Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?
TGPSG— Đã quá nửa đêm, chị em chúng tôi đang lau dọn sàn nhà, một chị điều dưỡng chạy tới giọng hối hả: “Các Sơ ơi, có người mới qua đời. Các Sơ vào cầu nguyện cho ông đi!”
Hai chị em bỏ dở công việc, chạy vội vào góc phòng. Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động. Tôi nhìn gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần. Vị bác sĩ trẻ vẫn chưa rời khỏi, cô lộ rõ nét buồn vì không giữ được sự sống cho ông sau một hồi cấp cứu. Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi. Các điều dưỡng nhanh chóng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi rồi điện thoại cho nhân viên nhà xác mang xác đi. Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chị em chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.
Từ lúc vào giúp ở khoa ICU này, ngày nào cũng thế, cảnh tượng ấy dần rồi quen thuộc. Lúc đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là hơi sốc.
Ở gia đình, trong nhà dòng, tôi đã quen với việc nhìn thấy phút lâm chung của một người có biết bao người thân vây quanh. Người mất được tắm xác, mặc quần áo chỉnh tề, được tẩn liệm với bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu hương hoa, nhang nến, khăn tang, tiếng khóc thương đưa tiễn…
Còn đây là những cơn hấp hối và cái chết hoàn toàn trong cô đơn, lặng lẽ, chẳng có gì. Thật sự là không còn gì! Trong trận đại dịch, trong hoàn cảnh lây nhiễm, nhiều người phải từ giã cõi đời trong cái đau thương ấy! Nếu như tôi không ở đây, không tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chắc tôi sẽ không có được cảm nghiệm sâu sắc về sự mong manh của phận người. Những ngày qua, tôi cứ suy nghĩ mãi: “Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?”
Những bệnh nhân trong khoa ICU này phần lớn đã hôn mê. Ngày nào tôi cũng đi từng phòng thăm và cầu nguyện cho họ. Họ là những người dân của Thành phố này. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… có đủ tất cả. Con virus này chẳng chừa ai. Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội: có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người còn đeo nhiều trang sức và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi… Giờ đây, trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0. Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với nhưng hơi thở khó khăn, thoi thóp.
Và cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý. Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh. Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề. Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!
Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an. Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa. Như hôm tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi: Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự: cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người. Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ. Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô. Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức. Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn. Mong manh quá, một kiếp người!
Nơi đây, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt. Có người hôm nay còn thấy, ngày mai đã không còn nữa. Tất cả đều ra đi với đôi tay trắng như khi vào đời. Một cuộc đời còn lại gì? Không kèn trống, hương hoa, không một người thân đưa tiễn. Tất cả những bon chen giành giật, tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc đẹp… không một điều gì có thể theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng.
Lời Chúa vang lên soi sáng cho tôi: “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời…” (Mt 6,20). Quả thật, khi cánh cửa thời gian khép lại, nguồn hy vọng duy nhất đời tôi chỉ còn là Lòng Thương Xót Chúa. Mọi sự thế gian đều phải bỏ lại thế gian. Chỉ có những công việc bác ái mà hàng ngày tôi tích góp mới trở nên kho tàng đích thực cho tôi, là người bạn duy nhất theo tôi đến trước tòa Chúa.
“Đi hết cuộc đời còn lại gì?”, bài học này thật quý giá cho tôi, để ngay lúc này, khi tôi còn hơi thở, tôi kịp thời chọn cho mình kho tàng không bao giờ hư mất.
Đồng Hồ Cát