Đức Khiêm Nhường
Khiêm tốn vẫn được coi là một đức tính tốt ở mỗi người. Điều đó ai cũng hiểu nhưng làm sao để có được đức tính ấy?.
Trên chuyến xe lửa chạy từ ngoại ô vào trung tâm thủ đô Pari. Trong toa xe, có một ông già ngồi bên cạnh một chàng sinh viên trẻ. Khi tàu xe chạy được một đoạn thì ông già từ tốn lấy ra trong túi một chuỗi hạt và chỉ ít phút sau ông đã chìm vào trong sự cầu nguyện. Anh sinh viên liếc nhìn tỏ ra khó chịu. Thời gian trôi đi, anh ta vẫn thấy ông già vẫn im lặng, thành kính, say mê lần hạt. Anh sinh viên khó chịu quá thốt lên: Này ông! Đến bây giờ ông vẫn còn tin vào sự vơ vẩn này ư?
Ông già từ từ nhìn lên và nhè nhẹ gật đầu: Vâng, tôi vẫn tin, nhưng còn anh? Anh sinh viên cười khoái trí và trả lời rằng: hồi nhỏ tôi cũng có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin được, khi khoa học đã mở mắt cho tôi khám phá ra những chân trời mới và cống hiến cho nhân loại với biết bao nhiêu điều tốt đẹp.
Ông già giơ tay ngắt lời anh sinh viên. Này anh, anh vừa nói là khoa học đã khám phá ra những chân trời mới, vậy anh có thể cho tôi biết chân trời mới ấy là thế nào không?
Anh sinh viên sôi nổi quả quyết: Vâng, nếu ông muốn biết, thì cứ cho tôi biết địa chỉ của ông, tôi sẽ gửi đến cho ông một cuốn sách. Khi đọc xong cuốn sách ấy, ông sẽ tức khắc bỏ những niềm tin vơ vẩn này đi ngay.
Ông già điềm tĩnh lấy ra tấm danh thiếp đưa cho anh sinh viên. Anh sinh viên đọc tấm danh thiếp, thoáng nhìn ông, bỗng ngượng tái mặt lẳng lặng bỏ sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp của ông già chỉ ghi vỏn vẹn có mấy chữ: Louis Pasteur – Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Pari.
Mẫu chuyện này có thể mang lại cho chúng ta một triết lý và kinh nghiệm sống. Đồng thời, nó nói lên tính tự mãn của con người khi người ta quá đề cao về thành tụ của khoa học mà thiếu vắng niềm tin nơi Thiên Chúa. Câu ngạn ngữ cổ Hy Lạp viết:“Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại”. Còn trong sách Huấn ca thì dạy rằng: ” Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng và vô phương cứu chữa” (Hc 13,18-28).
Nối kết với bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng đưa ra bài học rất thực tế về cách đối nhân xử thế. Ngài dùng dụ ngôn bữa tiệc để khuyên dạy dân chúng cần có thái độ khiêm nhường trong cách quan hệ xã giao. Thái độ này phù hợp với con cái Thiên Chúa trong mọi lãnh vực sinh hoạt. Bởi lẽ, có nhiều kẻ muốn được ngồi trên những hàng ghế vị vọng, muốn được người ta kính trọng, muốn trèo lên những vị trí hàng đầu. Đó cũng là cách thức mà người đời thường đánh giá về nhau qua địa vị, thành tích và ảnh hưởng xã hội về bản thân, họ tự cho mình là quan trọng, là bậc nhất, không ai có thể thay thế được.
Có lẽ, điều Chúa Giê-su nói với dân chúng không chỉ ở cái ghế ngồi, mà đằng sau cái ghế vị vọng đó còn có một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là bữa tiệc của Nước Trời. Bữa tiệc mà mọi người được tham dự, thì sẽ không đánh giá qua địa vị và chức tước. Đối với Thiên Chúa, mọi người đều như nhau khi chúng ta ra khỏi đời này về bên Chúa thì sẽ có nhiều điều bất ngờ. Có khi một bà cụ già hiền lành, một kẻ ăn xin vô gia lại được đứng trước những kẻ vị vọng cao sang quyền quý… Điều quan trọng và cần thiết hơn là làm sao chúng ta được bước vào Nước Chúa, thì không còn là địa vị chức tước nữa, mà là thái độ của lòng khiêm nhường để nhận ra chân lý, nhận ra con người đầy khiếm khuyết và tội lỗi của chúng ta, vì Nước Trời không dành cho những kẻ kiêu căng tự phụ. Lời Chúa nói: “Phúc cho ai có lòng khiêm nhường vì Nước Trời là của họ”.
Cho nên, đức khiêm nhường không những được coi là một phẩm đức tốt mà còn là nền tảng của đạo đức, là cả một đạo lý. Với Lão Tử, khiêm tốn được khái quát lên thành cái “Đạo” của con người thông minh, cái đạo không thể thiếu trong xử thế. Lão Tử viết: “Kiêu Ngạo, ham muốn, nộ khí, ý nghĩ lệch lạc quá nhiều, chỉ có hại mà thôi”. Thật vậy, khi sống với người kiêu ngạo tự phụ, chúng ta sẽ thấy kẻ ấy chỉ lo cho bản thân mình, luôn tìm cơ hội để tiến chức, để được tán thưởng của người đời. Họ sợ thất bại, lo lắng sự đời đến chỗ giận dữ thái quá, ghen ghét, hận thù, và tìm cách hạ bệ người khác, cho mình là nhất, là hơn người, đó là một thái độ tự cao, tự đại của kẻ kiêu căng, nó đi ngược lại với đức khiêm nhường. Một thánh nhân đã từng nói: “Kẻ nào giàu có nhân đức mà thiếu đức khiêm tốn thì cũng giống như người cầm nắm cát đứng trước gió”.
Lạy Chúa, xin cho con đủ khiêm tốn để biết nhận ra con người thật của mình một cách chân thành và trung thực, đừng chạy theo sự giã dối và tự lừa dối mình. Xin cho con khiêm tốn đủ để đón nhận những điều tốt đẹp của người khác, cũng như những yếu đuối tội lỗi của mình. Nhất là bỏ đi tính kiêu căng tự phụ để trở nên con người hiền từ và khiêm nhường trước mặt Chúa và anh chị em con. Amen.