Trân Văn
19-5-2022
Tai sao phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mà lại từ chối xem việc viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội “làm giàu bất chính” khi sửa Luật Hình sự năm 2015.
Các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đang thi nhau phơi bày sự giàu có của ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long kiêm Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 7 năm 2020.
Ông Hà bị tạm giam hôm 14/5/2022 vì liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Quản lý đường sông số 3 và Ban quản lý vịnh Hạ Long (1).
Trước mắt, từ kết quả khám xét tư gia để thực hiện lệnh tạm giam ông Hà, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam ước đoán, chỉ tính riêng giá trị mảnh đất mà ông Hà sử dụng để xây biệt thự bốn tầng đã lên tới 150 tỉ đồng. Còn chỉ tính riêng xe hơi mà gia đình ông Hà sử dụng thì một Mercedes, một Vinfast Lux SA, hai Lexus đã xấp xỉ 20 tỉ đồng (2). Không có đảng, cựu chủ tịch một đơn vị hành chánh cấp huyện không thể nào thủ đắc khối tài sản mà tổng giá trị chắc chắn còn lớn hơn như vậy nhiều lần!
Muốn có khối tài sản chỉ tạm tính đã khoảng vài trăm tỉ ấy, ông Hà phải mất nhiều năm và trẻ con cũng biết khối tài sản đó từ đâu mà ra, tuy nhiên, giống như nhiều đồng chí khác, ông Hà không ngần ngại phô bày sự… “tháo vát” của chính ông.
Muốn biết “chỉnh đốn đảng” hiệu quả thế nào, thực chất và triển vọng của… công cuộc phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” ra sao, cứ nhìn vào tư gia, vật dụng, phục sức, sinh hoạt từ cá nhân đến gia đình của các viên chức đã cũng như đang phục vụ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Ông Hà chỉ là ví dụ mới nhất. Đến bây giờ ông Hà mới bị tống giam để điều tra về một sai phạm xảy ra cách nay vài năm, chắc chắn không phải vì… nghiêm minh!
***
Nhân chuyện ông Hà, có lẽ cử tri Việt Nam nên chất vấn những cá nhân vừa là thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, vừa sắm vai đại biểu cho dân chúng khu vực nào đó trong Quốc hội Việt Nam, rằng tại sao phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhưng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn cương quyết không đáp ứng đề nghị của nhiều người thuộc nhiều giới, trong nhiều năm vừa qua: Công bố các tờ khai tài sản?
Từ chối công bố tờ khai tài sản của những viên chức trong diện buộc phải kê khai tài sản có khác gì sợ dân chúng thực thi quyền giám sát và khiếu nại, tố cáo, sợ các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng như thân nhân của họ không… vui, không… hãnh diện bởi không còn cơ hội… khoe sang, khoe giàu, khoe sự sành điệu trong chuyện hưởng lạc thú cuộc đời nhờ biết cách… vươn lên trong việc theo đảng dẫn dắt quốc gia, dân tộc xây dựng CNXH, xây dựng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”?
Tai sao phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mà lại từ chối xem việc viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội “làm giàu bất chính” khi sửa Luật Hình sự năm 2015 (3). Đến năm 2018 lại tiếp tục từ chối các đề nghị: Hoặc hình sự hóa hành vi ‘làm giàu bất chính’. Hoặc giao cho Tòa án quyết định, hoặc tịch thu sung công, hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị,… khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng (4)?
***
Không thể đếm xuể số lần ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông thề thốt, hứa hẹn sẽ kiên quyết phòng – chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp. Cũng không thể đếm xuể số lần ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông than thở rằng công cuộc phòng – chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp “vừa… khó khăn, vừa… phức tạp”. Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, phòng – chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ là công việc đơn giản.
Tuy nhiên ở Việt Nam, thay vì học thiên hạ, trước nay, ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông chỉ… thề rồi… than. Làm sao “phòng – chống tham nhũng, tiêu cực” có thể hữu hiệu khi thẳng tay gạt bỏ toàn bộ các biện pháp răn đe lúc sửa Luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, khăng khăng từ chối việc công bố các tờ khai tài sản cho dân chúng xem xét, đối chiếu với lý do “rất nhạy cảm” (5) để áp dụng những… “sáng kiến” kiểu như Nghị định 130/2020/NĐ.CP (tháng 10/2020): Hướng dẫn kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng cách tổ chức… bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên xem ai thuộc trường hợp phải xác minh – kiểm tra mức độ chính xác, trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập.
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thiếu sự tôn trọng yếu tố “rất nhạy cảm” liên quan đến… “quyền đời tư và bí mật cá nhân” đó, sẽ còn bao nhiêu người trung thành với sự nghiệp xây dựng CNXH tại Việt Nam như ông Phạm Hồng Hà?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-ong-pham-hong-ha-cuu-chu-tich-ubnd-tp-ha-long-bi-bat-20220514202724593.htm
(3) https://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm