Có câu chuyện ngụ ngôn về cái lưỡi như thế này…

 

Ky Nguyen

Có câu chuyện ngụ ngôn về cái lưỡi như thế này…

1. Ngày xưa, có một ông vua nước Ai Cập gửi cho nhà hiền triết Bias một con vật vừa quí vừa hiếm để tế lễ các thần của mình. Tuy nhiên, ông vua này muốn chơi khăm nhà hiền triết nên nói:“Sau khi cúng xong, ngươi phải trả lại cho ta cái gì vừa tốt nhất vừa xấu nhất nơi con vật quí hiếm ấy”.

Nhà hiền triết liền xẻo ngay cái lưỡi mà trao cho ông vua. Cử chỉ đó gián tiếp xác định điều này:“Cái lưỡi là phần tốt nhất nếu biết sử dụng, nhưng đồng thời cũng là phần xấu nhất nếu không biết sử dụng”. Thật thâm thúy!

2. Lão Tử là người thông minh, tài giỏi. Một hôm, nghe tin thầy giáo là Thương Dung bị bệnh nặng, Lão Tử đến thăm và mời thầy ăn chút gì để chống lại bệnh hiểm nghèo. Nhân lúc thầy giáo tỉnh, Lão Tử xin thầy cho ý kiến dạy bảo thêm. Thương Dung thấy Lão Tử không những thông minh mà còn khôn ngoan, ham học, có suy nghĩ sâu sắc. Thầy Thương Dung mở rộng miệng cho Lão Tử xem và hỏi:

– Lưỡi của ta còn không?
– Thưa thầy, lưỡi của thầy còn ạ!
– Thế răng của ta còn không?
– Thưa thầy không còn ạ!
– Anh có biết ta hỏi anh vấn đề này có thâm ý gì không?

Lão Tử trả lời:
– Dạ, thầy sống rất thọ. Sở dĩ cái lưỡi còn vì nó mềm, răng rụng hết vì nó cứng. Thưa thầy, phải thế không ạ?

Thương Dung nghe Lão Tử trả lời vậy vui vẻ nói:
– Đúng lắm! Cách lý giải của anh hoàn toàn chính xác. Lưỡi vì mềm mà còn được lâu, răng vì cứng nên rụng hết. Đạo lý này không chỉ đúng với răng và lưỡi, mà đối với mọi việc trong thiên hạ cũng đều như thế cả!

Trung dung là cách sống khôn ngoan. Sống thật khó, giữ mồm giữ miệng chẳng dễ, vì con người có “máu” tự ái và giả hình, muốn nói cho hả giận! Hãy nghe tác giả Thánh Vịnh thẩm vấn: “Hỡi kẻ gian hùng, khoe chi tội ác? Suốt ngày ngươi tính kế hại người! Này hỡi tên chuyên nghề lừa đảo, lưỡi ngươi khác nào dao sắc bén” (Tv 52:3-4).

Đối với những người khéo khua môi múa mép – nói cho ra vẻ “êm tai” thì gọi là “người khéo nói”, tác giả Thánh Vịnh so sánh thế này: “Chiều đến, chúng trở lại TRU LÊN NHƯ CHÓ và CHẠY RÔNG khắp thành. Này chúng BA HOA SÙI BỌT MÉP, LƯỠI KIẾM Ở ĐẦU MÔI(Tv 59:7-8). Cách ví von “nặng nề” lắm đấy!

ÍT NÓI không có nghĩa là NÓI ÍT, mà là KHÔNG NÓI ĐIỀU VÔ ÍCH. Đôi khi người ta phải nói, thậm chí là nói nhiều. Dù nói ít hay nhiều thì phải làm sao chúng ta có thể tự hào như tác giả Thánh Vịnh mà chia sẻ điều này: “Lòng trào dâng những lời cẩm tú, miệng ngâm thơ mừng chúc thánh quân, lưỡi tôi ví tựa tay người phóng bút” (Tv 45:2). Ngôn ngữ có hai dạng: Nói và Viết. NÓI là dạng ngôn ngữ vô tự (không có chữ viết), còn VIẾT là dạng ngôn ngữ vô ngôn (không có tiếng nói).

Ngôn hành phải song song. Nói hoặc viết đều phải thể hiện bằng hành động. Tác giả Thánh Vịnh đặt vấn đề và đưa ra đáp án: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan? Phải GIỮ MỒM GIỮ MIỆNG, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy LÀM LÀNH LÁNH DỮ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” (Tv 34:13-15).

Thiên Chúa và Kinh Thánh luôn đề cao các mỹ từ và mỹ ngôn. Người đời cũng quý trọng các lời nói tốt đẹp. Thật vậy, ngạn ngữ Anh có câu: “Lời nói đẹp là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất”. Còn Publilius Syrus (sinh năm 85 trước CN, mất năm 43 trước CN), văn sĩ Latin, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ hối tiếc vì sự im lặng của mình”.

Tài năng được tỏa sáng nhờ sự im lặng, còn sự kém cỏi thường tự lan tỏa bằng âm thanh – ngụ ý “lời nói”. Nói nhiều chính là “bức bình phong” để che giấu sự trống rỗng của tâm hồn vậy!

Đức Mẹ không nói nhiều, chỉ “ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Còn Đức Thánh Giuse hoàn toàn im lặng, cả bộ Kinh Thánh và các tài liệu đều không nhắc gì tới di ngôn nào của Con Người Công Chính này. Sự im lặng rất cần. Đó là “miền sa mạc” cần thiết để có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Im lặng để suy niệm. Im lặng để suy tư. Suy tư để biết mình, biết người, biết xử thế.

Con người đa dạng, lắm kiểu nhiêu khê, tổng quát và ngắn gọn là chia làm hai loại chính – Tốt và Xấu. Chắc chắn Thiên Chúa rất ghét loại người xấu, vì Ngài là Đấng chí thánh và chí nhân. Tuy nhiên, Ngài cũng chẳng ưa loại người “lửng lơ con cá vàng”, như Kinh Thánh đã xác định: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15-16). Ngài cũng đang nói như vậy với mỗi chúng ta ngay bây giờ đấy. Ngay cả phàm nhân – vốn dĩ là những người xấu xa (x. Lc 11:13) và đầy tội lỗi – cũng chẳng ai ưa loại người “dở hơi” như vậy!

Phụ nữ đầu tiên, Bà Tổ Êva đã bị “lưỡi rắn” mà phun “mật ngọt” vào Ông Tổ Ađam, khiến Ông Tổ mù quáng rồi suy sụp hoàn toàn vì bị “nọc độc” làm tê liệt cả thể lý lẫn tinh thần. Nhưng rồi Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa, đã đạp nát đầu con-rắn-ma-quỷ thâm độc đó và dẫn đưa nhân loại đến với Thiên Chúa hằng sinh.

Nói về phụ nữ, không phải là do định kiến hoặc nhìn họ với cặp mắt kính râm hoặc đen thui, mà để cân nhắc và đề phòng. Thực tế vẫn có những phụ nữ tuyệt vời. Đức Maria là điển hình. Chúa Giêsu luôn quý mến và đánh giá cao nữ giới. Thật vậy, Ngài thường ghé thăm chị em Mácta và Maria ở Bêtania, Ngài đã hiện ra đầu tiên với bà Maria Mácđala (Mađalêna) sau khi Ngài phục sinh. Các phụ nữ đã theo Chúa Giêsu suốt đường lên Đồi Sọ, và cũng chỉ còn các phụ nữ đứng bên Thánh Giá. Phụ nữ can đảm thế đấy, còn nam giới chỉ mạnh miệng và lẻo mép, rồi bỏ chạy hết trơn.

Rồi thời Giáo hội sơ khai, các phụ nữ giúp đỡ các tông đồ rất nhiều công việc. Ngày nay cũng vậy, các nữ tu và quý bà vẫn là các trợ thủ đắc lực trong việc truyền giáo. Ai dám chê họ là liễu yếu đào tơ? Đôi khi họ “lắm chuyện” một chút thôi, chứ họ tác dụng hiệu quả lắm đấy!

Xã hội cũng vậy, đã và đang có nhiều phụ nữ giỏi giang và xuất chúng trong các lĩnh vực mà trước đây chỉ có nam giới. Cứ động viên và cứ để họ làm, công việc có khi còn tốt hơn nhiều. Nam giới đừng vội ảo tưởng hoặc “chảnh” đấy nhá!

Tóm lại, phàm nhân quá yếu đuối – với đầy đủ thất tình (hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) và “tam độc” Tham-Sân-Si. Vì thế, con người luôn cần Thiên Chúa phù trợ. Như vậy, chúng ta phải luôn chân thành van nài Đấng-giàu-lòng-thương-xót: “Xin canh giữ MIỆNG con, lạy Chúa, và trông chừng LƯỠI con. Xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ, đừng để con làm điều ác với bọn gian tà ” (Tv 141:3-4).

TRẦM THIÊN THU

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay