Dã ngoại nhân quyền: ôn hòa vẫn bị đàn áp
Photo courtesy of huynhngocchenhblog
Con người sống phải có nhân quyền, với mong muốn được chia sẻ và thể hiện quyền căn bản này; sáng hôm nay, có nhiều người đã tìm đến gặp gỡ nhau tại nhiều thành phố trong cả nước Việt Nam. Tình hình buổi dã ngoại tại Hà Nội diễn ra có vẻ thuận lợi, chúng tôi được một người ẩn danh trực tiếp tham gia buổi dã ngoại cho biết như sau:
Khoảng có gần 100 người đến tham dự buổi dã ngoại về quyền con người. Ngoài anh em Hà nội, còn có người ở các tỉnh về. Người ở Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang… nhiều tỉnh lắm.
Họ có cản trở một chút, không muốn cho mọi người vào công viên. Nhưng mọi người cương quyết tiến vào, vì công viên là nơi công cộng, nên mọi người vẫn vào được. Mọi người vẫn đang đi lại và trao đổi, không có vấn đề gì. Lực lượng an ninh hơi đông một chút; họ có chụp ảnh, nhiệm vụ của họ thì họ cứ việc làm. Họ khoảng cỡ hơn 100 người. Mình nói chuyện về quyền con người thì mình cứ nói chuyện.
“Vừa mới ra đến đầu hẻm, có một lực lượng công an khá đông mặc thường phục và chạy xe hai bánh, ào ào tiến đến. Họ độ khoảng hơn mười người, họ dùng xe bao quanh, chặn lại không cho tôi đi nữa.”
– BS. Nguyễn Đan Quế
Tuy nhiên tình hình buổi dã ngoại ở Sài gòn đã gặp trắc trở, chúng tôi đều không liên lạc được các số điện thoại quen. Để hiểu thêm sự việc, chúng tôi được ông Nguyễn Đan Quế, một nhân sỹ nổi tiếng tại Sài gòn có ý định tham gia buổi dã ngoại cho chúng tôi biết như sau:
Từ chiều tối ngày hôm qua, lực lượng công an đã bao vây tại nhà, sáng nay vẫn còn. Cho đến 8 giờ 20, tôi đón taxi đi lên công viên 30/4 để tham dự với anh em trẻ. Vừa mới ra đến đầu hẻm, có một lực lượng công an khá đông mặc thường phục và chạy xe hai bánh, ào ào tiến đến. Họ độ khoảng hơn mười người, họ dùng xe bao quanh, chặn lại không cho tôi đi nữa.
Có một chiếc taxi trờ tới, tôi lượn ra tính leo lên taxi. Lập tức họ chặn xe taxi lại và ra lệnh cho anh tài xế không được chở. Sự việc xảy ra ngay dưới đường, quần chúng đi ra xem khá đông… Lực lượng công an cương quyết không cho tôi đi, và họ nói rằng: hôm nay là ngày nhạy cảm, yêu cầu tôi phải ở nhà. Bằng mọi giá, lực lượng công an không thể để tôi đến đó được. Cứ đứng mãi một hồi lâu. Cuối cùng công an kéo đến ngày càng đông, họ cương quyết không cho tôi đi. Tôi đành phải trở về. Đường ra nhà tôi có 2 – 3 lối vào, đều bị công an chốt ở đó hết.
Có lẽ dấu hiệu phong tỏa của nhà cầm quyền đã xuất hiện tại thành phố lớn nhất miền Nam. Trong khi đó, tại điểm hẹn công viên Bạch Đằng của thành phố Nha Trang, rất đông công an và đoàn viên đã xuất hiện với dàn loa công suất lớn. Đây là lực lượng được chuẩn bị trước nhằm phá rối cuộc hẹn trao đổi về quyền con người ở thành phố biển này. Sau khi bị công an ép buộc vào quán cafe nhằm ngăn chặn không cho đến điểm hẹn tham dự buổi dã ngoại, blogger Mẹ Nấm vẫn tiếp tục nói về quyền con người, chị đã cho chúng tôi biết về ý nghĩa của các buổi dã ngoại nhân quyền là như sau:
Như trong thông báo, tuyên bố của nhóm chủ xướng các Công dân Tự do, đã là một người tự do thì không có lý do gì mình e dè hay rụt rè khi tuyên bố với người khác: tôi là con người.
Những sinh hoạt dã ngoại hết sức bình thường như thế này, sẽ là một khởi đầu giúp cho những người quan tâm đến xã hội, đến quyền con người… thấy được rằng là: đã đến lúc chúng ta ngồi lại công khai với nhau để nói lên những cái điều mình muốn. Khi mà chúng ta có sự trao đổi bằng mặt, bằng lời với nhau thì sự tin tưởng và động lực giúp cho mình vượt qua sợ hãi sẽ giảm dần đi. Lúc mình đã vượt qua sợ hãi rồi thì mình sẽ ý thức được trách nhiệm và tìm được con đường sẽ đi, nhằm đạt được mục đích mình mong muốn. Đó là mục tiêu duy nhất của hình thức công khai tổ chức các buổi dã ngoại như hiện nay.
Đàn áp khắp nơi
Cảnh bắt bờ, đàn áp. Photo courtesy of huynhngocchenhblog
Tại Hải phòng, trước tình trạng hơn 30 nhân viên an ninh bao quanh nhà, cô Phạm Thanh Nghiên đã đem phân phát tận tay bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đến cho từng người và giải thích cho lực lượng an ninh nghe về quyền con người.
Đến khoảng 10 giờ sáng, tình hình ở Sài gòn đã trở nên tồi tệ hơn; các blogger Nguyễn Hoàng Vi, Vũ Sỹ Hoàng và Quốc Anh đã bị công an bắt giữ sau khi phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho các bạn trẻ. Về nỗi lo sợ trước khả năng có thể xảy ra các hành vi can thiệp có tính bạo lực từ phía nhà cầm quyền và những suy nghĩ về con người mà không có quyền con người, chúng tôi được ông Lã Việt Dũng, một người Hà Nội tham gia buổi dã ngoại tại công viên Nghĩa Đô cho biết:
Về lo sợ thì tôi không phải lo sợ gì về việc này. Vì thứ nhất thì tôi tin rằng chuyện trao đổi về nhân quyền là hoàn toàn đúng đắn và không có gì sai cả. Thứ hai là tôi tin rằng, sau khi có nhiều sự kiện xảy ra, chính quyền đã nhận thức được là những việc như trao đổi về quyền con người thì không nên can thiệp một cách quá bạo lực.
Về mặt cá nhân của một con người, nếu có quyền con người thì thực ra cũng không thể gọi là một con người được. Bởi quyền con người là những cái cơ bản có từ hàng ngàn năm nay, chúng ta phát triển từ động vật lên thành con người. Chúng ta phải được hưởng những quyền đó một cách rất bình thường.
Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn trong việc bày tỏ chính kiến ở Việt Nam nói chung và nói riêng ở Sài gòn, ông Nguyễn Đan Quế đã có những nhận xét như sau:
Tôi thấy rằng là, sáng kiến tổ chức những buổi dã ngoại để các anh chị em có dịp gặp cùng nhau trao đổi về vấn đề nhân quyền; những quyền đã được Liên Hiệp Quốc, được hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận.
“Những anh em trẻ có lòng với đất nước, có lòng với dân tộc; người ta bênh vực những quyền căn bản nhất của một con người, khi lọt lòng ra đã có. Đáng lẽ phải khen họ; tại sao lại đi ngăn chặn, sách nhiễu người ta?”
– BS. Nguyễn Đan Quế
Chúng tôi rất ủng hộ sáng kiến và cách tổ chức này, ngày hôm nay, chính bản thân chúng tôi cũng đi kiếm để tham dự. Việc sách nhiễu đàn áp đã xảy ra. Trước tiên chúng tôi phải nói rằng, thế hệ trẻ Việt Nam càng ngày càng xứng đáng và đã giữ vai trò tiên phong chủ chốt trong việc đưa những quyền căn bản của người dân đến cả dân tộc mình. Để từ đó, mọi người ý thức được về quyền của mình, không ai được quyền cướp đi.
Ông Nguyễn Đan Quế tiếp tục chia sẻ cùng giới trẻ Việt Nam hôm nay:
Giới trẻ rất xứng đáng, tôi rất là khâm phục và khuyến khích. Đây là một cuộc chiến đấu, dĩ nhiên chúng ta khó khăn, các anh em cứ việc vững tiến lên. Ngoài ra tôi cũng thấy rằng, chính quyền của những người độc tài cộng sản đang cầm quyền tại Hà nội thật là đáng chê trách. Những anh em trẻ có lòng với đất nước, có lòng với dân tộc; người ta bênh vực những quyền căn bản nhất của một con người, khi lọt lòng ra đã có. Đáng lẽ phải khen họ; tại sao lại đi ngăn chặn, sách nhiễu người ta ?
Chuyện làm của Hà nội chỉ làm cho hình ảnh rất xấu xa của cái chính quyền Hà Nội trong vấn đề đàn áp chính người dân của họ. Và điều này, tôi nghĩ rằng có hại cho chính quyền Hà nội trong chuyện họ muốn ứng cử vào Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016. Về phía anh em trẻ thì tôi phải nói rằng, nếu chúng ta so sánh với 10 năm 20 năm trước đây, quả đây là một danh tiếng rất lớn của giới trẻ Việt Nam. Tôi rất lấy làm mừng và rất hãnh diện vì những hoạt động của họ.
Buổi dã ngoại trao đổi về nhân quyền ở Sài gòn và Hà nội kết thúc vào khoảng 11giờ 30’. Đến lúc này chúng tôi vẫn chưa biết rõ các blogger Nguyễn Hoàng Vi, Vũ Sỹ Hoàng và Quốc Anh bị công an giam giữ ở đâu. Trong dư luận đang rộ lên thông tin, bạn Quốc Anh đã bị đánh như một con vật chỉ vì đã chia sẻ và phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay