


CÒN HƠN ĐẠI DỊCH
Đến hết ngày 9/3/2020, số người chết vì virus Vũ Hán đã vượt mốc 4.000 người. Chỉ sau 1 tháng 10 ngày, tổng số người chết vì Corona đã nhiều hơn gấp 5 lần so với số người chết vì Sars năm 2003. Nhưng có một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với đại dịch Corona tại Việt Nam.
Miền Tây bước vào đợt hạn mặn nặng nề nhất lịch sử do Trung Quốc chặn dòng Mekong.
Trồng lúa nhưng gặt… rơm là điều vựa lúa cả nước sẽ không chỉ phải đối mặt không chỉ năm trước và năm nay. Trong 10-30 năm nữa, quốc gia sẽ đói gạo theo nghĩa đen, và cả những hậu quả lớn hơn nối nhau hiện ra.
Đừng chỉ coi Trung Quốc là chủ mưu phá hoại đồng bằng bằng chiến thuật liên hoàn đập thuỷ điện trên Mekong. Sai lầm duy ý chí của hệ thống chính trị và sự vô ý thức của người Việt cũng góp phần vào việc “đói hoá” đất nước. Và đừng chỉ nhìn đỉnh hạn mặn lớn nhất trăm năm vào 2019 hay đỉnh hạn mặn mới 2020 của đồng bằng miền Tây mà lo lắng.
Có 6 nguyên nhân lớn khiến quốc gia lâm nguy về lương thực trong tương lai gần.
– Thiếu nước rửa mặn và nước sinh hoạt như đã nói ở trên, do Trung Quốc chặn dòng Mekong.
– Hậu quả của việc đắp đê bao miền Tây nhiều năm và làm lúa ba vụ như đồng bằng sông Hồng kiểu thâm canh khiến chất lượng đất đai đại giảm sau nhiều năm, phụ thuộc nặng vào thuốc bảo vệ thực vậy và phân bón hoá học.
– Tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc phát triển công nghiệp, rác thải sinh hoạt và các hậu quả ô nhiễm môi trường vô cùng khó khắc phục. Nó ảnh hưởng không chỉ cây lúa mà đối với tất cả các cây trồng, vật nuôi khác cũng như với chính con người và thiên nhiên.
– Các hậu quả lâu dài của việc hạn chế quyền tư hữu đất đai của nông dân khiến sản xuất trở nên nhỏ lẻ, không tập trung và không hiệu quả.
– Áp lực của tăng dân số và các vấn đề an sinh xã hội tăng nhanh nhưng hạ tầng cơ sở lại yếu kém nhiều mặt so với các vùng khác của cả nước.
– Nước biển dâng nhanh và các hậu quả khác của biến đổi khí hậu với áp lực ngày càng lớn, trong khi cốt nền của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ cao hơn 0,8 so với mặt nước biển.
Trong 6 nguyên nhân nói trên, chỉ có nguyên nhân cuối cùng thuộc về thiên tai. Cả 5 nguyên nhân đầu tiên đều thuộc loại nhân hoạ, mà ở đó các sai lầm chiến lược về chính sách thể hiện rõ. Rất đơn giản, tất cả nguy cơ đều đã được cảnh báo song các chính sách lớn luôn đi theo hướng khắc phục thay vì phòng chống và bứt phá.
Và trong chừng mực nào đó, bên cạnh những cá nhân thực sự muốn bứt phá khỏi cách làm cũ thì tâm lý “trời kêu ai nấy dạ” hằn sâu trong tâm thức người Việt nói chung và cư dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; cũng làm cho các nguy cơ nói trên hiện ra nhanh hơn.
Đất nước bây giờ cần nhìn thẳng vào thực trạng và đưa ra giải pháp chứ không phải những bản báo cáo “lấy được”, những tuyên bố chính trị lạc quan trái thực tế hay sự đe doạ nhân danh an ninh quốc gia.
Nghĩ thử xem khi có ai đó muốn trồng rừng hay dọn rác, thay vì được ủng hộ chung tay thì họ lại bị hệ thống “hành là chính” làm lỡ việc, bị giám sát hay thậm chí đe doạ; thì còn ai hào hứng muốn làm hay không.
Đi hết đất nước mới thấy kết cấu cơ bản của quốc gia về mặt hạ tầng giao thông đã “lệch trục” đầy mâu thuẫn. Nơi là vựa lúa (miền Tây), là trung tâm kinh tế (miền Đông) lại không được ưu ái phát triển. Trong khi cứ càng gần quốc gia có đường biên giới với Quảng Ninh bao nhiêu thì đường cao tốc, đại lộ càng thênh thang bấy nhiêu.
Không cần chờ đến Tết để lấy cảnh kẹt xe làm ví dụ. Những chuyến xe chở hàng từ miền Tây lên miền Đông rồi đi cả nước vô cùng ì ạch. Trong khi những con lộ thênh thang nối từ biên giới phía Bắc xuống đồng bằng sông Hồng lại rộng thoáng đến mức xe cộ vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt và trâu bò… tung tăng.
Mọi thứ đều có liên quan đến nhau và chỉ trộm nghĩ rằng không thể bỏ rơi miền Tây. Vì nếu hôm nay người dân miền Tây khóc tại nơi xưa kia là bờ xôi, ruộng mật; thì một ngày nào đó không xa như dự đoán của tôi, người dân cả nước sẽ khóc theo.
Chỉ có đám tư bản đỏ và lũ gian thương nhiều năm nay và vẫn đang hút kiệt sinh khí miền Tây nói riêng và sinh khí quốc gia nói chung là không khóc.
Vì chúng có “thẻ xanh”…
MAI QUỐC ẤN
****
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐANG CHẾT DẦN CHẾT MÒN
Trong khi cả nước đang bối rối trước tai họa rình rập của coronavirus thì có một tai họa còn khủng khiếp hơn nhiều, một cái chết được báo trước đang xảy ra, tuy âm thầm nhưng lừng lững tiến tới ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nếu được hỏi nguy cơ lớn nhất cho sự tồn vong của ĐBSCL là gì, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: nước, nước, nước, và nước.
Vấn đề nước đầu tiên ở ĐBSCL là ô nhiễm nguồn nước mặt – cái giá phải trả cho việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức để duy trì lúa vụ 3 và tăng sản lượng nông nghiệp. Thêm vào đó, ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản làm tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Trước đây ở đồng bằng hầu như trẻ em nào cũng biết bơi, bây giờ đến nhảy xuống sông tắm còn không dám vì sợ ô nhiễm.
Vấn đề nước thứ hai ở ĐBSCL là việc khai thác nước ngầm quá mức, một mặt là do nước mặt quá ô nhiễm nên không sử dụng được, mặt khác vì tình trạng quản lý yếu kém nguồn tài nguyên “cha chung không ai khóc” này. Khai thác nước ngầm quá mức, cùng với áp lực của các công trình xây dựng và hạ tầng, khiến nền đất bị sụt lún nghiêm trọng, có nơi lên tới 2-3 cm mỗi năm. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ trong 20-30 năm nữa, những nơi này sẽ tụt xuống dưới mực nước biển (xem ảnh dự báo ở dưới).
Vấn đề nước thứ ba là sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt hàng trăm đập thủy điện ở thượng nguồn gây ra. Thiếu nước ở ĐBSCL – điều chúng ta đang chứng kiến mấy tuần qua – đã ngày càng trở nên nghiêm trọng trong mùa khô. Mặc dù trong mùa mưa, các đập của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nhưng vào mùa khô, tỷ lệ này có thể lên tới 40-50%, khiến cho lượng nước ở hạ nguồn bị phụ thuộc rất lớn vào việc vận hành các đập của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn phù sa và cát bị kìm giữ bởi các đập thượng nguồn – ước lượng hiện nay đã lên tới 50% – cũng làm ĐBSCL mất đi nguyên liệu để bồi đắp cho đồng bằng. Điều này cùng với nạn khai thác cát bừa bãi và vô độ trong nhiều năm khiến tình trạng mất đất và sạt lở ven biển trở nên hết sức trầm trọng.
Vấn đề nước thứ tư là mực nước biển dâng và nhập mặn do biến đổi khí hậu. Hiện nay, mỗi năm nước biển dâng trung bình khoảng 3 – 4 mm. Như vậy, mặc dù không phủ nhận tầm quan trọng của hiện tượng này, song cần nhớ là mức sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức và do các công trình xây dựng và hạ tầng gây ra có thể còn cao hơn tới 10 lần. Hơn nữa, việc nhập mặn tuy bất lợi cho lúa nhưng lại có lợi cho tôm, cá và các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác vốn đem lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều lần so với canh tác lúa 3 vụ, trong khi không gây biến đổi và tác hại môi trường.
ĐBSCL – nơi cư ngụ của hơn 20 triệu người Việt Nam – đang chết dần chết mòn. Nguyên nhân chính không phải vì biến đổi khí hậu hay do các con đập thượng nguồn, mà vì sự hội tụ và tích tụ của nhiều bất cập chính sách và tập quán nông nghiệp trong suốt qua ba thập kỷ gần đây. Nếu không đảo ngược tình trạng này, viễn cảnh tan rã của ĐBSCL chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bạn đã bao giờ thử hình dung khi ấy đất nước Việt Nam sẽ như thế nào và con cháu chúng ta sẽ sống còn thế nào không?
Ảnh 1: Khô hạn khốc liệt đang diễn ra ở ĐBSCL (nguồn UNESCAP)
Ảnh 2: Độ cao so với mặt nước biển của ĐBSCL theo các kịch bản khác nhau (khai thác nước ngầm, khai thác cát, bổ sung phù sa và nước biển dâng). Nguồn https://iopscience.iop.org/art…/10.1088/2515-7620/ab5e21/pdf
VU THANH TU AN