Tác giả: Thanh An
Những năm gần đây, tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng là nhan nhản các hình thức bảo hiểm: bảo hiểm nhà cửa, ô tô, xe máy, bảo hiểm y tế sức khỏe, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm nhân thọ…Các hình thức quảng cáo, tư vấn, khuyến cáo và đôi khi còn là một chính sách bắt buộc, đã được tận dụng triệt để hòng lôi kéo sự chú ý, đồng thời cũng đánh vào tâm lý của con người là những người đang tìm kiếm một sự bảo đảm, một sự an toàn cho cuộc sống.
Hơn nữa, nhiều người trong chúng ta cũng đang dấn mình vào một hình thức đầu tư, tái đầu tư nào đó, chẳng hạn đầu tư nhà đất, đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng và ngoại tệ, v..v…
Các cách đầu tư, các hình thức bảo hiểm cho thấy phần nào đó khát vọng của con người nói chung. Khát vọng có một đời sống khấm khá hơn, đầy đủ hơn và có thể nói là người giàu thì càng muốn giàu hơn, người nghèo thì mong muốn mình có đầy đủ vật chất tiêu dùng. Nói chung là ai cũng thích đầu tư, tích trữ vì sự an toàn cách nào đó cho cuộc sống hiện tại và tương lai.
Vâng, sẽ khó mà nói rằng một con người làm ăn chân chính và mỗi ngày khấm khá giàu có hơn là một người ngốc. Hẳn người ấy ít cũng phải là một người khôn ngoan, lanh lợi, tháo vát và nhất là biết chớp thời cơ. Bài Tin Mừng hôm nay không đề cập đến nguyên do tại sao tài sản của ông phú hộ ấy lại tăng trưởng cách chóng mặt như thế nhưng rõ ràng ông đã tính toán khôn ngoan khi đập bỏ các kho lẫm nhỏ để xây cất những cái lớn hơn hầu có thể tích trữ tất cả những gì ông ấy có được. Nếu ông phú hộ ấy sống trong thế giới chúng ta đang sống ngày hôm nay thì ắt hẳn ông sẽ là một chuyên gia về đầu cơ tích trữ, ông sẽ được các công ty mời chào, săn đón về làm việc hoặc làm cố vấn cho họ. Khôn ngoan, giỏi giang quá chừng!
Ấy vậy mà người phú hộ trong bài Tin Mừng lại bị gọi là “Đồ ngốc”. Tại sao thế? Nếu không có một biến cố xảy ra cho ông ta đêm ấy khi mạng sống ông ta bị đòi lại, bị lấy mất đi không trong sự tính toán của ông thì hẳn ông đã là người khôn ngoan thật. Nếu không có Nước Thiên Chúa là một thực tại hằng hữu đặt đối lập với thế giới vật chất chóng qua thì hẳn ông đã là người khôn ngoan. Nếu như ông phú hộ đã đặt kế hoạch của mình trong kế đồ của Thiên Chúa thì hẳn ông đã là người khôn ngoan. Nếu không có sự so sánh, đặt cận kề nhau giữa thu tích của cải vật chất và sự làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì hẳn ông đã được gọi là người khôn ngoan. Điều này làm cho chúng ta nhớ đến câu chuyện ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó. Mặc cho sự làm giàu là ngay chính hay bất chính thì việc phớt lờ một người nghèo nằm ngay cửa nhà mình cũng đã là sự thiếu đầu tư hay chưa biết tận dụng cơ hội làm giàu trước mặt Thiên Chúa bởi thiếu vắng tình liên đới, cảm thông và chia sẻ.
Bởi thế, lời lẽ của Cohelet trong sách châm ngôn mới thật đáng để ta suy nghĩ: “phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân”. Và nếu như chúng ta nhìn lại châm ngôn sống của thánh tiến sĩ Hội Thánh Anphongsô mà chúng ta mới mừng kính một vài ngày qua thì thật là xác đáng và đáng phải bận tâm suy ngẫm. Thánh nhân nói rằng: ai cầu nguyện thì được cứu rỗi, ai không cầu nguyện thì phải hư mất đời đời. Chuyện được cứu rỗi, được đón nhận Nước Thiên Chúa, đón nhận sự sống đời đời không hệ tại bởi việc tích lũy các của cải vật chất thế gian nhưng là sự đầu tư vào các mối dây tương giao với Thiên Chúa, những bận tâm về Nước Thiên Chúa và tương quan liên đới với anh chị em mình.
Cách đây hơn một tháng, nhân tiện gọi điện báo tin cho một người bạn để nếu như anh có thể sắp xếp công việc thì tham dự thánh lễ phong chức và thêm lời cầu nguyện. Sau một hồi nói chuyện, anh cũng thật tình hỏi rằng:
Tớ muốn tặng cho cậu một món quà, vậy cậu thích gì?
Nếu cậu có thể sắp xếp công việc, tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho tớ, thế là đủ rồi.
Thôi, biết rồi ông thầy ạ!
Cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện… Lúc nào cũng cầu nguyện, nhưng dù là thầy cũng cần “sống thực tế” hơn một chút chứ.
Vậy sống thực tế là sống thế nào? Thực tế mang chiều kích nào? Thực tế có phải là phải luôn luôn thông qua ngũ quan?
Vâng, đó là giới hạn lớn nhất của phận người. Dường như ai cũng cần đến một thực tại, cần một cái gì đó thực tế, rõ ràng, minh bạch và nhất là có thể đụng chạm, sờ mó, nắm bắt, trao đổi qua lại. Và dường như đó mới là đảm bảo, là sự an toàn bên cạnh sự an toàn vĩnh cửu của những thực tại thiêng liêng không thể nắm bắt bằng ngũ quan.
Quả thế, một mặt chúng ta không thể coi thường hay hạ thấp giá trị vật chất mà chính Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta, mặt khác chúng ta cũng được mời gọi để đừng đánh mất các giá trị thiêng liêng Nước Trời và những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong thư thứ hai gởi tín hữu Côlôsê đã khuyên nhủ: “nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa”.
Quả thế, Tin Mừng theo thánh Luca cho chúng ta thấy rằng chọn lựa Nước Thiên Chúa và làm giàu trước mặt Ngài phải là ưu tiên hàng đầu. Cái chết có thể là chất xúc tác giúp ta cảnh tỉnh trước những thu quén cho bản thân về tiền tài, danh vọng, chức tước, quyền lực…vì tất cả những thứ ấy sẽ tiêu tan theo cái chết. Thế nhưng điều có giá trị mãi mãi và là động năng cho các chọn lựa của cuộc sống ấy trước hết phải là sự giàu có, sự công chính trước mặt Thiên Chúa.
Ông phú hộ đã quy chiếu mọi sự về cái tôi mà quên đi Thiên Chúa, quên đi chương trình của Ngài và quên đi sự liên đới cách nào đó với những người thân cận. Ông tích lũy tốt, quản lý tốt nhưng chưa sử dụng tốt. Ông đã đầu tư nhưng chưa đúng nơi, đúng lúc. Ông đã không nghĩ hay chưa từng nghĩ đến việc chia sẻ, giúp đỡ người khác, nhất là san sẻ cho gia nhân là những người cách nào đó đã giúp ông gầy dựng sự nghiệp. Ông tự nhủ thế này: “Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?” Ðoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”.
Thật thế, câu chuyện của ông nhà giàu không phải là câu chuyện của hai ngàn năm trước, nhưng là câu chuyện rất thời sự của chúng ta ngày hôm nay trong cách quản lý và sử dụng tài sản vật chất. Sử dụng khôn khéo các của cải vật chất Chúa thương ban để không chỉ sinh lợi ở đời này mà còn giúp ta tích trữ kho tàng ở trên trời nơi mối mọt không bao giờ gặm nhấm.
Thanh An