Hãy cứ là tình-nhân

“Hãy cứ là tình-nhân,”

“Để tháng ngày hoa mộng.

Để hẹn hò yêu đương,

Và khắc khoải chờ nhau.”

(Tú Minh – Hãy Cứ Là Tình-Nhân)

(Mt 12: 38-42)

Trần Ngọc Mười Hai

Giả như có người thời nay nghe nhạc-bản này, lại hiểu chữ “tình-nhân” như nhân-tình, hoặc “người tình” nào đó mình từng gặp, thì còn được. Chứ đằng này, vừa mới nghe xong hai chữ “tình-nhân” lại hiểu ý của người viết như câu hát tiếp, e không ổn. Ổn sao được, khi người em của ai đó, cứ hát mãi những câu nặng chình-chịch, những bảo rằng:

“Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng.

Chỉ muốn yêu muốn nhớ, tìm nhau ở trong mơ…”

Đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán.

Hãy cứ là tình-nhân, để tình ta mênh-mông.”

(Tú Minh – bđd)

Thật tình mà nói, nói thế là nói lên lập-trường của người nghe hoặc hát ca-từ mang dáng vẻ lơ-mơ/trữ-tình, nhưng thật ra: đâu muốn thế. Không muốn, là bởi: thế-gian này, đầy những chuyện cụp-lạc, lại bất ổn, làm sao đảm-bảo được “tình nồng đôi lứa” sẽ “cứ mãi là tình-nhân” được?

Thật tình mà nói, khi nhớ lại chuyện đời nhiều éo-le nên em mới hát thế, chứ mai kia/mốt nọ anh đây “cao bay xa chạy” rồi, làm sao chắc được rằng: em và anh vẫn trung-kiên, chung tình để chỉ là tình-nhân, thôi?

Thật tình mà nói, mỗi khi bàn chuyện đời/chuyện người, thì anh đây nhiều lúc, đã thấy khó lòng. Anh đi trước còn tránh được, chứ em đây lẽo-đẽo theo sau làm sao né?

Thật tình mà nói: ví dù anh và em có hát câu trữ-tình ấy, lại gồm tóm ý/lời cũng như sau:

“Hãy tìm em tìm em, rồi nhìn em nhìn em.

Và nắm tay nắm tay cho hồn em ngất ngây.

Chỉ cần em nhìn em, là tim em rã rời
Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.”

(Tú Minh – bđd)

Thật tình mà nói, bàn chuyện đời với người đi Đạo, cũng thấy nhiều người từng nói và hát lời yêu-thương da-diết quá, đến khi giáp mặt thực-tế, mới thấy cuộc đời thật không dễ. Vì thế, nên người đời nay, vẫn cứ phải tìm đến thánh-nhân/Mẹ Hiền để cầu khấn các đấng giúp mình thành “mãi mãi là tình-nhân” theo nghĩa: vẫn yêu nhau mãi, dù không thành vợ/chồng.

Thật tình mà nói: đòi hỏi như thế, khác nào trông chờ một phép lạ từ “Bà Tiên”, hệt như truyện kể ngắn gọn, ở dưới:

“Bác-sĩ nọ, bước vào phòng mạch với dáng vẻ trang-nghiêm, nhưng hy-vọng. Gia-đình bệnh-nhân chờ tin vui, cứ hồi hộp nhìn ông đợi một quyết-định quan-trọng. Ông chậm rãi nói rất khẽ cốt để mọi nguời đều nghe thấy:

-Tôi báo cho ông bà cùng quí vị đây biết, là: “phép lạ” có thể xảy ra ở đây/hôm nay, nhưng điều này có thành hiện-thực hay không, vẫn tùy thuộc một người…

-Là ai vậy, thưa Bác sĩ? Xin cho biết để chúng tôi đến đó mà tìm! Giọng người mẹ của bệnh-nhân trẻ ra như ứ-nghẹn từ trong cổ.

-Người đó là Bà Tiên, nhưng…

-Nhưng, sao Bác sĩ? Người cha tiếp tục hỏi dồn.

-Nhưng, đến giờ phút này, phép lạ vẫn hoàn-toàn tùy-thuộc vào quyết-định cuối của Bà ta.”

Kinh-nghiệm đời, nhiều chuyện cũng như thế. Người đời, xưa nay, vẫn ao ước gặp “Tiên Bà” có phép mầu thần-thông biến-hoá, ra như thế. Tiên Bà đây, sẽ biến không thành có, như câu hát ở bài “Hãy mãi là tình-nhân”. Và, Tiên Bà còn có thể biến có thành không, như truyện trên.

Muốn cho sự thể “Hãy mãi là tình-nhân” với nhau suốt đời, đã là khó. Còn khó hơn, khi mọi người trong gia-đình vẫn không chấp-nhận được cái chết dành cho người thân đang trọng bệnh. Vì thế nên, mọi người bèn chạy đến với “Tiên Bà”/“Mẹ Hiền” ở chốn miền cao tít đó, hầu khấn vái đủ mọi điều, chí ít là chuyện “mãi mãi là tình nhân” của nhau, với nhau.

Kinh-nghiệm về việc đến với Tiên Bà/Mẹ-Hiền ở trên cao, là kinh-nghiệm của nhiều người. Ở mọi thời. Từ thời rất sớm, đã thấy tâm-trạng của nhiều người chỉ muốn xin làm “tình-nhân” thôi, nhưng không được. Thế nên, các “cụ” bèn làm một chuyến đi về miền xa xôi, cõi trời Tây xứ người để nguyện-cầu/khấn-vái Đức (Tiên) Bà” thành Guađdalupê đất nước Mêhicô xa xôi/diệu vợi, quyết đạt cho được những gì mình mong muốn.

Trong số những vị lâu nay từng quyết như thế, thấy có đấng bậc nọ có nhiều thắc-mắc về trường-hợp Đức (Tiên) Bà thành Guađalupê nổi tiếng, bèn có thư hỏi đức thày John Flader ở Sydney, một câu ly-kỳ như sau:

“Thưa cha.

Con có cô bạn từ nước Mêxicô qua đây làm việc, khi biết con muốn xin “TIên Bà” hay “Đức Bà” có tên gọi sao đó, ngõ hầu người yêu của con sẽ mãi yêu con và coi con là tình-nhân thôi. Cô bèn đề-nghị con hãy thử cầu-nguyện với Đức Bà thành Guađalupê, xem sao. Cô kể cho con nghe nhiều điều về chiếc khăn có hình Đức Bà, này nữa. Nay xin hỏi: có gì đặc-biệt nơi bức ảnh hiện trên khăn ấy? Và Đức Bà thành Guađalupê có thực sự làm phép lạ như người ta đồn, không?” (Một giáo dân Sydney gửi thư nhờ “The Catholic Weekly” giải-thích).

Nhờ ai, chứ lại nhờ Đức thày John Flader giải-mã chuyện “phép lạ” do Đức Mẹ đây đó từng làm, là chuyện nhờ vả cũng rất đúng. Đúng nơi/đúng chỗ rất không sai! Và, viết thư hỏi về chuyện gì, chứ chuyện lạ nhiệm-mầu của Đức Bà nổi tiếng nước Mêhicô, thì Đức thày đây lúc nào cũng cố trả lời ngay cho kịp, kẻo trễ. Thế nên, câu trả lời của Đức thày John Flader về chuyện này, như sau:

“Nhiều hình-ảnh về Chúa Mẹ hiện ra trên khăn/vải có mặt cùng khắp trên thế-giới vẫn là phép lạ. Phép lạ đây, tách-bạch khỏi chuyện sùng-kính diễn ra ở quanh đó. Có hai ví-dụ cụ-thể nên kể ra đây, là: vụ Chiếc Khăn ghi đậm diện-mạo Chúa ở thành Turinô, nước Ý. Và, hình Đức Mẹ thành Guađalupê, nước Mêhicô cũng là sự lạ khá nổi tiếng.

Hình Đức Bà thành Guađalupê có thời-gian-tính từ hậu bán thế-kỷ thứ 16, ở Mêhicô. Người Tây Ban Nha khi đó gặp khó trong việc kêu gọi thổ-dân Aztêca trở lại Đạo, là truyền-thống tin-tưởng, hành-đạo từ nhiều năm. Niềm tin, theo truyền-thống của người sống ở đây, từng hy-sinh tánh-mạng mỗi năm cả ngàn người, để vừa lòng thần-linh của mình.

Theo truyền-thống, thì: vào ngày 9/12/1531, có dự-tòng tên là Juan Diego có thói quen đi bộ hàng giờ nơi đồi Tepeyac vùng ngoại-ô thành-phố Mexico City, chợt thấy một Tiên Bà rất đẹp lại rất trẻ, anh hiểu ngay đó là Đức Maria mà anh từng cầu khấn. Đức Mẹ, khi ấy, đã dùng ngôn-ngữ của thổ-dân, yêu cầu anh cho xây-dựng một lăng-tẩm để vinh-danh Mẹ. Juan Diego bèn đi tìm vị Giám-mục chủ-quản giáo-phận mình là Giám-mục người Tây Ban Nha có tên là Fray Juan De Zumárraga nhờ giúp-đỡ; nhưng Giám-mục này còn ngờ-vực nhiều điều, nên bảo anh hãy quay lại xin vị nữ-lưu kia một dấu-hiệu để làm bằng.

Ba ngày sau, tức vào ngày 12 tháng 12 cùng năm, trong khi Juan Diego vội chạy lên đồi cao để thăm viếng ông cậu đang hấp-hối, anh lại được Đức Mẹ hiện ra với anh, một lần nữa. Anh nói với Đức Mẹ là: anh phải chăm sóc cho ông cậu sắp về chầu Chúa, nhưng khi đó Mẹ lại an ủi anh bảo rằng cậu của anh sẽ được chữa lành và quả y như rằng: ông cậu của anh vẫn còn sống. Khi ấy, Juan Diego bèn xin Mẹ ban cho anh một dấu chỉ để về trình với Giám-mục. Và, Mẹ khuyên anh hãy chạy lên đỉnh đồi nơi anh đứng, sẽ thấy nhiều loài hoa đang nở rộ.

Anh tức tốc làm ngay việc ấy, bèn thấy sự việc xảy ra đúng như lời Mẹ khuyên, dù tháng 12 nơi này không là mùa hoa nở, chí ít là trên đồi trọc như thế, từ xưa giờ.  Anh rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhiều loài hoa lạ đã nở rộ vào ngày ấy. Và, anh được Mẹ giúp trang hoàng một bó hoa đẹp cắm trong ống xương rồng tươi đem về cho Đức Giám-mục mình, làm bằng.

Vừa về đến nhà vị Giám-mục địa-phận, tức thời mọi người đều thấy ảnh Mẹ hiện rõ trên ống xương rồng xanh tươi. Hình-ảnh này, nay còn đặt tại Vương-Cung Thánh-Đường Đức Bà thành Guađalupê ở Mexico City, để mọi người sùng-kính. Và, sự-việc này xảy ra với Juan Diego cách nay đến 500 năm.

Nhiều khoa-học-gia trên thế-giới đã bắt tay vào việc nghiên-cứu xem thực-chất của hình-ảnh xuất hiện trên ống xương rồng, đã khẳng-định rằng: đây không là hình vẽ vẫn thấy ngoài đời, vì không có các vết chấm phá như mọi người thường làm. Hơn nữa, chính hình-ảnh này đã tự điều-chỉnh sau lần bị chất a-mô-ni-ắc đổ lên đó, năm 1791. Và đặc biệt hơn nữa, sau vụ bom nổ dưới bàn thờ có di-ảnh Mẹ, xảy ra vào hôm 14/11/1921 mà di-ảnh không bị hư hại gì hết.

Tóm lại, có thể nói di-ảnh Đức Bà thành Guađalupê là cách sùng-kính Đức Mẹ được nhiều người biết đến. Lễ mừng tước hiệu Mẹ là Đức Bà thành Guađalupê được Giáo-hội mừng là ngày 12 tháng 12 mỗi năm. Và, thánh Juan Diego cũng được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm bậc hiển-thánh ngày 9/12/2002. Từ đó đến nay, tước hiệu Đức Bà thành Guađalupê trở thành Nữ Vương nước Mêhicô, Đấng Bảo-trợ Châu Mỹ và là thánh Bổn Mạng các hài-nhi chưa được sinh”. (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 20/7/2014, tr. 18)

Thật tình mà nói, khi nghe Đức thày Flader kể chuyện “lạ” do Đức Bà với đủ tước hiệu khác nhau xảy ra ở đây, thấy hệt như nghe cha/cố vẫn kể ở nhà thờ, từ nửa thế-kỷ khi trước.

Thật tình mà nói, có phán về “sự lạ” do Tiên Bà ở nơi này/chỗ khác từng làm, phải nói theo kiểu thời nay thì người người mới chịu nghe và chấp-nhận. Bằng không, cũng như người nghệ-sĩ cứ hát những câu khó tin và khó nhận, như sau:

“Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng.

Chỉ muốn yêu muốn nhớ, tìm nhau ở trong mơ…”

Đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán.

Hãy cứ là tình-nhân, để tình ta mênh-mông.”

(Tú Minh – bđd)

Thật tình mà nói, có nói hay/nói phải rất nhiều thứ, cũng chỉ nên nói những gì cần nói và cần có nghe, thôi. Chí ít, là những chuyện lạ trên đời với người đi Đạo và giữ Đạo. Bởi, đi Đạo và giữ Đạo thời nay, đâu phải và đâu chỉ giữ lại cho mình những chuyện chẳng liên-quan gì đến mỗi mình.

Thật tình mà nói, mỗi khi đề-cập đến “chuyện lạ” hoặc sự việc nổi cộm theo trào-lưu/thị-hiếu của người đọc/người nghe, người nói vẫn thấy đó là chuyện khó làm. Khó hơn nữa, là lúc ta bàn về chuyện “lạ” của “Bà Tiên” hay Đấng Thánh hiền ở đâu đó vẫn hay làm. Cái khó đó, mới là vấn-đề.

Và vấn-đề, là: nói làm sao, bàn thế nào về sự lạ như “phép lạ”, cho phải phép. Về chuyện này, xin chạy đến bậc thày ở trời Tây, từng giảng dạy rất nhiều điều cho học trò mình, như sau:

“Về “Phép lạ”, thật ra có sự khác-biệt khá trổi-bật giữa phép lạ tự-nhiên và sự việc chữa lành, hoặc gọi là việc “trừ tà” do từ Chúa. Phép lạ tự-nhiên dành để cho đồ-đệ (hoặc Mẹ) Đức Giêsu, còn việc chữa lành hoặc “trừ tà” là cho người ngoài…

Suy-tư về các truyện kể Tin Mừng thêm nữa, ta sẽ càng thấy rõ việc ấy. Như truyện kể về đồ-đệ Chúa tranh-cãi nhau trên thuyền về cách-thức làm giảm cơn giông xảy đến trên Biển Hồ Galilê vào lúc Đức Giêsu không có mặt ở đó, các thánh tông-đồ đành chào thua, không làm được gì. Kịp khi ấy, đã thấy Đức Giêsu đến với các thánh bằng việc Ngài lướt đi trên mặt nuớc, tức thì mọi việc trở nên im-ắng, an-lành. Ở truyện khác, các môn-đệ lên thuyền đi đánh cá ở Biển Hồ Galilê, hôm ấy lại cũng không có Đức GIêsu cùng đi với các ngài, nên môn-đệ chẳng bắt được thứ gì. Tức thì, từ trên bờ Biển Hồ, Đức Giêsu lên tiếng ới gọi các thánh và thế là, các thánh bắt được nhiều cá đến độ không ghì nổi.

Theo tôi, cả hai truyện trên, đều mang tính biểu-trưng, chứng tỏ một chuyện, là: nếu không có Đức Giêsu ở cùng, Hội-thánh không làm được gì hết. Ngược lại: có Đức Giêsu đồng-hành, là có hết mọi sự. Trong con thuyền Giáo-hội, chỉ mỗi Đức Giêsu mới thật đáng kể; Ngài là Đấng có trọng-trách đích-thực. Các thánh tông-đồ, dù có là lãnh-tụ cỡ nào đi nữa, vẫn hoàn-toàn tùy-thuộc vào Đức Giêsu…

Phép lạ tự-nhiên, là các câu truyện dụ-ngôn nói về quyền-bính mang tính quyết-định. Phép lạ tự-nhiên, thật ra không nói về quyền-uy của Đức Giêsu với thiên-nhiên, nhưng là thực-quyền của các tông-đồ trong Hội-thánh. Tôi xin phép nói thêm một điều, cốt ý bảo rằng: nếu ta hiểu truyện kể ở Tin Mừng một cách từng chữ, nghĩa đen, là ta hiểu sai toàn-bộ đại-ý của truyện…

Việc Đức Giêsu chữa lành và trừ tà, là đến từ quan-điểm khác hẳn. Ngài làm thế, là nhắm vào người dưng khách lạ ở ngoài cuộc, hơn là nói về đồ-đệ hoặc người trong cuộc. Ở đây, tôi xin được phép nói thêm đôi chút về trường-hợp riêng-tư mình trải-nghiệm cốt giúp ta hiểu về sự hiện-diện của Thiên Chúa trong lịch-sử nhân loại, đó mới là điều hệ-trọng.

Trước đây, tôi đã có dịp viếng trung-tâm Lộ-Đức ở Pháp, và Fatima ở Bồ Đào Nha, tức các tụ-điểm linh-thiêng kể về việc Đức Maria đã chữa lành nhiều người. Và tôi cũng có dịp ghé thăm trung-tâm Epidaurus ở Hy Lạp, và trung-tâm Pergamum ở Thổ Nhĩ Kỳ, là hai tụ-điểm linh-thiêng của thần Asklepios ngoài Đạo Chúa, từng chữa lành cho tín-đồ của họ. Các hồ-sơ chữa-lành ở cả hai nơi này, đều được ghi vào sổ bộ theo cùng một kiểu cách giống Đạo Chúa.

Tỉ như, tại hang Lộ-Đức có treo nhiều nạng gỗ cho thấy đây là chứng-cứ thầm-lặng ghi tạc cảnh những người đui mù/què-quặt đã tới đây và đã trở về lành-lặn. Tuy là thế, tôi vẫn không thấy có ai để lại các bộ-phận như chân tay giả, để làm bằng. Như thế, ta kết-luận thế nào đây?

Kết luận rõ nét nhất, là: Niềm tin chữa lành được nhiều điều!

Điều này cũng chắc-nịch như biết bao điều ta biết được. Có một số tật-bệnh đối với một số người, trong một số hoàn-cảnh, đều được chữa lành bằng niềm tin mang tính khả-thi giống như thế, như Epidaurus với người ngoại Đạo, như hang Lộ Đức với người Công-giáo, và như Benarès với người theo Ấn-giáo, và cứ thế ta nhân rộng thêm lên… Và, như Lời Đức Giêsu từng nói đi nói lại nhiều lần, là: Niềm tin của con đã chữa lành cho con!

Có câu hỏi: có đúng là những người đến với Đức Giêsu là để được chữa lành, không?

Đúng thế! Có ai hoặc có nhiều người được như thế không? Có chứ! Thế nhưng, có nhiều điều về Đức Giêsu khiến cho dân chúng đến với Ngài để được chữa lành, lại khác hẳn trường-hợp người đến với thánh Gioan Tẩy Giả là để thanh-tẩy chứ không để chữa lành. Đó là chuyện ta cần sưu-tra cho thật kỹ.

Hãy thử lấy ví-dụ cụ-thể xem Đức Giêsu từng chữa lành cho những ai? Ngài chữa bệnh gì?

Quay lại truyện kể về những người bị bệnh phung và coi đây như để rút kinh-nghiệm học hỏi, thì: trước nhất, điều hệ-trọng ta cần để ý, là: hỏi rằng từ-vựng ngày nay nói về bệnh phung cùi lại khác hẳn ý-nghĩa của từ-vựng dùng ở Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp.

Từ vựng dùng trong Tân Ước Hy Lạp, đã qui về một số bệnh ngoài da khác nhau, hầu hết có liên-quan đến bệnh về da hoặc vết sần-xùi, có vảy như: bệnh vảy nến, chàm bội-nhiễm, hoặc xùi nấm, vv. Thành thử, mỗi khi đọc Kinh thánh thấy nói đến từ-vựng “phung cùi”, ta phải hiểu từ-vựng này dẫn về một số tật bệnh tương-tự như thế chứ không là thứ bệnh mà nay ta gọi là bệnh Hansen hoặc “phong hủi”, đâu…

Việc chữa-lành người bệnh nói ở Kinh thánh, vẫn là điều cần bàn. Nhưng, vấn-đề thâm sâu trong truyện kể về việc chữa lành ở Kinh thánh, còn đi sâu hơn thế. Đó là dụ-ngôn diễn-tả xã-hội nhân-loại nói chung. Các nhà nhân-chủng-học thường cho ta biết: cơ thể con người là biểu-tượng của xã-hội. Cung-cách ta đối xử với thân xác diễn-tả sự hiểu-biết về quan-hệ khác-biệt ở xã-hội.

Ngày nay, người trưởng thành đều đã hiểu, là: việc xâm-hình trên da, nhuộm tóc đủ mầu, xuyên lỗ/mổ xẻ hoặc trang-điểm thân xác đều trở thành chuyện thách-thức về văn-hoá xuất từ nhóm người nào đó một cách triệt-để, cũng để xác-định là mình nối-kết với nhóm nào đó.

Ví dụ như hồi thập niên 50’, hễ cứ để tóc dài là có ý cho thấy mình có thái-độ chống đối thể-chế nào đó ở xã-hội hoặc đạo-giáo. Thế nên, khi xét truyện kể về việc chữa lành, ta cũng nên đề cao cảnh giác về các vấn-đề “hình-ảnh thân xác” ở xã-hội thời Đức Giêsu còn sống. Điều đó nói lên rằng: thân xác con người đã trở-thành biểu-tượng của xã-hội. Xã-hội Do thái xưa bị đe-dọa tháp-nhập vào thứ văn-hoá đế-quốc đầy quyền-lực.

Trong tình-trạng có áp-bức về chính-trị, quân-sự, văn-hoá và đạo-giáo quyết nhấn mạnh lên việc bảo-vệ ranh-giới xã-hội được biểu-tượng-hoá bằng việc bảo vệ ranh-giới của thân xác. Thế nên, vấn-đề đặt ra, là: khi Đức Giêsu chữa lành người bị phung, có phải Ngài hoạt-động chỉ với tư-cách người chữa-lành bệnh-tật hoặc phê-bình toàn-thể xã-hội, không?…

Xem thế thì, điều mà Đức Giêsu vẫn làm cho người bị bệnh phung, đích-thực là để chào-đón họ vào lại với quan-hệ xã-hội mà họ bị đẩy lùi ra bờ rià xã-hội ấy. Nếu Đức Giêsu xuất-hiện ở đây/hôm nay, tôi lại sẽ không tin rằng Ngài sẽ chữa lành căn bệnh thời-đại là AIDS; nhưng tôi vẫn tin chắc rằng Ngài sẽ chữa lành cho cơn đau ốm có cùng một tên là AIDS, rất như thế.

Còn nếu hỏi: như thế tức bảo rằng: Đức Giêsu đã chữa lành cho người phung mà thôi chứ đó không phải là phép lạ, thì câu rả lời của tôi, là: tất cả đều tùy thuộc chuyện người hỏi hiểu thế nào là “phép lạ”, mà thôi. Nếu bạn hiểu theo nghĩa Ngài sử-dụng uyền-uy siêu-nhiên để gạt qua một bên mọi diễn-tiến thông-thường của thế-giới tự-nhiên, thì câu trả lời là: Không! Đó không là phép lạ.

Chắc chắn đó không là bằng-chứng cho thấy Thiên-tính của Ngài như một số người nhiều lúc vẫn cứ quan-niệm như thế, do bởi Ngài từng dạy những người theo chân Ngài cũng làm hệt như thế. Theo tôi, Đức Giêsu không chữa lành tật/bệnh nào có sự can-thiệp từ thế-giới thể-lý, nhưng Ngài chữa lành cơn ốm đau nào đó qua sự dính-dự của thế-giới xã-hội. Ngài chữa lành bằng cách chối-bỏ việc phải tuân theo các tập-tục đối với người lâm bệnh.

Đức Giêsu chữa lành “người phung” qua việc Ngài chào mời họ vào lại với cộng-đồng nhân-loại, đó là lý-tưởng mà cộng-đồng nhân-loại gọi đó là Vương Quốc của Chúa. Ngài từ-chối không chấp-nhận rằng: tật/bệnh như là sự nhơ-nhớp về nghi-thức phải bị loại-bỏ khỏi cộng-đồng xã-hội; và từ đó, Ngài thúc-bách mọi người hoặc chấp-nhận “người phung” trở về lại với cộng-đồng, hoặc từ-chối không cho chính Ngài được như thế. Quyền-uy chữa lành là quà-tặng của Thiên-Chúa xây-dựng vĩnh-viễn trong công-trình của vũ-trụ, chứ không chỉ là sự can thiệp tạm thời trong chốc lát của Thiên-Chúa vào vũ-trụ khép kín vốn thiếu xót khả-năng vẫn làm như thế.

Tóm lại, thì: riêng tôi, tôi vẫn tin rằng phép lạ không phải là sự thay đổi về thế giới thể-lý cho bằng sự đổi-thay trong thế-giới xã-hội. Dĩ nhiên, cũng nên có một số phép lạ giúp đổi thay thế-giới thể-lý nếu ta làm được, nhưng với tôi, điều đó xem ra vẫn chỉ là niềm ao-ước làm được một số đổi-thay còn nằm trong uy-quyền của ta trong thế-giới xã-hội, mà thôi”. (x. Richard G. Wattd & John Dominic Crossan, Who is Jesus, Westminster John Knox Press 1996, tr.62-68)

Thật tình mà nói: có nói về sự lạ hay phép lạ do Đấng bậc đầy quyền phép ở đâu đó, đã làm và đã bảo, cũng chỉ là thực-hiện những điều được khuyên dạy ở Kinh Sách vẫn từng kể:

“Bấy giờ có mấy kinh sư và người Pharisêu

nói với Đức Giêsu rằng:

Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.

Người đáp:

Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.

Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào,

ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna.

Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào,

thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.

Trong cuộc phán xét,

dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này

và sẽ kết án họ,

vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng;

mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”

(Mt 12: 38-42)

Thật tình mà nói, khi bình-giải câu Chúa nói “mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa”, Lm Nguyễn Thế Thuấn lại đã bàn rằng:

“Dấu lạ: để chứng thực về sứ-mạng của Ngài, Chúa Yêsu nêu ra lời giảng của Ngài, kết-thúc nơi sự Sống lại của Ngài. Đây ám-chỉ rõ-rệt đến sự Sống lại. Nhưng Tin Mừng thánh Mát-thêu đoạn 16 câu 1-4 chứng ở ngay nơi công việc rao-giảng của Chúa Yêsu.” (Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Kinh Thánh 1976, phần Tân Ước tr. 38)

Thật tình mà thưa với người đọc và người nghe ở đây rằng: tất cả mọi điều viết và đọc ở đây, chỉ để chứng thực mỗi điều đó, tức: sứ-mạng của Chúa đặt trọng-tâm nơi Sự Sống Lại của Ngài. Nếu không có Sống lại của Ngài, mọi sự lạ và phép lạ, đều ra như không, rất hư-luống.

Trong chiều hướng rất như thế, cũng nên thông-cảm ý/lời người nghệ-sĩ trong bài “Xin cứ làm tình nhân”, qua câu hát được tóm gọn làm đoạn kết rất như sau:

“Hãy tìm em tìm em, rồi nhìn em nhìn em.

Và nắm tay nắm tay, cho hồn em ngất ngây.

Chỉ cần em nhìn em, là tim em rã rời.
Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.”

(Tú Minh – bđd)

Thật đúng thế. “Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.” Như thế mới là sự lạ, và cũng là “phép lạ” dành cho người đời, ở trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ mong mọi người ở đời

Hãy tìm nhau rồi nhìn nhau

mà đắm say,

yêu thương nhau suốt đời.

Thế đó mới là chuyện lạ

và là phép lạ trong đời,

với mọi người.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay