Chế độ Hà Nội sợ các trang mạng ‘độc hại’
Nguoi-viet.com
HÀ NỘI (NV) – Dù nỗ lực ngăn chặn, số trang mạng “lề trái,” mà chế độ Hà Nội gọi là “độc hại,” xuất hiện nhiều gấp hàng chục lần cái bị dẹp, làm điên đầu chế độ Hà Nội nhằm giữ quyền lực thông tin tuyên truyền một chiều.
Một số báo chính thống của đảng và nhà nước CSVN. (Hình: Internet)
“Cứ chặn một trang thì 10-20 trang khác lây lan, với giọng điệu ngày càng phản động. Đó là sự câu kết giữa trong và ngoài, giữa những người bất mãn, bất đồng chính kiến với những kẻ muốn xóa bỏ CNXH, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho tình hình đã phức tạp lại càng phức tạp,” ông thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông của CSVN là Trương Minh Tuấn “thẳng thắn chỉ ra” tại “hội nghị tổng kết công tác 2015, triển khai kế hoạch 2016 của Bộ TT&TT” hôm Thứ Hai 28 tháng 12, 2015.
Cuộc họp này quy tụ những kẻ cầm đầu guồng máy kiểm soát thông tin tuyên truyền chính thống của chế độ Hà Nội nằm trong “khối thông tin” gồm Cục Báo Chí, Phát Thanh – Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử, Thông Tin Đối Ngoại và vụ Thông Tin Cơ Sở của bộ nói trên, mà ông Tuấn kêu rằng “có nhiều thách thức đối với công tác quản lý báo chí, quản lý thông tin.”
Trong cuộc họp, ông Trương Minh Tuấn kêu rằng, “Chưa có năm nào mà hoạt động chống phá được tăng cường như năm 2015. Tác động từ bên ngoài đến nước ta cũng rất nhiều, có mặt lợi, có hạn chế và cả những nguy cơ tiềm ẩn.”
Ông này kêu rằng, “Nếu năm 2014-2015, ta chỉ phải chặn một số trang mạng xấu, độc hại, như chân dung quyền lực, dân làm báo, quan làm báo…, thì giờ đã có thêm hàng trăm trang như vậy. Cứ chặn một trang thì 10-20 trang khác lây lan, với giọng điệu ngày càng phản động…”
Khi chưa có hệ thống Internet toàn cầu, nhà cầm quyền CSVN độc quyền thông tin trên báo giấy, qua các đài truyền thanh và truyền hình. Người dân không thể kiểm chứng những thông tin đó đúng hay sai, thật hay giả được bao nhiêu phần. Kẻ cung cấp thông tin tha hồ vo tròn bóp béo. Nhưng càng ngày, sự phát triển của Internet và sự tiếp cận thông tin đa chiều của người dân tại Việt Nam càng ngày càng phổ biến, chế độ Hà Nội không còn giữ được thế độc quyền thông tin nữa.
Ông Hoàng Hữu Lượng, cục trưởng Cục (kiểm soát) báo chí của nhà cầm quyền CSVN dịp này cũng nhìn nhận rằng, “Cuộc cạnh tranh thông tin giữa báo chí với mạng xã hội cũng ngày càng trở lên quyết liệt. Báo chí (chính thống của nhà nước) không còn độc quyền về thông tin, người đọc có thể tiếp nhận thông tin từ rất nhiều nguồn mà không quan tâm nhiều đến tính chính thống, bài bản…”
Người dân tìm đến các trang mạng xã hội, thông tin trên Facebook, hơn là đọc tin từ các cơ quan truyền thông của nhà nước cung cấp dẫn đến hệ quả, “Người đọc giảm dẫn đến quảng cáo, phát hành của các cơ quan báo chí giảm. Các báo nhận ngân sách cũng đang khó khăn,” ông Lượng cho biết.
Theo lời ông Hoàng Hữu Lượng, vì độc giả tẩy chay báo chí chính thống của chế độ chỉ cung cấp thông tin một chiều, che đậy sự thật nên “các cơ quan báo chí, trong đó có cả báo in, báo trực tuyến và phát thanh truyền hình (chính thống) đó là tình trạng nợ lương, nợ nhuận bút, nợ nhà in đang xảy ra ở nhiều cơ quan báo chí.”
Để câu thêm độc giả, rất nhiều báo chính thống của chế độ đã khai thác các thứ tin tức, hình ảnh “cướp, giết, hiếp” rất tận tình, đặc biệt là các câu chuyện, hình ảnh kích thích tình dục.
Theo nhận xét của một độc giả ở Sài Gòn gửi cho đài BBC hồi năm ngoái, chỉ riêng về ngôn ngữ báo chí thì “Ngôn ngữ của báo mạng dần giống như truyện kiếm hiệp Kim Dung với “đuổi giết” thành “truy sát,” “cô gái,” “người đàn bà” nay thành “thiếu nữ,” “thiếu phụ,” “góa phụ,” con nhà giàu có giờ trở thành “thiếu gia,” “tiểu thư,” thậm chí nhiều báo còn dùng “nữ tiểu thư” (chắc để phân biệt với “nam tiểu thư”?) Ngoài “cưỡng dâm,” giờ đây người ta còn viết “cưỡng hôn,” ý nói hôn người khác mà không được cho phép.”
Theo Bộ Thông Tin-Truyền Thông Việt Nam, tính đến ngày 26 tháng 12, 2013, trên cả nước có 838 cơ quan báo in với 1,111 ấn phẩm, 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong số hơn 800 tờ báo, số báo sống được nhờ lượng phát hành chỉ trên dưới 10 tờ, theo một số nhà báo trong nước.
Thỉnh thoảng, người ta thấy một vài tờ báo bị phạt tiền vì thông tin sai, một vài ký giả bị thu hồi thẻ nhà báo vì “đăng tin, bài có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam và đăng tải tin, bài có nội dung mê tín, dị đoan” hay “tin, bài sử dụng câu từ phản cảm.” Nhưng những tin tuyên truyền vu khống những người tham gia đòi hỏi dân chủ, nhân quyền khi bị khiếu nại thì không bao giờ đăng tải và cũng không bao giờ bị phạt.
Ông Kim Quốc Hoa, tổng biên tập tờ Người Cao Tuổi, đã bị khởi tố hồi tháng 5, 2015, tờ báo bị đình bản chỉ vì tờ báo đăng tải rất nhiều bài viết vạch lưng tham nhũng trong guồng máy công quyền và đảng. Ông đã bị khởi tố theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà Nước…”
Hiện nay, luật báo chí sửa đổi đang được chế độ Hà Nội chuẩn bị cho thông qua vào kỳ họp cuối cùng của khóa họp Quốc Hội năm tới nhưng vẫn giữ độc quyền báo chí và không cho tư nhân làm báo. Làm sao chế độ Hà Nội có thể “lấy thúng úp voi” vẫn là dấu hỏi. (TN)