CHỈ XIN ƠN KHÔN NGOAN – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

  Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

“Khôn ngoan”, theo nghĩa khái quát, được hiểu là phẩm chất kiến thức, kinh nghiệm hay khả năng phán đoán, phân định, quyết định liên quan đến mọi công việc của con người trong đời sống hằng ngày.

Theo Ki-tô Giáo, khôn ngoan được diễn tả nơi khả năng của lý trí cũng như sự kết hợp giữa lý trí và đức tin.  Lý trí lành mạnh giúp con người nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý và cùng đích của vạn vật.  Theo thánh Tô-ma A-qui-nô: Khôn ngoan chính là món quà của Chúa Thánh Thần ban cho con người.  Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có được sự khôn ngoan để phân định các thực tại, biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài.  Các tư tế, các hiền nhân và các ngôn sứ là ba nhóm người được dân Do-thái coi là khôn ngoan đặc biệt.

Đức Khôn Ngoan

Từ cổ chí kim, trong các nền văn hóa Đông cũng như Tây phương người ta đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan.  Có được sự khôn ngoan, con người trở nên khôn khéo, cư xử thận trọng và dễ thành công ở đời.  Mạc khải Thánh Kinh cho biết, sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Thiên Chúa ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan.

Theo thánh I-rê-nê thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhập thể làm người như sách Khôn Ngoan mô tả: Người tìm thấy niềm vui giữa loài người … “Người đã làm người giữa muôn người…  Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người ” (Kinh Tin Kính của Thánh I-rê-nê).

Muốn có Đức Khôn Ngoan, con người phải tuân giữ Luật Chúa.  Vì: “Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư, khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (Hc 21,11).  Ai làm bạn với Đức Khôn Ngoan sẽ được sống muôn đời (x. Kn 8,17).

Sa-lô-môn đã không xin sống lâu, vinh quang, giàu sang, phú quý hay kẻ thù phải chết mà xin cho được ơn khôn ngoan để có thể hướng dẫn, phân định và xét xử dân Do-thái (1 V 3,4-9).  Ý vua xin đẹp lòng Chúa, nên Chúa nói: “Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12).  Chúa còn nói với vua: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: Giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1 V 3,13).  Đó là lý do, Sa-lô-môn khôn ngoan hơn tất cả những người khôn ngoan ở Phương Đông và Ai-cập (x. 1 V 5,9-10).

Thiên Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa dùng sự khôn ngoan Chúa mà tác thành vạn vật và cấu tạo con người (x.Cn 8,30; Kn 8,6).  Do đó, muôn vật muôn loài được in dấu sự khôn ngoan của Thiên Chúa và phản ánh sự khôn ngoan của Người (x.Rm 1,19-20).

 Đức Giê-su, Khôn Ngoan của Thiên Chúa

Đức Giê-su là Sự Khôn Ngoan của Chúa và là Lời của Chúa Cha (x.1Cr 1,24.30).  Người thông ban sự Khôn ngoan cho con người (x.Ga 1,1).  Trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa nay được Mạc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Theo tiên tri Ba-rúc: “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người” (Br 3, 38).  Thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).  Như vậy, Đức Giê-su vừa là Lời vừa là Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

Thánh A-tha-na-xi-ô khẳng định, Đức Giê-su chính là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ‘được sinh ra từ trước muôn đời’ hay ‘được sinh ra mà không phải được tạo thành’ là Lời duy nhất của Thiên Chúa. Với biến cố Nhập Thể, con người đã nghe và đã thấy, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến Khôn Ngoan của Thiên Chúa ‘bằng xương bằng thịt’ giữa chúng ta.

Để có Ơn Khôn Ngoan, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “Hãy thu tập khôn ngoan” (x.Cn 4,7).  Trước là kính sợ Chúa, vì“kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Thứ đến phải khiêm nhường.  Vì Thiên Chúa “chống cự kẻ kiêu ngạo” và Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6), và tha thiết cầu xin (x. Gc 1,5). 

Đừng lỡ mất Sự Khôn Ngoan

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời.  Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.

Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giê-su là Đấng mà anh gọi là nhân lành, Người là chính Đức Khôn Ngoan.  Đức Khôn Ngoan đã chỉ cho anh: “Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó, rồi đến theo Ta” (Mc 10,17).  Gặp được Chúa Giê-su, nhưng để có được Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan ấy, anh phải bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao?  Một lời mời gọi mới khó làm sao!

Đức Giê-su là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).  “Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2, 3).  Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan?  Nếu biết Đức Giê-su là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan: “Đem so sánh sự giầu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giầu sang như không” (Kn 7, 8).

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan để chúng con được sống đời đời.  Amen.

 Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

From: Langthangchieutim  


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay