Hồ sơ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang
Ngô Ngọc Văn
BBC Tiếng Trung
Thứ ba, 29 tháng 7, 2014
Ông Chu Vĩnh Khang trước khi về hưu, tháng 11/2012
Chu Vĩnh Khang từng là một trong chín chính trị gia cao cấp nhất Trung Quốc cho tới năm 2012, nhưng giờ đã thất thế.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin ông đang bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, thường được dùng để nhắc tới tham nhũng. Thông tin này khép lại các tin đồn trong suốt mấy tháng qua về số phận của ông.
Các bài liên quan
Rất nhiều đồng minh và cộng sự thân cận của ông đã bị cách chức hoặc điều tra do các cáo buộc vi phạm kỷ luật đảng và các tội danh nhẹ hơn khác.
Ông Chu nổi lên từ một kỹ thuật viên ngành dầu khí từ những năm 60 và sau đó phụ trách bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc.
Sự xuống dốc của ông một lần nữa cho thấy quyết tâm nhổ rễ đối thủ của mình và làm thanh sạch hình ảnh đảng của chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng cũng gây ra nghi vấn về một hệ thống nuôi dưỡng tham nhũng ở mức chưa từng có.
Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942 ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.
Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1964 và tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh năm 1966 với bằng khảo sát địa vật lý và thăm dò.
Ông trải qua 32 năm tiếp đó trong lĩnh vực dầu khí, bắt đầu với vị trí kỹ thuật viên ở mỏ dầu Đại Khánh.
Ông dần được thăng chức và sau đó trở thành tổng giám đốc và bí thư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) vào năm 1998 – ngang với tầm bộ trưởng.
Rất nhiều cấp dưới của ông nay bị điều tra, nổi bật nhất là Tưởng Khiết Mẫn, người từng nắm chức tổng giám đốc và bí thư CNPC năm 2006 – 2013.
‘Thế lực thù địch’
Lưu Hán từng nằm trong danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc
Sau một năm làm việc ở Bộ Đất đai và Tài nguyên với vai trò bộ trưởng và bí thư năm 1998, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh Tứ Xuyên cho tới năm 2002.
Không có nhiều thông tin về những thành tựu của ông trong thời kỳ này, nhưng từ năm 2012, nhiều cấp dưới của ông trong thời kỳ này đã bị cách chức và điều tra, cáo buộc các tội từ vi phạm kỷ luật đảng cho tới nhận hay đưa hối lộ.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Lưu Hán, một doanh nhân rất giàu có ở Tứ Xuyên, được ông Chu Vĩnh Khang bảo trợ. Ông Lưu bị kết án tử hình hồi tháng Năm do “tổ chức và chỉ đạo tội phạm và giết người kiểu mafia”.
Năm 2002 đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của ông Chu khi ông được chỉ định trở thành thành viên của Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng thứ 16; đến cuối năm, ông trở thành Bộ trưởng Công an.
Năm 2007, Chu Vĩnh Khang được nâng lên thành thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị và cũng nhận vai trò phụ trách Ủy ban Chính pháp Trung Ương Trung Quốc.
Công việc của ông bao gồm bình ổn đất nước, và “phòng chống và đấu tranh lại các thế lực thù địch từ bên trong và bên ngoài Trung Quốc”. Quỹ tài chính cho nhiệm vụ này lên tới 700 tỷ Nhân dân Tệ (khoảng 114 tỷ USD), hơn cả quỹ cho quốc phòng.
Mốc chính trong sự nghiệp và cuộc đời
- 1942
Sinh ra ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô
- 1964
Gia nhập Đảng Cộng sản và làm việc 32 năm trong ngành dầu khí Trung Quốc
- 1998
Trở thành bí thư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc
- 1999
Bổ nhiệm vào chức Bí thư Tứ Xuyên
- 2002
Bổ nhiệm thành thành viên Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng 16; sau đó trở thành Bộ trưởng Công an trong cùng một năm
- 2007
Thăng chức thành thành viên Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị
- 2012
Cấp dưới của ông Chu bắt đầu bị cách chức và điều tra
- 3/2012
Xuất hiện cùng Bạc Hy Lai trong kỳ họp Quốc hội
- 12/2013
Con trai Chu Bình bị bắt giữ vì các tội danh tham nhũng
Là người phải đối phó với tình hình bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương, an ninh cho Olympic Bắc Kinh và ảnh hưởng của “Mùa xuân Ả Rập”, quyền lực của ông Chu lấn sang cả lĩnh vực tòa án, công tố, cảnh sát, dân quân và tình báo.
Các chính sách hà khắc được áp dụng: các nhà bất đồng chính kiến bị đối xử tàn nhẫn và dân khiếu kiện bị quấy nhiễu thường xuyên, với rất nhiều người bị giữ trong các trại giam phi pháp gọi là “hắc giam ngục”.
Đồng minh Bạc Hy Lai
Chu Vĩnh Khang cũng có quan hệ công việc rất thân thiết với chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai
Chu Vĩnh Khang cũng có quan hệ công việc rất thân thiết với chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai, nay đang trong tù.
Khi ông Bạc còn là Bí thư Trùng Khánh và phát động chiến dịch “hát nhạc cách mạng và đàn áp tội phạm” nhằm đẩy mạnh tên tuổi, ông Chu xuất hiện trong thành phố hồi năm 2010 để khen ngợi lãnh đạo.
Chỉ vài ngày trước khi thông báo cách chức ông Bạc Hy Lai được đưa ra hồi tháng Ba năm 2012, Chu Vĩnh Khang xuất hiện cùng đồng minh trong kỳ họp quốc hội, nói về sự lớn mạnh của kinh tế Trùng Khánh so với các địa phương khác ở Trung Quốc.
Trong phiên xử Bạc Hy Lai vào tháng 08/2013, ông Bạc nói trước tòa rằng ông nhận được chỉ dẫn từ Ủy ban Chính pháp cách giải quyết vụ đào tẩu của ông Vương Lập Quân vào lãnh sự Hoa Kỳ, để bảo vệ bản thân ông.
Lúc đó, ông Chu Vĩnh Khang là chủ tịch ủy ban.
Đoạn thú tội này của ông Bạc không được công bố, nhưng tin rỉ ra ngoài từ những người có mặt trong phiên tòa.
Chu Vĩnh Khang có hai đời vợ, và một trong những người con trai của ông với người vợ đầu tiên, Chu Bình, sinh năm 1972 là nhà điều hành cao cấp ngành dầu khí.
Theo báo Hong Kong, ông Chu Bình bị bắt vào tháng 12/2013 do tội tham nhũng.