8 SÀI GÒN
Albert Einstein, sinh ngày 14.03.1879 tại Đức và mất 18.04.1955 tại Mỹ. Ông là nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng, là cha đẻ của Thuyết Tương Đối và là một trong hai trụ cột của Vật lí học hiện đại; trụ cột thứ 2 là nhà vật lý lý thuyết về cơ học lượng tử: Stephen Hawking, (1942-2018). Công thức E = mc2 của ông được coi là “phương trình nổi tiếng nhất thế giới”. Dưới đây là một số giai thoại về Albert Einstein.
CHÍNH TÔI LÀ EINSTEIN
Sau khi Albert Einstein chuyển từ châu Âu đến Princeton (Mỹ) một thời gian, phòng làm việc của Hiệu trưởng Trường đại học nơi Einstein làm việc vang lên tiếng chuông điện thoại. Cô thư kí nhấc ống nghe. Một giọng đàn ông trong máy:
– Cô làm ơn cho tôi nói chuyện với ngài Hiệu trưởng một chút.
– Thưa, Ngài Hiệu trưởng hiện không có ở đây ạ. – Cô thư kí đáp.
– Vậy cho tôi biết ông Einstein hiện đang sống và làm việc ở đâu?
– Rất tiếc là không thể được! Ngài Einstein không muốn cho người khác biết địa chỉ nhà riêng để khỏi bị quấy rầy.
– Có tiếng nói khẽ trong máy: “Đúng như vậy. Nhưng tôi chính là Einstein. Tôi đang bị lạc đường. Làm sao tôi về nhà được bây giờ?”
Ý TƯỞNG VỚI CÂY ĐÀN
Bà Elsa, người vợ sau của Einstein, kể lại một chuyện như sau: “Einstein đi xuống trong bộ đồ ngủ như thường lệ để ăn sáng, nhưng hầu như không đụng đến cái gì cả. “Em yêu – ông nói – anh có một ý tưởng tuyệt vời”. Sau khi uống cà phê, ông đi đến cây đàn piano và bắt đầu chơi. Thỉnh thoảng, ông lại ngừng và ghi chép, rồi lặp lại: “Anh có một ý tưởng tuyệt vời!”. Tôi nói: “Vậy thì hãy kể cho em nghe đi, đừng để em sốt ruột”. Ông nói: “Khó lắm, anh đang vất vả nghĩ về nó”. Ông vẫn tiếp tục đánh piano và ghi chép khoảng nửa giờ, sau đó đi lên lầu vào phòng làm việc. Ông nói với tôi rằng ông không muốn bị quấy rầy và ở đó hai tuần liền. Mỗi ngày, tôi mang thức ăn lên cho ông và buổi tối ông đi dạo để tập thể dục, sau đó trở lên phòng làm việc tiếp. Tôi nghĩ ông không được khỏe và hình như có điều gì lẩn thẩn. Thế rồi một hôm, Einstein rời khỏi phòng làm việc, mặt tái đi: “Đây là kết quả của anh”. Ông ấy nói, rồi mệt mỏi đặt hai trang giấy trên bàn. Đó chính là… Thuyết Tương đối của ông”… mà sau này cả thế giới phải ngưỡng mộ.
TRỨNG VÀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI
Einstein đã dí dỏm kể chuyện luộc trứng: “Sáng kiến lớn nhất của tôi sau Thuyết Tương đối là nên luộc trứng cùng một lúc với súp. Như thế trứng sẽ không bị chín quá và ta lại khỏi phải rửa thêm một cái nồi.”
NGƯỜI DA TRẮNG DUY NHẤT…
Sau khi Einstein mất, một ngày kia, con gái nuôi của ông là Margot ra đường gặp một người da đen. Người này nhận ra cô là con gái của Einstein bèn đến chia buồn và kính cẩn nói: – Einstein là người da trắng duy nhất khi gặp chúng tôi đã ngả mũ chào.
MŨ HAY TÓC KHÔ NHANH HƠN?
Một lần đến thăm nhà người bạn, Einstein đang định đứng dậy ra về thì trời bắt đầu mưa lắc rắc. Thấy thế, chủ nhà liền mang cho nhà bác học chiếc mũ của mình. Nhưng Einstein ngạc nhiên: – “Để làm gì nào? Vì biết chắc thế nào trời cũng đổ mưa, nên tôi mới không mang theo mũ chứ. Thật vô ích, vì đằng nào thì mũ cũng lâu khô hơn tóc trên đầu, đúng không?”
AI MỚI LÀ VĨ ĐẠI?
Có lần Vua hề Charlie Chaplin nhận được thư khen của Einstein sau khi xem một bộ phim về Hit-le. Einstein viết: “Ngài chỉ diễn câm, thế mà mọi người trên thế giới ai cũng hiểu. Ngài quả thật là một con người vĩ đại.” Chaplin đã có thư phúc đáp như sau: “Tôi càng kính phục Ngài hơn. Thuyết Tương đối của Ngài trên thế giới chả ai hiểu gì cả mà Ngài vẫn nổi tiếng khắp nơi. Ngài quả thật là một con người vĩ đại.”
NGƯỜI ĐÓNG THẾ
Einstein đã giảng bài về Thuyết Tương đối trên khắp nước Mỹ. Ông thường đi với một tài xế tên là Harry. Anh này luôn ngồi ở hàng ghế cuối, chăm chú nghe mỗi khi ông giảng. Một ngày đẹp trời nọ, sau khi giảng xong, Einstein rời giảng đường và đi ra xe. Người tài xế liền nói với ông: “Thưa Giáo sư, tôi đã nghe bài giảng về Thuyết Tương đối của ông nhiều lần đến nỗi tôi thuộc như cháo chảy. Và, nếu có cơ hội, tôi hoàn toàn có thể giảng lại bài đó!”. – Tốt quá!” – Einstein trả lời – Tuần tới, tôi sẽ đến Đại học Dartmouth. Ở đó, chả ai biết tôi. Anh sẽ vào vai Einstein giảng bài, còn tôi sẽ là tài xế ngồi nghe ở dưới!. Thế là… Harry “người đóng thế vĩ đại” đã giảng bài một cách hoàn hảo. Anh thuộc và nói thao thao bất tuyệt, lên bổng xuống trầm, không sai cả từng chỗ ngắt câu. Trong khi đó, Einstein thỏa chí ngủ ở hàng ghế cuối. Nhưng, khi Harry ngừng giảng, một nghiên cứu sinh liền đứng lên và hỏi những câu rất khó trong phương trình. Harry bối rối trong giây lát, rồi anh bình thản trả lời: “Ồ! Câu hỏi này dễ lắm, dễ cực kỳ. Để tôi nói tài xế của tôi đang ngồi dưới kia trả lời cho anh!”. Và lúc ấy, Einstein “chàng lái xe” đã làm cả hội trường kinh ngạc khi hỏi câu nào ông cũng trả lời ngay lập tức.
ĐỀ THI VÀ CÂU TRẢ LỜI
Khi Einstein còn đang giữ vị trí giáo sư tại trường đại học, một hôm, có một nữ sinh viên đến gặp Einstein và nói rằng: “Thưa thầy! Sao đề thi năm nay lại giống hệt đề ra năm ngoái thế ạ?”. – Đúng vậy! – Einstein trả lời – Nhưng câu trả lời thì đã khác! Cô mà trả lời giống năm ngoái thì cô sẽ trượt.
QUỐC TỊCH
Có lần Einstein nói với các nhà báo: – Các ông đừng đặt vấn đề về quốc tịch của tôi. Những năm còn lại của cuộc đời tôi, theo giấy tờ, thì tôi là người Mỹ. Nhưng, sau khi tôi chết, nếu như những lý thuyết của tôi đề ra là đúng thì người Đức sẽ nói tôi chính gốc là người Đức, người Mỹ nói tôi mang quốc tịch Mỹ, người Pháp sẽ gọi tôi là công dân quốc tế. Ngược lại, nếu sau này lại có những chứng minh cho rằng lý thuyết của tôi đề ra có sai lầm, thì người Mỹ sẽ nói tôi là người gốc Đức, người Pháp sẽ nói tôi đã từng là công dân Thụy Sĩ và người Đức sẽ nói tôi là một tên Do Thái.
THUYẾT TƯƠNG ĐỐI
Trên chuyến tàu từ châu Âu sang Mỹ, mọi người đều mệt mỏi vì bị sóng biển nhồi lắc. Riêng có một người gương mặt thật bình thản ngồi hút thuốc, nghe nhạc. Mọi người càng thán phục khi biết người đó chính là Albert Einstein. Có người mạnh dạn hỏi:
– Thưa Ngài, trong Thuyết Tương đối, nhiều và ít được hiểu như thế nào ạ?
– Ồ, có gì đâu. Đơn giản là thế này nhé. Mấy trăm sợi tóc trên đầu là quá ít. Nhưng, trong một chén nước uống mà có vài ba sợi tóc thì lại quá nhiều.
KHÔNG BIẾT CHỮ
Một lần vào quán ăn, Einstein quên mang kính, nên nhà bác học không đọc được thực đơn. Ông bèn nhờ người hầu bàn đọc hộ. Nhìn ông già ăn mặc chững chạc, ra chiều thông cảm, người hầu bàn liền ghé tai Einstein nói thầm: – Xin lỗi! Tôi cũng không biết chữ như Ngài.
ĂN MẶC
Vợ của Albert Einstein thường khuyên ông phải ăn vận cho chỉn chu hơn khi tới chỗ làm. Ông sẽ luôn phản bác lại rằng, “Tại sao nhỉ? Mọi người ở đó đều biết tôi mà”. Khi Einstein tới dự một cuộc họp lớn, bà lại nài nỉ ông hãy mặc những bộ đồ đẹp đẽ hơn. Ông lại bảo, “Tại sao chứ? Ở đấy có ai biết tôi đâu!”
LẠI GIẢI THÍCH VỀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI
Người ta thường yêu cầu Albert Einstein giải thích thuyết tương đối. Ông phân trần: “Bạn giơ tay trên bếp lò, một phút dài như một giờ. Bạn ngồi với một cô nàng xinh đẹp, một giờ chỉ như một phút. Ấy chính là sự tương đối!”
ĐÃNG TRÍ
Một hôm, hồi còn làm việc tại đại học Princeton, khi đang trên đường về, ông quên mất địa chỉ nhà mình. Tài xế taxi không nhận ra ông. Ông hỏi anh ta có biết nhà của Einstein không. Anh ta đáp rằng: “Ai mà không biết địa chỉ của Einstein chứ nhỉ? Ai ở Princeton này chả rõ. Ông muốn gặp ông ấy à? Và, Einstein nói: “Tôi là Einstein đây. Tôi quên địa chỉ nhà mình rồi, anh chở tôi về đó được không?” Tài xế chở ông về và còn chẳng lấy tiền cước xe. Cũng có lần, Einstein đi tàu hỏa từ Princeton và người soát vé đi xuống để bấm vé của các hành khách. Khi anh ta tới chỗ Einstein, ông loay hoay tìm trong túi áo vest. Chẳng thể nào mò ra được tấm vé, ông chuyển sang túi quần. Không thấy, ông lại tìm trong cặp, nhưng cũng không có luôn. Và rồi tiếp đến, ông tìm cả chiếc ghế bên cạnh mình. Vẫn chẳng thấy gì. Người soát vé nói: “Tiến sĩ Einstein, tôi biết ngài mà. Chúng tôi đều biết ngài. Tôi chắc rằng ngài đã mua vé rồi. Xin đừng lo lắng gì cả”. Einstein gật đầu một cách lịch sự. Người soát vé tiếp tục đi tới những hàng ghế phía sau. Lúc sắp sang toa khác, anh ta quay lại và thấy nhà vật lý vĩ đại của chúng ta vẫn đang loay hoay quỳ xuống tìm tấm vé. Anh ta vội vã đi tới và bảo: “Thưa tiến sĩ Einstein, xin đừng lo mà, tôi biết ngài là ai mà. Không vấn đề gì đâu. Ngài không cần vé đâu. Tôi tin là ngài đã mua vé rồi”. Einstein nhìn anh ta và nói: “Chàng trai à, tôi cũng biết tôi là ai mà, nhưng tôi quên béng mất mình đang đi đâu rồi”.
SƯU TẦM