Chuyện lạ Việt Nam: truy tố thẩm phán xử án oan
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-10-02
Nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm, ảnh chụp hôm được trả về gia đình
dantri.om
Một trong các quan tòa xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người đã bị khởi tố hôm 30/9/2014. Chuyện hiếm thấy này đang gây chú ý trong dư luận với hy vọng nhiều con sâu khác trong ngành tư pháp sẽ phải trả giá.
Không bất thường nhưng rất hiếm
Án oan rất phổ biến ở Việt Nam, một số vụ được minh oan nhưng có lẽ chưa khi nào vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa xử oan lại bị qui trách nhiệm đến cùng, bới lại một phán quyết sai lầm của 10 năm trước. Án oan gây chấn động gần đây là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người, sau khi ngồi tù 10 năm đã được minh oan và trả tự do.
Đây là trường hợp của nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Phạm Tuấn Chiêm, 65 tuổi cư ngụ ở Gia Lâm Hà Nội. Ở tuổi này chắc hẳn ông Chiêm đã về hưu từ lâu và cũng không thể ngờ là mình lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú, bị khởi tố bị can để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 27/7/2004, ông Phạm Tuấn Chiêm thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao, lúc đó Chủ tọa phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn bị tòa sơ thẩm kết tội giết người với bản án chung thân. Theo VnExpress ông Chiêm bị cáo buộc đã sử dụng các chứng cớ được thu thập trái qui định để y án tù chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người. Hồi tháng 5/2014 Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra lệnh khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và đã bắt tạm giam 2 cán bộ liên quan đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.
” Theo tôi thì việc này cũng có qui định trong bộ Luật Tố tụng Hình sự và bộ Luật Hình sự Việt Nam. Luật đã qui định thì cũng không có gì là bất thường nhưng việc khởi tố một thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì nó cũng là chuyện hiếm ở Việt Nam
Luật sư Hà Huy Sơn”
Luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội nói với chúng tôi là bản thân ông chưa từng biết về việc có thẩm phán chủ tọa phiên tòa nào vì xử án oan sai mà sau này bị truy tố. Đáp câu hỏi là việc khởi tố thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm có bất thường hay không? LS Hà Huy Sơn đáp:
“Theo tôi thì việc này cũng có qui định trong bộ Luật Tố tụng Hình sự và bộ Luật Hình sự Việt Nam. Luật đã qui định thì cũng không có gì là bất thường nhưng việc khởi tố một thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì nó cũng là chuyện hiếm ở Việt Nam.”
Một nét tiến bộ, một niềm hy vọng
Chuyện hiếm thấy về việc mở lại điều tra rồi khởi tố bị can đối với quan tòa thực hiện xử án một cách oan sai được nhà báo Phạm Thành ở Hà Nội, người từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước nhận định theo cách riêng:
“Đúng là chưa từng thấy thật, nhưng mà tôi nghĩ rằng một tay chủ tọa phiên tòa xử sai bây giờ mang ra xử lại ông ta, trong tình hình hiện nay thì đấy lại là một nét tiến bộ. Ở trong chế độ độc tài toàn trị này thì kẻ nào làm sai bị trừng trị là điều mang lại niềm vui cho nhân dân. Nó như một que diêm thắp lên niềm hy vọng của người dân, một tín hiệu báo hiệu sẽ có thay đổi.”
Đáp câu hỏi là chuyện hiếm thấy về việc khởi tố thẩm phán, chủ tọa phiên tòa về việc mình làm sai trong công tác xử án có phải là một tín hiệu về cải cách tư pháp ở Việt Nam hay không? Luật sư Hà Huy Sơn nhận định:
” Một tay chủ tọa phiên tòa xử sai bây giờ mang ra xử lại ông ta, trong tình hình hiện nay thì đấy lại là một nét tiến bộ. Ở trong chế độ độc tài toàn trị này thì kẻ nào làm sai bị trừng trị là điều mang lại niềm vui cho nhân dân. Nó như một que diêm thắp lên niềm hy vọng của người dân, một tín hiệu báo hiệu sẽ có thay đổi
nhà báo Phạm Thành”
“Theo điều 4 của Hiến pháp Việt Nam thì Đảng lãnh đạo tất cả hành pháp. Lập pháp, tư pháp và thậm chí lãnh đạo cả các tổ chức xã hội cho nên tôi cho rằng khi Việt Nam chưa có nhà nước pháp quyền thực sự thì cũng chưa có gì để hy vọng sẽ có cải cách triệt để hay có nền công lý theo như yêu cầu của xã hội.”
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân về tội giết người, ông đã nhận tội vì bị ép cung và nhục hình, dù sau đó ông nhiều lần phản cung kêu oan. Đến cuối năm 2013 khi đã ở tù được 10 năm ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do, sau khi thủ phạm vụ giết người ra đầu thú và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã xem xét lại vụ án. Hiện nay ông Chấn và gia đình đang đòi nhà nước bồi thường 10 tỷ đồng về những mất mát lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần mà ông và gia đình phải gánh chịu.
Quốc hội Việt Nam hồi cuối tháng 9 đã thảo luận nhiều về dự án sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, Pháp Luật chưa hoàn chỉnh khiến cho hoạt động tố tụng có nhiều bất cập. Nếu Việt Nam thực thi Hiến pháp 2013 một cách đầy đủ, trong đó có những qui định về quyền con người, quyền công dân thì sẽ khó có nhục hình bức cung dẫn tới oan sai. LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử và quyền được im lặng nếu được đưa vào luật sẽ giảm được oan sai. Ông nói:
“Làm thế nào để các cơ quan tư pháp kiểm soát lại cơ quan tiến hành tố tụng, tức là chống lại những oan sai này tức là thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì luật sư phải được tham gia ngay từ đầu khi bắt bị can, và nếu có luật sư tham gia thì nó sẽ tạo điều kiện, đã nói đây là sự thách thức đối với các cơ quan khi họ gặp trong tiến trình tố tụng họ phải chứng minh là người đó có phạm tội hay không. Trong hoạt động tố tụng nó phải bình đẳng, nó phải được công khai khi xét xử một người là họ có phải tội phạm hay không thì nó sẽ hạn chế được oan sai.”
Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi cả trăm bộ luật để thực thi Hiến pháp 2013. Mặc dù Việt Nam theo chế độ một đảng toàn trị nhưng trong năm nay, khi Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu phát biểu không dè dặt về thể chế kinh tế về Hiến pháp và quyền cơ bản của con người, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có những cải cách nhất định. Thông tin về việc thực hiện công lý với những thẩm phán và cán bộ điều tra gây ra xử án oan sai là một tín hiệu khác thường. Hơn nữa nó lại trùng hợp với việc báo chí lề phải được thông tin về việc Hong Kong biểu tình đòi dân chủ thì quả là những điều rất lạ.