ĐÓN NHẬN CHÚA THÁNH THẦN ĐỂ RAO TRUYỀN CHÚA KITÔ
+ Hồng-y L. J. Suenens
Người dịch Nguyễn đăng Trúc nguồn: conggiaovietnam.net
“ Thiên Chúa không có lời nói nào khác, tay chân nào
khác ngoài lời nói, tay chân của bạn
để mang Phúc-âm đến cho thế gian”.
Frank Duff
1- Mỗi một Kitô-hữu đều được mời gọi để trở thành nhân chứng của Phúc-âm
Chúa gọi mỗi Kitô-hữu tham gia vào công cuộc truyền bá Phúc-âm mới qua chính phép rửa tội mà họ đã nhận lãnh, chứ không phải là một ơn gọi nào khác thêm vào. Công-đồng đã nhắc kỹ điều ấy.
Không một Kitô-hữu nào được miễn trừ bổn phận làm chứng về đức tin của mình. Những hình thức truyền giáo thay đổi tùy hoàn cảnh sống cụ thể, nhưng bổn phận truyền giáo là bổn phận nền tảng của từng người không trừ ai.
Phải thành thực thú nhận rằng đa số Kitô-hữu ngay cả những người thường xuyên hành đạo, vẫn chưa hiểu là mọi Kitô-hữu phải rao truyền Chúa Kitô, mọi người đã được tiếp nhận Tin-mừng đều có sứ mệnh rao truyền Tin Mừng ấy lại cho kẻ khác.
Giáo-hội còn chưa thực thi đầy đủ “bản chất truyền giáo” của mình; bây giờ là lúc cần phải giải tỏa những lý do giả tạo cố dồn Kitô hữu vào tình trạng ù lì, ngậm miệng làm thinh hay dững dưng.
Chúng ta phải can đảm tố giác cám dỗ của thái độ câm nín âm hiểm nầy, và đuổi ngay con quỉ câm và những lý do giả tạo ra khỏi cuộc sống chúng ta.
1- Hai bổn phận cơ bản
Thường người ta nại lý do là cuộc sống hằng ngày chiếm hết thì giờ và sức lực nên không thể chu toàn bổn phận làm tông đồ. Lối khước từ đó gợi nhớ lại câu truyện trong Phúc-âm, khi những người được mời đến dự tiệc cưới đã thoái thác nại lý do quá bận rộn về những công việc khẩn thiết phải ưu tiên: Tôi đã mua một đám đất và tôi phải đi xem; tôi đã mua năm cặp bò và tôi phải đi thử; tôi mới cưới vợ nên bận rộn quá.
Bổn phận làm tông đồ gắn liền với bổn phận Kitô hữu, chúng ta không nhất thiết là phải tham gia phong trào sinh hoạt nào đó. Có nhiều phương thức làm tông đồ khác nhau, nhưng không thể nại đến sự kiện nầy để xóa bỏ bổn phận hàng đầu của chúng ta, tức là bổn phận làm người đã chịu phép rửa. Có bổn phận làm người và còn bổn phận làm Kitô hữu, ta cần biết phối hợp. Chúng ta đã không biết chu toàn đồng thời các bổn phận khác nhau trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta sao?: bổn phận gia đình, nghề nghiệp, công dân. Đối với Kitô-hữu biết ý thức về phép rửa của mình, bổn phận căn bản gắn liền với thân phận họ là yêu mến và phục vụ Chúa với cả sức lực mình và yêu thương kẻ khác như chính mình. Bổn phận nầy rất cao cả, đòi hỏi những chọn lựa khó khăn và nhiều hy sinh: nếu tôi chấp nhận dành một số thì giờ phục vụ không công cho người bên cạnh tôi cách nầy hay cách khác, hẳn nhiên công tác ấy đòi hỏi tôi phải trả một giá nào đó. Phục vụ không công có nghĩa là từ khước nhận tiền hoặc hy sinh một lối sống thoải mái…
2- Hai hình thức nghèo đói
Nếu có hai bổn phận căn bản, tự nhiên và siêu nhiên, thì cũng có hai hình thức nghèo đói để cứu giúp. Có tình trạng nghèo đói trong cuộc sống vật chất con người dưới nhiều dạng ngặt nghèo cần được cứu tế (đói rách, thiên tai, dịch bệnh…). Hình thức nghèo đói nầy dễ làm ta xúc động vì dễ thấy, dễ nhận ra hơn là hình thức thứ hai.
Nghèo đói làm cho con người khốn đốn một cách thâm cay, mặc dù có tràn đầy của cải vật chất, đó là cảnh cùng khổ về mặt siêu nhiên, tinh thần, đặc biệt là tình cảnh bơ vơ hoặc chán nản nơi những người trẻ; họ đi tìm một trong những ảo tưởng để sống vất vưởng qua nghiện ngập hoặc thác loạn tính dục. Khi chúng ta nói đến những chứng nhân của Chúa Kitô, hẳn chúng ta nghĩ ngay đến cánh đồng bao la trước mắt chờ đón chúng ta.
3- Hai hình thức làm chứng
Cuối cùng cần phân biệt hai loại làm chứng: làm chứng khách quan và làm chứng qua con người cụ thể của mình, hai lối nầy cần bổ túc nhau.
Việc làm chứng của các người dạy giáo lý, các giáo sư về tôn giáo, các nhà giảng thuyết, là làm chứng khách quan : ở đây mục tiêu ưu tiên nhắm đến là dạy và đào tạo tôn giáo; nhưng nếu “người hướng dẫn” vừa là người làm chứng thì dễ thuyết phục người ta hơn.
Không phải ai cũng được gọi để chu toàn sứ mệnh rao truyền Phúc-âm theo hình thức nầy, nhưng mọi người đều được gọi để trở thành chứng nhân qua cuộc sống cụ thể của mình, như thánh Phêrô dạy rằng phải làm cho kẻ khác thấy được “niềm hy vọng nằm nơi con người mình”. Làm chứng do chính cuộc sống mình có thể giúp mọi người biết Phúc-âm một cách thiết thực và sống động, “mọi nơi và mọi lúc”, trong những hoàn cảnh bình dị hoặc phi thường.
Khung cảnh xã hội chung quanh như cám dỗ Kitô-hữu đừng nên quấy rầy, mà phải theo nếp sống trần tục của thời đại, phải tỏ ra nhún nhường và tôn trọng bất cứ dư luận nào, chạy theo quan điểm chung, chứ đừng nêu lên một tiêu chuẩn chân lý khách quan nào! Nhất là đừng bao giờ nói đến “tội lỗi”, vì nói đến “tội lỗi” làm chói tai thiên hạ vô cùng! Trong một khung cảnh như thế, làm sao diễn đạt và tuyên xưng đức tin mình? Người ta còn nêu lên nhiều lý chứng đặc biệt khác nữa để huyết phục Kitô-hữu nên giữ thái độ im lặng!
4- Thế giới không sẵn sàng để nghe Phúc-âm!
Người ta xin chúng ta đừng nói, đừng tuyên xưng Phúc-âm trong thế giới ngày nay vì người ta cho rằng thế giới chúng ta không sẵn sàng để nghe sứ điệp ấy.
Với lối luận chứng đó, trước hết phải trả lời rằng sứ điệp Phúc-âm là một sứ điệp mà thực ra không bao giờ có ai tự nhận là sẵn sàng để nghe cả; sứ điệp ấy phát sinh ơn cứu độ của Con một Thiên Chúa và đưa ta lên hàng thần thánh, một sứ điệp như vậy vượt lên trên tất cả những gì mắt đã thấy và tai đã nghe, vượt lên trên tất cả những gì có thể làm cho những mơ ước táo bạo nhất của chúng ta trở thành vô nghĩa.
Hơn nữa, Lời Phúc-âm khó nghe, sự kiện đó không phải là hiện tượng riêng của thời đại chúng ta. Nhưng người đương thời của Chúa Giêsu có sẵn sàng nghe Ngài không? Hãy nhìn thập giá Chúa để hiểu việc nầy. Và nếu muốn biết phản ứng của quần chúng khi Phaolô loan báo việc Chúa Phục-sinh, ở sân vận động Nhã Điển, thì chỉ cần đọc trong sách Tông-đồ Công-vụ: “Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói vấn đề ấy” (Cv. 17, 32).
5- Tôi cảm thấy không đủ sức nói!
Kitô-hữu lại thấy tự nơi lòng mình cơn cám dỗ trái ngược lại, cho rằng việc rao giảng Phúc âm chỉ dành cho các thánh, các nhà thông thái đầy bằng cấp mà thôi!
Trước hết có thật là việc rao truyền Phúc-âm chỉ là đặc ân của các thánh hay không? Sự thánh thiện của người làm chứng hẳn nhiên là một ơn riêng ban cho Giáo-hội; ta có thể nêu lên nhiều tên tuổi mà mọi người đều đồng ý là thánh, hoặc đáng được nể vì, yêu mến và có sức thuyết phục. Danh sách ấy qua lịch sử Giáo-hội rất dài. Lâu lâu chúng ta có dịp mừng việc tôn phong các thánh mới, đúng là cảnh vui mừng trên trời cũng như dưới đất. Nhưng sự kiện đó không miễn cho bất cứ Kitô hữu bình thường nào bổn phận “minh chứng niềm hy vọng nơi mình”, như lời thánh Phêrô đã đòi hỏi Kitô-hữu thời Giáo-hội sơ khai, những Kitô-hữu ấy cũng là những người bình thường như chúng ta.
Để thực hiện công cuộc của Chúa (-đừng lẫn lộn với ý nghĩ là làm cho Chúa -) trước hết chúng ta trao thiện chí của ta cho Ngài. Chúa dùng mỗi người chúng ta, và ơn của Ngài sẽ dư tràn cho chúng ta. Khi kết hợp với Ngài, thì chúng ta sẽ vượt lên trên sức lực của mình. Thần học còn nói đến những ân sủng Chúa ban nhưng không để làm lợi cho Cộng-đồng, mà không nhất thiết thánh hoá những người hành xử. Những ơn đoàn sủng của thời nguyên sơ và những ơn đoàn sủng hôm nay chứng thực sự tự do hoàn toàn của Chúa, và cấm không ai được nêu lên đặc quyền ấy cho riêng mình.
Còn về sự hiểu biết sâu xa, chúng ta cám ơn Chúa đã cho chúng ta nhiều vị thần học gia đáp trả ơn gọi của họ làm “người tín hữu truy tìm sự khôn ngoan nơi đức tin”. Công-đồng Vatiacanô II mang ơn họ rất nhiều; họ đã chuẩn bị Công-đồng, đã làm phong phú cho Công-đồng, nên khó lòng phủ nhận tầm quan trọng và vai trò của họ. Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng Chúa không gắn chặt bổn phận làm tông đồ với mấy bằng cấp đại học. Việc Chúa chọn “mười hai người” xứ Galilêa chắc chắn cho thấy rằng thông minh tuyệt trần không phải là tiêu chuẩn để xây dựng Nước Chúa.
2- Chúa kêu gọi mỗi người rao truyên Phúc-âm
Phúc-âm cho chúng ta thấy phương cách Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên như thế nào: Chúa nói: “hãy theo Thầy”, và họ bỏ lại cha họ, thuyền họ, bàn thu thuế của họ.
Một lời mời hơn là một mệnh lệnh: “nếu người muốn lên trọn lành…hãy bán hết của cải để theo thầy”.
Chúa Giêsu kêu mời người ta theo Ngài, tiếp bước theo chân Ngài, và không hề hứa là đường đi sẽ dễ dàng, nhưng chỉ nói là Ngài sẽ ở với họ không bao giờ xa.
Chúa gọi chúng ta, mỗi người chúng ta, mỗi người mỗi cách, nhưng phương cách nào đi nữa cũng rất triệt để. Trước khi chấp nhận dấn thân vào tình yêu thương Chúa, chúng ta thử xem lời gọi của Ngài đã được Phúc-âm diễn tả thế nào.
Lời mời gọi của Chúa, theo lối nhìn của Chúa
Việc Chúa mời gọi ta sống cuộc sống Kitô giáo toàn diện là một lối tỏ bày tình yêu thương đặc biệt, một lối chọn lựa riêng của Chúa. Ngài đã gọi mười hai vị, rồi ngày kia, vị thứ mười ba là thánh Phaolô. Lúc đầu, Ngài không gọi cả đám đông. Đến sau Ngày Hiện Xuống, chúng ta chứng kiến một trăm hai mươi vị trong ngày khai sinh Giáo-hội. Đấy là điểm khởi phát, là men để làm dẫy bột, nhưng trước hết phải làm men. Yêu thương đặc biệt, tuyển chọn riêng, ở đây còn có nghĩa là gửi đi truyền bá Phúc-âm. “Thầy đã chọn các con…để các con lên đường và mang lại hoa trái”. Được chọn để lên đường, được chọn để toả lan ánh sáng. Sự chọn lựa ấy tự nó là một “lệnh xuất quân”.
“Hãy đến và rồi hãy ra đi”. Đây là một cử chỉ mời gọi của người tình, nhưng đồng thời, để quay về với dân chúng.
Tình yêu đặc biệt, yêu riêng nhưng là yêu trong tự do. Ngay khi thánh sử chỉ ghi lại câu Chúa Giêsu nói ”hãy theo Thầy”, mà không nói thêm có trao đổi gì trước đó, thì kỳ thực đã có môt cuộc đối thoại bên trong, dù rất ngắn, một lời mời tùy thuộc vào sự tự do trả lời của người nghe, một lời đề nghị tôn trọng hoàn toàn người đối diện. Chúa Giêsu không hề tuyển chọn theo lối ép buộc, như tuyển lính ngày xưa. Nhưng, “Ngài biết điều gì xảy ra trong con người”, và đáp ứng những ước vọng thầm kín, không nói ra, hoặc có thể không nhận ra của chính người Ngài kêu gọi.
Tình yêu ấy là tình yêu dâng hiến, dấy lên một lời kêu mời, muốn nối kết một giao ước. Và ở đây ta còn thấy Chúa xúc động nữa. Thường thì Chúa thức suốt đêm cầu nguyện trước khi chọn lựa như thế. Đến đây chúng ta đi vào khung trời thần thánh. Thi sĩ có lần nói: “có nhiều điều thần thánh người ta chỉ nghe được một lần thôi”. Trường hợp từ chối, như người thanh niên giàu có trong Phúc-âm “đã bỏ đi vì anh ấy có nhiều của cải”, Chúa Giêsu không cố ép và để cho đi.
Người ấy sau nầy có tìm đến Chúa không? Hoàn toàn bí mật.
Nhưng, đoạn Phúc-âm nhắc nhở chúng ta rằng lúc Chúa gọi thì đừng mặc cả, quay lưng hoặc kiểm lại sổ sách ngân hàng, bàn hỏi bạn bè “khôn ngoan”, bảo hiểm sức khoẻ và nhân mạng…Chúa Giêsu gọi mình theo Ngài, là gọi đi vào con đường phiêu lưu của tình yêu. Con đường đi ấy qua nhiều nẻo gập ghềnh và đôi khi phải sống nhiều đêm ở vườn Cây-dầu, như để làm quen với giây phút của Chúa trong đêm khổ nạn.
Đó là những gì bao hàm nơi ơn gọi theo cái nhìn của Chúa.
1- Chương trình sống của Kitô-hữu bình thường trong cuộc sống hằng ngày
Cần thấm nhập cuộc sống của Chúa (ad intra) để cho Chúa gửi mình lên đường (ad extra). Hai nhịp thở đó kết dệt nên đời sống Phúc-âm, cần thiết phải bổ túc cho nhau.
Ad intra
Trên bình diện cuộc sống cá nhân, Kitô-hữu phải tài bồi và củng cố cuộc sống siêu nhiên của mình bằng bí tích Thánh-thể và bí tích chữa lành tâm hồn đó là bí tích Hòa-giải. Phải nuôi sống cuộc sống siêu nhiên linh hoạt, bằng việc đọc sách thiêng liêng vào một buổi nhất định, và ưu tiên là sách Kinh-thánh, đặc biệt nên đọc và suy gẫm các bản văn mục vụ trong ngày, là của ăn được Mẹ chúng ta là Hội-thánh dọn sẵn. Một cách cụ thể ta nên có một cuốn sách lễ trong tuần, ngoài cuốn sách lễ các ngày chủ nhật trong năm. Đức Gioan-Phaolô II không ngừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Thánh-thể, là trung tâm điểm của cuộc sống Kitô-hữu. Trong một bài diễn văn gửi cho những người hướng dẫn Phong trào Canh tân đoàn sủng, ngài nói:
“Theo ý niệm mà Công-đồng Vaticanô II đã ghi sâu nơi cuộc sống chúng ta : Thánh-thể đúng là nguồn suối và đỉnh cao của mọi công cuộc rao truyền Phúc-âm…Kitô hữu, đã mặc lấy ơn ích của Phép rửa tội và Thêm-sức, khi rước Thánh thể, sẽ sát nhập toàn cuộc sống mình với thân thể Chúa Kitô”.
Để cho việc cử hành Thánh-thể có thể thức tỉnh và nuôi dưỡng cuộc sống đức tin chúng ta, Giáo-hội đưa vào mỗi thánh lễ đoạn văn Thánh kinh, được chọn lựa theo diển tiến của năm phụng vụ, để chúng ta lắng nghe được lời Chúa.
Trong tinh thần của đức tin, khi chúng ta mở các trang sách lễ là chúng ta đến điểm hẹn gặp Thánh Thần; những bản văn được Giáo-hội chọn sẵn cho chúng ta là ưu tiên, nếu chúng ta thực sự muốn thở đồng nhịp thở của Giáo-hội, ngày ngày thấm nhập “chính những tình cảm trước đây của Chúa Giêsu”. Tôi cần tiếp nhận các trang ấy như tiếp nhận bức thư của một người bạn chia sẻ các ưu tư, các mối lo âu sợ hãi, các niềm mong ước với tôi, muốn đồng hành với tôi, chỉ đường cho tôi.
Tôi muốn dùng kinh nghiêm của tiên tri Isaia để nói lên rằng: “lời Chúa thức tỉnh tôi mỗi sáng; mỗi sáng lời Chúa đánh thức tôi dậy để tôi lằng nghe như một người học trò ngoan ngoãn học hỏi…” (Is. 50, 4).
Nếu như tôi không có cách nào để đi dự lễ được thì tôi cũng cầm lấy sách lễ để đọc và hiệp thông với Giáo-hội, nói chuyện với Chúa và thấm nhập sứ điệp của Ngài vào cuộc sống trong ngày của tôi.
Mỗi ngày, chúng ta cần để lời Chúa xây dựng, uốn nắn đời mình, như đất sét trong tay người thợ gốm.
Để hiểu được tầm mức cao cả của Thánh lễ và Thánh-thể, chỉ cần suy nghĩ kỹ về các lời chúng ta hát trong kinh Vinh-danh Thiên Chúa trên các tầng trời :
“ Chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa. Chúa xóa tội trần gian, xin nhận lời chúng con cầu khẩn”.
Thánh thể là bí tích thờ phương, tạ ơn, chữa lành và tha thứ. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, chúng ta đến với Chúa Cha, hướng về Tòa Chúa. Và chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mà Chúa đáp trả lời cầu khẩn của chúng ta; không bao giờ lời kinh ấy không được nhận lời. Nếu chúng ta tìm lại được ý nghĩa của Thánh lễ, các cộng đoàn Kitô-hữu sẽ hồi sinh; Thánh lễ chủ nhật là lễ Phục sinh hằng tuần, đúng là trắc nghiệm về sự trung tín của chúng ta đối với Thầy: “Anh em hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy” cho đến khi Ngài lại đến trong vinh quang.
Thánh thể cũng là của ăn và thức uống. Nhưng đặc điểm kỳ bí, mầu nhiệm ở đây là trong hiệp lễ, không phải chúng ta biến của ăn làm đồ nuôi dưỡng cuộc sống mình, nhưng chính của ăn biến đổi chúng ta để chúng ta thành sự sống trong Ngài.
Cuối cùng, Thánh-thể không chỉ là hiệp lễ, sự hiện diện thật sự luôn ở ngay trong Thánh-thể : chúng ta có thể tôn kính Thánh-thể ấy, thờ lạy âm hầm dưới chân của Thầy, trước Nhà tạm.
Trong những ngày tháng dành riêng cho cuộc sống siêu nhiên, chúng ta cần lưu ý đến tầm quan trọng của những kỳ tĩnh tâm; cuộc tĩnh tâm kiểu mẫu luôn vẫn là Phòng-Cao ở Giêrusalem khi các môn đệ, cùng với Mẹ Maria, đã cầu nguyện và đã sống “Bí-tích Thánh-tẩy trong Thánh Thần”; cuộc tĩnh tâm ấy đã chuyển đổi con người họ. Những cuộc tĩnh tâm như thế thường có thể giúp nhiều Kitô-hữu bấy lâu ơ hờ, thụ động trong việc hành đạo, chấp nhận dấn thân cụ thể. Nên tham dự và cổ động người tham dự; các cuộc tĩnh tâm nầy thực sự là việc làm hết sức hữu ích.
Ad extra
Trên bình diện làm công tác tông đồ, Kitôhữu phải là “nhân chứng của Chuá Kitô, bằng lời nói và việc làm, mọi nơi và mọi lúc”. Đừng đợi mọi yếu tố phải có sẵn, xét về khía cạnh con người. Châm ngôn thường được người ta nêu lên : “trước hết phải nhân bản hóa, sau đó rồi Phúc-âm hóa” đã thường làm cho hứng khởi truyền giáo khựng lại, và làm tổn thương cả nỗ lực nhân bản hóa chân thực, mà đỉnh cao lại chính là Đức Kitô. Đừng sợ phải làm chứng về đức tin mình. Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc lại bổn phận ấy trong một sứ điệp:
“Nhân danh Chúa Kitô tôi xin anh chị em phải làm người loan truyền Phúc-âm…Là thành phần làm nên Giáo-hội, mỗi người phải hoàn thành phần trách nhiệm của mình…mỗi người hãy làm cho người gần mình, trong gia đình, trường học, trong giới văn hoá, nơi làm việc hiểu rằng Chúa Kitô là Đường, là Sự-thật, là Sự-sống” (22.10.1985).
Để nâng đỡ nhau làm tông đồ, Kitô-hữu cần sự trợ giúp của anh chị em đồng đạo. Nếu không gia nhập một nhóm tông đồ nào, thì cố tìm một sinh hoạt tông đồ thích hợp với ước vọng của mình.
Nếu không tìm thấy, thì nên cổ động trong môi trường sinh hoạt giáo xứ những nhóm nhỏ sống Phúc-âm, chia sẻ cuộc sống Kitô giáo trong hai chiều kích cá nhân cũng như làm công tác tông đồ.
2- Ứng dụng trước mắt
Một khi nhận ra được chiều sâu và sự ưu tiên nơi “thân phận Kitô-hữu của mình”, các hệ quả thực tiễn sẽ phong phú vô cùng. Trong trường hợp tôi chẳng hạn, tôi tức khắc bị chất vấn và phải trả lời: “Trước hết tôi là một giám mục Kitô-hữu hay là một Kitô-hữu làm giám mục?” . Hỏi như thế buộc tôi phải xét mình, và mỗi lần bị chất vấn là mỗi lần tôi phải giật mình. Hoặc trong dân chúng: Quí vị trước hết là một ông chủ Kitô-hữu hay một Kitô-hữu làm ông chủ? Trước hết là một nhà giáo Kitô-hữu hoặc một Kitô-hữu làm nghề dạy học? Trước hết làm một bà mẹ Kitô-hữu hay một nữ Kitô-hữu làm mẹ gia đình?…”. Và câu hỏi ấy được giải thích thêm: Hai cái, cái nào là gốc, là cốt lõi, và cái nào là tĩnh từ, phụ thuộc trong cuộc sống của bạn?
Một thí dụ khác: trong cuộc sống lứa đôi Kitô-giáo, cái gì được đề cao, lưu ý hơn để thực sự phát huy cuộc sống Kitô-hữu của vợ chồng: trước hế họ là vợ chồng, được kêu mời để sống bổ sung cho nhau? Hoặc trước hết họ cảm nhận nhau sâu xa hơn nữa như là anh em trong Chúa Giêsu-Kitô, được gọi để sống Phúc-âm trong cuộc sống hằng ngày, yêu nhau trong tình yêu thương của Chúa, quên mình, tha thứ cho nhau, trung tín với nhau thể hiện chính giáo ước của Chúa Kitô và Giáo-hội Ngài?
Thêm một thí dụ nữa trên bình diện mục vụ: chúng ta thường áp dụng đường lối hoạt động quen thuộc đó là: thấy, xét rồi hành động. Luật ấy có ý nghĩa chính xác trên bình diện xã hội học; nhưng theo nhãn quan Kitô giáo, còn phải bổ túc như sau:
– thấy, vâng đúng vậy, nhưng với con mắt Chúa Kitô
– suy xét, đúng rồi, nhưng với ánh sáng toàn diện của Phúc-âm
– hành động, vâng, nhưng trong đường hướng và sức mạnh của đức tin. Mọi điều ấy không thể tùy nghi.
3- Một vài thái độ căn bản của một Kitô-hữu chân thật
Để nối kết giữa thần học và mục vụ, tôi muốn trích dẫn một vài đoạn trong một bài báo của Đức Hồng-y Danneels.
Chúng ta còn can đảm loan truyền Chúa Kitô hay không?
Về đề tài nầy tôi muốn thử kiểm thảo để truy tìm lại thực chất nền tảng của đức tin chúng ta. Thông điệp Redemptoris Missio đã đề cập đến vấn đề nền tảng của công tác rao truyền Phúc âm. Tôi nghĩ rằng những vấn đề đã nêu lên trong thông điệp nầy có giá trị cho công cuộc truyền bá Tin-mừng ở xứ chúng ta, cũng như ở các nơi xa xôi khác.
Các vấn đề đặt ra là: Còn cần phải truyền giáo, rao giảng Tin-mừng nữa không? Không thể thay thế truyền giáo bằng đối thoại giữa các tôn giáo hay sao? Phát huy con người qua nỗ lực phát triển chưa đủ sao? Không phải là cần tôn trọng niềm tin kẻ khác, tự do lương tâm của người ta hay sao? Và tất cả các tôn giáo không phải là có giá trị như nhau hay sao?
Chúng ta không phủ nhận những nội dung nầy, vì những căn rễ của chúng rất tốt lành: như tự do lương tâm, dân chủ hóa, tôn trọng đời tư, tôn trọng các tôn giáo khác, và ý nghĩa của đối thoại. Vaticanô II đã nhấn mạnh đến các giá trị nầy. Các quan niệm ấy không phát xuất từ những kẻ xấu bụng, nhưng bởi một tâm hồn ngay thực và tốt lành. Tuy vậy chúng vẫn nêu lên cho chúng ta nhiều vấn nạn.
Chỉ có một Đấng Cứu độ
Chối bỏ Chúa Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của mọi người là buộc chúng ta phải xóa đi ba phần tư Tân-ước. Vì Phêrô và mười hai tông đồ, Phaolô và Gioan, đã mạnh mẽ nêu lên tính cách duy nhất nơi Chúa Kitô Đấng Cứu độ.
Xác tín sâu xa của những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu là xác tín về Ngài là Đấng Cứu độ duy nhất. Đó là một đìểm nền tảng quyết định tất cả.
Nếu Chúa Kitô không phải duy nhất, thì đức tin trở thành tùy nghi. Không thể nào bảo chứng cho công cuộc truyền giáo: người ta dựa vào uy quyền nào để nói về Đấng Kitô cho các dân tộc khi Đức Kitô chỉ là một trong các vị cứu độ khác? Không chấp nhận Chúa Kitô là duy nhất, thì mọi công cuộc truyền giáo chỉ là cao vọng mơ hồ.
Người ta không còn cách nào khác để được cứu độ sao? Nhiều người đương thời với chúng ta còn sống Phúc-âm hơn là người Kitô hữu. Có những “hạt mầm Ngôi Lời” (semina Verbi) ở ngoài vòng vi của Giáo-hội hữu hình chúng ta, ở ngoài sợi giây liên lạc hữu hình với Chúa Kitô. Nhưng chúng ta phải xác quyết là mọi dấu vết cứu độ đều liên kết với Chúa Kitô duy nhất. Vì giai đoạn chuyển từ mối liên kết mặc nhiên đến mối liên kết minh nhiên, nhờ việc rao giảng, tùy thuộc vào ý Chúa: Anh em hãy ra đi, hãy rao giảng cho tất cả các dân tộc và rửa tội cho họ.
Thánh Phanxicô Assisi đến sống với người Hồi giáo và vị giáo trưởng của họ. Ngài vừa loan báo Chúa Giêsu vừa tôn trọng vị thủ trưởng và các tín đồ hồi giáo đến nỗi sau sáu thế kỷ người ta còn nhớ đến ngài. Tôi nghĩ đây là một thái độ chúng ta phải noi theo.
Không được phân tách Nước-Trời với Chúa Kitô
Điểm căn bản thứ hai: mối liên kết giữa con người Chúa Giêsu và Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa ấy gồm những giá trị như: bao dung, liên đới, bác ái, hòa bình, chia sẻ, dấn thân xây dựng trật tự thế giới công bằng….Các giá trị ấy do Chúa Giêsu cổ súy và gắn liền với Con Người của Ngài.
Người ta có khuynh hướng tách rời các giá trị Nước Chúa khỏi Con Người Giêsu. Chúng ta phải thú thực là nhiều hội đoàn và phong trào chúng ta đã đi đến mức đó. Cũng không phải vậy để có dịp lên án hay phạt vạ họ. Chúng ta nhận thấy nhiều người hát ca tôn vinh những giá trị nước Chúa và cổ súy các giá trị nầy. Được như vậy là quý hóa; tôi không hề cầm đá ném vào họ. Nhưng xin hỏi họ có chắc là các giá trị nầy, một khi bị tách ra khỏi Đức Kitô, liệu còn tồn tại lâu dài không?
Nhiều hội đoàn của chúng ta cảm ứng tinh thần Kitô giáo đang nỗ lực cổ súy các giá trị Kitô giáo, tôi ủng hộ các cố gắng ấy, đó là một thiện ích cho nhân loại và văn minh; nhưng cũng phải lưu ý là khi các giá trị nầy bị tách ra khỏi toàn bộ cuộc sống cụ thể của Kitô-hữu, thì thường sẽ teo tóp dần. Nên việc cổ võ các giá trị ấy cần được nuôi dưỡng bằng cuộc sống chiêm niệm, đức tin, bí tích và phụng vụ.
Đừng tách rời một bên là Thiên Chúa, bên kia là Đức Kitô
Thứ ba: đừng chủ trương một ý niệm mơ hồ về Thiên Chúa tách khỏi Đức Kitô. Mặc khải Kitô giáo không hướng đến một loại thờ trời nào đó một cách mơ hồ. Nó diễn tiến cụ thể từ Giavê, Thiên Chúa của Cựu-ước và Chúa chúng ta, nhờ bởi Chúa Kitô đã chết và đã sống lại mà đi đến một sự nhận biết đầy đủ về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc nhận biết Chúa Ba Ngôi liên kết chặt chẽ với mặc khải của Chúa Kitô.
Mục đích của rao truyền Phúc-âm không phải là đưa người ta trở thành những người tin vào Chúa nào đó, nhưng là những người tin vào một Chúa, Cha, Con và Thánh Thần. Đấng duy nhất có thể dẫn đưa chúng ta vào đức tin nầy trong Chúa Ba Ngôi là Con Thiên Chúa làm người. Ngài là Đấng duy nhất đã thấy Chúa Cha, là Đấng duy nhất có thể ban Thánh Thần cho chúng ta. Những yếu tố khác trong việc làm của chúng ta không phải là sai trái, đáng lên án, nhưng phải đặt vào vị thế thích đáng của chúng.
Nhưng dựa vào cao vọng nào mà chúng ta nói mình nói được chân lý? Đó là câu nói làm tắt nghẽn hứng khởi truyền giáo: “Quí vị là ai mà dám cao ngạo nói mình có chân lý?” Câu nói nầy người ta thường lặp đi lặp lại với chúng ta. Nếu chúng ta không nhận sứ mạng của Chúa Kitô, nếu không phải chính Ngài đã đặt để lời Ngài trong miệng chúng ta, mọi lời nói về Phúc-âm của chúng ta chỉ là cao vọng hão huyền. Nhưng ai chỉ nói điều mình đã nhận trong đức tin không thể bị kết án là cao vọng được.
Chúa Giêsu đã từng gặp những khó khăn như thế; cũng như các tông đồ tiếp theo Ngài, khi họ chỉ muốn vâng lời Thiên Chúa hơn là nghe theo con người. Nếu chúng ta không vâng lời Chúa là Đấng sai gửi chúng ta, thì rõ ràng là chúng ta không có quyền lên tiếng. Những lời chống đối như thế buộc chúng ta quay nhìn về Chúa Kitô. Chúng vẩn lợi ích cho chúng ta, đừng ngại gì. Can đảm lên!
Tác giả: Gs. Nguyễn ĐăngTrúc