Hai cuốn sách, hai góc nhìn và một kết quả

Báo Tiếng Dân

Đỗ Ngà

2-12-2022

Cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” (Why nations fail?) của đồng tác giả Daron Acemoglu và James Robinson là một cuốn sách nói về lịch sử, kinh tế chính trị rất hay. Hai tác giả này cho rằng, nguyên nhân thất bại của một quốc gia không do địa lý, không do văn hóa v.v… mà là do thể chế chính trị. Bởi thể chế chính trị quyết định thể chế kinh tế quốc gia đó. Và đây là lý do quốc gia đấy giàu mạnh hay đói nghèo.

Hai vị giáo sư này phân biệt hai loại thể chế kinh tế rất rõ ràng, đó là thể chế kinh tế có tính dung nạp và thể chế kinh tế có tính bòn rút. Độc tài dù là loại độc đảng như Cộng sản hay độc tài cá nhân đều là loại thể chế chính trị ích kỷ, vì lợi ích của một cá nhân hay một nhóm người có cùng quyền lợi.

Kiểu thể chế kinh tế dung nạp khuyến khích mọi thành phần kinh tế, cho họ phát huy mọi tài năng cống hiến và quyền lực được chia sẻ, chứ không tập trung vào một thành phần doanh nghiệp có lợi thế, đặc biệt là lợi thế được quyền lực chính trị bảo kê như lợi ích nhóm của Việt Nam. Để có được thể chế kinh tế dung nạp thì nền tảng về thể chế chính trị phải tương xứng. Luật pháp phải bảo đảm tính công bằng và được thượng tôn.

Tại Việt Nam, Đảng Cộng Sản điên cuồng chống lại việc đa đảng, là một thứ chủ nghĩa ích kỷ. Vì ý đồ bòn rút trên đầu trên cổ dân tộc nên họ nhất quyết không chia sẻ quyền lực chính trị cho bất kỳ tổ chức chính trị nào khác. Tự ra Hiến pháp cho phép chỉ có mình mới đủ tư cách lãnh đạo đất nước.

Cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một loại thể chế kinh tế lai căng, nó muốn được phát triển như các nước tư bản nhưng lại cũng muốn bảo vệ lợi ích nhóm. Nhà nước giữ độc quyền các ngành mang tính thiết yếu tạo ra độc quyền nhà nước, buộc dân phải chấp nhận.

Trong Chính phủ có một “siêu ủy ban”, đó là Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ủy ban này quản lý nguồn vốn đến 5 triệu tỷ đồng, tức khoảng 200 tỷ đô la Mỹ. Ủy ban này được lập ra để cho đảng luôn được bảo đảm phần hơn trong miếng bánh kinh tế đất nước, bất chấp nền kinh tế có bị ảnh hưởng tiêu cực thế nào.

Nhân đây tôi cũng nói về một quyển sách mà nếu ai quan tâm đến tâm linh cũng nên đọc. Đó là quyển Power vs Force của tác giả David R. Hawkins. Tựa tiếng Việt khá dài, đó là “Trường năng lượng và những nhân tố quyết định tinh thần, sức khỏe con người”. Quyển sách có hơi hướng tâm linh nhưng tâm linh được lý giải dưới góc độ khoa học. Khó có cuốn sách về tâm linh nào thuyết phục bằng cuốn sách này. Tác giả phân các tầng nhận thức của con người tương ứng với mức năng lượng khác nhau.

Ở khía cạnh phân loại tầng nhận thức theo mức năng lượng thì con người chứa “tham – sân – si” trong nhận thức thì được liệt ở mức năng lượng thấp, mức năng lượng phá hủy. Nói về bản thân con người thì ai cũng dễ dàng nhận thấy điều đó. Khó ai vứt bỏ được “tham – sân – si” nhưng ở mỗi con người, mức độ “đậm đặc” của “tham – sân – si” là hoàn toàn khác nhau do mức tu tập hoặc mức giáo dục đạo đức khác nhau. Càng có giáo dục thì mức “tham – sân – si” càng thấp (giáo dục khác với học vấn, học vấn cao chưa chắc gì có giáo dục), chính vì thế mức năng lượng của họ cũng khác nhau.

****

Nói về xã hội Việt Nam thì tôi có thể dùng một từ là “kinh khủng”. Ở xã hội chúng ta không hề có lòng tin, con người lừa gạt nhau mà sống, trộm cướp khắp nơi. Trên từng mét vuông đều có thể bị cướp giật. Kẻ thấp kém thì cướp giật hay lừa đảo bất kỳ món đồ nào có thể quy đổi ra tiền được dù  giá trị thấp. Tầng trên, những đại gia nhìn vẻ bề ngoài đạo mạo, đáng kính, nhiều tiền và hay lên tiếng dạy đời thiên hạ thì té ra không ít trong đó lại là những tên siêu lừa thất đức.

Ở xã hội Việt Nam, con người sống vô cảm, chỉ biết quan tâm tới mình còn quyền lợi người khác thì mặc kệ v.v… Những gì đang diễn ra như thế, cho thấy tầng năng lượng của quốc gia chúng ta rất thấp. Ở xã hội Việt Nam, mùi “tham – sân – si” nồng nặc, mà “tham – sân – si” càng đậm đặc thì xã hội càng bất an.

Có thể nói rằng tầng năng lượng của Việt Nam là thước đo cho nguyên khí quốc gia. Nguyên khí quốc gia bị phá hủy và bị kìm hãm bởi một con người tự xưng “đi tìm đường cứu nước”. Đảng Cộng sản chính là là thủ phạm làm cho nguyên khí quốc gia bị kìm giữ ở mức thấp, chứ không ai khác. Điều thực tế ai cũng có thể nhận ra, đó là quốc gia càng giàu thì xã hội càng nhân bản chứ không phải “càng giàu càng xấu xa” như tư tưởng đấu tranh giai cấp của Cộng sản được tuyên truyền bao năm qua.

Ở hai cuốn sách, khi đọc, nó cho tôi cái nhìn đất nước Việt Nam ở hai góc độ khác nhau. Cuốn sách đầu cho tôi cái nhìn lý tính, cái nhìn logic. Cuốn thứ nhì giúp tôi nhìn đất nước mình dưới góc độ tâm linh. Dù cho ở góc độ nào thì nó đều dẫn đến một kết quả như nhau. Đó là đất nước nát, nát từ kinh tế chính trị đến nát về xã hội. Rất khó để nước ta bước ra khỏi vùng tối u ám với tình trạng năng lượng cực thấp như thế này.

Có lẽ, mỗi người cần đọc, cần lắng nghe để sửa mình nhằm cải thiện mức năng lượng cho bản thân là khả năng dễ thực hiện hơn. Nếu tích đủ lượng thì chất ắt sẽ tự biến đổi.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay