Chiều nay, tôi nghe những tàn phai
Nguyễn Ngọc Già gửi RFA
2014-08-11
Ca sĩ Khánh Ly
Ngót ba mươi năm, sân khấu không còn đọng trong trí nhớ của tôi.
Để tìm chút thư giãn, giữa những bài viết chính trị khô không khốc, youtube trở thành người bạn, gởi lại những tiếng vọng êm đềm và bãng lãng.
Khánh Ly và kỷ niệm
Với túi tiền nho nhỏ, cứ ngỡ, lâu lâu, mình hãy tự cho phép “xài sang” một lúc nào đó, khi Khánh Ly về hát. Ít nhất đối với giọng ca một thời của “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”. Đợi từ năm kia, tới năm ngoái và rồi năm nay…
Đành mượn lời Nhật Trường – “thôi em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé…” – mà diễn đạt tâm trạng “Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên” – như Trịnh Công Sơn thốt lên. Dù biết “Em” là cho tất cả. “Em” không phải “sở hữu” riêng ai. Nhưng “Em” nói, đến với nhau là cùng tìm về kỷ niệm.
Do đó, sự trở về của Khánh Ly như một hành khách kịp bắt chuyến tàu cuối cùng trên sân ga. Chuyến tàu, nếu không phải mua nhầm vé, chắc người soát vé ngủ gục, nên mặc hành khách lạc tuyến, khi ga đến đầu tiên – sau gần 40 năm xa xứ – không phải Sài Gòn. Cũng không phải Đà Lạt hay Huế, dù tài công tiếp tục đưa người lữ khách rong ruổi lần thứ hai.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Sài Gòn, không còn gợi lên những “chiều nội trú bâng khuâng”. Lâu lắm rồi. “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” đã xa vời vợi. Thay vào đó là những vỉa hè luộm thuộm với quán nhậu và tiệm cafe. Chen lẫn vài ngân hàng cùng hiệu kính và cả tiệm… rửa xe. Ừ, có cả một quán ăn kèm hát với nhau của Cẩm Vân. Con đường “duy cái mới”, bây giờ, thế đó (!).
Những góc phố ngày xưa chỉ còn lại ánh chiều tà ảm đạm, tô đậm ngón tay vàng khói thuốc, cho những ai muốn tìm về dĩ vãng.
Dường như chẳng còn gì hấp dẫn hay quyến rũ và gợi nhớ? Nhưng ngày xưa, Khánh Ly hát cho “Người Già và Em Bé”, cho cả dân “Du Mục” với “đàn bò vào thành phố réo buồn tiếng hạt chuông”, chứ đâu chỉ “chiều nay còn mưa, sao em không lại…” hay ân cần ôm lấy “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi”? Không, Khánh Ly không chỉ kiêu sa như thế. Không cần đài các như vậy. Giản dị hơn nhiều…
Sài Gòn quen lắm nhưng không còn “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!”
Sự trở về của Khánh Ly như một hành khách kịp bắt chuyến tàu cuối cùng trên sân ga. Chuyến tàu, nếu không phải mua nhầm vé, chắc người soát vé ngủ gục, nên mặc hành khách lạc tuyến, khi ga đến đầu tiên – sau gần 40 năm xa xứ – không phải Sài Gòn. Cũng không phải Đà Lạt hay Huế, dù tài công tiếp tục đưa người lữ khách rong ruổi lần thứ hai
Người Sài Gòn, không xứng đáng, dù chỉ được phép mua vé “tàu ghế cứng toa hạng hai” để nghe, để nhìn và để ngẫm ngợi những gì Khánh Ly muốn tìm về kỷ niệm (?). Một chút gì phả ra nhạt nhòa từ ánh màu bạc bẽo! Nó hắt xuống phố Sài Gòn lấp lóa màu đen hắc ín, trong không khí nóng hực của ngày hè.
Người Sài Gòn nhớ Khánh Ly từ những gì mộc mạc mà rướm máu, hơn là những bóng bẩy và chải chuốt như người Hà Nội xem thấy. Một không gian có vẻ sang trọng nhưng khô và giả. Giả mà như…thật, từ những “bông hoa sống đời”, người ta bán ngoài chợ hay trong các shop để trang trí, làm cảnh cho ngày tết, dịp lễ mà không cần mất công nhiều lắm…
Kỷ niệm, khi gọi tên, nó nên khởi đi từ nơi người ta gắn với tột đỉnh vinh quang và cả nỗi niềm ly biệt. Cả êm mượt như nhung và sóng gió dập vùi. Nước mắt hòa trong thảng thốt trên từng bước chân tháo chạy trong rối bời. Và chia lìa những gì sâu lắng tận đáy tim, in đậm trên từng hàng rào dâm bụt loang lổ. Tan nhanh như từng hạt mưa bong bóng, hòa lẫn “muối mặn” chảy từ khóe mắt. Tất cả nối nhau chảy vô…ống cống. Từ ngày đó – 30/4/1975.
Thế là hết. Dù trẻ lắm, dù mơ hồ, những chao đảo trong tâm khảm vẫn còn nguyên với nỗi sợ hãi lớn dần theo ngày tháng của những năm xưa. Hiển hiện, không thể né tránh. Từ đó, ngụp lặn và đào bới trong… “đống bản nhạc” – như một đống rác buộc dọn dẹp. Lén lút và vụng trộm để tìm mọi cách “tẩu tán” tài sản của chính mình, dù trong mắt “người cách mạng”, chúng nó là thứ cặn bã, lai căng và… phản động! Một thời của văn hóa nghệ thuật Sài Gòn bỗng chết… ngắc!
Đấy là một trong những điều người Sài Gòn nhớ nhất, trong ngày tháng rầm rập bước chân các anh “giải phóng quân” dộng ầm ầm trên những con đường Sài Gòn thơ mộng.
Chốc chốc, gió thốc những bản nhạc bay tán loạn rồi đậu lại trên vỉa hè với vẻ u hoài và xơ xác. Nhiều người thẫn thờ “Để Gió Cuốn Đi” từng bản nhạc như mảnh giấy gói bánh mì. Văn hóa Sài Gòn tuyệt diệt. Tôi biết điều đó, khi từng trang giấy với năm dòng kẻ và những hồn thơ trong đó – được trình bày công phu và trân trọng, thẩm mỹ và đậm cá tính nhạc sĩ sáng tác – đầy dấu chân người qua kẻ lại, chấp chới như cánh bướm rách tả tơi.
Khánh Ly ra đi như hàng triệu người rời bỏ Sài Gòn và miền Nam. Người ở lại chỉ biết nhìn. Lầm lũi và co quắp trong những cơn mưa chiều nặng hạt, mơ về “Những Ngày Xưa Thân Ái” hồn nhiên. Tất cả chỉ còn lại “Như Giấc Chiêm Bao” ngọt ngào. Giấc chiêm bao của đời thực. Dường như định mệnh an bài.
Nói cho ngay, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” trở thành chân lý, khi bóng dáng khập khiễng những lời nhạc đầy ắp chất thơ, còn chỗ nào để bày biện tốt hơn trong nhà hát lớn Hà Nội đầy màu sắc lấp lánh? Với áo quần thơm tho và những bó hoa sặc sỡ. Rỗng. Sáo. Và như những hạt ngọc trai nhân tạo xứng đáng với cái giá của nó.
Thời gian quả khắc nghiệt. Như một viên đá mài, chà xát trên dây thanh đới người ca sĩ. Giọng ca Khánh Ly đục hơn và rè hẳn như dây số 1 guitar, lâu ngày bong tróc dần, sau những miệt mài nâng phím lòng, xoa dịu nỗi đau đời dân Việt “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây/Hai mươi năm nội chiến từng ngày…
Nhưng kỷ niệm, cứ ngỡ, là nơi không phải chỗ mình bỏ chạy cùng với nước mắt, vào năm 1954, bé xíu. Nó phải là nơi cưu mang, bước ra khỏi “tàu há mồm” với cái thở phào năm xưa? Nó phải là nơi gắn bó, thành danh, làm nên tên tuổi và nuôi nấng giọng hát của mình chứ?
Nếu gọi tên “non nớt” khi “Mơ Về Nơi Xa Lắm”, nó có một chút gì kệch cỡm, bởi e rằng lứa tuổi “gió heo may đã về” trở nên chọc ghẹo giới trẻ mất.
Giọng hát của “Nữ Hoàng Chân Đất” bây giờ thích hợp với đôi giày cao gót – dù chông chênh nhiều.
Thời gian quả khắc nghiệt. Như một viên đá mài, chà xát trên dây thanh đới người ca sĩ. Giọng ca Khánh Ly đục hơn và rè hẳn như dây số 1 guitar, lâu ngày bong tróc dần, sau những miệt mài nâng phím lòng, xoa dịu nỗi đau đời dân Việt “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây/Hai mươi năm nội chiến từng ngày…”.
Làn hơi ngày nào gây nghiện cho khán giả, giờ đã ám đầy khói. Những sợi khói bay lên từ “Tàn Tro” năm cũ. Đứt quãng và mệt nhọc. Đuối sức không chỉ từ thần thời gian cản bước mà còn thiếu hẳn sự tự nhiên trong cách ngắt câu và kiểu lấy hơi nặng nề như “người phu quét đường” thở dốc với chiếc xe kéo, cùng một chút khò khè từ buồng phổi nhiều năm không thể thiếu thuốc lá? Âu cũng là lẽ thường.
Giọng ca tái tê và rạn vỡ, bây giờ không còn. Không chỉ là rì rầm như “đại bác đêm đêm dội về thành phố” mà Khánh Ly nì non “Hát Trên Những Xác Người” thay cho những bà mẹ, những người cha hóa điên bên xác con thơ của trận Mậu Thân năm nào… Nhiều lắm…
“Tình cũ không rủ cũng tới”, bây giờ sai mất rồi. Một chút hoài niệm chen lẫn bối rối, khó diễn tả cùng tâm trạng… cụt hứng, khi chờ một kỷ niệm tìm về. Vả chăng, nếu có, người Sài Gòn cũng không thích ngắm nghía giọng ca Khánh Ly với vẻ sang trọng nhưng cứng đơ và đạo mạo, được khoác lên khá khiêng cưỡng như tại Hà Nội. Vốn dĩ người Sài Gòn cũ, dù sành điệu nhưng không sính ngoại với “đặc danh”: “diva”.
Sài Gòn và cả Việt Nam, bây giờ có thứ gì mà không cần đến tiền? Giờ, lộ thiên chơ vơ, trái tim như cục than đen xì bất động; khe khẽ đập và hổn hển thở theo… hai trăm triệu của Phó Đức Phương. “Áo Lụa Hà Đông” bị xé rách toạc trước mắt người… làm văn hóa. Văn hóa gì đây? À! Văn hóa từ “tâm hồn treo ngược ở cành cây” của Sóng Hồng đây mà!
Đó không thể gọi là “đền đài” [1], bởi nó chỉ xứng với tên gọi trang trí như những phông màn làm buổi diễn cho những thanh âm rè đục như “Nghe Những Tàn Phai” cất lên trong lòng chế độ. Sao lại chọn Khánh Ly vào lúc này – như một sự giễu cợt cuối cùng mà người cộng sản vốn thích đùa dai?
Biết đâu, chuyến trở về thứ hai, với Sài Gòn là bến đợi, chiếc áo dài vàng hoa cúc, không bị phết những nhát cọ “một màu đen đen, một màu trắng trắng, chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng”! Trên chuyến xe đó, bên “quần tang áo chế”, người ca sĩ năm nào lê bước chầm chậm để hát nốt những ca từ “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”.
Nghe những tàn phai
Khi nhắc về “đền đài âm nhạc”, dù quý phái hay bình dân; dù thính phòng hay nhạc nhẹ; dù chắt lọc ngôn từ hay bình dị câu hát, nó vẫn phải dành hết cho thân phận con người – Con Người Việt Nam hôm nay.
Đó không thể gọi là “đền đài” [1], bởi nó chỉ xứng với tên gọi trang trí như những phông màn làm buổi diễn cho những thanh âm rè đục như “Nghe Những Tàn Phai” cất lên trong lòng chế độ. Sao lại chọn Khánh Ly vào lúc này – như một sự giễu cợt cuối cùng mà người cộng sản vốn thích đùa dai?
Bất kỳ giá trị nào được làm từ dĩ vãng đều trở nên vô nghĩa, nếu người ta không biết hiện tại xuất phát từ đó đang ra sao và làm sao xoay xở nó trong tương lai – tương lai rất gần, đang đến. Một nỗi bế tắc mang bóng dáng “âm nhạc”, khi cầu viện đến cái tên “Khánh Ly”. Tựa như chiếc vợt cũ rách, cố vớt tạm lòng dân – đang rã mục. Thế thôi. Bởi dòng nhạc Trịnh Công Sơn đã là dĩ vãng, không còn được giới trẻ quan tâm nhiều lắm.
“Đồ cổ” chỉ có giá trị khi mang tính lịch sử và truyền lại tinh thần văn hóa vô giá cho con cháu đời sau. Chỉ tiếc, chính tư tưởng thực dụng đến bẽ bàng của người cộng sản gieo rắc bao năm qua, làm cho giới trẻ không khoái… “đồ cổ”!
Vả lại “môi trường văn hóa” Việt Nam ô nhiễm đến mức ngột ngạt, người ta làm sao có thể ngồi ngân nga hay ngẫm ngợi những câu hát đậm “chất thiền” và đầy tính bao dung của Trịnh Công Sơn nữa?
Người cộng sản hãy cố xoa tay và hít sâu lồng ngực với một cái thở mạnh, hắt ra cho buồng phổi thêm chút oxygen mà tiếp tục sống và hy vọng…
Dù sao, những phút cuối dọn dẹp mặt bằng sân khấu, hạ màn đang đến. Và ở đó, thấp thoáng nhiều “cặp mắt đỏ quạch” dáo dác tìm bằng được “visa EB-5” [2] cho cuộc tháo chạy an toàn, đến Mỹ. Sắp đến rồi…
Bình minh chuẩn bị ló dạng. Chắc chắn là như thế, cho người dân Việt Nam, không phải cho ai khác.
Nguyễn Ngọc Già
Ghi chú: Những chữ viết hoa, in nghiêng và trong ngoặc kép là các nhạc phẩm của các nhạc sĩ.
[1] http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/giua-bai-hoang-ngo-ve-den-dai-61469.html