Giáo Dục Bi Thảm
(09/03/2012)
trích: Vietbao.com
Bạn thân,
Một thời chúng ta nhìn các thầy giáo, cô giáo như những vị thần linh… nhưng bây giờ thì không như thế nữa.
Một thời, chúng ta lắng nghe các thầy cô nói từng lời, nghiền ngẫm từng chữ… và không bao giờ chất vấn, nghi ngờ gì hết. Bởi vì, thầy cô nói bằng tấm lòng muốn trao truyền kiến thức, và muốn chúng ta giỏi, muốn chúng ta siêng năng, và muốn chúng ta thành công ngoàì đời.
Thầy cô là những người cho chúng ta chữ, cho chúng ta hiểu về cuộc đời, cho chúng ta hiểu về ẩn nghĩa của Truyện Kiều, khi nàng tuyệt sắc Thúy Kiều bị xã hội xô đẩy vào lầu xanh, cũng y hệt như những tinh hoa đẹp nhất của giới trí thức thời cụ Nguyễn Du bị lịch sử xô đẩy, trong đó có những người phảỉ bán đi sự lương thiện…
Bây giờ thì khác. Báo Tuần Việt Nam qua bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Bình đã nêu vấn đề ngay ở tựa bài: “Giáo dục có đang… ‘vô cảm’?” Bài viết đầy những hình ảnh đau đớn của nền giáo dục, chuyện chạy trường, chạy bằng cấp, chạy việc… trích như sau:
“…Khoảng mươi năm trở lại đây trong ngôn ngữ tiếng Việt bỗng xuất hiện một từ mới: “Chạy trường”. Hiểu một cách nôm na “chạy trường” là cách mà các quý vị phu huynh của các em học sinh, sinh viên từ bậc học mẫu giáo cho đến đại học phải bỏ tiền ra để nhờ vả, chạy chọt cho con em họ có cơ hội vào học ở những ngôi trường phần nhiều được đánh giá là có “chất lượng tốt”.
Những trường này thường được “bảo chứng” bằng những mỹ từ như: Trường đạt chuẩn quốc gia, trường chuyên, trường điểm, hay trường quốc tế…. Hoặc có khi “chạy trường” với mong ước con em mình được học ở những ngôi trường gần nhà để nhằm tiện lợi cho việc chăm sóc và đưa đón con em lúc đến trường.
Có ai ngờ những đứa trẻ chỉ mới bắt đầu vào mẫu giáo mà cha mẹ của chúng phải tất tả ngược xuôi để tìm một chỗ xứng đáng. Để được người ta “ươm mầm” sự… giả dối trong sự đổi chác và thực dụng….
Vấn đề “chạy bằng cấp và chạy kiến thức” chủ yếu xảy ra từ cấp trung học phổ thông trở lên. Ở cấp học này chuyện “chạy bằng cấp và kiến thức” nhìn chung là do hậu quả của việc tổ chức thi cử “tưởng là nghiêm túc nhưng kì thực là rất lỏng lẽo” mà ra.
Cuộc khảo sát của 1 nhóm nghiên cứu về việc gian lận trong thi cử đối với 500 học sinh mới đây là 1 minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Có tới 400 em học sinh thừa nhận mình có gian dối trong thì cử với nhiều hình thức khác nhau…
Đối với những cấp bậc cao hơn như đại học, hay sau đại học thì việc chạy bằng cấp và kiến thức rõ ràng nhất là ở khâu thực hiện đề tài luận văn (cử nhân), luận án (thạc sĩ, tiến sĩ) tốt nghiệp.
Đây còn là 1 đại nạn, 1 thực trạng đáng xấu hổ nhất trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học ở nước ta hiện nay.
Xấu hổ là vì ngay chính bản thân những thầy cô giáo toàn những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, GS… nhưng có không ít người đã không ngần ngại nhận phong bì từ sinh viên, học viên của mình để rồi châm chước và cho qua những luận văn, luận án không xứng đáng mà mình hướng dẫn hay phản biện.
Đau đớn hơn có người còn ra giá với học trò của mình và nếu như học trò nào đó không biết “vâng lời” thì có khi phải nhận lấy những hậu quả xấu. Những việc làm này rõ ràng chỉ có thể nói đó là sự “mất nhân tính” của những con người vốn đang gánh trên vai trọng trách “trồng người” cho xã hội….
Và “chạy việc”
Một sinh viên để có thể cầm trên tay mảnh bằng đại học (ít nhất là 4 năm) phải đánh đổi không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc của gia đình. Đến khi ra trường các em phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của xã hội trong hành trình xin việc để tự lập, mưu sinh.
Thế nhưng vẫn có những người thầy không ngần ngại “ra giá” với các em về một chỗ làm nào đó nhờ sự quen biết của họ. Thử hỏi học trò mới ra trường thì làm gì có tiền (từ vài chục đến vài trăm triệu) để đưa cho thầy cô mong có được chỗ làm…”
Làm sao bây giờ? Làm sao tìm ra những người thầy thơ mộng nhiều thập niên trước… Chắc chắn vẫn còn đó, ở đâu đó, vẫn còn những thầy giáo, những cô giáo thật tâm quan tâm tới các em… Thật là may mắn, là đại cơ duyên cho những ai gặp các vị thầy đáng kính như những trang sách cổ.