Is 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21
Lm. Vinh Sơn,
Năm 1960, bà Flo Howell sinh ra một người con là John Paul. Cậu bị bại não. Bất hạnh chồng chất khi chồng bà lại đòi ly dị với bà vì không muốn nhận đứa con tật bệnh. Nhưng bà Flo vì tình thương đã quyết định giữ lại đứa con tại nhà để chăm sóc thay vì gửi cậu vào một cơ sở từ thiện như có người đề nghị.
Thế mà John Paul lại nên người thành danh trong xã hội, và đã viết cho cuộc thi “Người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ năm 1996” như sau: “Mẹ tôi đã hy sinh cả đời cho tôi. Bà không bao giờ rời xa tôi… giữ tôi được sạch sẽ, tắm rửa, cạo râu, mặc quần áo cho tôi… Mẹ tôi nói với tôi rằng: tôi chính là món quà Tình yêu Thiên Chúa đã ban cho bà,và đó là tất cả những gì bà muốn. Thế nhưng tôi biết, đôi khi trong phòng riêng bà đã khóc vì cô đơn, buồn bã, mệt mỏi vì gặp quá nhiều khó khăn với một đứa con bại não như tôi. Vậy mà khi bước ra khỏi phòng, bà lại mỉm cười thật tươi… Mẹ tôi quả là người mẹ tốt nhất trong các bà mẹ”.
Ban giám khảo bình chọn người mẹ vĩ đại xúc động khi đọc bức thư này, và đã nhất trí chọn bà Flo Howell là “Người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ năm 1996”. Người Mẹ vĩ đại vì luôn thương con mình cho mình nó tật nguyền, bị xã hội bỏ đi…
Chúa chạnh lòng thương trước sự bơ vơ của đoàn người đi bộ trong hoang địa để tìm gặp Chúa: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương” (Mt 14,14).
Xa xưa, dân theo Chúa, lắng nghe giáo huấn, như Tin Mừng của thánh Mattheu ghi nhận lại, Chúa Giêsu đã dạy họ bằng giáo huấn : Người gieo giống (x. Mt 13,1-23), lúa và cỏ lùng, hạt cải lớn lên, nắm bột dậy men (x. Mt 13,24-43), Kho tàng, Viên Ngọc quý, Lưới cá (x. Mt 13,44-52)… Theo cấu trúc của Tin mừng Mattheu, giáo huấn bằng dụ ngôn (chương 13), trước phép lạ bánh hóa nhiều (chương 14).
Dân Chúa hết lòng hết tâm đến nghe Lời, dù giữa cảnh đói khát…”Người chạnh lòng thương”. Theo các nhà chú giải : « chạnh lòng thương » chỉ thứ xúc động của tình yêu sâu xa, như bản năng, bắt nguồn từ trong tim hay trong “ruột gan” của một người mẹ: đó không phải chỉ là tình cảm thuần tuý, nhưng là lòng trắc ẩn có sức tác động. Trong Cựu Ước động từ “chạnh lòng thương” chỉ tình yêu của Đức Giavê đối với dân Người, một tình yêu thuộc bản tính của Thiên Chúa… Cho nên Truyền thống đã trình bày việc Chúa hoá bánh ra nhiều như một cử điệu chỉ thoát ra từ lòng trắc ẩn của Đức Giêsu… ( theo F. Prud’homme).
Trước những người thiện tâm đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn chạnh lòng thương… như Tin Mừng có ghi nhận lại : Chúa chạnh lòng thương giơ tay đụng và chữa lành anh cùi xin ngài (x. Mc 1,41) Chúa chạnh lòng thương đoàn dân bơ vơ đến nghe ngài (x. Mc 6,34). Chúa chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà góa thành Naim mất con (Lc 7,13) và cho con bà sống lại, Chúa thổn thức lòng trước cái chết của bạn hữu Lagiaro với lời than khóc của gia đình bạn hữu (x. Ga 11,33.38) và Lagiaro được Chúa cho sống lại…. Ngài chạnh lòng thương, vì dân Chúa lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt, nên truyền xin Thiên Chúa các mục tử chăn dắt, các thợ gặt lúa gặt lúa (x. Mt 9,36).
Chúa chạnh lòng thương trước dân đói khát Ngài làm bánh hóa nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người không kể đàn bà và con trẻ là phép lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mừng cùng thuật lại (x. Mt 14,13-21; Mc 6,35-44; Lc 9,12-17; Ga 6,1-13). Riêng hai tác giả Matthêu và Marco còn ghi nhận thêm phép lạ bánh hóa nhiều lần hai (x.Mt 15,32-38; Mc 8,1-10). Như vậy, chắn chắn sự kiện Chúa làm phép lạ cho dân chúng mang nội dung hết sức quan trọng và Giáo Hội luôn xác tín đó là hình ảnh báo trước về Thánh Thể sẽ được dâng hiến cho muôn người.
Thật thế, Tin Mừng nhấn mạnh: “Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ” (Mt 14,19) đây cũng là những động tác, cử chỉ Chúa đã làm trong bữa ăn sau hết với các môn đệ”, “Cầm lấy bánh”, “đọc lời chúc tụng” (hoặc “tạ ơn”), “bẻ ra và “trao cho” (Mt 26,26) và Ngài truyền cho các môn đệ làm việc này. Cho nên, những cử chỉ này chính là những cử chỉ của truyền thống phụng vụ về nghi lễ “Bẻ bánh” diễn ra trong các buổi họp hội của các tín hữu và luôn đi vào đời sống Giáo Hội là thánh lễ mỗi ngày: nghe Lời và cử hành Thánh Thể.
Trong Thánh lễ, Lời Chúa được giảng dạy và Thánh Thể nuôi dưỡng trong đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cho nên người ta không còn ngạc nhiên về vai trò đặc biệt nổi bật mà việc hóa bánh ra nhiều thể hiện trong đời sống của Đức Giêsu cùng với Giáo Huấn của Ngài.
Người cất bước tìm Nước Thiên Chúa và nghe Lời giảng dạy, được Ngài: “chạnh lòng thương” – chăm sóc đỡ nâng, chữa lành mọi vết thương, cho đủ thỏa tất cả. Hơn nữa Ngài trao ban Thánh Thể. Thật thế, chúng ta đến với Ngài, Tôi và bạn sẽ cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa, một tình yêu khiến chúng ta luôn vững vàng bước đi, đó là tình yêu được Thiên Chúa ban phát.
Tuy nhiên, vấn đề luôn được đặt ra cho nhiều người Công Giáo là chúng ta tham dự Thánh Lễ: Nghe Lời Chúa giáo huấn và rước Thánh Thể thường xuyên mà tại sao không thấy con người mình thay đổi, không cạm thấy tình Chúa ”chạnh lòng thương”. Phần lớn chúng ta tham dự Thánh Lễ vì bị bắt buộc hay vì thói quen mà không thật sự ý thức về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu đang dạy trong Lời Chúa, ngài chạnh lòng thương và trao ban trong Bí Tích Thánh Thể. Mỗi chúng ta như hờ hững với Lời và Thánh Thể nên Thánh Lễ và không đem lại sự thay đổi trong cuộc sống chúng ta.
Xin cho chúng con một lòng khao khát tìm đến bên Chúa, lắng nghe Lời giảng, được Ngài chạnh lòng thương và ban phát Thánh Thể hồng ân, như xưa Ngài ra tỏ tình thương qua phép lạ bánh hóa nhiều.
Và từ Lòng thương nơi Đức Giêsu, Đấng là nguồn mạch của Tình Yêu Thương. Chúng ta mở lòng lãnh nhận lòng yêu thương làm nên tính cách tình yêu nơi mỗi người chúng ta: Con tim biết rung động và chạnh lòng thương.
Vâng,
…Xin cho con có lòng nhân
Giữa bao trắc ẩn, hiến thân cho người
Con nên tấm bánh tình trời
Trao ban lương thực, trao Lời Tình Yêu
( Trích Chạnh lòng thương, Mic. Cao Danh Viện).
Lm. Vinh Sơn, Sài gòn…