan, gần gũi thì học trò sẽ dễ tiếp thu.
– Mức độ phải từ dễ nhất rồi từ đó dần tăng độ khó và có sự tiếp nối giữa các bài thì việc học sẽ nhẹ nhàng.
– Và cuối cùng là hiệu quả.
Học sinh miền Nam trước kia được dạy theo sách “Em Học Vần” chỉ cần 17 tuần (1 học kỳ) là xong phần ráp vần, từ chữ đơn giản đến chữ phức tạp. Để rồi xong một học kỳ, học sinh có thể đọc trôi chảy những bài tập đọc mang đậm chất làng quê rất thân thương nhưng lại chứa đựng nhiều âm khó, chẳng hạn bài này:
“CON CHÓ CỦA ANH XUÂN
Chó xù trong nhà thoăn thoắt chạy ra. Tai xụ lông xù, mắt sâu hoăm hoắm. Nó nhảy bổ lại chỗ cưỡng đậu. Cưỡng hoảng hốt bay lên nóc nhà.
Xuân quát: “Xù! Xù!”
Xù ngoan ngoãn chạy trở lại.
Nó liếm chưn Xuân, đuôi ngoe ngoảy.
Xuân vuốt đầu nó, nói với Chi, Tí:
“Hai em ra sông coi xù vớt banh”.
Xuân vào nhà lấy banh. Xù vụt chạy trước ra mé sông. Xuân, Chi, Tí lẹ chân theo kịp Xù.
Xuân liệng banh ra giữa sông. Xù nhảy ùm xuống nước. Nước xoáy, chó trồi lên hụp xuống. Nó loay hoay mãi mới đớp được banh. Nó ngoạm trái banh cố lội vô bờ.
Nó đem banh giao tận tay Xuân. Xuân thưởng nó miếng bánh, nó ăn ngoem ngoém hết cả.”
Một điều rất quan trọng nữa là, sau này khi học lên lớp cao hơn, học sinh lớp trước ít bị lỗi chánh tả.
Hãy nhìn lại 800.000 học sinh cả nước trong những năm qua được dạy theo công nghệ giáo dục của ông Đại.
Phải mất 35 tuần (2 học kỳ) để hoàn thành phần ráp vần và đọc trôi chảy (không có sách, nên không biết độ khó của bài tập đọc ra sao, có nhiều từ ngữ rất ư là “khó hiểu”, kiểu như từ “quện nhau” không?).
Điều tệ hơn nữa là, dường như thế hệ sau này phạm lỗi chánh tả rất nhiều, viết sai chánh tả và văn phạm ngay cả trên báo chí và sách văn học.
7. Kết luận.
Ngày 23.10.2017, bộ GD đã đánh giá bằng văn bản về sách “Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục”:
– Chưa giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe.
– Chưa chú trọng hướng dẫn giúp học sinh đọc hiểu bài, như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu. Vì vậy học sinh có thể đọc thành tiếng một văn bản nhưng không hiểu nghĩa.
– Chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu.
– . . .
Vậy thì, sau bao nhiêu lần “cải tiến” mà thực tế áp dụng chỉ toàn cho thấy những bước “cải lùi”, có nên chăng, hãy dẹp hết mọi đề án cải cách giáo dục từng gây điêu đứng và tốn kém vô lối cho bao nhiêu thế hệ học sinh, phụ huynh và xã hội, để trở về với quyển sách cũ đã từng góp phần tạo nên nhiều thế hệ học sinh thực sự rành rẽ tiếng Việt. Quyển EM HỌC VẦN của VNCH?