ĐỨC MẸ MARIA TRONG CUỘC ĐỜI
ĐỨC HỒNG Y PX. NGUYỄN VĂN THUẬN
Bài giảng Lễ giỗ lần thứ 10 Đức Hồng Y tại
Nhà Thờ Tây Ninh, ngày 15.9.2012
nguồn: Ephata 528
Quý Cha và anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay, 15.9.2012, nhân lễ kính Đức Mẹ Bảy Sự Thương Khó, hay còn gọi Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta cùng nhau tập trung từ nhiều nơi về đây, cử hành Lễ giỗ lần thứ 10 của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tuy ngày mai 16.9.2012 mới là ngày chính thức ngài được Chúa gọi về.
Chẳng phải tình cờ, hay ngẫu nhiên xảy ra sự trùng hợp này. Trái lại, vì trong suốt cuộc đời nơi trần thế, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã luôn sống kết hợp vô cùng chặt chẽ với Mẹ Maria, qua từng chặng Đường Hy Vọng. Cho nên, Lễ giỗ Đức Hồng Y hôm nay thật là phù hợp với ngày Lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi.
Tôi muốn nhân dịp này chia sẻ với tất cả mọi người hiện diện trong nhà thờ này, về Mẹ Maria trong cuộc đời của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê. Những lời chia sẻ sau đây có lẽ không có gì mới lạ đối với những người quen nghe nói, hay đọc những tác phẩm của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, hay về ngài. Tôi chỉ xin nhắc lại một số sự kiện và chứng từ, mà tôi ghi nhớ về mối tương quan sống động giữa Đức Hồng Y và Mẹ Maria. Lời lẽ trích dẫn có thể không chính xác, nhưng hi vọng vẫn giữ nguyên được ý nghĩa. Và vì đây là bài chia sẻ
có tính tự phát.
Ngay từ thuở thơ ấu, Bà Nội và Bà Cố đã rót vào tâm hồn ngài tình yêu mến Đức Mẹ qua những buổi kinh tối, lần hạt, cùng nhắn nhủ chí tình. Sau mỗi buổi đọc kinh chung, Bà Nội của ngài còn dâng lên Mẹ thêm một chuỗi Mai Khôi để cầu nguyện cho các Linh mục. Đặc biệt, gia đình Bà Cố rất sùng kính Đức Mẹ La Vang, luôn khuyên nhủ con cháu trông cậy và cầu nguyện cùng Mẹ La Vang. Ngài ghi nhớ rất kỹ ấn tượng này từ thuở thiếu thời.
Nhân dịp Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang ( 1798 – 1998 ), Văn Phòng Mục Vụ cho người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, bảo trợ cho tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu La Vang ( 21 – 22.8.1998 ), tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm, thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, lúc bấy giờ vẫn là Tổng Giám Mục, được mời đến thuyết giảng cho Đại Hội. Tôi có bổn phận tiếp đón ngài từ Rôma sang, tại nhà xứ Giáo Xứ Mẹ Việt Nam ( Maryland ).
Khi Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê vừa đến nhà xứ, ngài liền hỏi xin một tờ giấy và cây bút, rồi lui về phòng riêng. Lát sau, ngài ra và tặng cha Chánh xứ Phêrô Nguyễn Thanh Long một bản kinh viết tay. Đây là bản Kinh Đức Mẹ La Vang. Kinh này do cha Giuse Maria Nguyễn Văn Thích sáng tác và được báo Vì Chúa in ra vào năm 1938. Kinh Đức Mẹ La Vang có lời văn bình dị, chan chứa tình cảm đạo đức chân thành của người Giáo Dân Việt Nam, gồm có 50 câu, được mở đầu và kết thúc bằng hai câu này ( xin xem toàn bài thơ phía cuối
bài này ):
Lạy ơn Đức Mẹ La Vang,
Xin nghe con mọn thở than mấy lời.
Và cũng từ kinh này, Đức Hồng Y đã giảng dạy và sau đó viết ra tập sách “Sứ điệp Đức Mẹ La Vang,”mà điểm được nhấn mạnh là việc cầu nguyện với Mẹ Maria trong đời sống Đức Tin.
Những điều vừa kể cho phép nói rằng tình yêu mến Mẹ Maria, qua lời kinh nguyện truyền thống, đã được khắc ghi vào tâm khảm của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê từ thuở niên thiếu, đặc biệt nhất là đối với Đức Mẹ La Vang.
Nhờ vậy, không ai lấy làm ngạc nhiên, khi ngài thường lập lại danh ngôn của Thánh Gioan Maria Vianney: “Đức Mẹ Vô Nhiễm là mối tình đầu của tôi .” Ý lực này được ngài chọn
làm tiêu đề cho “Con cá thứ nhất” trong tác phẩm do ngài viết ra, gồm những suy tư xuất phát từ gian nan và thử thách, mang tựa đề “Năm Chiếc bánh Và Hai Con Cá”.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê có kể lại rằng thuở còn du học ở Rôma, ngài đã đến hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Khi cầu nguyện, ngài nghe như có tiếng Đức Mẹ nói trong lòng mình: “Mẹ không hứa ban cho con hoan lạc, vui vẻ, mà ban cho con đau khổ và thử thách.”
Thế nhưng sau khi tốt nghiệp và trở về quê hương, ngài được bổ nhiệm làm Cha Giáo, rồi Giám Đốc Chủng Viện, sau đó là Cha Chính Địa Phận và kế tiếp là Giám Mục Việt Nam tiên khởi của Giáo Phận Nha Trang. Thụ phong Giám Mục vào năm 1967, tức chưa đầy hai năm sau khi Công Đồng Chung Vatican II kết thúc, ngài thừa hưởng tinh thần đổi mới và cập nhật hóa ( aggiornamento ) đời sống và sứ mạng của Hội Thánh Công Giáo. Chính vì thế ngài đã hăng say hoạt động Mục Vụ và Tông Đồ. Nhờ tài năng và đức độ, ngài mở mang các Chủng Viện, khích lệ các ơn gọi tận hiến, phát triển và tổ chức các phong trào, đoàn thể,
đồng thời mở rộng công tác bác ái, nhất là cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Với thời gian, hoạt động Mục Vụ và Tông Đồ của ngài gặt hái liên tiếp những thành qủa với tầm tương lai rạng rỡ, làm cho nhiều người trong cũng như ngoài Giáo Hội phải kính phục.
Sau đó, có dịp trở lại Lộ Đức, ngài thưa với Mẹ: “Những gì Mẹ nhắn nhủ trước đây với con,
hình như chỉ đúng cho Thánh nữ Bernadette, hơn là cho con.”
Và đến ngày 15.8.1975, ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài được mời đến Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất, để phải bất ngờ chấp nhận khởi sự một cuộc hành trình đầy băn khoăn, gian khổ và thử thách kéo dài 13 năm tiếp theo. Hành trang ra đi ngoài chiếc áo dòng chỉ có một chuỗi hạt Mai Khôi.
Thời gian bị quản chế ở Cây Vông, Nha Trang, là trạm dừng chân thứ nhất, ngài đã bắt chước Thánh Phaolô khi ở trong tù vẫn tiếp tục viết thơ cho các Giáo Đoàn và tín hữu của mình. Ngài đã nghĩ ra cách viết ngắn gọn và súc tích những huấn từ linh đạo. Ngài liều lĩnh làm như thế vì trong hoàn cảnh nào ngài cũng muốn như được sống gần gũi với Giáo Phận, các tín hữu và những người thân yêu của mình.
Chưa đầy một năm, tác phẩm “Đường Hy Vọng” chào đời, gom kết lại những “lá thư” được viết trên những tờ lịch cũ. “Đường Hy Vọng” gồm 24 chương hay 24 chủ đề, trong đó có một chương dành riêng về Mẹ Maria. Tác phẩm này đã trở thành cuốn sách cơ bản cho Linh Đạo Hy Vọng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê.
Sau này được tự do, có người hỏi ngài: “Trong tù, chắc Đức Cha có nhiều thì giờ cầu nguyện ?” Ngài trả lời: “Vậy ai muốn cầu nguyện thì cứ vào tù !” Thực ra, đã nhiều lần ngài tâm sự rằng có những lúc thể xác yếu đuối, mệt nhọc và đói khát, thêm vào đó là tinh thần căng thẳng, việc cầu nguyện cũng không dễ dàng gì. Nhiều khi ngài cố gắng lắm mới
đọc được Kinh Kính Mừng hay Kinh Hãy Nhớ, nhiều khi chỉ biết kêu lên hai tiếng Ave Maria, Ave Maria… Tuy vậy ngài không bao giờ dám sao lãng việc cậy trông vào Đức Mẹ.
Khi cuộc thử thách cam go dâng lên cao độ, ngài đã dám kêu xin: “Thưa Mẹ, nếu con không còn làm được gì hữu ích cho Giáo Hội, thì xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con được chết để sựhy sinh được trọn vẹn. Còn nếu Mẹ thấy con còn có thể giúp ích cho Hội Thánh, thì cho con một dấu chỉ: Cho con được tự do vào một trong các ngày lễ của Đức Mẹ”. Sau này ngài thú nhận rằng không biết mình có phạm tội thách đố Đức Mẹ hay không ! Không những chính mình sống cầu nguyện, ngài cũng không bỏ lỡ cơ hội nào để xin người khác cầu nguyện cho ngài.
Chuyện kể lại rằng có một người cán bộ quản giáo mà ngài quen biết khi còn ở tù, bị chuyển đổi công tác hay được về quê nghỉ phép gì đó ( chi tiết này tôi không còn nhớ chính xác nữa ). Ngài đã nhờ: “Khi anh về, anh nhớ ghé đến La Vang và cầu xin Đức Mẹ cho tôi”. Người cán bộ này giữ lời hứa và đã đến Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị và nói: “Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, nhưng ông Thuận nhờ tôi tới đây để cầu xin cho ông ấy. Ông Thuận
muốn gì thì Đức Mẹ cho ông ấy được toại nguyện.”
Đến ngày 21.11.1988, một cán bộ đến gặp ngài:
–
Ông Thuận, ông ăn cơm chưa ?
–
Chưa. Tôi đang nấu.
–
Ăn cơm xong, ăn mặc sạch sẽ để đi gặp lãnh đạo.
–
Lãnh đạo nào ạ ?
–
Tôi không biết. Tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên.
Cơm trưa xong, ngài được đưa đến Nhà Khách Chính Phủ. Sau cái bắt tay xã giao, ông Mai Chí Thọ, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, nói:
– Ông Thuận, ông có nguyện vọng gì không ?
– Tôi muốn được tự do.
– Bao giờ ?
– Ngày hôm nay.
Thấy ông Bộ trưởng có vẻ bối rối, ngài nói tiếp:
– Tôi ở tù trải qua 3 đời Đức Giáo Hoàng là Phaolô Đệ lục, Gioan Phaolô Đệ nhất và Gioan Phaolô Đệ nhị. Và thời gian ở tù của tôi cũng đã trải qua 4 đời Tổng Bí Thư Liên Xô:
Breznev, Andropov, Chernenkô và Gorbachev.
– Đúng ! Đúng !
Nói vậy rồi ông Bộ trưởng quay sang nói với người cán bộ:
– Hãy làm cho ông Thuận được toại nguyện.
Hôm đó chính là ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh và ngài được tự do, ra khỏi ngục tù.
Thưa quí Cha và anh chị em,
Trước đây và đặc biệt sau thời điểm này, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê luôn rao giảng về lòng sùng kính cũng như cậy trông nơi Đức Mẹ. Ngài cũng đã sáng tác nhiều thơ kinh
dâng Đức Mẹ, nhất là vào những ngày Lễ kính Đức Mẹ. Chúng ta hãy tìm đọc hai tác phẩm do chính ngài biên soạn “Cầu Nguyện Hi Vọng” và “Chứng Nhân Hi Vọng” như là sách thiêng liêng để cảm nghiệm sâu sắc về tình Mẹ Maria, vì Mẹ là Thầy dạy về Đức Tin, Đức Mến và Đức Cậy.
Hôm qua là ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hôm nay là ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ngày mai là ngày Chúa gọi Đức Hồng Y về Nhà Cha. Chúng ta hãy hồi tưởng hình ảnh Đức Mẹ cùng với Thánh Gioan Tông Đồ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô. Gần vào lúc Ơn Cứu Chuộc lên đỉnh điểm, Chúa trăn trối: “Này là Mẹ con” rồi “Đây là con Mẹ”.
Chúng ta ước mơ thấy một lần nữa, nơi Thiên Đường Chúa cũng nói như thế với Mẹ Maria và Đức Hồng Y, vị Tông Đồ nhiệt thành của Chúa đã sống trọn vẹn làm chứng nhân cho niềm hy vọng vào Chúa.
Chuẩn bị bước vào Năm Đức Tin, chúng ta cùng hiệp thông, cộng tác với Giáo Xứ, Giáo Phận và toàn thể Giáo Hội để khởi sự công cuộc Tái Rao giảng Tin Mừng từ bản thân, gia đình đến xã hội. Vì đây là mệnh lệnh của Đức tin Công Giáo.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê đã từng nói, Bí Tích Thánh Thể là món quà quí báu nhất mà Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Ngoài ra Đức Maria cũng là một món quà quí báu khác, đồng hành với Chúa Kitô. Vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ Nhân Loại và
là Mẹ Các Thánh. Chính Mẹ đã từng nói tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì các con
cứ làm như thế.”
Công cuộc Tái Rao Giảng Tin Mừng muốn được hiệu quả nhờ Ơn Chúa phải bám tựa vào Hai Món Quà này như là nguồn sống đồng thời là nguồn tin yêu và hy vọng để chúng ta nhận lấy và truyền ban. Chúng ta nguyện xin Thánh Ý Chúa được thực hiện tốt đẹp như long mong ước của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
“Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo Thánh Ý Chúa, xin Chúa ban cho chúng con được ơn đang khẩn cầu, với niềm hy vọng thấy Ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ” để Danh
Cha được cả sáng và Nước Cha trị đến. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN,
ghi lại bài giảng của Lm. Giuse Trần Kim Thiện
tại Lễ giỗ 10 năm ngày mất của Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận
tại Nhà Thờ Tây Ninh, Giáo Phận Phú Cường, ngày 15.9.2012