Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam ‘giậm chân tại chỗ’

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam ‘giậm chân tại chỗ’

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

VOA Tiếng Việt

03.12.2014

Đầu tư công ở Việt Nam là vào loại cao nhất và cái kênh thông qua đầu tư công là kênh dễ nhất để tham nhũng. Đã là tham nhũng thì ông phải lấy của công làm của tư. Đầu tư công, thực sự tiền đấy là tiền chùa.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố phúc trình “Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014”, xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, năm 2014.

Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Điểm số của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.

Về đánh giá này, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Việt Nghiên cứu Phát triển IDS, nhận định:

“Đầu tư công ở Việt Nam là vào loại cao nhất và cái kênh thông qua đầu tư công là kênh dễ nhất để tham nhũng. Đã là tham nhũng thì ông phải lấy của công làm của tư. Đầu tư công, thực sự tiền đấy là tiền chùa. Chúng ta cũng không lạ gì, trong thời gian vừa qua, những người có dính dáng đến quyền quyết định về đầu tư công, ví dụ như các dự án rất là lớn như sân bay Long Thành, người ta thúc đẩy rất là mạnh mẽ, cho các dự án ấy được thông qua và khi được thông qua, thì có nghĩa là có tiền chi cho dự án đấy tùy theo từng giai đoạn và khi mà có tiền, lúc đó mới có cơ hội mà tham nhũng, để mà ăn trộm. Cái sơ đồ tham nhũng đơn giản như vậy. Việc đó báo chí cũng đã nêu lên. Bản thân chính phủ và các cơ quan nhà nước cũng đặt thành vấn đề”.

Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia và Miến Điện.

Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, công cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết.

Cơ quan này khuyến nghị Việt Nam “tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời “tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng”.

Ngoài ra, Việt Nam “cần có những cơ chế thiết thực và hiệu quả hơn để khích lệ người dân sẵn sàng tố cáo” cũng như bảo vệ họ.

Tiến sĩ Quang A tán đồng quan điểm của tổ chức Minh bạch Quốc tế:

“Điều quan trọng nhất là chính quyền này đừng cản trở người dân và đừng hăm dọa, hoặc trả thù những người tố cáo. Việc đó mới là việc quan trọng nhất, cản trở nhất cho việc tham gia của người dân. Còn những khích lệ về mặt vật chất, tinh thần có lẽ cũng quan trọng, nhưng chỉ là một nhân tố thứ năm, thứ bảy gì đấy, ngoài cái việc là đừng ngược đãi với những người tố cáo tham nhũng”.

Minh Bạch Quốc tế cũng thúc giục Việt Nam tăng cường tính minh bạch bằng cách “sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin”, “đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền”.

Thời gian qua, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam lại nóng lên với quyết định thu hồi nhà đất của một giới chức từng làm tổng tranh tra của chính phủ, sau khi công chúng đặt nghi vấn về tài sản được báo chí trong nước nói rằng lên tới nhiều triệu đôla của ông này.

Năm nay xảy ra 415 vụ án tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi, nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng.

Xin xem thêm:

Chống tham nhũng ở VN ‘là mị dân’ (BBC)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay