Get Lost. Be Found.’ – Du học sinh Việt viết sách về nước Mỹ
Ba cô gái của 3594 miles: Rio, Iris, Zi (từ trái qua) tại hồ Caddo, Marshall, Texas.
03.12.2013
Tại Mỹ, sau lễ Tạ Ơn vào tháng 11, tháng 12 hàng năm là thời điểm người dân Mỹ bận rộn với những kế hoạch mua sắm quà tặng cho người thân trong dịp Giáng Sinh, trang trí cây thông, và đặc biệt, đây là một dịp để các gia đình quây quần đoàn tụ bên nhau. Nhưng đối với những du học sinh Việt tại Mỹ thì đây lại là một câu chuyện khác vì ngoài việc bận rộn với lịch thi cuối kỳ, họ còn phải lên kế hoạch làm gì, đi đâu, và ở đâu trong kỳ nghỉ đông kéo dài khoảng một tháng này. Một nhóm gồm ba nữ du học sinh Việt với tên gọi 3594 miles cũng không phải là ngoại lệ. Trong tháng 12 năm nay, nhóm 3594 miles cũng đã có cho mình một kế hoạch lái xe đi một số địa điểm tại Mỹ. Tuy nhiên, họ làm điều này không đơn giản chỉ để kiếm một thứ gì đó để làm bởi lẽ đây sẽ là chuyến đi để họ hoàn thành phần còn lại của cuốn sách du lịch mang tên ‘Get Lost. Be Found.’ mà họ dự định sẽ xuất bản vào tháng Ba năm 2014.
‘Get Lost. Be Found.’ – Du học sinh Việt viết sách về nước Mỹ
Ba thành viên của nhóm 3594 miles là ba cô gái với biệt danh Rio Lâm, Zi Nguyễn, và Iris Lê. Cùng là cựu học sinh của trường chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, nhưng họ chỉ thực sự quen nhau khi cả ba đã là ba du học sinh Việt tại Mỹ. Để hoàn thành cuốn sách “Get Lost. Be Found.” như dự định, họ sẽ tập hợp lại những bài viết và hình ảnh họ đã, đang, và sẽ thực hiện về cuộc sống nước Mỹ, qua lăng kính của ba cô gái Việt Nam sống xa nhà. Và để thực hiện mục tiêu đó, họ đã đặt ra tên gọi cho nhóm là 3594 Miles. Lý do đằng sau tên gọi này đó là:
‘Thức giấc’ – New Mexico
“Từ năm ngoái (2012) là tụi mình đã có kế hoạch đi road trip (hành trình đi trên đường bộ, thông thường theo lộ trình dài bằng ô tô/xe hơi) dọc bờ Đông nước Mỹ. Lúc đó tụi mình bảo với nhau là đặt tên gì bây giờ, thì tổng chiều dài quãng đường dọc bờ Đông sẽ vào khoảng tầm trên dưới 3000 miles. Lúc sau tụi mình mới quyết định lấy 3594 để cho tổng số là 21, lúc đó tụi mình đang 21 tuổi.”
Cũng giống như nhiều bạn du học sinh khác khi tài chính là một vấn đề then chốt trong các chuyến du lịch nói chung và dự án viết sách du lịch ‘Get Lost.Be Found.’ nói riêng, ba cô gái đã huy động sự giúp đỡ về mặt tài chính từ bạn bè, người thân, hay những người quan tâm tới dự án của nhóm qua trang web indiegogo, một hình thức gây quỹ bằng đóng góp từ cộng đồng.
(*Quý vị độc giả quan tâm tới dự án này có thể nhấp chuột vào tên trang web indiegogo màu xanh bên trên để tìm hiểu thêm.)
Ngoại trừ việc có được sự trợ giúp thiết kế bìa sách từ một người bạn, tất cả những công việc còn lại đều do chính Rio, Zi, và Iris đảm nhiệm. Rio, cô gái chuyên ngành PR, sẽ đảm nhiệm phần viết lách; Zi, cô gái học Marketing nhưng có đam mê nhiếp ảnh, sẽ phụ trách mảng hình ảnh; còn cô em út của nhóm, Iris, theo học Digital Retailing, sẽ là người lên kế hoạch, sắp lịch chi tiết cho chuyến đi.
Tuy đều đã có nhiều trải nghiệm qua những chuyến đi riêng tới nhiều nơi ở Mỹ lúc trước, nhưng lần này sẽ đặc biệt hơn khi cuộc hành trình lái xe bắt đầu từ Dallas, Texas, sang California bên bờ Tây, và vòng sang New York ở bờ Đông sẽ chỉ có sự hiện diện của những nữ tài xế. Đây có lẽ sẽ là một thách thức không nhỏ cho 3594 miles. Rio chia sẻ:
“Bây giờ nói sẵn sàng chưa thì mình nghĩ hầu như tất cả mọi chuyện trong cuộc sống này tụi mình chưa bao giờ sẵn sàng hết. Mình không biết đến lúc nào là mình thực sự sẵn sàng cho một chuyện gì đó. Nhưng mà tụi mình cũng chuẩn bị một vài kiến thức cơ bản như là ứng xử như thế nào khi xe gặp chuyện gì đó trên đường; thay lốp xe thế nào… Ở đây thì đứa nào cũng có kinh nghiệm lái xe cả rồi, kinh nghiệm đi đường dài, thì đó là tất cả những gì mà tụi mình có thể chuẩn bị được. Thêm cả tinh thần là dù có chuyện gì cũng không được bỏ cuộc và không được hoảng sợ.”
Ngoài những việc cần chuẩn bị cho chuyến đi, sắp xếp công việc, chuyện học hành trước chuyến đi cũng là một phần quan trọng không kém. Iris nói:
“Thực sự trước khi chuyến đi này, thứ nhất mình phải sắp xếp công việc ở lại, tại vì vẫn đang đi làm và đi học, thì mình phải xin vacation (nghỉ phép) thế nào để khi mình về mình không bị mất việc. Thứ hai là mình phải giữ điểm GPA (điểm trung bình môn) thế nào để khi về mình không bị mất học bổng. Thứ ba mình phải dàn xếp với gia đình thế nào để gia đình bên Việt Nam cũng như họ hàng ở bên Mỹ ủng hộ, cũng như là không lo lắng quá về chuyến đi sắp tới trong một thời gian khá là dài. Thứ tư, đơn giản thôi, như là sắp tới sẽ đi mua giày hay là mua dụng cụ cá nhân mini như là travel kit (những đồ đạc nhỏ, tiện dụng để đem theo khi đi du lịch) vậy đó để mình mang đi trong chuyến đi.”
Tuy lo lắng nhiều cho con gái của mình nhưng cả ba gia đình đều ủng hộ các cô con gái về kế hoạch lái xe khắp nước Mỹ trong vòng một tháng này của họ. Rio tâm sự:
“Tại vì tụi mình là đi du học mà và cũng đã ở đây lâu rồi, thành ra ba mẹ ngoài việc tin tưởng ra thì cũng chẳng thể làm gì khác được nữa. Nhưng mà mình rất vui tại vì ba mẹ mình rất tin tưởng và ủng hộ mình trong chuyện này. Ba mình cũng lo là vì con gái lái xe rồi lỡ có gì thành ra ba mình dặn là lái cẩn thận, làm chủ tốc độ, cứ một tuần dặn một lần.”
Zi chia sẻ thêm:
“Lúc Zi kể cho mẹ Zi nghe thì Zi rất là sợ, tức là không biết phải diễn đạt như thế nào cho mẹ hiểu đây là một chuyến đi khá là an toàn, tụi con cũng chuẩn bị rất là cẩn thận. Nhưng mà thực sự khi mà Zi nói thì mẹ Zi rất ủng hộ thì Zi rất là vui. Cũng như Rio nói, mẹ Zi cũng vậy, tức là rất là lo lắng. Lúc nào gọi cũng sẽ nhắc nhở và hỏi tình hình đến đâu. Nhưng mà cuối cùng cũng rất ủng hộ ý tưởng của ba đứa. Và có lẽ cũng rất trông chờ cuốn sách nữa.”
Đồi cối xay gió ở Arizona
Mặc dù thời gian sống tại Mỹ của mỗi bạn là khác nhau, như đối với Iris là gần ba năm, Rio gần bốn năm, và Zi là sáu năm, nhưng cả ba bạn đều đã có nhiều những chuyến đi nhỏ dọc nước Mỹ. Khi được hỏi kỷ niệm hay trải nghiệm nào khiến các bạn cảm thấy ‘nhớ đời’ nhất, cả ba đều nói rằng rất khó để có thể chọn ra một điều gì đó đặc biệt nhất vì mỗi trải nghiệm đều có sự đặc biệt riêng của nó. Chẳng hạn như Rio có lần tình cờ được ngắm sao qua cửa kính trên mui xe ở làn đường dành cho xe tai nạn trên đường cao tốc, khi cô đang trên đường từ Arizona về Dallas mới đây trong năm 2013.
Hay như lần Zi và các bạn cắm trại xuyên đêm trong điều kiện mưa và nhiệt độ xuống dưới 0 độ C ở Mount Baker, Washington. Tuy đã mặc đến năm lớp áo nhưng theo như lời Zi nói là vẫn không thấm vào đâu, và các bạn thậm chí còn phải tự nhủ với mình rằng không thể chết ở đây được. Tất cả những điều xảy ra đều là những sự bất ngờ cho Zi và các bạn, khi thời tiết cứ ngỡ sẽ khô ráo và nắng thì lại đột ngột chuyển sang mưa và giá rét; khi cứ ngỡ việc cắm trại trong thời tiết rét buốt như vậy thật quá sức tưởng tượng, nhưng cuối cùng, việc được chứng kiến cảnh rừng thông phủ trắng xóa tuyết và cảnh rừng núi hùng vĩ lại khiến cho bản thân Zi cảm thấy công sức và thời gian mình bỏ ra thật xứng đáng.
Và sau mỗi chuyến đi như vậy, theo lời Rio chia sẻ, những điều còn đọng lại đối với bạn không phải là những kiến thức có thể được đong đếm cụ thể như những phép tính, mà đó là những cảm xúc mà các bạn có trên đường đi và sau những chuyến đi đó.
Tuy nhiên, đối với Iris, sau những chuyến đi như vậy thì bạn lại cảm thấy rằng, để có một chuyến đi trọn vẹn, chọn một người bạn đồng hành phù hợp rất quan trọng:
“Cái chuyến đi dài nhất của em với bạn bè là em đến Grand Canyon. Trước khi em đi thì em có hỏi qua ý kiến của một vài người bạn xung quanh thì các bạn ấy bảo là ‘Trời ơi, có gì đâu mà đẹp, trên đó toàn đá thôi.’ Ờ thì toàn đá thiệt. Đi lên Grand Canyon thì toàn đá, nhưng mà những viên đá ở đó thì bạn thực sự sẽ không thể tìm được ở những chỗ khác đâu. Tại vì nó nằm trong những kỳ quan thế giới mà. Khi mà mình lên và hiểu được về cái vùng đất đó, không chỉ quang cảnh đâu, mà còn là con người ở đó nữa. Cái chặng đường mình đi nữa…Đó mới là những điều đáng quan tâm, chứ không phải là ‘Ừ, tôi lên đó, thấy toàn đá không, có gì hay ho.’ Tại vì bạn không chịu tìm hiểu, tại vì bạn không đi với đúng người. Lần đó em đi là đi với đúng người, thực sự luôn đó. Hai người đồng hành với em thực sự rất tuyệt vời.”
Rio và Zi
Còn theo Zi, việc đi du lịch như vậy, đối với những bạn trẻ thuộc thế hệ 9x như bản thân bạn, thì là một dịp rất tốt để hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ cũng như các trang mạng xã hội. Thay vào đó, các bạn có thể nói chuyện và giao tiếp trực tiếp giữa người với người. Và từ chính những lần giao tiếp như vậy, Zi đã nhận ra được một điều:
“Đi du lịch với rất nhiều người thì ứng xử với người ta, tiếp xúc với người ta, không chỉ với Rio và Iris, mà có nhiều bạn khác nữa, thì mình sẽ thấy được là mỗi con người có rất nhiều góc nhìn khác nhau. Và từ đó Zi có thể nhận ra một điều là mình không nên áp đặt những gì mình suy nghĩ lên người khác và luôn luôn phải giữ một cái suy nghĩ thoáng về tất cả mọi chuyện. Bởi vậy khi nào có chuyện gì xảy ra thì Zi cũng sẽ nhìn từ nhiều hướng khác nhau.”
Khoan nói tiếp về những chuyến đi trải nghiệm và những bài học đầy sâu sắc đi kèm với nó, bởi lẽ, không phải ai cũng có được một sự chuẩn bị tốt để có được một cuộc sống học tập bình thường và suôn sẻ. Bản thân là những du học sinh đang sống tại Mỹ, Rio, Zi, và Iris đều có những tâm sự khác nhau muốn gửi gắm tới những ai sắp và hiện đang du học Mỹ. Bạn Rio chia sẻ:
“Sẽ có một lúc nào đó có ai đó nói với bạn là ‘nước Mỹ này sống bạc bẽo lắm, không có được tình cảm như ở Việt Nam, không có được đi ra đi vào là có bạn bè, người ta sống lạnh lùng với nhau…’ Chỉ dựa trên những gì đã xảy ra với mình thôi thì mình khẳng định là những điều đó với mình không đúng. Chẳng hạn là chỉ nhìn vào dự án ‘Get Lost. Be Found’ của 3594 là sẽ thấy, tụi mình quyên góp được $1,500 chỉ sau bốn ngày. Thì đó, mình không muốn đem tấm lòng mọi người ra so sánh bằng tiền bạc, nhưng mà rõ ràng nhìn vào cái sự ủng hộ đó thì mọi người nhận ra là nước Mỹ có bạc bẽo hay không. Nước Mỹ, Việt Nam, hay ở đâu cũng như nhau. Mình sống với người khác thế nào thì người khác cũng sẽ sống với mình như vậy. Mình sống tốt mà người ta xấu thì cái điều quan trọng là giữ niềm tin và tiếp tục sống tốt với người khác nữa, những người mà xứng đáng với cái việc là mình đối xử tốt với họ; chứ không thể nào để họ chịu đựng con người xấu của mình chỉ vì một ai đó trước đó đã làm điều không hay với mình.”
Còn theo Iris, việc hòa nhập với nền văn hóa nước bạn không đồng nghĩa với việc một du học sinh sẽ bị hòa tan và mất đi bản chất của con người Việt Nam:
‘Người lạ’ – Santa Monica Pier, 4h sáng
“Mình biết là văn hóa Việt Nam của mình cũng rất đẹp, ẩm thực Việt Nam của mình cũng rất đa dạng và phong phú. Nhưng mà khi bạn đã đi du học, thì bạn đã lựa chọn cho bản thân mình là ‘Tôi muốn mở lòng mình ra với thế giới.’ Vậy thì bạn hãy thực sự mở lòng mình với thế giới chứ không phải là trên facebook bạn nói với bạn bè là ‘Ừ, tôi đi du học đây, nhưng mà tôi vẫn thích ăn những đồ ăn ở Việt Nam cơ.’ Không, bạn đã đi du học rồi thì bạn hãy sống như một người dân bản địa ấy, hãy tập thử đi. Bạn hãy cứ tập thử ăn như người dân bản địa, hãy nói tiếng của người bản địa. Bạn không nói được nhưng bạn hãy cứ lắng nghe và hãy cứ tập nói theo là bạn sẽ nói được như người bản địa. Khi bạn đã có được ngôn ngữ rồi, bạn nắm được ẩm thực của người ta rồi, bạn biết được môn thể thao yêu thích rồi, bạn sẽ dần dần có một hai người bạn quen biết trong môi trường đó. Tự động bạn sẽ khám phá ra được cái văn hóa của người ta cũng hãy lắm. Không hoàn toàn bị mất đi bản chất con người Việt Nam đâu bạn.”
Và Zi, một du học sinh đã ở Mỹ sáu năm, thì việc giữ tinh thần lạc quan và chuẩn bị tinh thần đón nhận thực tế là cuộc sống sẽ không dễ dàng là một chuyện rất quan trọng. Zi cũng chia sẻ suy nghĩ bản thân về một trong những áp lực mà đa số nhiều du học sinh Việt tại Mỹ thường đặt ra cho mình đó là điểm số:
“Zi không nghĩ cái việc là ‘bạn có được 4.0 (điểm tối đa) ở trường không?’ là điều quan trọng. Điều mà Zi nghĩ quan trọng hơn nhất đó là kiến thức bạn học được ở trong trường và những kinh nghiệm bạn có được trong cuộc sống. Có được 4.0 thì rất tốt. Nhưng mà nếu bạn có 4.0 mà bạn không có kinh nghiệm trong cuộc sống thì thực sự đó là điều không hay lắm. Và ở Mỹ thì bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần vừa đi làm, vừa đi học; không nên nghĩ là điều đó là có gì lạ lẫm. Đối với Zi sáu năm ở đây thì Zi vẫn luôn luôn vừa đi làm vừa đi học. Chỉ cần cố gắng hết sức, nước Mỹ sẽ không phụ bạn đâu.”
Chờ mặt trời mọc ở Santa Monica Pier, California
Tuy có nhiều thông điệp khác nhau nhưng cả ba bạn Rio, Iris, và Zi đều cho rằng, có trách nhiệm với những gì mình làm và tìm cho mình một đam mê là điều mà các bạn đã học được sau những năm tháng sinh sống và học tập tại Mỹ. Iris nói:
“Bản thân nước Mỹ nói riêng, những du học sinh ở Mỹ nói riêng, theo mình nghĩ là tụi mình rất may mắn. Tại vì ở đây, mọi thứ đều đã có sẵn rồi. Các bạn có rất nhiều sự lựa chọn và bản thân các bạn phải là người đưa ra quyết định. Nước Mỹ dạy cho các bạn cách đưa ra quyết định và cách để mà hoàn thành trách nhiệm đó. Tức là mình quyết định rồi thì mình phải là người chịu trách nhiệm, chứ không phải đổ lỗi cho gia đình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh nữa.”
Rio tâm sự:
“Sống vì đam mê. Lý thuyết thì nói dễ như vậy nhưng mà thực hành, dĩ nhiên ai cũng biết là rất khó. Có một điều cả Zi và Iris đều dạy cho Rio đó là câu ‘No Excuse’ – không đổ lỗi cho cái gì hết, nếu như em làm không được thì đó là lỗi của em, không phải là vì nhà em nghèo hay là vì tiếng Anh em kém. Rio đã từng thấy những bạn nhà rất khó khăn, hoặc là những bạn tiếng Anh không biết gì hết, nhưng mà cuối cùng các bạn cũng đi được đến cái đích cuối cùng mà các bạn mong muốn.”
Cùng nói về chuyện đam mê, Zi chia sẻ:
“Tất nhiên là gia đình, bạn bè, và xã hội có rất nhiều ảnh hưởng lên mỗi người, nhưng nếu như đó không phải là điều mà bạn đam mê, một đìều bạn thực sự thích, thì tốt nhất là đừng làm. Có nhiều bạn nói là mình chưa tìm ra được đam mê của mình. Đúng, bạn chưa tìm ra đam mê của bạn nhưng mà bạn phải tiếp tục tìm kiếm. Giống như câu của Steve Jobs từng nói là ‘If you haven’t found it yet, keep looking. Don’t settle.’ Các bạn hãy cứ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi các bạn tìm ra đam mê của mình và hãy luôn luôn làm những điều các bạn thực sự, thực sự yêu thích. Đối với Zi đó thực sự là con đường duy nhất mà các bạn có thể trở thành con người thành công và hạnh phúc cùng lúc.”
Tuy rằng chuyến đi lái xe xuyên Mỹ trong tháng 12 này chỉ có ba cô gái, nhưng dường như chính nhờ niềm đam mê du lịch, khám phá thế giới, cộng thêm nhiệt huyết của tuổi trẻ, nên cho dù đã có lúc nghĩ tới việc bỏ cuộc, cả ba cô gái Rio Lâm, Zi Nguyễn, và Iris Lê vẫn tiếp tục quyết tâm thực hiện nó. Và có lẽ, đây sẽ chỉ là một chuyến đi giúp các bạn rèn luyện trước khi thực hiện những chuyến đi lớn khác tới châu Âu, nơi cả ba bạn mơ ước đặt chân tới; châu Phi, Trung Đông, miền đất khiến Zi không khỏi tò mò; hay cả những chặng đường khó khăn khác mà mỗi bạn sẽ phải tự mình bước trong cuộc sống sau này.