Gặp nữ tài tử khai sinh nghề nail cho cộng đồng Việt tại Mỹ

Gặp nữ tài tử khai sinh nghề nail cho cộng đồng Việt tại Mỹ

Nguoi-viet.com

*40 năm hội ngộ của Weimar Hope Village – chiếc nôi nghề nail của người Việt tị nạn


Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, Calif. (NV) – “Nhớ đến trại Weimar là nhớ đến những ân nghĩa người Mỹ dành cho mình, dạy học tiếng Anh, dạy học đánh máy, dạy lái xe, dạy nghề nail, tất cả giúp cho mình nhiều lắm để hòa nhập vào đời sống nơi đây.” Ông Trần Dật, 80 tuổi, hiện ở Glendale, bày tỏ suy nghĩ.

Ông Dật, 80 tuổi, cựu phi công trong Quân Lực VNCH, là một trong số đông những người có mặt tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt vào trưa Chủ Nhật, 26 Tháng Bảy, để cùng tham dự buổi hội ngộ đầu tiên của những người từng trải qua ngày tháng sống tại Weimar Hope Village, nơi được xem là chiếc nôi của nghề nail của người Việt tị nạn từ 40 năm trước.

40 năm vẫn muốn nói một lời tạ ơn

40 năm – thời gian bằng nửa đời người – có được một lần hội ngộ, để gặp lại những người xưa năm cũ, để được nói một lời cám ơn những ân tình nhận được trong những ngày tháng lao đao nhất, quả thật có nhiều cảm xúc.

Những người từng ở Weimar Hope Village năm 1975 gặp lại sau 40 năm (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bà Trương Kim Dung, hiện ở Laguna Niguel, người khởi xướng cho buổi gặp gỡ đặc biệt này, cho biết: “Lý do để 40 năm mới tổ chức được buổi này là vì khi ra khỏi trại, mọi người đi tản mác khắp nơi, không liên lạc được với ai, nên sự thân mật gần gũi không đủ mạnh để tổ chức được điều gì. Đến dịp 40 năm vừa rồi cứ nghe trên đài trên báo nói nhiều quá nên lòng tôi cũng hơi xốn xang, tôi nghĩ mình phải có một dịp để cám ơn tổ chức “Food For the Hungry”, cám ơn những người đã giúp mình từ những ngày đầu đến Mỹ nên tôi cố gắng viết thư liên lạc, để chuẩn bị nhiều thứ cho ngày họp mặt này.”

Nghe hỏi “Cô nhớ gì nhất trong những ngày ở trại Weimar?”, bà Dung chùng giọng, “Tôi đến Mỹ khi đó mới 26 tuổi, cùng hai đứa con, chồng thì mất trước đó, nên tâm trạng không vui. Thế nên khi đứng đâu ngồi đâu cũng tìm, cũng nhìn những gì gợi quê hương, vì vậy mà những hàng thông ở Weimar, mùi thông ở Weimar là thứ làm tôi nhớ nhất, bởi nó làm tôi nhớ nhà.”

Với ông Nguyễn Cao Đạt, người con trai thứ ba của cựu thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, thì Weimar Hope Village mang đến nhiều kỷ niệm không quên, bởi ông chính là “thiện nguyện viên đầu tiên đặt chân vào trại này cùng cựu Đại Tá Không Quân Jack Bailey.” Ngày đó, Nguyễn Cao Đạt mới là một thanh niên 19 tuổi.

Ông Đạt kể: “Khởi đầu Weimar Hope Village vốn là một nhà thương. Khi người ta không còn dùng nó làm bệnh viện nữa thì tổ chức ‘Food For the Hungry’ mướn chỗ này để đưa người Việt Nam tị nạn đến. Khi đó cựu Đại Tá Không Quân Jack Bailey liên lạc với bố tôi là Nguyễn Cao Kỳ nói rằng ông muốn giúp những người tị nạn Việt Nam, đặc biệt là những người Không Quân. Bố tôi nói làm gì được cho người tị nạn bố tôi đều sẵn sàng. Tôi nghe được cuộc nói chuyện giữa hai người nên nói với bố là tôi tình nguyện đi với ông Bailey.”

“Có thể nói tôi là người thiện nguyện đầu tiên bước chân vào trại này, lúc đó chưa có ai hết. Tôi cùng ông Bailey đến đây sắp xếp mọi thứ trước khi đón mọi người đến. Rồi nhiều người cùng đến giúp đỡ, trong đó có Bác Sĩ Larry Ward, có tài tử Tippi Hedren…” Ông Đạt nhớ lại.

40 năm, lần đầu gặp lại, ông Đạt thấy “vui lắm, đặc biệt lắm.”

Ông nói, “Ngày đó mình còn trẻ, có nhiều người cũng trẻ như mình, giờ bao nhiêu năm gặp lại thấy vui, thấy quý lắm. Đặc biệt nhất là con nuôi của ông Jack Bailey là cậu Minh, 40 năm mình mất liên lạc với nhau, vậy mà hôm nay nhờ buổi này mà mình mới gặp lại nối lại tình bạn tình anh em ngỡ như đã mất.”

Cũng cùng cảm xúc đó, ông Trần Dật bày tỏ, “Gặp lại những người từ 40 năm trước thấy rất xúc động. Có người ở Sacramento xuống, có người ở tiểu bang khác về. Gặp nhau vui lắm. Vui nhất là mình còn sống để được nhìn thấy mọi người, chứ nhiều người đã mất rồi. Ngày đến trại tôi mới 40, giờ đã 80 rồi còn gì.”

Nữ tài tử Tippi Hedren (ngồi, bên phải), người mang nghề nail đến cho người Việt tị nạn từ năm 1975

và những học viên nghề nail đầu tiên trên đất Mỹ, hội ngộ sau 40 năm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bà Ánh Vũ, 67 tuổi, ở Thousand Oaks thuộc Ventura County, tỏ ra rất vui khi nhớ lại ngày tháng cũ: “Nhớ lại thời đó cái gì cũng làm, ai kêu gì mình cũng giúp. Ban đêm ban khuya có loa gọi đi thông dịch, mình cũng đi. Tôi cũng đi học nail cùng mọi người để giúp thông dịch cho những người không biết tiếng Anh nữa.”

Bà Ánh nghỉ hưu từ 7 năm trước, sau một ngày duy nhất đi làm nail và 32 năm liên tục làm việc cho ngân hàng. Bà nói, “Tôi không có thói quen nghĩ về những điều đau buồn đã qua. Những gì không vui hãy cứ để nó trôi qua. Tôi chỉ muốn hướng đến những gì tốt hơn, và giúp mọi người với tất cả khả năng mình có.”

Tại buổi gặp gỡ, những người có mặt nhắc nhiều đến Bác Sĩ Larry Ward, người sáng lập tổ chức “Food For The Hungry”, tổ chức đã giúp đỡ cho các gia đình tị nạn Việt Nam tại Weimar Hope Village.

Bà Cao Thị Hoa Đào, hiện ở Elk Grove, từng là thư ký của Bác Sỹ Larry Ward từ những ngày còn ở Sài Gòn, cũng có mặt tham dự buổi hội ngộ 40 năm. Bà nói trong sự xúc động, “Được hiện diện ở đây tôi muốn cám ơn người sáng lập ra hội ‘Food for the Hungry’ mà tôi may mắn được làm thư ký cho ông từ lúc còn ở Việt Nam. Tôi tin rằng ông vẫn còn đâu đó quanh chúng ta, hướng về chúng ta để giúp chúng ta như ông đã từng.”

Nhiều giọt nước mắt đã lăn trên những gương mặt hằn nhiều vết nhăn của thời gian, không kể đàn ông hay phụ nữ, khi nghe người này, người kia nhắc lại, ôn lại ký ức xưa, kể từ những phút cuối cùng họ trắng tay, mất gia đình, mất sự nghiệp, mất cả quê hương.

Gặp người khai sinh nghề nail cho cộng đồng Việt

Có lẽ nhân vật được chú ý nhiều nhất, được mọi người vây quanh chụp hình nhiều nhất trong buổi hội ngộ của Weimar Hope Village chính là nữ tài tử Tippi Hedren, người được xem là khai sinh ra nghề nail cho cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ từ năm 1975.

85 tuổi, nhưng nét đẹp quý phái, sang trọng vẫn rạng rỡ trên gương mặt của người diễn viên nổi tiếng trong cuốn phim kinh dị The Birds của đạo diễn Alfred Hitchcock. Không chỉ vậy, vẻ đẹp nhân hậu của một tâm hồn luôn hướng về những người đau khổ dường như lại vượt lên tất cả khi nhìn ngắm bà.

Tài tử Tippi Hedren, người có công mang nghề nail đến cho cộng đồng Việt Nam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trò chuyện với phóng viên Người Việt, bên cạnh là nữ tài tử Kiều Chinh, người cũng trải qua một thời gian ngắn ở Weimar Hope Village, bà Hedren kể lại những công việc mà bà đã làm để giúp đỡ tha nhân nói chung và người tị nạn Việt Nam buổi đầu nói riêng.

“Trong thời gian làm thiện nguyện cho ‘Food For The Hungry’, tôi đi vòng thế giới để giúp mọi người ở những nơi bị động đất, sóng thần, hay bất cứ tai ương nào. Khi Sài Gòn bị thất thủ, biết được có nhiều người Việt Nam vượt thoát trên những chiếc thuyền nhỏ, chúng tôi bèn mướn một chiếc tàu cùng thủy thủy đoàn của Úc đi vòng vòng trên biển China Seas để giúp cho những thuyền nhân.” Bà Herden bắt đầu câu chuyện.

Bà tiếp tục, “Chúng tôi cho họ thức ăn, quần áo, thuốc men. Nhưng do luật hàng hải quốc tế, nên những người Việt Nam không thể ở trên tàu được. Tuy nhiên chúng tôi có thể hướng dẫn họ đi đến những bến bờ nào an toàn vì tôi nghĩ nhiều thuyền không có la bàn, họ không biết nơi mình đến. Đó là một phần quan trọng trong số những việc mà chúng tôi làm.”

“Sang đến Mỹ, trại Weimar Hope Village ở miền Bắc California vốn là một bệnh viện trị lao trước đây nên rất lớn, có rất nhiều phòng. Họ dùng nơi đó cho người tị nạn ở. Rồi chúng tôi đi tìm sự đỡ đầu, tìm những thứ cần thiết để giúp cho người tị nạn như dạy họ lái xe, hướng dẫn họ thi lấy bằng lái, tìm việc làm… Tôi mang đến trại Weimar những người thợ dạy cắt may, dạy đánh máy để giúp cho những người chưa có việc làm có việc để học, để họ có được một nghề trong tay để mà đi kiếm việc.” Diễn viên Tippi Hedren nhớ lại.

Theo lời kể của bà Hedren, trong thời gian lui tới giúp đỡ cho những người tị nạn Việt Nam tại Weimar, bà làm bạn với khoảng 20 người phụ nữ khác ở đây, những người theo bà là “rất thân, rất tử tế, dịu dàng” và bà “thích họ lắm”.

Người phụ nữ có đôi mắt thật đẹp này nhớ tiếp, “Trong thời gian quen biết họ, tôi nhận ra là họ rất thích hai bàn tay tôi với những móng tay dài, được chăm chút kỹ lưỡng, và hay sơn màu san hô. Thế là tôi nghĩ, ồ, đây là cơ hội tuyệt nhất cho những người phụ nữ này đi học nghề nail, để trở thành những người thợ nail chuyên nghiệp.”

20 phụ nữ gốc Việt đầu tiên được học nghề nail

từ trại Weimar Hope Village 40 năm trước (Hình: Facebook củaWeimar Hope Village)

Nghĩ là làm. Nữ tài tử xinh đẹp Tippi Hedren bèn “đề nghị người thợ làm móng của tôi ở Los Angeles lên Weimar dạy cho những người phụ nữ đó làm nail. Cô ta đồng ý và mỗi tuần một lần cô ta lên Weimar dạy cho những người phụ nữ Việt Nam các bước làm móng, rồi họ thực tập làm với nhau, họ tập làm luôn trên cả tay của tôi.”

“Chúng tôi đã có một thời gian rất vui khi nhìn thấy một cơ hội đầy thú vị để trở thành thợ nail chuyên nghiệp. Nghề nail có thể là một nghề sang cả, một nghề mang đầy tính nghệ thuật.” Bà nói.

Bà tiếp tục kể lại chuyện của 40 năm trước, bằng giọng dịu dàng, “Người thợ nail của tôi tên là Dusty, tôi không nhớ họ cô ta. Cô ta thích công việc làm nail, thích cả việc dạy cho những người phụ nữ này làm nail. Nhiều người cũng thích cổ và theo học tới cùng, dù không phải tất cả.”

“Rồi chúng tôi mướn một chiếc xe bus chở họ đến một trường mà tôi quên tên rồi, ở phía Nam của Sacramento, để họ học tiếp lấy bằng. Họ đều đậu khi thi bằng tiếng Anh. Tôi nghĩ chương trình giúp đỡ cho những người tị nạn này đã rất thành công Họ đi ra khỏi Weimar, và đi làm.”

“Tôi vẫn giữ liên lạc với họ. Lúc đó nghe có người khoe mua nhà, người thì mua xe Cadillac. Tất cả đều như chuyện hoang đường, không tin được. Bởi vì thật không hề dễ dàng cho bất kỳ ai đặt chân đến một nơi xa lạ mà mình hoàn toàn không biết, ngay sau khi vừa bước ra khỏi sự hoang tàn cuộc chiến. Điều tuyệt vời nhất để nhìn về sự thành công của họ chính là ở chỗ họ đã từng cảm thấy rất sợ hãi vì họ mất tất cả mọi thứ, kể cả quê hương.” Người phụ nữ góp phần mang lại sự giúp đỡ lớn lao cho người tị nạn Việt Nam nói về những suy nghĩ đầy nhân bản của mình.

Trả lời cho câu hỏi, “Khi tìm người dạy nghề nail cho 20 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên, bà có nghĩ đến việc nghề nail sẽ thành công và phát triển như hôm nay không?”

Bà Hedren tròn mắt, “Thật không thể tưởng tượng được. Hiện nay nail đã trở thành ngành công nghiệp mang lại hàng tỉ đô la. Tôi ước gì tôi có được một phần nào số tiền đó.”

“Tôi thật sự không ngờ nó lại thành công và phát triển đến mức như vậy. Tôi rất vui khi nghề nail đã mang sự thành công đến với những người thợ nail và cả gia đình của họ để có được cơ sở tài chánh vững vàng, để có cuộc một cuộc đời tươi đẹp nơi đây.” Bà mỉm cười.

Liên lạc tác giả: Ngoclan@ngươi-viet.com

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay