CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ CÔ GÁI TRÀ VINH KIÊN CƯỜNG BẤT KHUẤT
(Bài viết Thuyền Nhân của fb Chiêu Anh Nguyễn)
Cô ấy là một thuyền nhân tí hon. 4 tuổi theo gia đình lênh đênh trên biển đi tìm tự do.
Qua bốn trại tị nạn , lao đao khốn khó nhưng những năm tháng ấy cũng đã kịp hình thành ý thức về tự do và quan trọng hơn, suốt 8 năm tị nạn trên đất Thái, cô đã tìm ra lẽ sống và niềm tin của cuộc đời. Cô xin được học giáo lý để được rửa tội theo chân Chúa.
12 tuổi, cái độ tuổi ham ăn ham chơi của đa số bạn đồng lứa thì cô bắt đầu chạm cú shock đầu tiên của đời mình. 12 tuổi cô cùng gia đình bị trả ngược về Việt Nam. Do ngày vượt biển đến trại tị nạn đã quá ngày tiếp nhận thuyền nhân, cả nhà cô bị trả về với tâm thế bị cưỡng bức, không một mảnh giấy cầm tay.
Cô về Trà Vinh nhập học lớp 4 và hành trình học tập của cô cũng bắt đầu lao đao theo những định kiến của chế độ đặt ra cho những “kẻ phản quốc”.
“Kẻ phản quốc” cũng là câu nói cửa miệng của thầy cô trong trường khi nói tới tên Mẫn. Thầy giáo chủ nhiệm cấp 2 nói với cô “chỉ có những đứa phản quốc mới bỏ đi vượt biên thôi”.
Sau khoá sơ cấp Dược (cô học cho Cha Mẹ an lòng) cô quyết định thôi học vì cô biết có tiếp tục hành trình trường lớp cô cũng sẽ không thể vươn lên được trong cái xã hội nhỏ hẹp kia với những định kiến lệch lạc thiếu tình người đến độ bệnh hoạn.
Vốn dĩ gia đình xuất thân từ nền Cộng Hoà nên việc sống và hoà nhập với nhận thức của xã hội và những người được mua chuộc để theo dõi cô cùng gia đình là một điều không thể.
Thị xã Trà Vinh nhỏ hẹp không thoả mãn được ý thức về tự do cũng như mong muốn về quyền được làm người đúng nghĩa mà cô đã sớm được gieo trồng và phát triển. Hằng đêm, ngoài việc đọc kinh cầu nguyện thì việc dò đài Radio trên sóng quốc tế cũng là một niềm vui sống và hi vọng của cô gái 24 tuổi đời. Cô biết được phía bên ngoài kia, thế giới của những người Việt lưu vong, lòng yêu nước vẫn luôn âm ĩ, cô biết nhiều hơn và ý thức nhiều hơn về lòng yêu nước của bản thân.
25 tuổi cô quyết định rời bỏ Trà Vinh lên Sài Gòn tìm những người cùng chí hướng, cùng suy nghĩ và cùng một nhận thức về yêu nước về tự do. 25 tuổi cô phải thay đổi chỗ ở liên tục vì sự đeo bám của công an, an ninh và sự quấy nhiễu của bọn họ, áp lực lên gia đình cô ở quê nhà.
Những hình ảnh của cô trong những cuộc cuộc biểu tình, biểu ngữ về Hoàng Sa – Trường Sa và tinh thần dân tộc của cô một ngày một dày thêm trong tủ hồ sơ an ninh về những kẻ phản động.
Cô bị bắt tại sân bay cùng Mẹ và anh trai trong một chuyến bay về lại Việt Nam sau những ngày giao lưu gặp gỡ các bạn bè Việt Nam lưu vong trên khắp thế giới.
Sau hai đợt Sơ thẩm – Phúc Thẩm cô bị kêu án 8 năm do tội danh phản quốc và lôi kéo đồng bọn (bao gồm Mẹ và anh trai).
Mẹ cô bị kêu án 3 năm, anh trai sau gần hai năm tạm giam được thả về và hưởng án treo.
Suốt 8 năm trong lao tù, không ít lần cộng sản yêu cầu thoả thuận cùng cô để cô được giảm án nhưng cô đều từ chối vì không bao giờ bắt tay hay thoả thuận gì với cộng sản.
8 năm lừng lững và ung dung bước ra khỏi trại giam, cô về với tâm thế ngẩng cao đầu, được hỏi về những năm tháng tù đày cô bé cười rất tưoi và trả lời tôi. “Suốt tám năm em được Đức Mẹ che chở, em hay nằm mơ thấy Đức Mẹ đưa tay ra cho em nắm, và suốt những tháng năm đó em thấy mình đủ sức chị à. Đừng ai hỏi em có hối hận không vì em trả lời một lần duy nhất là em không bao giờ hối hận đâu”.
8 năm lưu vong trên đất Thái trải qua 4 trại tị nạn và 8 năm tù đày trên đất Việt Nam cũng trải qua 4 trại tù khủng khiếp nhất. 16 năm tuổi đời của cô đã trôi qua như thế.
Có ai cảm thấy mình quá nhỏ bé trước cô ấy như tôi không?
Fb Chiêu Anh Nguyễn