GỌNG KỀM LỊCH SỬ
tác giả BÙI DIỄM & David Chanoff
@Tú Donald
Đã có nhiều quyển sách viết về Việt Nam trong những năm vừa qua, trong số này, không ít đã diễn tả tường tận những cảnh tượng của chế độ cũ, những cuộc tranh chấp ngấm ngầm trong chánh phủ hay trên bàn đàm phán. Tất cả đều viết về những việc thật gần, thật cận, hoặc từ năm 1960–1975, hoặc từ những năm sau. Mỗi quyển đều nói lên cương vị của người viết hay về một giai đoạn đặc thù của lịch sử. Nhưng quyển Gọng Kềm Lịch Sử, nguyên tác In The Jaws Of History của ông Bùi Diễm và David Chanoff có lẽ đã ám ảnh người đọc sâu xa hơn tất cả.
Chỉ nói riêng về chiều dài, tác giả đã đi ngược suốt từ thời Pháp thuộc qua thời kỳ Bảo Đại, ông Diệm, ông Thiệu cho đến những ngày chót khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ và đề cập đến những nhân vật chìm, nổi trong chính trường từ lúc phôi thai như những học sinh ở trường Thăng Long cùng Ban Giảng Huấn cho đến những sảnh đường quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn. Trong suốt hơn 700 trang sách, ông Bùi Diễm, nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, con ruột học giả Bùi Ưu Thiên và cháu ruột sử gia Trần Trọng Kim đã thuật lại cuộc đời của mình cũng như cuộc đời của những người cùng lứa tuổi. Từ ngày biết nhận xét cho đến lúc đã thực sự bị cắt rời khỏi đất nước, cuộc đời tác giả được mở ra gần như trọn vẹn trong 36 chương sách: “Gọng Kềm, Hội Kín, Khủng Bố, Lập Trường… Đảo Chánh…” Tất cả những danh từ nói về những cảm quan cũng như các biến cố quá khứ đều nằm gọn trong “Gọng kềm lịch sử,” một bầu không khí khắc nghiệt, mang tính chất định mệnh chẳng khác nào bầu không khí của Chiến Tranh và Hòa Bình. Quyển sách dù nặng phần chính trị nhưng mang đầy tính chất văn chương trong lời viết. Có lẽ lối viết là do nỗ lực cố đem cảm quan của riêng người kể (hoặc thế hệ người kể như đã minh xác trong lời mở đầu) đến với người đọc nên mặc dù quyển sách được viết từ lối nhìn chủ quan, chính cảm quan của người kể đã mang lại tính chất văn chương trong lối diễn tả.
Đã bao năm qua lịch sử vẫn theo sát những kẻ sống sót, vẫn toan tính nghiền nát số phận của những kẻ bất hạnh. Bên nhà kẻ thắng cuộc nhất thời vẫn vẽ vời, tô son điểm phấn cho “Cuộc Đại Thắng Mùa Xuân.” Bên ngoài, từng loạt hồi ký của Neil Sheehan, của Frank Snepp, của David Halberstam, của… Khép giữa hai gọng kềm này là những vết hằn, những người khốn khổ trong cuộc đã ngàn đời im lặng hoặc vẫn thảm sầu trong im lặng của bất công. Hình như chẳng có gì đáng nhớ. Hình như chẳng có gì cao đẹp. Hình như tất cả chỉ là những thủ đoạn thần sầu của những người lãnh đạo đã mù quáng vì uy quyền, đã mất hẳn nhân tâm. Hình như… Chẳng có gì đáng cần biết thêm. Chẳng có gì cần để học hỏi. Tất cả đều chỉ là lỗi lầm và tất cả đều là những việc đã qua, sẽ qua hoặc nên cho qua. Đã có lần người ta tin rằng sự thật chắc chắn phải nằm trong những quyển sách viết dài dằng dặc, đổ hất trách nhiệm về phía những vết hằn đang câm lặng. Nhưng người ta đã quá hấp tấp, vì những vết hằn đã lên tiếng. Tiếng nói thống khổ của những nạn nhân một đời đi tìm lý tưởng. Tiếng nói của tủi cực phải ấm ức phát ra từ tiềm thức vì tai nạn xảy ra chập chồng đã đẩy lui vào ký ức tầm mức quan trọng của những tai ương lần trước.
Trong gọng kềm lịch sử, máu và nước mắt của một thế hệ đã đổ ra thành một thiên bi kịch dài triền miên suốt một giòng đời và người kể lại bằng tâm thức từng cuộc sống của những vết hằn mà chính bản thân mình chứng kiến. Qua câu chuyện của người kể, những vết hằn quằn quại, di động trong khổ đau của hố thẳm im lặng, nhưng người kể không hề quên họ. Tất cả những gì đã mất, đã qua, đã khuất sâu trong âm ỉ của thời gian đều còn sống, mặc dầu chỉ còn sống trong ký ức và người kể vạch dần ký ức của mình để đưa ra những miểng đá hóa thạch cục cằn trong tâm tưởng. Trong thế kẹp ác liệt của lịch sử những vết hằn từ từ hiện rõ, chỗ đỏ ối, chỗ tím, chỗ thâm quầng, chỗ đen đủi, nhưng tất cả đều hiện diện. Và những vết hằn đứng đó mãi mãi điểm tô cho lịch sử.
GỌNG KỀM LỊCH SỬ
tác giả BÙI DIỄM & David Chanoff
Nguồn:https://www.facebook.com/groups/1399481216981167/permalink/2349646841964595/