CHÂN PHÚC ZYNOVIY KAVALYK ( 1903 – 1941)

CHÂN PHÚC ZYNOVIY KAVALYK ( 1903 – 1941 )

MỘT LINH MỤC DCCT BỊ ĐÓNG ĐINH GIỐNG CHÚA GIÊSU

trích EPHATA 554

Cha Zynoviy Kovalyk sinh ngày 18.8.1903 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Ivachiv Horishniy gần Ternopil, nước Ukraina. Trước khi trở thành một Tu Sĩ, ngài là giáo viên trường tiểu học trong làng. Ngài có cá tính mạnh mẽ và lòng tin trong sáng, không chấp nhận thỏa hiệp. Từ bé, Zynoviy đã ước mơ làm Linh Mục. Khám phá ra ơn gọi sống đời tận hiến của mình, Zynoviy Kovalyk vào Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài tuyên khấn ngày 28.8.1926. Sau đó chẳng bao lâu Zynoviy được gởi qua nước Bỉ học Triết và Thần Học.

Học xong, ngài trở về Ukraina. Ngày 9.8.1932, ngài được phong chức Linh Mục. Ngày 4.9.1932, cha Kovalyk cử hành Thánh Lễ mở tay tại làng quê Ivachiv của ngài. Trong bức ảnh nhỏ kỷ niệm ngày thụ phong, có một câu ghi phía dưới: “Ôi lạy Chúa Giêsu, xin nhận con như một của lễ hoà chung với hy tế Mình Máu Thánh Ngài. Xin nhận con vì Hội Thánh, vì Hội Dòng và vì đất nước con”. Đức Kitô đã nhận những lời này như của lễ tinh tuyền nhất. Lời nguyện nhỏ bé ấy là lời tiên tri mà chỉ chín năm sau sẽ ứng nghiệm vào sự tử đạo của ngài…

Sau khi chịu chức, cha Kovalyk đến vùng Volhyn cùng với Giám Mục Mykolay Charnetskyi để hoạt động cho công việc hòa giải với Chính Thống Giáo. Vị Linh Mục trẻ này thật sự đã là nguồn vui cho các bạn đồng sự. Cha Kovalyk là một người hóm hỉnh, có giọng nói ngọt ngào và trình bày mạch lạc. Ngài hát rất hay và quả thật là một diễn giả có “cái miệng bằng vàng”. Sự tận tụy trong công việc tông đồ của ngài thu hút hàng ngàn người. Cha Kovalyk yêu mến Mẹ Thiên Chúa hết lòng, ngài luôn bày tỏ sự chân thành tôn kính Mẹ. Tất cả các phẩm chất này đưa cha Kovalyk đến những thành quả lớn lao trong việc truyền giáo.

Sau một ít năm làm việc ở Volhyn, cha Kovalyk chuyển về Stanislaviv ( nay là Ivano-Frankivsk ) để điều hành công việc truyền giáo trong thành phố cũng như ở ngọai ô. Ngay trước khi Ukraina bị Sôviết xâm chiếm năm 1939, ngài chuyển về Lviv, làm quản lý Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Zyblykevycha ( bây giờ là Ivana Franka ).

Ngài vẫn can đảm tiếp tục rao giảng Lời Chúa ngay sau ngày quân đội Sôviết chiếm đóng quê hương. Một công việc quan trọng mà cha Kovalyk thường làm là giải tội và ngài cũng thành công trong lãnh vực này. Luôn luôn có người tìm đến ngài để có được sự nâng đỡ về tâm linh.

Trong khi hầu hết người Galcia ở Ukraina chịu khuất phục vì sợ hãi, cha Zynoviy tỏ ra can đảm đáng khâm phục. Hầu hết các Linh Mục đều thận trọng tối đa trong các bài giảng. Các ngài cố tránh đề cập đến các vấn đề đang xảy ra và tập trung nhắc nhở Giáo Dân trung thành với Thiên Chúa. Cha Kovalyk thì ngược lại, ngài thẳng thắn lên án chủ nghĩa vô thần ngoại lai mới được nhập khẩu từ chính quyền Sôviết.

Các bài giảng của ngài tác động mạnh mẽ lên người nghe nhưng đồng thời cũng mang tai họa đến cho người nói. Bạn hữu khuyên can ngài vì giảng dạy như thế rất nguy hiểm. Cha Kovalyk trả lời: “Tôi vui lòng nhận lấy cái chết nếu đó là ý Chúa, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm trái với lương tâm của một người giảng Lời Thiên Chúa”. Cha Kovalyk giảng bài đại giảng cuối cùng vào ngày 28.8.1940 tại Ternopil nhân dịp lễ Mẹ Thiên Chúa ngủ, trước khoảng mười ngàn người. Mơ ước Tử Đạo ngày xưa của ngài chỉ vài tháng sau là thành sự thật.

Đêm 20 rạng 21.12.1940, nhân viên mật vụ Sôviết vào Tu Viện bắt cha Kovalyk vì những bài giảng trong tuần cửu nhật mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm tại Nhà Thờ Tu Viện. Trước khi từ giã anh em, ngài xin cha Bề Trên De Vocht ơn tha thứ và phép lành cuối cùng.

Anh em trong dòng cố gắng tìm cho ra ngài bị giam ở đâu, nhưng mãi đến tháng 4 năm 1941 họ mới biết ngài đang bị giam tại nhà tù Brygidky ở đường Zamarstynivska. Trong 6 tháng bị giam cầm, cha Kovalyk trải qua 28 lần tra khảo, 3 lần ngài bị đưa qua các nhà tù khác để thẩm vấn. Sau mỗi lần thẩm vấn kèm với tra tấn khủng khiếp như thế, cha Kovalyk mang bệnh trầm trọng vì mất quá nhiều máu.

Dù ở tù, cha Kovalyk vẫn tiếp tục làm việc tông đồ. Ngài sống cùng với 32 bạn tù trong một phòng giam 4,2 x 3,5m. Cùng với các bạn, mỗi ngày ngài lần hạt Năm Sự Thương, Chúa Nhật thì cả 15 sự. Cha Kovalyk vẫn dâng Thánh Lễ. Ngài tổ chức làm việc kính Đức Mẹ vào tháng Hoa, Lễ Hiển Linh thì làm phép nước. Ngoài kinh nguyện, cha còn giải tội, dạy giáo lý, hướng dẫn về đời sống thiêng liêng. Với lối kể chuyện hóm hỉnh, cha thuật nhiều chuyện đạo cho mọi người khuây khỏa. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các tù nhân là những người hết sức cần đến sự ủi an và hy vọng đã thực sự yêu mến cha Kovalyk vì những việc ngài làm cho họ.

Năm 1941, khi quân Đức bắt đầu tấn công. Lính cai tù sợ hãi trốn chạy nhưng không thể mang tù nhân theo, họ bắt đầu bắn bỏ. Nhưng đối với cha Kovalyk thì như thế chưa đủ. Họ nhớ lại những bài giảng của ngài về thập giá Đức Kitô nên đóng đinh ngài vào tường trước mặt đầy đủ các bạn tù.

Khi quân Đức tiến vào Lviv, họ lập tức dọn sạch hàng đống xác chết đã bắt đầu thối rữa. Dân chúng ùa vào hy vọng tìm được người thân. Theo lời các nhân chứng thuật lại, cảnh tượng khủng khiếp nhất là một Linh Mục bị đóng đinh dính chặt vào bức tường nhà tù, bụng bị mổ ra và đặt vào đó một bào thai em bé đã chết.

Để nói về cha Zynoviy Kovalyk, thật đúng khi chúng ta dùng những lời Kinh Chiều lễ các Thánh Tử Đạo mà ca ngợi ngài như một chiến sĩ anh dũng và bất khuất, vũ trang Thập Giá, đánh bại kẻ thù và nhận lấy triều thiên chiến thắng từ Đấng Toàn Thắng và Hiển Trị đời đời. Phúc Tử Đạo của cha Zynovyi Kovalyk như hình ảnh biểu tượng cho lời Kinh Thánh: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa… Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử. Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa dã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người.” ( Kn 3, 1 và 4 – 5 )

Quan tâm đến những chứng cớ về đời sống đạo đức của cha Zynoviy Kovalyk, cách riêng sự can đảm chịu đựng và trung thành với Hội Thánh Chúa Kitô trong thời gian bách hại, việc xin phong Chân Phúc cho ngài bắt đầu vào dịp Năm Thánh 2000. Tháng 2 năm 2001, hồ sơ tại địa phương hoàn tất và được đệ trình lên vị Đại Diện Tông Tòa. Ngày 6.4.2001, Ủy Ban Thần Học xác nhận sự Tử Đạo của cha Kovalyk. Rồi đến Hội Đồng các Hồng Y thông qua. Và ngày 24.4.2001, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Chân Phúc cho vị Tử Đạo trung thành với niềm tin Kitô.

Tài liệu của DCCT

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay