GIỜ CỦA CHÚA
Chúa Nhật 2Thường niên C
(Isaiah 62:1-5; Corinthians 12: 4-11; John 2: 1-11)
Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Chúa Nhật trước, chúng ta đã suy niệm về ý nghĩa chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan và những cam kết của chúng ta khi chịu phép thanh tẩy. Hôm nay chúng ta bàn về tiệc cưới Cana . Câu chuyện tiệc cưới Cana (Ga 2:1-11) là một biểu hiện vinh quang của Thiên Chúa, tiếp tục chủ đề về lễ Hiển Linh và Phép Thanh Tẩy mà ta có thể gọi là lễ khánh thành sứ mạng của chúa Giêsu ở trần thế.
Trong bản kinh chiều ngày lễ Hiển Linh nêu ra ba màu nhiệm thánh: “Hôm
nay ngôi sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ đến viếng hài nhi Giêsu; hôm nay nước
biến thành rượu trong tiệc cưới; hôm nay Chúa Giêsu muốn ông Gioan làm phép rửa cho Chúa ở sông Jordan để mang ơn cứu độ cho muôn dân.” Mỗi biến cố đều có
dấu chỉ riêng, chứng tỏ có sự can thiệp của Thiên Chúa: Ba Vua, Ánh Sáng chiếu rọi, Ngôi sao, Nước hoá Rượu, Tiếng Nói phát ra từ trời và hình chim Bồ Câu.
Câu chuyện tiệc cưới ở Cana là một biến cố có thực trong đời của chúa Giêsu, đã được ngòi bút điêu luyện của Gioan thánh sử vẽ lại trong một khung cảnh với cấu trúc lớp lang đầy ý nghĩa biểu tượng. Chúng ta thấy nước trở thành rượu, một vật bình thường trở thành phi thường. Phép lạ tại Cana này khởi đầu thời đại ngôn sứ. Phép lạ nói
trước cho mọi người biết cách thức Chúa Giêsu sẽ hoàn thành sứ mạng của Ngườic
là đổ máu chết trên thập giá.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA CÂU CHUYỆN
Để ý những điểm chính của câu chuyện này, chúng ta thấy đây là câu chuyện được kể duy nhất bởi thánh Gioan, không thấy trong các phúc âm thư khác. Danh từ “dấu hiệu” (semeion) là một biểu tượng từ mà thánh Gioan dùng để chỉ hành động phi thường của chúa Giêsu. Thánh Gioan lúc đầu thích dùng từ này ở số nhiều (semeia) để chỉ: Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử loài người bằng một cách thức mới qua đức Giêsu. Ở Cana, biểu tượng và thực tế gặp nhau: Tiệc cưới của hai bạn trẻ là cơ hội để
nói về một cuộc hôn nhân giữa chúa Kito và Giáo Hội sẽ được thực hiện trong “giờ
của ngài” trên thập giá. Ở Cana tại Galilée, chúng ta bắt gặp dấu hiệu đầu
tiên khi chúa Giêsu chứng tỏ vinh quang của Ngài để cho các môn đệ tin theo.
MẸ CHÚA GIÊSU
Khách chính trong tiệc cưới này không phải chỉ có một mình Chúa Giêsu mà còn có cả mẹ Người là đức Maria và các môn đệ (Ga 2:1-2). Ở đây, trong Tin Mừng Gioan, không bao giờ ta thấy đức Maria được chúa Giêsu gọi là mẹ. Tước hiệu “Bà” đã được chúa Giêsu dùng để chỉ mẹ Maria là cách nói bình thường lịch sự, nhưng không được công nhận, để chỉ mẹ của một ai đó (coi Ga 19: 26 để thấy tiếng Bà và tiếng Mẹ ám chỉ đức Maria).
Đức Maria luôn luôn là một biểu tượng. Nhiệm vụ của mẹ là hoàn tất ơn gọi của các môn đệ. Mẹ là môi giới, dấu chỉ để cho các môn đệ thấy mà tin. Lời mẹ nói với những người giúp việc trong tiệc cưới: “Hãy làm theo những gì Người bảo” (Ga 2:5) là một mời gọi tất cả mọi người hãy trở nên tân dân của Thiên Chúa. Ở cả Cana lẫn đồi Calvary, theo thánh sử Gioan, mẹ Maria không chỉ là hiện thân của một hiền mẫu và liên hệ huyết thống mẹ con với chúa Giêsu, mà còn đóng vai trò biểu tượng cao quí của một “Bà và Mẹ” của thần dân Thiên Chúa.
Trả lời yêu cầu của mẹ Maria, chúa Giêsu đáp: “Giờ của con chưa đến”. Nói một cách khác là giờ biểu lộ vinh quang của Người chưa đến. Giờ đó sẽ xẩy ra trên thập giá ở Calvary . Nhưng lời chúa nói với mẹ không phải chỉ hiểu theo nghĩa đen của câu chuyện rượu và nước trong tiệc cưới, mà còn phải hiểu một cách khác nữa. Phép lạ biến nước thành rượu có nghĩa là giao ước cũ giữa Trời và Đất sẽ đổi mới hoàn toàn.
Lời mẹ Maria nói với Con mẹ đã biến đổi hẳn tình huống buồn bã lo âu thành vui
mừng khôn tả. Lời Chúa Giêsu nói với những người giúp việc trong tiệc cưới đã
trở thành phép lạ thực sự.
“GIỜ” CỦA CHÚA. KHI CRONOS BIẾN THÀNH KAIROS
Tiếng “GIỜ” trong câu chuyện tiệc cưới ở Cana có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Trong Tân Ước, chữ giờ của tiếng Hy Lạp là “hora” thường được dùng để chỉ kairos hơn là cronos: “Giờ (hora) đã đến và chính lúc này là giờ những người thờ phượng đích thực” (Ga 4:23-24). Chữ giờ/Hora được dùng khá nhiều trong những câu chuyện Tin Mừng nói về những việc lạ lùng và phi thường như chữa lành bệnh hiểm nghèo, và trong những trường hợp như vậy thì thường được đổi thành từ “ngay tức thì”. “Giờ” mà Chúa Giêsu nói ở tiệc cưới Cana là giờ khổ nạn, giờ Chúa chịu chết,
sống lại và lên trời (Ga 13: 1).
“Cronos” là thời gian chỉ những sự việc xẩy ra bình thường và cho ta cảm tưởng là ta có thể điều khiển được nó, nhưng thường là sai lầm. Chúng ta có thể ghi chúng vào trong Blackberries, IPhones và sổ tay với ngày tháng, giờ phút cùng biến cố theo cách
thức riêng của ta. Còn Kairos biểu hiện sự đứt đoạn khi có trở ngại bất ngờ
khiến ta phải thay đổi chương trình cho thích hợp với thực tế. Giờ của chúa
Giêsu, giờ đã định của Người hay khoảnh khắc “kairos” hiện ra ngoài dự định
hoặc trước khi Người muốn. Dĩ nhiên Chúa đã có trong đầu chương trình của Chúa.
Hoàn cảnh đã thúc đẩy Người phải đi theo một lối khác.
TIỆC CƯỚI Ở CANA
Có nhiều cách cắt nghĩa các biểu tượng trong câu chuyện Tin Mừng này. Một là coi câu chuyện như hai quang cảnh đối nghịch nhau giữa điều mà chúa Giêsu làm và sự bất toàn của Do Thái giáo. Theo quan niệm này, thì Do Thái giáo tự nó đã khô héo, tàn rụi, trở nên trống rỗng, sơ cứng và kiệt quệ rồi. Kitô giáo tức rượu ngon phải thay
thế Do Thái giáo là nước lã.
Cách cắt nghĩa thứ hai là nỗi vui mừng vì vương quốc Thiên Chúa xuất hiện. Chúa Giêsu đã có cơ hội loan báo cho những người đang tụ họp nhân dịp vui của hai họ. Việc tỏ lộ của Chúa biến thành một cuộc họp trong cuộc họp, tiệc liên hoan trong tiệc liên hoan, một cuộc hôn nhân trong cuộc hôn nhân. Viễn cảnh này dựa vào truyền thống Do Thái coi tiệc cưới là thời gian thánh. Bài đọc I hôm nay theo Iasiah 62 bắt
đầu bằng một ẩn dụ lễ cưới. Thánh ý Chúa đã nhất định là đất Judah không còn là
nơi hoang vu, đơn độc bị bỏ rơi, vì Judah sẽ là hôn thê thánh thiêng của Israel
, không phải của ai cả.
Cách diễn nghĩa thứ ba có lẽ là cách khá hay và sâu sa nhất, cho chúng ta thấy cách thức đứt đoạn của thời gian “cronos” để trở thành biến cố của thời gian “kairos”. Chúa Giêsu đã tính trước và chờ đợi giờ của Người để Người có thể xác định và điều khiển. Thay vào đó, “giờ / hora” của chúa lại đến với chúa một cách bất ngờ, ngoài dự tính, đặt Người vào nhiều cảnh huống khó sử khác nhau, ngay cả do chính mẹ Người nữa !
Chúa Giêsu đã tạo một bộ mặt mới cho buổi tiệc cưới này ở Cana . Người không cung cấp rượu ngon lúc tiệc khởi đầu khi khách còn tỉnh táo chưa say, nhưng lại cho vào lúc mọi người đã ngà ngà ngất ngư. Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã để dành rượu tốt đến giờ phút chót và bấy giờ vinh quang của Người mới tỏ lộ (Ga 2:10). Đây chính là một biểu lộ được hiểu như là Lễ Hiển Linh mà sau này Giáo Hội ăn mừng trọng thể gọi là Lễ Ba Vua / Lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm. [1]
NHỮNG GIÂY PHÚT ĐỘT PHÁ
Trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng, trong nhiều công tác mục vụ của xứ đạo hay đoàn thể cũng như công việc cá nhân hàng ngày, chúng tôi thường để dây dưa ngày này qua ngày khác, sống với nỗi niềm vô vọng, đều đều và phẳng lặng, nặng nề và uể oải, dửng dưng và vô cảm. Chúng tôi bị khóa chặt vào thời gian “cronos”, không thể nghe thấy tiếng Chúa mời gọi chúng tôi vượt thoát khỏi những giây phút tầm thường khốn khổ và ích kỷ ấy để bước vào cuộc sống mới khác thường và đặc biệt. Thiên Chúa
mời gọi chúng ta để cho Người đổ tràn đầy tâm trí chúng ta, những bình đựng của
chúng ta bằng rượu mới là sự hiện diện của Thiên Chúa. Một khi chúng tôi lắng
nghe tiếng Chúa kêu gọi và làm bất cứ điều gì Chúa biểu, thì những cái tầm thường
của cuộc sống chúng tôi tức khắc biến thành đặc biệt và phi thường, bình rỗng
hay bình nước lã sẽ đầy tràn với rượu mới ngon lành. Chúng ta sẽ trở thành ngày
lễ hội thực sự.
Đoạn Tin Mừng nói về tiệc cưới Cana đã chỉ cho đôi tân lang ấy cách thức tránh đừng để rơi vào tình trạng này hoặc phải thoát ra khỏi nó nếu đã bị tù hãm trong tình trạng ấy. Hãy mời Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới của bạn! Nên nhớ rằng điều xẩy ra ở đám cưới Cana cũng có thể xẩy ra với bất cứ một đám cưới nào khác. Nó bắt đầu với những tiếng cười rộn ràng hân hoan thoải mái, biểu tượng của rượu nồng, nhưng cuộc hồ hởi
sơ khởi ấy giống như tiệc cưới ở Cana đi qua quá mau đến lúc tàn với lo âu hối
tiếc, để rồi khi tình yêu không còn, niềm vui đã hết, chỉ còn buồn tẻ với ưu
phiền, trống rỗng. Còn về gia đình, nếu chúng tôi không cẩn thận, nó sẽ giống
như đám mây chiều buồn thảm và cô đơn trước cơn bão tố sắp tới. Với những cặp
vợ chồng như vậy thì đúng là đám cưới của họ không còn rượu nữa. Lễ cưới chỉ có
một hay hai ba ngày, nhưng hôn nhân là cả một đời người.
ĐÔI LỜI KẾT
Câu chuyện Tin Mừng đầy ánh sáng chan hòa rực rỡ này không có chủ đích nói về việc mẹ Maria can thiệp vào tiệc cưới, cũng không phải lời Chúa Giêsu trách mẹ Maria. Câu chuyện kết cục có chủ đích biểu lộ tình trạng lễ hội của một gia đình bình thường với vẻ vinh quang huy hoàng ẩn dấu của Con Một Thiên Chúa là đức Giêsu. Nó không phải là cuộc chè chén say sưa trong những tiệc cưới của người Do Thái.Cũng không phải là những tiêu chuẩn hay nguyên tắc phải theo hoặc phong tục và luật lệ trong cuộc sống gia đình hay là những chuẩn mực hôn nhân. Cũng không phải Do Thái giáo thì suy tàn trống rỗng mà Kito giáo thì sung mãn đầy ắp.
Câu chuyện Cana thánh Gioan kể có chủ đích kêu gọi chúng ta suy nghĩ cẩn thận xem vị chủ bữa tiệc này khi ra lệnh “Hãy đổ đầy nước vào những bình này”, có thể làm cho tất cả những chuyện này trở nên mới trong cuộc sống của chúng ta không. “Giờ” của Người đến -tức lúc kairos hiện diện- là lúc những kế hoạch bị hỏng và cánh cửa
mở rộng mời đón Thiên Chúa vào giao thoa nhau. Đó là lúc bắt buộc chúng ta phải
hành động, nắm lấy thời cơ và chọn lựa như chọn giữa thiện và ác. Cana dạy cho
chúng ta biết đấng Thiên Sai của thế giới đã phải điều chỉnh chương trình của
Người khi những biến cố trở thành bất ngờ. Những việc xẩy ra cho chúa Giêsu như
trong câu chuyện Cana mà thánh Gioan kể nói lên tính uyển chuyển của đời sống
thiêng liêng tu đức. Thời giờ “cronos” của chúng ta có thể biến đổi như thế nào
để thành “kairos” -một khoảnh khắc thực của đột phá và hy vọng, của thề hứa và
khả dĩ ?
Chúng tôi hãy cầu khẩn Chúa và Mẹ Maria biến chúng tôi thành những tôi tớ trung thành, sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà Chúa biểu, và hăng say chia sẻ với tha nhân rượu Chúa cung cấp cho chúng tôi. Khi chúng tôi lắng nghe tiếng Chúa và làm theo lời Chúa biểu thì những điều bình thường trong cuộc sống chúng tôi sẽ trở thành phi thường, những bình rỗng hoặc bình nước lã sẽ tràn đầy rượu mới ngon nồng, những giây phút cronos sẽ biến hóa thành kairos, và chúng ta trở nên những ngày hội thực của nhau và cho nhau.
Đừng ngần ngại, đừng sợ gian khổ, đừng sợ tù tội, đừng sợ chết, đừng tránh né viện cớ này cớ nọ để không nghe tiếng gọi lương tâm là tiếng gọi của Chúa. Công bằng, Công lý, Nhân quyền,Tự do Tôn Giáo….thì trong hoàn cảnh nào, an
bình hay chiến tranh, được bảo vệ hay bị đàn áp truy nã cũng không bao giờ thay
đổi ý nghĩa. Nó là ông THIỆN. Kẻ nào đi ngược lại nó, chống lại nó là KẺ ÁC.
Chúng ta phải chọn Thiện, chống lại Ác. Leo lên mái nhà mà nói sự thật. Đừng
sợ. (Mt 10: 26-28)
Khi mà Thiện Ác giao thoa nhau thì đó là giờ Kairos xuất hiện, giờ của Chúa. Ta phải chọn Thiện đánh Ác.
Fleming Island, Florida
Jan. 16, 2013
NTC
Anh chị Thụ & Mai gởi