Chấp Nhận Cuộc Đời
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Làm sao vui vẻ chấp nhận cuộc đời nếu gặp:
1-Sự bất như ý:
Nhìn lại quãng đời đã qua của chúng ta, chắc chắn mỗi người trong chúng ta, đa số đều gặp những hoàn cảnh bất như ý:
* Làm nghề nghiệp mà mình không thích, không phải sở trường. Tốt nghiệp ngành này lại đi làm ngành nghề khác. Riêng tôi tốt nghiệp đại học luật khoa, không làm luật sư mà làm nghề dạy học. Rồi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, lại đi tù cộng sản. Năm 1983 ở tù về, không được dạy học, phải làm nhiều nghề để sống: dạy kèm tư gia, giặt bao nylon, bán bia và nước ngọt. Qua Mỹ, làm chỗ sang băng nhạc, tiệm grocery, bán bảo hiểm.
* Nhiều người thất nghiệp, mất nhà, mất xe, không có tiền bạc, sống cơ cực, khổ sở.
* Nhiều người gặp gia đình đỗ vỡ, chia ly tan tác ngoài ý muốn, con cái thất học, nheo nhóc.
*Nhiều khi con cái không làm theo ý mình hoặc hư hỏng, không chịu học hành theo băng đảng, hút sách.
Nếu gặp sự bất như ý chúng ta không thể giải quyết được vì nó vượt ngoài tầm tay, sự hiểu biết, khả năng của chúng ta thì ta phải làm sao?
Chỉ có cách duy nhất là chịu đựng, không than van, và liên tục cầu nguyện. Cho nên nhà thờ, đoàn thể, các nhóm cầu nguyện rất cần thiết để chúng ta chia sẻ những khó khăn, những lo âu, chán nản mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Chẳng những cầu nguyện mà còn nên ca ngợi Chúa về những hoàn cảnh bất như ý mà ta đã gặp phải. (1)
Đời sống tâm linh rất quan trọng. Chúng ta thường xuyên đến nhà thờ, cầu nguyện với Thiên Chúa toàn năng, chắc chắn khi Chúa đóng cửa này sẽ mở cửa khác cho chúng ta. “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gỏ thì cửa sẽ mở cho.” (Mt 7, 7-12)
2- Bịnh hoạn, Tật nguyền
Nhà Phật có nói: Sinh Lão Bịnh Tử. Ai trong chúng ta cũng phải đi qua con đường này. Không thoát được.
Bịnh tật là tất yếu phải xảy ra. Khi lớn tuổi, sức khoẻ suy yếu, sinh ra bịnh tật… tiểu đường, cao máu, cao mở, đau nhức… chưa kể có người bị các chứng bịnh nan y như ung thư, đau thận, đau gan, đau phổi, đau tim, mổ tim… Không phải chỉ có những người già cả mới bịnh hoạn, có khi còn trẻ cũng đã vướng nhiều bịnh nan y rồi. Vậy làm sao được bình an khi gặp trường hợp không may xảy ra như bịnh hoạn?
Rất khó chấp nhận hoàn cảnh đau khổ, bịnh tật. Để được an ủi, để có thể chịu đựng những đau đớn về thể xác và về tinh thần, có thể học hỏi niềm tin, niềm cậy trông của thánh Gióp, niềm tin vào Chúa để chịu đựng khổ sở, khó khăn, chịu nhục hình như các thánh tử đạo Việt Nam. Học tập gương Thánh Giu se, gương Đức Mẹ, nhất là gương Chúa Giê su chịu đựng khổ hình đau đớn nơi thập giá. Nhờ đó chúng ta có thể chịu đựng được những đau khổ, khó khăn của chính mình. (1)
3- Đau khổ, cô đơn.
Sự cô đơn, sống một mình, chịu đựng hoàn cảnh trống vắng, đơn độc.
Đến lúc nào đó, một trong hai vợ chồng phải ra đi sớm. Người còn lại phải chịu đựng sự cô đơn, mất mát vô cùng lớn lao không có gì bù đấp được. Vì gặp cảnh cô đơn chúng ta mới đến với Chúa, chúng ta cần Chúa nhiều hơn nữa. Xem cô đơn là một điều kỳ diệu!
Làm sao khám phá niềm vui trong đau khổ?
Trong đau khổ làm sao có niềm vui? Tìm thấy “thú đau thương” chăng?
Thánh Phaolô biểu lộ ước muốn của mình là biết “thông phần những đau khổ của Đức Kitô, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.”
Thánh nhân đã nghe Chúa phán với mình: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”
“Thầy ở trong Cha, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.”
Hàng ngày luôn luôn thức tỉnh, học tập, cố gắng thực hành yêu thương và tha thứ. “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44) Nói thì dễ, nhưng làm rất khó. Với sức con người bình thường chúng ta không làm được, nhưng với ơn Chúa chúng ta có thể làm được.
4- Sự chết:
Dầu là dân thường hay vua chúa, quan quyền, đến lúc nào đó cũng phải ra đi. Sự chết là tất yếu của đời sống của con người. Ai ai cũng trúng số “độc đắc” một lần, đó là sự chết. Nhưng vẫn có rất nhiều người, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chết?
Để cảm nghiệm về cái chết, ta nên thường xuyên đi đọc kinh nhà quàn, tham dự các thánh lễ an táng, tiễn đưa những người bạn bè, người thân quen, đã ra đi, để cảm nghiệm: “rồi chính mình cũng sẽ chết” cũng sẽ nằm im lặng, bất động trong quan tài giống như thế.
Khi nhắm mắt rồi, cát bụi lại trở về với cát bụi hư vô:
*Khi đôi mắt nhắm nghiền và đôi tay lạnh ngắt
Quả tim không chuyển nổi máu tươi hồng
Thì danh vọng phải trả về cho sắc sắc
Thì bạc tiền đành hoãn lại chốn không không…
Những ân ái, hận thù và mưu chước
Những thăng trầm vinh nhục cũng luôn trôi. (2)
*Đời sống con nguời mong manh, mỏng dòn:
“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.” (Thánh Vịnh 90,10)
*“Con đừng sợ án chết.
Hãy nhớ rằng: có những kẻ đã đi trước con,
Và sẽ có những người theo sau.
Đó là điều Đức Chúa quyết định cho hết mọi người phàm
Tại sao cưỡng lại điều Đấng Tối Cao đã muốn?” (Sách huấn ca 41, 3-4)
Đối với người kitô hữu:
“Người chết là người đã vĩnh viễn hoàn tất đời mình. Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mặc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53)” (LM Thái Nguyên, bài “Suy gẫm về sự chết”, nguồn simonhoadalat.com).
Đức Giê-su khi biết mình sẽ phải chết, đã nhắc đến cuộc ra đi vượt qua của Ngài để các môn đệ yên tâm và không hoảng sợ trước sự chết. “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 1-2).
Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6, 8).”
Với niềm tin tưởng vào Đức Kitô, niềm an ủi lớn lao là chết không phải là yên nghỉ mà là tiếp tục sống. Vì cái chết chính là ngưỡng cửa đi vào đời sống vĩnh cửu. Với người Ki-tô hữu, “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi).
Quả thật, với một cái nhìn đầy lạc quan và hy vọng, một niềm tin về đời sống vĩnh cửu, có sự sống lại đời sau nên trong giờ phút lâm chung thi sĩ Tagore đã thốt lên: “Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết”. (3)
Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng nói: “Sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến”. (Sách Đường Hy Vọng và Dẫn Giải)
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Tháng 08 năm 2021
(1) Sách Quyền Năng của Tâm Hồn biết ca ngợi LM Nguyễn Đức Mầu
(2) Trong bài Cảm Nghĩ tuổi già:
xem thêm: Đời Người Luôn Có: 2 Thứ Không Thể Sợ
(3) Trong bài “Kitô Hữu và Sự Chết” của Aug Trần Cao Khải
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay