Đức Mến Tha Thứ, Tin Tưởng, Hy Vọng Và Chịu Đựng Tất Cả!

Đức Mến Tha Thứ, Tin Tưởng, Hy Vọng Và Chịu Đựng Tất Cả!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Luôn luôn tự đặt mình trong tư thế lắng nghe một đứa trẻ khuyết tật – RV

Bà Sylvie Danel 40 tuổi là nhà giáo dục chuyên môn tại một viện y-tế giáo-dục. Một ơn gọi đích thật nẩy sinh từ cuộc gặp gỡ với một trẻ tự-kỷ trong những năm đầu đời tìm kiếm việc làm. Xin nhường lời cho bà.

Là nhà giáo dục chuyên môn, từ năm 2012, tôi làm việc trong một viện y-tế giáo-dục nơi vùng ngoại ô thủ đô Paris. Đây là viện dành riêng cho các trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc chậm trí nơi học đường.

Trước khi chính thức đi vào lãnh vực nghề nghiệp này, tôi muốn trở thành nữ giáo viên nên đã chuẩn bị và giật được mảnh bằng dạy học.

Có được bằng cấp rồi, mùa hè năm ấy, tôi tham dự một trại hè với tư cách nữ linh-hoạt-viên. Trại hè cũng tiếp nhận một số trẻ em bị bệnh tự-kỷ có các nhà giáo dục các em tháp tùng .. Hoàn toàn không biết gì về chứng khuyết tật này, tôi bỗng bị thôi-miên bởi Adrien một đứa bé tự-kỷ.

Tôi tạo được mối giao tiếp đặc thù với bé. Bé không nói được và không làm cho người khác hiểu được bé muốn gì. Vậy mà giữa hai chúng tôi đã có mối quan hệ đích thật chân thành. Vào buổi tối cuối cùng khi đốt lửa trại, tôi đến tìm bé, nắm lấy tay bé và cả hai chúng tôi cùng múa nhảy bên lửa trại. Sáng hôm sau, trước khi ra về, bé đến tìm tôi và xin tôi cùng nhảy với bé. Thật là giây phút tuyệt vời. Mọi người đều cảm động, ngay cả các nhà giáo dục tháp tùng các trẻ tự-kỷ cũng hết sức ngạc nhiên.

Riêng đối với tôi thì đây là ”cú sét” làm nẩy sinh mối tình tôi dành cho các trẻ tự-kỷ, đứng trước khía cạnh bí nhiệm của chứng khuyết tật này!!!

Từ trại hè trở về nhà, tôi suy nghĩ miên man và tự nhủ:

– Mình sẽ không làm nữ giáo viên nhưng làm nhà giáo dục!

Trong thời kỳ diễn ra trại hè, tôi đã bàn luận rất nhiều với các nhà giáo dục và hỏi han về nghề nghiệp của họ. Tôi bỗng ý thức rằng, trong một lớp học, giáo viên dạy cho cả lớp. Nếu có một trẻ nào gặp khó khăn, giáo viên không thể dừng lại lâu bên trẻ này, bởi vì toàn lớp học phải được tiếp tục chương trình. Đây là chuyện sẽ không bao giờ có thể xảy ra đối với tôi!!! Bởi lẽ giờ đây, đứa trẻ gặp khó khăn trở thành nhân vật quan trọng và tôi ước muốn dừng lại lâu thật lâu bên đứa bé. Có một dự án riêng biệt cho từng đứa trẻ khuyết tật với tư cách nhà giáo dục chuyên môn trở thành một dự án gây đam mê cho con đường công danh sự nghiệp của tôi. Tôi quyết định thay đổi hướng đi.

Sau một năm làm nhân viên thiện nguyện nơi vùng ngoại ô thủ đô Paris để lượng định sức mình, tôi chính thức ghi danh vào trường dành cho các nhà giáo dục chuyên môn. Sau khi ra trường, tôi làm việc hai năm nơi Cư Xá tiếp nhận những người lớn tuổi bị điếc. Cùng thời gian này thỉnh thoảng tôi cũng tiếp tay với một dịch vụ chăm sóc các trẻ tự-kỷ nơi tư gia. Sau cùng, tôi chính thức trở thành nhà giáo dục chuyên môn trong một viện y-tế giáo-dục.

Nơi viện y-tế giáo-dục thành phần các thân chủ được nới rộng gồm nhiều chứng khuyết tật khác nhau trong đó các trẻ em bị bệnh tự-kỷ. Xét vì kinh nghiệm có được cạnh các em tự-kỷ tôi đặc biệt lãnh trách nhiệm phụ trách 8 em tự-kỷ tuổi từ 7 đến 10. Khi các em không đến lớp hoặc không có những buổi tập luyện chuyên biệt thì chúng tôi tổ chức các sinh hoạt dành riêng cho các em tự-kỷ. Mục đích của chúng tôi là khởi hành từ chính điều kiện cá nhân của từng em để dẫn đưa các em tiến xa hơn trên con đường chữa trị. Không rõ chúng tôi có thành công hay không nhưng điều chính yếu là chúng tôi dùng trọn sức lực và thiện tâm để phục vụ các em.

Làm việc với tư cách nhà giáo dục chuyên môn nơi viện y-tế giáo-dục thì con đường sự nghiệp của tôi kể như không có, bởi lẽ không có nấc thang để cho tôi tiến thân! Nhưng không sao cả! Điều quan trọng là tôi cảm thấy yêu nghề và nghề nghiệp giúp tôi thủ đắc đức tính kiên nhẫn cùng với khả năng biết đặt lại vấn đề. Chẳng hạn có những đứa trẻ tôi tạo được dễ dàng mối quan hệ, trong khi có những đứa trẻ khác thì tôi gặp khó khăn. Kinh nghiệm này giúp tôi biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và luôn luôn tự đặt mình trong tư thế lắng nghe một đứa trẻ khuyết tật.

 … ”Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được!” (1Côrintô 13,1-8).

 (”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, No 209, Janvier-Février 2016, trang 8-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay