Chiếc nhẫn cưới

Chiếc nhẫn cưới

ngulãonhân

Cần Thơ – Cô Lệ là hoa khôi của Trường Trung học Russey Keo, tại Phnom Penh, thủ đô của đất nước Chùa Tháp. Một lần đi học về, cô đang chạy chiếc velo solex đổ dốc trên cầu Chroy Changvar (bây giờ là cầu hữu nghị Miên Nhật), thì xe của cô bị nổ lốp. Cùng lúc ấy, phải tránh một chiếc xe ben chạy ngược chiều, cô không làm chủ được tay lái, đụng thẳng vào sau lưng một người thanh niên đi bộ. Anh chàng ngã sấp mặt xuống đất, còn cô chỉ thấy một cú va chạm mạnh, đầu óc choáng váng, trời đất tối sầm lại. Cô không biết gì nữa… Lúc tỉnh lại, cô biết mình đang nằm trong nhà thương. Chăm sóc cô là một anh chàng lạ hoắc. Hỏi thăm mãi, cô mới biết đó chính là người cô đụng phải trên dốc cầu Chroy Changvar.

Họ quen trong hoàn cảnh éo le như vậy. Rồi họ yêu nhau. Cả hai người đều gốc gác ở Cù Lao Giêng, đều là bổn đạo gốc. Cuối năm ấy, họ trao ban bí tích hôn nhân cho nhau tại nhà thờ Russey Keo. Chỉ một năm sau nữa, họ có đứa con trai đầu lòng.

Người chồng cô Lệ là một ngư phủ, đầm đậm người, có nước da bánh mật, tay chân cuồn cuộn những đường gân và bắp thịt. Thân hình anh rắn chắc, đẹp đến nỗi nhìn anh cởi trần kéo lưới cùng đám dân chài, người ta thường nghĩ ngay đến pho tượng David của Michel Ange. Anh cùng đám vạn chài ngược xuôi, ngang dọc, rong ruổi đuổi theo những đàn cá nhiều không kể xiết, trên khắp biển hồ Tonlê Sap. Anh đã từng uống nước thốt nốt lên men tự nhiên đến say ngất ngưởng ở Kampong Thom, đi săn hươu, nai, heo rừng, đến cả voi, cọp với đám thợ săn người bản địa mãi trên Siem Reap, lang thang suốt ngày dưới bóng râm tĩnh lặng nơi đền Angkor Thom, Angkor Wat, ngồi hàng giờ trong những quán bar ngắm nhìn những cô gái người Khmer tóc đen môi đỏ ở Kampong Chhnang… Niềm đam mê của anh là chiếc tàu đánh cá 100 mã lực, được trang bị tân tiến nhất lúc bấy giờ. Nó làm anh tự hào. Nhưng anh còn tự hào hơn về người vợ đẹp người, đẹp nết, hết lòng thương yêu anh, và nhất là về thằng Duyên, đứa con trai của anh, bây giờ đã hơn hai tuổi, tóc hoe vàng, đôi mắt trong vắt như pha lê, long lanh như ánh sao đêm. Anh đặt tên con là Nguyễn Vũ Lương Duyên vừa để nhắc nhớ đến mối tình đối với anh, là đẹp nhất trần gian của hai vợ chồng anh, vừa để tạ Ơn Trên đã ban cho họ mối duyên lành. Mỗi lần thằng bé gọi anh: “Ba! Ba!…” rồi ôm chầm lấy anh, đưa tay xoa xoa hàm râu lởm chởm của anh là anh quên hết mệt nhọc sau một chuyến đánh cá lâu ngày. Khi nó khanh khách cười, tiếng cười của nó như một cơn gió mát lau khô hết mồ hôi trên người anh. Nó có đôi mắt rất giống mẹ, ấy thế mà ai cũng bảo nó giống ông nội nó như hai giọt nước, làm lòng anh rộn rã niềm vui. Nhưng vui nhất, phải là những ngày Chúa Nhật, anh chở vợ con đi nhà thờ, bằng chiếc xe Honda SS 50 cc đời 67, đen bóng, sang trọng, thanh lịch không tả nổi, anh mua bằng giá cả chục lượng vàng.

Anh bằng lòng, thậm chí hài lòng với cuộc sống. Với anh, thế là đủ, quá đủ… Nhưng rồi chiến tranh lan rộng, tràn tới như một cơn bão tàn phá hết mọi thứ. Cũng như mọi người, anh chỉ như một chiếc lá nhỏ nhoi bị cuốn đi, nhấn chìm trong cơn bão lửa. Rồi Lon Nol, Sirick Matak làm đảo chính khi quốc trưởng Norodom Shihanouk đang công cán nước ngoài. Rồi nạn cáp Duồn. Cô Lệ không sao quên được cái đêm kinh hoàng, khủng khiếp ấy. Giữa đêm, họ phá cửa vào nhà, cướp sạch, phá sạch, đốt sạch…, lôi cổ anh đi. Cô bế con lén chạy theo. Họ bắt những người dân vô tội, không một tấc sắt trong tay, lùa đến một bãi cỏ ở một cánh rừng ven sông. Dưới ánh đèn manchon vàng vọt, cô tìm thấy anh. Thằng bé Duyên thét lên: “Ba! Ba!…”. Anh buột miệng: “Con”. Chỉ có thế cũng đủ tố cáo anh là người Việt, là Duồn. Anh nhận bản án tử hình. Bản án được thi hành ngay tức khắc. Tên lính Miên gầy như một bộ xương khô, cặp môi đỏ tái như hai miếng thịt trâu ôi, hàm răng trắng ởn, da đen như quỷ hỏa ngục, lấy hết sức mình dùng cái cuốc nhà binh có in trên cán hàng chữ Made in USA, bổ thẳng xuống, lưỡi cuốc ngập vào đầu anh. Anh chỉ kịp kêu lên một tiếng “Giêsu” rồi đổ xuống, máu phun ra như vòi nước máy. Cô Lệ không sao quên được cảnh tượng chồng mình giãy giụa trong vũng máu. Cả khi anh coi như đã chết rồi, mười ngón tay vẫn còn cựa quậy theo một phản xạ tự nhiên của cơ thể, như cầu cứu, như thay lời nói vĩnh biệt cô… Cô như người mất trí, nhưng rồi cô nghe thấy tiếng máy bay trực thăng phành phạch trên đầu, cùng với tiếng súng nổ như bắp rang từ phía bờ sông. Bọn lính Miên dáo dác rồi bỏ chạy. Đám dân vô tội được cứu sống. Cô thoát chết, nhưng cô đã bỏ lại căn nhà cháy, bỏ lại xác người chồng không được chôn cất, bỏ lại tất cả. Trong một đêm, cô mất hết, không còn bất kỳ một chút của cải nào, ngoài bộ quần áo trên người, một chiếc nhẫn cưới 5 phân vàng 18 carat, một đứa con thơ và một cõi lòng tan nát. Lúc ấy là đầu năm 1970. Sau đó, cô trải qua hết trại tỵ nạn này tới trại tỵ nạn khác, hầu hết là ở các trường Tiểu học Cộng đồng và những túp lều dã chiến bằng vải bạt dựng lên sơ sài ở các sân vận động. Cuối năm, cô là một trong những người của 170 gia đình Công giáo Việt kiều Campuchea hồi hương, được chính quyền lúc bấy giờ do bác sĩ Phan Quang Đán khi đó là Quốc Vụ Khanh đặc trách khẩn hoang, lập ấp đưa đến địa bàn ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xuân định cư. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đạo, cũng là Việt kiều hồi hương, gốc giáo phận Phnôm Penh, được lệnh Tòa Khâm Sứ đến đây, thành lập giáo xứ Thanh Phong (bây giờ thuộc giáo phận Bà Rịa).

Mỗi gia đình trong giáo xứ được chia cho một nền nhà 5 x 25 m. Sau cơn hoạn nạn, người ta sống hết lòng với nhau. Mỗi người một tay, họ giúp đỡ nhau, chặt cây rừng, cắt cỏ tranh, dựng những mái nhà tạm bợ nhưng ở được. Lúc đầu, nhờ có cứu trợ, rồi nhờ trồng khoai sắn, họ sống được qua ngày. Cuộc sống, đã có muôn vàn khó khăn thì đến biến cố 30/4, càng khó khăn hơn. Cô Lệ dắt con đi bán vé số, mua ve chai lông vịt, đi cưa củi, vác cây búa 6 kg cùng đám thanh niên đi đập bê tông lấy sắt vụn đem bán… Tất cả đều vượt quá sức lực, quá khả năng chịu đựng của một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Cô phải “ăn bữa trưa, lo bữa tối”, phải “vắt mũi bỏ miệng”, những hai cái miệng.

Cô bị cái chết của chồng ám ảnh. Chẳng mấy đêm cô không mơ thấy anh. Chẳng trong giấc mơ nào mà anh không nhìn cô với đôi mắt buồn buồn, nhưng chan chứa yêu thương. Cô biết rằng cùng với cái chết kinh hoàng của chồng, trái tim cô cũng đã chết. Cô không thể yêu được bất cứ một người đàn ông nào nữa… Nhưng cuộc vật lộn với miếng cơm manh áo làm cô kiệt sức. Đã có lúc, cô nghĩ: “Nói cho cùng, muốn hay không thì mình cũng chỉ là một con người, một người đàn bà. Mà người đàn bà nào không cần có một bờ vai để tựa đầu, một vòng tay để chia sẻ buồn vui?! Cũng lại nói cho cùng, thử hỏi có tâm hồn nào không cần đến một tâm hồn, có trái tim nào không kêu gọi và đáp trả một trái tim? Người chết đã chết, đành phận người chết; người sống vẫn phải sống”. Khi ấy, cô đã yếu lòng, toan đầu hàng số phận, nghĩ tới chuyện đi bước nữa. Nhưng những giấc cô mơ, với cái nhìn buồn buồn nhưng chan chứa yêu thương của chồng, cùng với lời kinh cầu hàng đêm, với chiếc nhẫn cưới trên tay, và với Ơn Chúa, cô đã trụ được. Mấy mươi năm trời, cô ở vậy, “thờ chồng nuôi con”. Thờ chồng, đó không những là nén hương thơm thắp lên từng buổi tối, những lời kinh sớm chiều, những thương nhớ khôn nguôi, mà còn là một tấm lòng trung trinh son sắt… Nuôi con, không chỉ là thắt lưng buộc bụng cho ăn cho mặc, cho học cho hành, mà còn dạy dỗ nên người, lại là người Kitô. Cô những hy vọng thằng con của cô sẽ là chiếc gối êm ái cho cô kê lưng dựa đầu khi tuổi đời xế bóng. Nhưng không ngờ (ai ngờ được Ý Chúa?!), sau khi tốt nghiệp cao đẳng, thằng Duyên dự thi, rồi được Bề Trên tuyển chọn vào Đại Chủng Viện. Tám năm sau, thầy Duyên thụ phong linh mục.

“Năm ngắn, ngày dài”. Một ngày lam lũ, vất vả trôi đi dài lê thê, nhưng ngó đi, chưa kịp ngó lại đã hết một năm, rồi nhiều năm, rồi một đời người. Cô hoa khôi của Trường Trung học Russey Keo ngày xưa, nay đã già, đã:

“Gánh đời mẹ nặng oằn vai,

Tháng năm bạc tóc, run tay, lưng còng”.

Bà Lệ đã là bà cố. Ngày con trai mình về quê dâng Thánh Lễ Tạ Ơn, bà run run xỏ vào ngón tay út của cha Duyên chiếc nhẫn cưới của bà (phải xỏ vào ngón tay út vì chiếc nhẫn chật quá). Bà nói phều phào qua hàm răng rụng quá nửa:

-Quà của cha con. Mẹ chẳng có gì đáng giá tặng cho tân linh mục của mẹ…

Cha Duyên ôm chầm bà cố:

-Mẹ ơi! Mẹ đã cho con cả cuộc đời rồi còn gì?!

Người ta thấy cả bà cố Lệ và cha Duyên cùng rưng rưng nước mắt.

ngulãonhân

Anh Nguyễn v Thập gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay