Động cơ gì của Nhà Nước khi chấp nhận 500 triệu USD của Formosa?

Động cơ gì của Nhà Nước khi chấp nhận 500 triệu USD của Formosa?

N.T (Danlambao) – Ngày 30-6, sau gần 3 tháng thảm họa môi trường diễn ra tại Việt Nam, sau nhiều lần trì hoãn thì nhà nước VN mới công bố kết quả điều tra và thủ phạm của thảm họa cá chết ở miền Trung. Mặc dù, khách quan mà nói, xét về hình thức tổ chức và nội dung truyền tải của buổi công bố, đây là sự kiện công khai về xử lý khủng hoảng có tính bài bản và minh bạch nhất từ trước đến giờ ở VN. Nhưng vẫn còn rất nhiều thiếu sót và nghi vấn nếu xét theo cách mà quốc tế công khai các khủng hoảng quốc gia. Có 7 điểm cần xem xét:

  1. Tuyên bố:

“Từ đó chúng tôi xác định chỉ có lò luyện cốc là thải ra phenol và xyanua.”

“Kết quả phân tích của hàng nghìn thí nghiệm, có thí nghiệm xác định độc tố kim loại nặng phải hàng tuần mới có kết quả. Nhiều thông số cần kiểm chứng để đảm bảo tính pháp lý. Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học của nhà nước để đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học quốc tế, từ đó mới công bố kết quả.” (Trần Hồng Hà)

Ông bộ trưởng Tài Nguyên Trần Hồng Hà nói 2 chất trên là nguyên nhân chính gây ra việc cá chết. Nhưng người dân hiểu biết cần nhà nước công khai hồ sơ về báo cáo khoa học cuối cùng để có thể đưa ra kết luận trên; bao gồm bằng chứng về các chỉ tiêu thí nghiệm lý hóa, biên bản – tóm lược về các trao đổi, phản biện. Nhà nước đã hoãn công bố kết quả với lý do phải phản biện, vậy cần chứng minh việc đã phản biện này. Nhà nước nói đã mời các nhà khoa học Đức, Nhật, Israel vào cuộc, vậy họ đã có kết luận hay nghiên cứu khoa học gì; cũng phải cung cấp rõ hồ sơ về những báo cáo của họ.

  1. Tuyên bố:

Số tiền đền bù dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường. Còn có những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, nhưng chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự. Chúng tôi cũng sẽ phục hồi môi trường đang bị ô nhiễm.” (Trần Hồng Hà)

Theo diễn tiến thông thường của các vụ bồi thường khủng hoảng do môi trường gây ra. Việc đánh giá tác động và hậu quả để có thể xác định tiền bồi thường phải mất thời gian dài, có thể đến vài năm.

Việc Formosa đưa ra con số 500 triệu USD, và nhà nước VN chấp nhận ngay (?) là một dấu hiệu không bình thường, và không theo diễn tiến tự nhiên thông thường của một cuộc tranh chấp giữa 1 bên phải bồi thường và 1 bên yêu cầu bồi thường. Bởi vì, con số đó không thể được chấp nhận nhanh như vậy mà phải là kết quả của thương thảo, đấu tranh, thậm chí đe dọa. Thông thường, khi bên bị hại và bên thủ phạm có tranh chấp về bồi thường, sẽ không bao giờ có một con số chính xác ban đầu được đưa ra mà là một khoảng ước lượng mà 2 bên đồng ý nhằm xử lý khủng hoảng bước đầu (ví dụ, bước đầu bên thủ phạm chấp nhận bồi thường bên bị hại dao động từ 300 triệu đến 700 triệu). Sau đó 2 bên sẽ tiếp tục thương lượng, đánh giá để đi đến 1 con số cuối cùng. Mời bạn hãy xem phim Erin Brockovich.

Có thể thấy ở đây có khả năng: nhà nước VN ngoài mặt đóng vai bên thực thi pháp luật và trừng phạt, nhưng thực sự bên trong lại đứng về phía Formosa (FMS) và thông đồng, tìm giải pháp nhanh chóng để tháo gỡ cho họ mà không thực sự quan tâm đến quyền lợi, yêu sách của người bị hại trực tiếp là người dân. (1)

Hơn nữa, theo bài báo ở trên, hiện chưa có nghiên cứu đánh giá thiệt hại do FMS gây ra, vậy tại sao và với Động Cơ Gì mà nhà nước vội vàng chấp nhận số bồi thường đó? Đó có phải là động cơ thông đồng với người ngoài và chống lại người dân VN? Nếu con số 500 triệu không đủ thì ai sẽ bù vào? Nếu số đó dư thừa ra thì sẽ vào túi ai?

Một công ty kinh doanh làm ăn đa quốc gia họ sẽ không đưa ra con số bồi thường lớn một cách dễ dàng và vô căn cứ, vậy căn cứ nào nhà nước đã đưa ra để họ chấp nhận bồi thường 500 triệu USD, khi chưa có đánh giá tác động môi trường. Hay đó chỉ là thỏa thuận ngầm, “kiểu mafia hai bên cùng có lợi” giữa 2 bên?

Nhận định trên có thể là sai, vậy nhà nước VN cần công khai biên bản họp, ghi nhớ, cam kết và thỏa thuận, cho thấy quá trình thương lượng với FMS để chứng minh nguồn gốc của con số 500 triệu USD.

  1. Tuyên bố:

Đến nay chúng tôi có đủ bằng chứng thuyết phục, xác định nguồn thải từ Formosa và lò luyện cốc. (Lò luyện cốc thực chất là quá trình luyện than, biến than thành than cốc. Than cốc được sử dụng rộng rãi trong quá tình luyện kim, có tác dụng nung chảy gang thép trong lò cao hoặc chất khử trong các quá trình luyện kim).

Thực tế, các nhà máy của Formosa đang ở giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Đây là lỗ hổng pháp luật.” (Trần Hồng Hà)

Kết luận đã chỉ rõ rằng chất thải ra từ FMS gây cá chết hàng loạt không phải là chất thải nhất thời (ví dụ như clo dùng 1 lần để rửa ống dẫn), mà là chất thải gắn liền với suốt vòng đời của nhà máy: phenol & xyanua – những chất cực độc.

Nhà nước VN chưa cung cấp thông tin hay mô phỏng để chỉ ra rằng các chất này được thải với nồng độ cao khủng khiếp là do sai lầm trong giai đoạn (process) nào của nhà máy? sai sót là ở khâu nào? do rò rỉ? hay do phá hoại? Bởi vì có một sự chênh sai nồng độ mang tính hệ thống rất lớn, từ chỗ đáp ứng quy chuẩn đến chỗ gây chết hải sản trên 200 km bờ biển. Cần Phải Phân Biệt Giữa việc Tìm Ra Thủ Phạm với Việc Xác Định Nguyên Nhân. Nhà nước đã công bố thủ phạm nhưng chưa hoàn toàn xác định tận gốc nguyên nhân.

Tuyên bố:

Công ty cam kết khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ nhà máy theo yêu cầu của Việt Nam.” (Trần Nguyên Thành)

Làm sao có thể giám sát FMS khắc phục hạn chế của hệ thống xử lý nếu chưa chỉ ra hạn chế của hệ thống đó là gì mà chỉ nói chung chung! Hay chính nhà nước VN cũng không được biết hoặc đang bao che cho FMS?

  1. Tuyên bố: 

Formosa cam kết thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết với Chính phủ liên quan vụ việc này và không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.” (Trần Nguyên Thành)

Điều gì bảo đảm rằng FMS sẽ không để tái diễn thảm họa tương tự? Nếu hiện tượng cá chết diễn ra trở lại thì chế tài, hình phạt là gì? Trình độ của nhân viên kiểm sát môi trường Hà Tĩnh có đủ để theo dõi 24/24 quá trình xả thải trong tương lai của FMS. Nên nhớ rằng chỉ cần 1 ngày xả thải như trước đây là đủ để gây ra thảm họa thứ hai. Nguy Cơ Vẫn rất Cao! Ai sẽ dám tiêu thụ sản phẩm hải sản có xuất xứ từ Hà Tĩnh, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị nếu nhà máy này vẫn nằm đó (hậu quả tâm lý)? (2)

  1. Nếu trong việc nào trách nhiệm trực tiếp là của FMS, và họ đã phải xin lỗi và đề nghị bồi thường thì bên chịu trách nhiệm liên đới là chính phủ VN. Bởi vì:

– Đã ngang nhiên cho một nhà đầu tư không thông thạo trong 1 lĩnh vực công nghiệp độc hại vào xây nhà máy ngay cạnh bờ biển VN, xả thải ra biển gây chết cá hàng loạt, cướp đi công ăn việc làm của hàng triệu người dân. Gây ảnh hưởng đến các ngành nghề khác không chỉ ngành cá: ngành hải sản, du lịch, sản xuất nước mắm, ngành muối.

– Đã vô trách nhiệm trong việc giám sát quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Không có trình độ, khả năng và quyền lực chế tài thực sự đối với nhà thầu (hoặc đã bị nhà thầu tước bỏ quyền lực này) trong quá trình xây dựng, vận hành.

– Đã tuyên truyền, xuyên tạc sai sự thật (do cố tình hay do thiếu hiểu biết) trong thời gian đầu thảm họa xảy ra: khuyên dân tắm biển ăn cá bình thường, viện dẫn nguyên nhân thủy triều đỏ.

Do đó, phải có một số cá nhân hoặc tập thể trong giới lãnh đạo đứng ra xin lỗi và chịu trách nhiệm trong việc này. Cần có vài người bị cách chức hoặc từ chức, bị truy tố. Đó là cách làm “dám làm, dám chịu” và văn minh. Những người này có tính đến: ông Đặng Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh), ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường), ông Nguyễn Thái Lai (Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường)

  1. Chính phủ cần công bố và ban hành hướng dẫn thông qua bộ Y tế các thông tin về triệu chứng, hậu quả ngắn hạn, hậu quả dài hạn, cách điều trị, đề phòng cho dân chúng đối với nhiễm độc các chất phenol, xyanua. Thật không thể tin nổi là cho đến giờ chưa có một kênh thông tin chính thức nào hướng dẫn về điều này. Sống chết mặc bay?
  1. Tuyên bố: 

Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng.” (Mai Tiến Dũng)

Não trạng của lãnh đạo VN hiện rất cũ kỹ và lạc hậu. Viện dẫn một câu ngụ ngôn, câu ca dao, hay tục ngữ trong những trường hợp cân nhắc quyết định có tính quốc gia là không phù hợp, không thích đáng trong hoàn cảnh thế giới ngày nay. Đó cũng có thể là biểu hiện của sự đạo đức giả, khi người ta không muốn, hoặc không dám thực thi “tinh thần thượng tôn pháp luật, tất cả đều công bằng trước pháp luật“, mà chính chính phủ đã tuyên bố trước đó:

“Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo phải thượng tôn pháp luật về môi trường”: (3)

Hơn nữa đó chỉ là quan điểm của một cá nhân đại diện cho một tổ chức không thực sự do dân bầu nên, và do đó không thể đại diện để nói về sự khoan hồng, độ lượng của tất cả người Việt.

Lời kết:

“Trong vài chục năm hoạt động sắp tới của nhà máy FMS, chỉ cần diễn ra 1 ngày xả thải như trước đây thì sẽ xảy ra thảm họa lần thứ hai”. 

Trước những công bố của nhà nước VN ngày 30-6-2016 tuy cần nhưng bảo đảm và chưa thuyết phục, Bạn sẽ làm gì? Tiếp tục đấu tranh để có được sự minh bạch cho tương lai của chính mình hay để người Việt Bị Làm Nhục chỉ với 500 triệu USD.

Cá nhân tôi tin rằng nếu nhà máy FMS vẫn còn nằm đó thì kể như ngành hải sản của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị sẽ không thể tồn tại. Đó không chỉ là vấn đề y tế, môi trường mà đó còn là vấn đề tâm lý: công ty nào, tổ chức nào, cá nhân nào sẽ muốn tiêu thụ hải sản có xuất xứ từ 4 vùng này? Đó là mối quan ngại mà đúng ra những lãnh đạo “quá tài năng” của VN phải đặt ra ngay từ trước khi rước nhà máy Formosa vào VN!

Để kết luận, đừng nói chi 500 triệu USD, nếu FMS ra đi và con số phải chi trả để họ ra đi là 5 tỷ USD, tôi sẵn sàng đóng góp 1 tháng lương cùng những người Việt khác để tống cổ họ. Tất cả là vì tương lai của chúng ta!

Tôi ghi nhận lời xin lỗi của họ nhưng tôi không thể chấp nhận một nguy cơ từ Formosa mà chính người Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận nó trên hòn đảo nhỏ bé xinh đẹp của họ.

Formosa phải ra đi! Người Việt hãy lên tiếng để Formosa đi khỏi Việt Nam!

2.7.2016

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay