Đường thơ ấu thiêng liêng và thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn mạnh Đồng
Dường như Chúa muốn thi hành quyền năng của Người tùy lòng tin cậy phó thác của ta đối với Người , truyện một tâm hồn (TMTH 369,371,372). Và chị đã khám phá ra “cách trở nên trẻ em” là cách sống bé nhỏ như trẻ thơ, đó là luôn có lòng tin cậy phó thác hoàn toàn cho Chúa.
1. Đường thiêng liêng thơ ấu
Thánh trinh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là người đã khởi xướng lên đường thiêng liêng thơ ấu, nguồn gốc cho nhiều cuộc mạo hiểm thiêng liêng trong thế kỷ XX, bắt đầu ở nước Pháp và sau ở nhiều nước trên thế giới. Các sách đạo ở Việt Nam thường nói đến “đường thơ ấu thiêng liêng” (dịch từ tiếng Pháp Voie spirituelle d’enfance hay voie d’enfance) hoặc nói đến “đường nhỏ” (petite voie). Thật ra đường thơ ấu thiêng liêng cũng chỉ là một đường thiêng liêng như nhiều đường thiêng liêng từ thời đầu của Hội Thánh, chỉ khác là có thêm từ “thơ ấu”.
Đường thiêng liêng là lối sống đạo của Kitô hữu tùy theo mỗi người thuộc nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội khác nhau, ở mỗi thời mỗi nơi khác nhau mà thần học gọi là linh đạo, nghĩa là đường lối sống đạo theo Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Ngày nay trong Hội Thánh, thường nhắc đến linh đạo của Thánh Augustinô, của Thánh Bênêđictô, của Thánh Phanxicô, của Thánh Đôminicô, của Thánh Inhaxiô, của Thánh Boscô, của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nhưng riêng đường thiêng liêng của Thánh Têrêxa có tên là thơ ấu để phân biệt với các đường thiêng liêng khác đã kể trên.
Thơ ấu ở đây không thể hiểu theo giải nghĩa của từ điển là: rất ít tuổi, còn bé dại; cũng không thể hiểu là đường thiêng liêng cho con nít, mà phải hiểu theo Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người đã được Phúc âm của Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn soi sáng, để suy niệm, sống theo, và dạy cho các tập sinh trong Dòng Kín ở Li-xi-ơ sống theo.
Như vậy đường thiêng liêng thơ ấu có nghĩa là linh đạo, là lối sống theo Chúa Thánh Thần “thổi hơi và gợi hứng” cho mỗi người, và mỗi người đón nhận hơi thổi và gợi hứng của Người để sống theo Phúc âm Chúa Kitô.
Linh đạo này bao gồm ba việc chính là: lắng nghe Lời Chúa, cách kết thân với Chúa, và sống theo Hội Thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên mỗi Kitô hữu còn thuộc về một dân tộc có nền văn hóa riêng, còn sống trong những hoàn cảnh khác nhau tùy thời tùy nơi, nên cần phải biết hội nhập và thích ứng cho phù hợp. Còn “thơ ấu”, như đã nói ở trên, không có nghĩa là con nít, còn ít tuổi, còn bé dại mà phải hiểu đường thơ ấu của chị như chính chị đã gọi là “con đường nhỏ” hoặc “giáo thuyết bé nhỏ”. Thực ra trong các thủ bản chị không dùng “đời thiêng liêng thơ ấu”.
Vì thế vào hai năm cuối đời, chị đã vâng lời Bề trên Dòng để viết ba tập thủ bản A, B, C, sau được đúc kết thành Truyện Một Tâm Hồn (TMTH), trong đó chị đã trình bày những yếu tố chính: trước hết là lòng nhân từ thương xót của Cha trên trời; sau là chính bản thân và gia cảnh của chị, bối cảnh của tu viện, hoàn cảnh xã hội đương thời, tất cả đã góp phần giúp chị hình thành đường thiêng liêng thơ ấu của chị. Ta sẽ cùng nhau khám phá đời sống và giáo thuyết nhỏ của chị.
2. “Em chỉ là một cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối” (xem TMTH trang 388).
Để khám phá đời sống và đường thiêng liêng thơ ấu của chị, chúng ta rất may mắn có những tài liệu do chính tay chị viết để lưu lại cho nhà dòng, theo lệnh các Bề trên Dòng là chị ruột của chị. Đầu tiên Bề trên bảo chị tóm tắt cuộc đời thơ ấu (Thủ bản A), sau đó xin chị viết thêm về đời tu trong dòng (Thủ bản C), cuối cùng chị viết bổ túc để trình bày “giáo thuyết nhỏ” tức là đường thiêng liêng thơ ấu (Thủ bản B). Chị viết vào hai năm cuối cùng, khi bệnh tật, trước khi qua đời vào năm 24 tuổi. Chị viết vì vâng lời Bề trên chứ không để phổ biến cho mọi người nên chị trình bày rất chân thành, hồn nhiên. Cũng nên nhớ chị còn là một nhà thơ đã có hơn 50 bài thơ đạo.
Cuộc đời chị. Têrêxa là con gái út của gia đình ông bà Lu-y Mac-ti-nô, sinh ngày 2-1-1873 tại A-lăng-xông thuộc nước Pháp. Gia đình có 9 người con, hai trai bảy gái. Hai con trai đã theo hai chị về trời lúc còn non yếu. Còn lại là năm chị em gái lần lượt đều dâng mình cho Chúa trong các dòng. Chưa đầy 4 tuổi chị đã mồ côi mẹ. 8 tuổi phải đi học nội trú ở trường Li-xi-ơ. 10 tuổi bị bệnh nặng suýt chết. 11 tuổi được rước lễ lần đầu và thêm sức. 13 tuổi mắc bệnh bối rối về vấn đề đức khiết tịnh. 14 tuổi trải nghiệm đầu tiên về tội nhân cứng lòng không hối cải. 14 tuổi quyết định xin được đặc ân vào tu Dòng Kín sớm hơn luật định (đáng lẽ là 21 tuổi). 15 tuổi được nhận vào dòng kín Li-xi-ơ với tên Têrêxa Hài đồng Giêsu và Thánh Nhan. 17 tuổi tuyên khấn và đội lúp. 21 tuổi, ba của chị qua đời. 23 tuổi được làm tập sư coi tập sinh và được lệnh bề trên viết tự thuật, cuối năm 23 tuổi gặp thử thách rất nặng là bị thổ huyết vào thứ 6 Tuần Thánh tháng 3-1896. Rồi chị có ý thức là mình được ngồi bàn của những người tội lỗi với Chúa Giêsu, cũng ý thức mình có ơn gọi truyền giáo và ước ao truyền giáo. 24 tuổi sống những ngày cuối đời trong bệnh tật gây đau đớn hơn cũng như trong các cám dỗ về đức tin mạnh mẽ hơn. Cuối cùng sau cơn hấp hối kéo dài, chị qua đời ngày 8-7-1879.
Qua tự thuật của chị, ta thấy từ chỗ là con gái út trong gia đình đông con, vóc dáng thấp nhưng xinh đẹp, sức khỏe mong manh, tính tình tế nhị, bốn tuổi đã mồ côi mẹ, lớn lên đi học nội trú, gặp bệnh nặng suýt chết, bối rối kéo dài khi dậy thì, biết có những người tội lỗi cứng lòng không trở lại, muốn vào Dòng Kín mà chưa đủ tuổi, làm tập sư (coi tập sinh) chưa có nhiều kinh nghiệm vì quá trẻ, mắc bệnh ho lao thổ huyết phải liệt giường và trải qua cơn hấp hối lâu dài… tất cả không thể không làm chị phải mặc cảm tự ti như chính chị đã thú nhận: “em chỉ là cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối.” Tuy nhiên, chị không hề nản chí thất vọng nhưng ý thức “tất cả là hồng ân” của lòng Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, và suy nghĩ cố gắng đáp lại tình yêu Chúa bằng đường thiêng liêng thơ ấu của chị.
3. Để lên trời chị đã chọn con đường bé nhỏ là tin cậy phó thác cho Chúa như trẻ thơ (xem TMTH trang 413,365,369,71)
Ý thức mình chỉ là cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối, phải trải qua bệnh tật và cám dỗ nặng nề, đáng lẽ chị phải mặc cảm tự ti, nản chí thất vọng. Nhưng trong suốt cuộc đời, chị lại cảm nghiệm được tình yêu nhân từ và thương xót của Chúa và Đức Maria, chị cũng nhờ ảnh hưởng lòng đạo đức của gia đình, chị đón nhận tất cả với trái tim tràn ngập biết ơn và yêu mến, bởi vì “ tất cả là hồng ân” (TMTH trang 366), nên chị quyết tâm nên thánh.
Từ 3 tuổi chị đã nhất định không từ chối Chúa điều gì – khi so sánh mình với các thánh chị thấy các ngài như núi mà chị như hạt cát – Chị biết Chúa nhân lành không bao giờ gợi lên trong chị những gì chị không thể làm được, và Người có thể dùng sự bé nhỏ yếu đuối để làm chị trở nên một vị thánh. Vì thế chị vui vẻ chấp nhận thân phận hạt cát và suy nghĩ: “tìm kiếm một con đường thẳng và ngắn nhất, cũng như hoàn hảo nhất để nên thánh” (TMTH trang 413). Chị mở Kinh Thánh và thấy trong Phúc âm thánh Mát-thêu Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3). Lời Chúa nói đây là nói cho tất cả mọi người lớn nhỏ. Nên chị nghĩ rằng việc của chị là phải làm sao cứ mãi mãi như trẻ nhỏ , dù lúc này chị đã là nữ tu 23 tuổi. Chị tưởng tượng ra cảnh một em bé chưa biết đi muốn lên với mẹ đang ở trên đầu thang. Em cố gắng nhấc chân lên bậc thang thứ nhất nhưng lần nào cũng té xuống không lên được. Thấy vậy cuối cùng mẹ em bước xuống bồng em lên với mẹ trên tay… Chị giải thích rằng Chúa như người cha nhân từ toàn năng và hay thương xót , Người mời gọi và thúc đẩy ta nên thánh, dù biết ta yếu đuối.
Nếu ta có thiện chí cố gắng tin cậy và phó thác hoàn toàn cho Người để cứ leo lên, thế nào Người cũng sẽ mau mắn cứu giúp họ (TMTH – trang 414): “lòng tin của con đã chữa con” (Mt 9,22) “anh tin thế nào thì được như vậy” (Mt 10,29), “lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ được như vậy” (Mt 15,28)… dường như Chúa muốn thi hành quyền năng của Người tùy lòng tin cậy phó thác của ta đối với Người (TMTH 369,371,372). Và chị đã khám phá ra “cách trở nên trẻ em” là cách sống bé nhỏ như trẻ thơ, đó là luôn có lòng tin cậy phó thác hoàn toàn cho Chúa. Chị coi đó là cái thang máy đem chị lên với Chúa mà “thang máy đó chính là cánh tay của Chúa Giêsu” (TMTH trang 414).
Tại sao như vậy ? Chị thấy rằng tin cậy và phó thác hoàn toàn cho Chúa là dấu hiệu cốt yếu nhất của tình yêu đích thực. Nếu hai người yêu nhau mà còn nghi ngờ, sợ hãi nhau thì chưa phải là yêu. Chúa đã yêu con người hết mình và vô điều kiện thì con người phải yêu Chúa với tình yêu cũng hết mình và vô điều kiện. “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu” (TMTH trang 372). Chị đã tìm thấy trong thư 1.Cor.13,31 thánh Phaolô nói đến con đường trổi vượt hơn cả đó là đức ái, hiểu theo nghĩa là tình yêu đối với Chúa. Chị suy nghĩ thêm rằng: Tình yêu đối với Chúa bao gồm mọi ơn gọi, không có tình yêu ấy thì các tông đồ chẳng còn rao giảng Phúc âm nữa, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu mình ra (TMTH trang 386). Tình yêu đòi lòng tin cậy phó thác hoàn toàn cho Chúa cả xác hồn chứ không phải cách trừu tượng và phải được biểu lộ cụ thể trong cách kết thân với Chúa là cầu nguyện mà chị coi là “vũ khí có sức mạnh vô địch” Chúa ban cho chị (TMTH trang 476). Đồng thời tình yêu cũng đòi hỏi phải thể hiện trong hành động (TMTH trang 455). Cho nên chị cố gắng chu toàn những việc nhỏ mọn trong bổn phận hằng ngày bằng một tình yêu hết mình.
Trong tu viện chị chỉ có những việc như may giặt, quét nhà , làm cỏ, dọn bàn ăn, múc nước, dọn phòng thánh, dạy các tập sinh, viết tự thuật, chịu đau khổ vì bệnh tật, cám dỗ về đức tin… Do đó khi chị may giặt, quét nhà , làm cỏ, dọn bàn ăn… chịu bệnh tật, cám dỗ… chị sẽ yêu bằng một tình yêu phi thường, vì chỉ có tình yêu mới quan trọng, chỉ có tình yêu mới cứu rỗi “Chị yêu đến chết vì yêu “ (TMTH trang 429).
4. Ba ham mê của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Ý thức mình chỉ là cô bé không đủ sức làm việc và yếu đuối, và cũng ý thức mình được Chúa mời gọi để về trời bằng con đường nhỏ bé, đó là sống hoàn toàn tin cậy và phó thác cho Chúa như trẻ thơ. Tuy chỉ là một nữ tu ẩn mình trong những bức tường của Dòng Kín, thế mà chị luôn hướng cuộc đời tới Chúa, tới cánh đồng truyền giáo trên thế giới, trong đó có các linh mục, có biết bao người chưa biết Chúa, biết bao người tội lỗi. Vì thế chị đã không chỉ lo về trời một mình, nhưng chọn thể hiện con đường nhỏ bé của chị trong ba ham mê lớn: đó là cầu nguyện cho các linh mục, cầu nguyện cho các người tội lỗi, và làm việc truyền giáo.
4.1 “Em say mê cầu nguyện cho các linh mục lẽ ra phải trong sáng như pha lê” (TMTH trang 240)
Chị đã có dịp gặp nhiều linh mục thánh thiện và chị nghĩ rằng “Nếu phẩm chức cao vời của các ngài nâng cao các ngài lên trên các thiên thần thì các ngài cũng còn là những con người yếu đuối mỏng manh… Nếu các linh mục thánh thiện mà trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã gọi là “muối của trần gian” chứng tỏ bằng hành vi của các ngài còn hết sức cần đến những lời cầu nguyện, thì phải nói gì về những linh mục nguội lạnh? Chúa Giêsu đã chẳng nói thêm “Nếu muối đã ra lạt thì lấy gì ướp cho nó mặn lại được” (Mt 5,13). Chị ý thức rằng: “mục đích duy nhất của các kinh nguyện và hy sinh của ơn gọi Cát Minh là làm tông đồ cho các tông đồ” (TMTH trang 241). Và trong thư gởi Mẹ Bề trên, chị viết: “Chúng ta đặc biệt phải cứu rỗi các linh hồn của các linh mục, các linh mục này lẽ ra phải trong sáng hơn pha lê”. Vì thế chị đã nhận “một em trai đầu lòng” là linh mục Maurice Barthélémy Bellière đi truyền giáo bên Alger, Phi Châu (TMTH trang 495), và em trai thứ 2 là cha Adolphe Roulland đi truyền giáo bên Trung Hoa (TMTH trang 500).
4.2 Em cháy bỏng niềm ao ước muốn giải thoát các linh hồn trong tội (TMTH trang 200)
Ngay từ khi được 14 tuổi, chưa đi tu, khi chị hay tin có anh Henri Pranzini 31 tuổi đã giết 2 phụ nữ và một bé gái để cướp của, anh bị kết án tử hình, nhưng anh nhất định không xưng tội và tỏ dấu hối cải nào. Chị biết mình chẳng làm gì được, nhưng cậy nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu và công phúc của Hội Thánh, chị còn xin lễ cho anh. Thế rồi vào giờ chót trước khi lên máy chém, khi linh mục đưa thánh giá cho anh, anh đã cầm lấy và hôn ba lần (THTM trang 201 -202). Sau khi vào dòng, chị có thêm nỗi lo là số phận của bao người tội lỗi, vô thần, duy vật… Chị phải tham dự vào công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu và Hội Thánh, chị say mê cầu nguyện rằng: “Xin Chúa cho con được nghiền nát vì cảm thương các tội nhân, vì các linh hồn chung quanh con”. Chị gọi những người tội lỗi là “anh chị em tội lỗi của Giêsu”, và chị cũng gọi họ là ”anh chị em của chị” và xin Chúa “tha thứ cho các anh chị em của chị”. Chị chấp nhận “ăn bánh đau khổ và hoàn toàn không muốn rời khỏi bàn ăn cay đắng nơi những người tội lỗi đáng thương ngồi ăn” (TMTH trang 422- 423) , như Chúa Giêsu xưa đã ngồi cùng bàn với người thu thuế và tội lỗi (Mt 9,10). Đến cuối đời khi đang hấp hối, chị nhìn sang Mẹ Bề trên và nói “chén đắng đã đầy miệng rồi. Không bao giờ con dám tưởng mình có thể chịu đau khổ tới mức này… con chỉ có thể hiểu rằng con chịu được là bởi lòng con rất thiết tha với phần rỗi các linh hồn”.
4.3 Em có ơn gọi làm tông đồ. Em muốn làm nhà truyền giáo
Cầu nguyện cho các linh mục, cho người tội lỗi, chị còn rất thiết tha với việc làm tông đồ: “Em cảm thấy muốn làm chiến binh, linh mục, tông đồ, tiến sĩ, tử đạo… muốn thực hiện mọi công trình anh hùng nhất” (TMTH trang 381)… “Em muốn đi khắp mặt đất, rao giảng danh Chúa Giêsu và trồng cây thập giá vinh hiển của Người trên mãnh đất vô đạo, đồng thời em muốn loan báo Phúc âm trên khắp Năm Châu cho tới tận những hải đảo xa xôi nhất… Em muốn là nhà truyền giáo không phải chỉ trong vài năm, nhưng em muốn là như vậy từ khi có vũ trụ này cho đến tận thế… Em muốn đổ cho tới giọt máu cuối cùng vì Người” (TMTH trang 382). Về cuối đời chị phải vâng lời nữ tu coi sóc chị đi bộ mỗi ngày 15 phút. Thấy chị đi lại quá mệt nhọc, có một chị khuyên: chị nên về nằm nghỉ thì hơn. Chị đáp lại: “Đúng thế. Nhưng chị có biết em lấy sức mạnh ở đâu mà đi được như vậy không? Em đi để cầu nguyện cho một xứ truyền giáo, với ý nghĩ rằng ở nơi xa xăm đó có vị truyền giáo có lẽ đang kiệt sức vì miệt mài lo mở mang Nước Chúa, em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để cho vị tông đồ ấy đỡ mệt mỏi…”.
5. ĐỂ KẾT
Trước tiên là trình bày ý kiến của các vị chủ chăn trong Hội Thánh về Thánh nữ Têrêsa và đường thiêng liêng thơ ấu của chị. Sau sẽ bàn về đường thiêng liêng thơ ấu và và việc Tân Phúc Âm hóa.
5.1. ý kiến của các vị chủ chăn trong Hội Thánh
– Đức giáo hoàng Piô XI. Khi phong thánh cho thánh nữ Têrêxa năm 1925 đã nói: “Vị Thánh Têrêxa mới đã thấm nhuần đạo lý Phúc Âm và đã thực hành đạo lý ấy trong đời sống hằng ngày của chị. Hơn nữa, bằng lời nói và gương sáng chị đã dạy con đường thiêng liêng thơ ấu cho các tập sinh trong tu viện, và đã trình bày cho mọi người bằng các tập viết được phổ biến trên khắp thế giới… theo lời chứng của vị tiền nhiệm của chúng tội là đức thánh cha Bênêdictô XV, chị đã học được một khoa học tuyệt vời về những điều siêu nhiệm khiến chị có thể vạch ra cho người khác một con đường cứu rỗi chắc chắn.” Hai năm sau, chị được ngài tôn làm Bổn mạng các xứ truyền giáo (1927).
– Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tấn phong Thánh Têrêsa làm Tiến sĩ Hội Thánh trẻ nhất, mới 24 tuổi, trong số 33 thánh Tiến sĩ Hội Thánh. Khi tuyên phong năm 1997 ngài đã nói “lý do trước tiên thánh nữ là một phụ nữ, rồi là một vị thánh rất trẻ đã sống hầu như cùng thời với chúng ta, và có một ảnh hưởng đối với quần chúng hôm nay”. Thánh nữ không hề cắp sách đến Đại học, không hề dự khóa thần học quy củ nào cũng chẳng có bằng cấp gì.
– Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI, khi còn làm hồng y đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin, nhân dịp phong Tiến sĩ cho thánh Têrêxa có nói: “Đối với danh hiệu tiến sĩ Hội Thánh tôi nghĩ cần hai tiêu chuẩn cơ bản: sự tỏa sáng thiêng liêng trên khắp thế giới, và chiều sâu giáo thuyết. Chắc chắn thánh nữ Têrêxa đáp ứng đủ hai tiêu chuẩn này”.
Cũng nên nhớ đức đương kim giáo hoàng Phanxicô đã phong chân phước cho ông bà Lu-y Mac-ti-nô, cha mẹ của thánh nữ, vào ngày 19-8-2008 tại Li-xi-ơ.
5.2 Đường thiêng liêng thơ ấu với Tân phúc âm hóa
Toàn Hội thánh đang tiến hành công cuộc Tân phúc âm hóa nghĩa là lấy nhiệt tình mới để vận dụng Phúc âm một cách mới mẻ, phù hợp hơn với con người và xã hội thời nay, những con người đang bị lôi cuốn theo dòng chảy của tục hóa, của vô thần, duy vật, của hưởng thụ, vô cảm… muốn gạt bỏ Thiên Chúa và tình yêu thương của Người; đang gây ra nhiều hậu quả tang thương cho cả thế giới loài người.
Thiên Chúa là tình yêu đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người để họ biết yêu Chúa, yêu nhau, sống hạnh phúc với nhau như trong địa đàng. Nhưng ông A-dong và bà E-và, nguyên tổ loài người, đã không muốn vâng phục Chúa, không muốn kết thân với Chúa, khiến cả thế giới loài người trở thành địa ngục trần gian. Tuy nhiên,vì Thiên Chúa luôn yêu thương đã cử Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu rỗi loài người bằng con đường vâng phục, hạ mình xuống vác khổ giá và chịu chết, để chứng tỏ tình yêu vô biên và trung tín. Đó chính là Phúc âm của Chúa Giêsu, Phúc âm đã kêu gọi mọi người muốn được hạnh phúc trong Nước Chúa thì phải trở nên như trẻ thơ. Trẻ thơ cốt tại lòng tin cậy và phó thác hết mình cho Chúa.
***Như vậy đường thiêng liêng thơ ấu của thánh nữ Têrêxa là con đường nhỏ, là một cách hữu hiệu và phù hợp nhất để Phúc âm hóa con người và xã hội ngày nay, chắc chắn giúp họ thoát khỏi cảnh một thế giới hỗn loạn vô chủ, và sống với nhau theo luật rừng vì không có Chúa…
Thánh nữ Têrêxa đã nghe Lời Chúa, chọn con đường thiêng liêng thơ ấu, để ham mê sống kết thân với Chúa bằng tin cậy, yêu mến, phó thác hoàn toàn cho Chúa, để cầu nguyện cho các linh mục, cầu nguyện cho mọi người tội lỗi, cầu nguyện cho việc Phúc âm hóa. Chị đã hứa: “khi về trời sẽ làm mưa hoa hồng xuống trần gian”. Hoa hồng đây là những ân sủng Chúa ban cho những ai thực hành con đường thiêng liêng thơ ấu với lòng yêu mến và hy sinh. Còn Kitô hữu chúng ta đang đi theo con đường thiêng liêng nào? Có ham mê trở thành đèn sáng, nên muối mặn để phục vụ nhân loại không (Mt 20, 28), hay chỉ ham mê trở thành “ông vua nhỏ” trong giáo phận, trong giáo xứ, trong gia đình, trong xã hội để cai trị (Mt 20, 25).
Xin mượn một đoạn thơ bốn câu trong bài thơ “Bài ca hôm nay của em” của Thánh Têrêxa để kết thúc bài này:
Đời em như gió thoảng
Đời em tựa mây bay
Có chi mà lo lắng,
Yêu Chúa trọn hôm nay.
(Bản dịch sang thơ Việt của nhà thơ Sảng Đình, cha J.M.Thích).
Lạy thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, xin mưa hoa hồng xuống trần gian, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lễ Thánh Têrêxa 2014
Lm. Antôn Nguyễn mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng linh mục Cần Thơ
Anh chị Thụ Mai gởi