ÍT HƠN CHÚA – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”.

“Tội thờ ngẫu tượng là tội thờ bất cứ thứ gì chỉ nên sử dụng, hoặc sử dụng bất cứ thứ gì chỉ nên tôn thờ!”. Những lời của thánh Augustinô đưa J. McMath đến kết luận, “Điều mà tôi sẽ cho đi bất cứ thứ gì để có và không nhận bất cứ thứ gì để mất là Thiên Chúa của tôi. Tôi không bao giờ tôn thờ một thứ gì đó ‘ít hơn’ Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật thú vị – dẫu là một sự thật rất hiển nhiên – nhưng lại khá bất ngờ. Rằng, con người luôn có xu hướng thờ ngẫu tượng – một thứ gì đó ‘ít hơn Chúa!’.

Tại Lystra, sau khi Phaolô chữa lành một người bại, một số dân thành kết luận, “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Họ gọi Phaolô và Barnaba là thần; thậm chí có ý định đem bò và hoa để tế hai ngài. Phaolô xé áo mình và nói, “Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm!” – bài đọc một. Thấy xu hướng ‘ngẫu tượng’ nơi họ, Phaolô chỉ cho họ biết phải tôn thờ ai – Chúa là Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài, đừng thờ một thứ gì đó ‘ít hơn Chúa!’. Nói thay Phaolô, Thánh Vịnh đáp ca reo lên, “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, lạy Chúa, nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ!”.

Một thứ gì đó ‘ít hơn Chúa’ có thể là một hệ tư tưởng, một chủ nghĩa, một thần tượng vốn có thể có một địa vị ‘gần như thần thánh’; và đôi khi, nó được sùng bái một cách mù quáng với những gì mà chỉ Thiên Chúa mới đáng có. Thờ ‘ngẫu tượng’ – tội căn bản – cội rễ của mọi tội lỗi. Chính sức hấp dẫn của một thực thể nào đó, một con người nào đó, vốn có thể trở nên chất xúc tác để con người mọi thời coi nó như thần thánh.

Có lẽ vì thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến nhu cầu cấp thiết phải có một Thầy Dạy thiêng liêng, “Đấng Bảo Trợ sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em”. Chính Chúa Thánh Thần – Thầy Dạy – sẽ ngăn ngừa chúng ta khỏi rơi vào ngẫu tượng; giúp chúng ta đánh giá sâu sắc hơn về mối tương quan mỗi người phải có đối với Thiên Chúa trên hành trình tiến về Nhà Cha.

Anh Chị em,

“Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Dẫu không la lên như người Lycaonia; nhưng khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thần thánh hoá những gì làm vui thoả, dễ chịu. Nó dẫn chúng ta đến lối sống dễ dãi khi thoả hiệp với các giá trị thế tục; đó là những ngẫu tượng khiến chúng ta thở gấp, mê mải, mụ mẫm và ngơ khờ chạy theo. Bên cạnh đó, thuyết tương đối và chủ nghĩa tiêu thụ vẫn âm thầm hoặc công khai mê hoặc khiến chúng ta nuông mình ruổi theo mà không hay biết; từ đó, vô tình phá đổ các giá trị cao đẹp và linh thánh. Thấy trước điều đó, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần. Ước gì bạn và tôi biết đón nhận và yêu quý Quà Tặng vô giá này; đồng thời, ngoan nguỳ với Ngài, hầu không dễ phó mình cho việc tôn thờ một thứ gì đó ‘ít hơn Chúa!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘ngẫu tượng’ thường làm con hao tổn, mỏi mệt và lầm lạc. Cho con ‘dễ dạy’ với Thánh Thần hầu chỉ tôn thờ một “Giêsu”, ‘Một Ai đó’ nhiều Chúa nhất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************************

Thứ Hai Tuần V Phục Sinh

Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ga 14,21-26

21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” 23 Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”


 

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 13:34) – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật thật dễ thương và ngọt ngào hương vị của Chúa nhé.

Cha Vương

CN, 5PS: 18/5/2025

TIN MỪNG: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 13:34)

SUY NIỆM: Nếu Chúa Giê-su ban cho chúng ta “điều răn mới”, vậy điều răn cũ là gì? “Điều răn cũ” được tìm thấy trong Cựu Ước trong sách Đệ Nhị Luật. “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). (Đnl 6:5) Đây là một điều răn cơ bản. “Điều răn cũ” và “điều răn mới” không loại trừ lẫn nhau mà xây dựng trên nhau. Điều răn mới nhấn mạnh tình yêu sâu sắc mà Chúa đã thể hiện, trong khi điều răn cũ vẫn là một nguyên tắc nền tảng trong mọi điều răn. Chúa mời gọi bạn hôm nay hãy yêu thương nhau NHƯ Chúa đã yêu thương bạn, đừng yêu theo kiểu thế gian. Yêu như Chúa yêu là như thế nào? 

– Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15:13). Thánh Gioan diễn tả: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3:16).

– Tình yêu phải thể hiện trong việc làm: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:16-18).

LẮNG NGHE: Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. (Ep 5:1-2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin dạy con cách yêu như Chúa đã yêu con.

THỰC HÀNH: Nhìn lại cách đối xử của mình với những người chung quanh coi có hợp với điều Chúa dạy không nhé.

From:Do Dzung

***************************

YÊU NHƯ CHÚA YÊU – Lm Thái Nguyên

TRẢI NGHIỆM YÊU THƯƠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Này đây, Ta đổi mới mọi sự!”.

Một nhà kho rao bán; ngày kia, có người đến mua; chủ nhà nói, “Tôi sẽ cử một đội thợ để sửa chữa và dọn rác” – “Không cần! Tôi không muốn toà nhà; tôi muốn khu đất!”. So với sự đổi mới mà Thiên Chúa nghĩ đến, những nỗ lực cải thiện linh hồn của chúng ta cũng ‘rất tương đối’ như việc sửa chữa những gì đã hư hỏng. Một khi đã thuộc về Chúa, mọi sự sẽ đổi mới. Tất cả những gì Ngài muốn là linh hồn và giấy phép xây dựng!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay bất ngờ hỏi, liệu Chúa Phục Sinh đã có giấy phép sử dụng mảnh đất linh hồn chúng ta chưa? Nói cách khác, đâu là trải nghiệm mới – ‘trải nghiệm yêu thương’ – của bạn trong lễ Phục Sinh năm nay? Hay đơn giản nó chỉ lướt qua như những năm trước!

Khái niệm “mới” xuất hiện nhiều lần: “Môn đệ mới”, “Hội Thánh mới”, “Trời mới, đất mới”; “Này đây, Ta đổi mới mọi sự!”; đặc biệt, trong bài Tin Mừng, “Điều răn mới!”. “Sự mới mẻ hoàn toàn nằm trong tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu mà Ngài đã hiến mạng sống vì chúng ta. Đó là tình yêu phổ quát – không có bất kỳ điều kiện hay giới hạn nào – đạt đến đỉnh cao trên thập giá. Trong khoảnh khắc vô cùng nhục nhã, trong khoảnh khắc bị Chúa Cha bỏ rơi, Con Thiên Chúa biểu lộ và trao ban cho thế giới tình yêu trọn vẹn. Khi nghĩ lại cuộc khổ nạn và đau khổ của Chúa Kitô, các môn đệ đã hiểu được ý nghĩa của những lời Ngài nói: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng phải yêu thương nhau!”. Đó là một trải nghiệm mới mẻ, ‘trải nghiệm yêu thương!’” – Phanxicô.

“Điều răn mới!” giả thiết phải có “điều răn cũ”. Theo Phaolô, “cũ” là những nếp nghĩ, lề luật, trật tự… mang tính tự nhiên, thế tục, ích kỷ; những gì chưa được Chúa Phục Sinh chạm vào. Chúa Giêsu nói đến điều răn mới, yêu thương như Ngài đã yêu, yêu đến chết. “Điều duy nhất phân biệt con cái Chúa là yêu thương. Ai thực hành yêu thương thì được sinh ra bởi Chúa; ai không thực hành yêu thương thì không được sinh ra bởi Chúa. Đây thực sự là một dấu hiệu quan trọng, một sự khác biệt thiết yếu. Bất kể bạn có gì, nếu bạn không yêu thương, mọi thứ khác đều vô ích; và nếu thiếu mọi thứ, và không có gì khác ngoài yêu thương, thì bạn đã chu tất lề luật!” – Augustinô.

Anh Chị em,

“Này đây, Ta đổi mới mọi sự!”. Lời hứa này nên hiện thực khi Thiên Chúa phục sinh Chúa Con. Từ cõi chết sống lại, Chúa Kitô đổi mới tất cả, Ngài thổi vào tâm hồn chúng ta Thần Khí mới, gieo vào nó một mầm sống mới, mầm yêu thương – điều mà Ngài đã thể hiện qua cuộc tử nạn và thương khó. Thế nhưng, sự chết không là tiếng nói cuối cùng mà là tình yêu! Vậy bạn và tôi thuộc loại môn đồ nào? Chúng ta coi mình là người trung thành với Chúa Kitô vì ‘những gì chúng ta làm’ – dù là trong hoạt động tông đồ, cầu nguyện hay đời sống đạo đức – hay trung thành vì chúng ta ‘yêu Chúa và yêu tha nhân’ nhiều như Chúa yêu? Và tất cả những điều này chỉ được thực hiện; nói cách khác, bạn và tôi chỉ có thể ‘trải nghiệm yêu thương’ như Chúa đã yêu nếu dám quảng đại trao cho Ngài ‘giấy phép xây dựng’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đây linh hồn con, Chúa toàn quyền sử dụng. Xin cày xới, loại bỏ tất cả những gì uế tạp hầu con trở nên một tạo vật mới, có một trái tim yêu thương như trái tim Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*******************************************

 CHÚA NHẬT TUẦN V PHỤC SINH, NĂM C

Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 13,31-33a.34-35)

31 Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33a “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.”


 

PHIM NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN – Rev. Ron Rolheiser, OMI 

Rev. Ron Rolheiser, OMI 

Tôi chắc chắn nhiều người đã biết loạt phim truyền hình The Chosen (Người Được Chọn) về cuộc đời Chúa Giêsu.  Phim phát hành từ năm 2019, đã ra rạp, đã phát trên mạng và đã có hơn 200 triệu người xem.  Phim được dịch ra 50 ngôn ngữ và có 13 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, với khoảng 30% khán giả không phải là tín hữu Kitô. 

Phim được được nhà sản xuất Dallas Jenkins dàn dựng, ông là tín hữu kitô phái Phúc âm với sự hiểu biết về đại kết và liên tôn rất sâu đậm.  Jonathan Roumie, người công giáo La-mã sốt sắng, đóng vai Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu trong phim có cái gì đó khác với Chúa Giêsu chúng ta thường thấy trong các minh họa và các phim khác.  Trong phim này, đạo diễn giới thiệu một Chúa Giêsu gần gũi và dễ gần và vì thế có một tác dụng rất hữu ích. 

Đó là tác dụng nào?  Linh mục Dòng Tên Joe Hoover viết trên báo America: “Tôi được rửa tội, là tín hữu Kitô đã 53 năm, học trường công giáo và ở Dòng Tên đã 30 năm… loạt phim The Chosen đem lại cho tôi nhận thức, gắn kết với cuộc đời Chúa Kitô và các môn đệ mà tôi không có được ở bất cứ đâu khác.  Không có bài giảng, không có lời tán tụng thần học, không có bằng thạc sĩ, không có lớp học về thánh Gioan, Thánh Máccô hay Thánh Luca, không có hội thảo linh đạo, không có khóa tĩnh tâm Kinh Thánh 30 ngày nào, nhưng bộ phim đã tái hiện Kinh Thánh, làm cho Đức Kitô và dân của Ngài trở nên rất thật và dễ gần với tôi.” 

Tôi cũng cảm thấy như vậy.  Người Được Chọn cũng có ảnh hưởng tương tự như vậy trên tôi.  Như linh mục Joe Hoover, tôi được rửa tội khi mới sinh, được dạy theo truyền thống công giáo La-mã, là tu sĩ của một hội dòng, có bằng cấp thần học, đã dự nhiều khóa hội thảo về linh đạo, đã nghiên cứu Phúc âm dưới sự hướng dẫn của một vài học giả có tầm vóc thế giới, nhưng loạt phim này cho tôi thấy gương mặt của Chúa Giêsu mà tôi không thấy được trong những gì tôi đã từng học, nó giúp tôi nhiều trong việc cầu nguyện và trong tương quan với Chúa Kitô. 

Về căn bản, đó là những gì bộ phim Người Được Chọn mang lại cho tôi, giới thiệu một Chúa Giêsu mà tôi muốn ở bên cạnh Ngài.  Có phải tất cả chúng ta đều muốn ở bên cạnh Ngài đó không?  Đúng như vậy, nhưng nếu chúng ta thành thật với chính mình, thì Chúa Giêsu thường được giới thiệu không phải là người chúng ta muốn dành nhiều thì giờ để ngồi riêng với Ngài, là người chúng ta cảm thấy thoải mái, tự nhiên không cần phải màu mè gì. 

Nhìn chung trong các phim, Chúa Giêsu thường bị cho là thiếu hơi ấm tình người, xa cách, nghiêm nghị, thoát tục, quá sùng kính, có ánh mắt làm chúng ta cảm thấy áy náy vì tội của mình mà Chúa bị đóng đinh.  Chúa Giêsu đó cũng không vui, gần như Chúa không bao giờ đem nụ cười đến với thế gian, không bao giờ đem sự nhẹ nhàng vào giữa mọi người.  Ngài không phải là Chúa Giêsu mà chúng ta thấy thoải mái khi ở bên cạnh Ngài. 

Đáng tiếc thay, đó lại là Chúa Giêsu thường thấy trong các bài giảng, bài giáo lý, trong các khóa thần học và trong linh đạo bình dân.  Chúa Giêsu chúng ta thấy ở đó, với mọi chân lý và mặc khải Ngài đem lại cho thế gian, thường vẫn quá thần thánh và quá sùng kính để chúng ta có thể thoải mái ở bên cạnh theo kiểu con người.  Ngài là Chúa Giêsu chúng ta ngưỡng mộ, có khi còn ái mộ, người mà chúng ta tin tưởng đủ để dâng cả tâm hồn cho những điều lớn lao.  Nhưng Ngài cũng là Chúa Giêsu mà chúng ta không cảm thấy thoải mái khi ở gần, người chúng ta sẽ không chọn để ngồi bên cạnh trong bàn ăn, để cùng đi nghỉ mát, người quá cách biệt với chúng ta đến nỗi chúng ta dễ dàng xem Ngài là người thầy đáng kính hơn là người bạn thân thiết, lại càng không phải là người yêu để chúng ta gắn kết tâm hồn. 

Tôi nói vậy không phải để nhân bản hóa Chúa Giêsu (như thỉnh thoảng thời nay người ta vẫn thường làm) bằng cách biến Ngài thành người tử tế rao giảng về tình yêu nhưng không nói lên chân lý bất di bất dịch của Thiên Chúa.  Phim Người Được Chọn không làm vậy.  Hoàn toàn không. 

Phim Người Được Chọn giới thiệu một Chúa Giêsu với sự thần thánh mà chúng ta không bao giờ nghi ngờ, dù Ngài nồng hậu và cuốn hút, Ngài có một nhân tính làm chúng ta cảm thấy thoải mái khi ở bên Ngài, thực sự là lôi cuốn chúng ta vào sự hiện diện của Ngài.  Khi xem Người Được Chọn, khán giả không bao giờ có khoảnh khắc nào hoài nghi về chuyện Chúa Giêsu có mối liên kết đặc biệt và bất khả phân ly với Chúa Cha, Ngài cho chúng ta chân lý và sự mặc khải của Thiên Chúa một cách toàn vẹn, không suy suyển.  Nhưng Chúa Giêsu này cũng đem lại cho chúng ta nụ cười của Thiên Chúa, sự nồng hậu, sự chúc phúc của Thiên Chúa trên cuộc đời vốn thường xuyên thiếu vắng những điều này.

 Nhà thần nghiệm Julian thành Norwich đã mô tả Thiên Chúa: Thiên Chúa ngồi trên trời, hoàn toàn buông thả, gương mặt Ngài như một bản hòa âm tuyệt diệu. 

Người Được Chọn cho chúng ta thấy được khuôn mặt thư thái của Thiên Chúa nhưng tiếc thay, chúng ta lại quá hiếm khi được thấy.

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

“Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.” (Tv 145:13b)-Cha Vương

… điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài,…

 

Ngày Thứ 6 bình an zui zẻ đủ để chia xẻ cho những người chung quanh nữa nhé.

Cha Vương

Thứ 6, 4PS: 16/5/2025

TIN MỪNG: Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. (Cv 13:32-33)

SUY NIỆM: Ai ai trong đời đã có một lần thất hứa hay bị người khác cho leo cây. Hứa thì dễ nhưng giữ lời hứa lại rất khó. Bản chất con người dễ bội tín, thất trung với lời hứa của mình. Còn đối với Thiên Chúa thì sao? “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.” (Tv 145:13b)

 Hôm nay Sách Công Vụ nhắc nhở bạn về điều Thiên Chúa đã hứa với bạn và cả cha ông của bạn nữa.

Chúa hứa sẽ ban bình an cho những ai hết lòng tin tưởng vào Ngài.

Hơn bao giờ hết con người cần bình an. Bình an để  khỏi bị lo âu sợ hãi. Bình an vì có Chúa luôn bảo vệ phù trì. Bình an vì được Chúa dẫn dắt qua những thung lũng sâu của dòng đời.

Thật là hổ thẹn với Chúa vì đã nhiều lần bất trung với Chúa với nhau để lại bao nhiêu tổn thương cho người thân yêu và những người chung quanh. 

LẮNG NGHE: Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Chúa. (Ep 6:6)

'Peace Be With You' - Biblical Meaning & Importance | Crosswalk.com

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin giúp con luôn can đảm trung thành với Chúa, luôn tuân giữ lời Chúa để được Chúa quan phòng chở che.

Xin Chúa cũng giúp con biết giữ lời hứa với nhau để xã hội luôn thăng tiến trong Chúa và nhờ Chúa.

THỰC HÀNH: Nhẩm đi nhẩm lại lời hứa của mình như rửa tội, hôn nhân, khấn dòng, lời hứa dấn thân linh mục, v.v… 

From: Do Dzung

**************************

Nguyện Chúa Ban An Bình (Sáng tác: JB. An Ninh) – Tuyết Mai 

CỘNG ĐOÀN YÊU THƯƠNG -TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 Trong suốt mùa Phục sinh, Phụng vụ cho chúng ta nghe nội dung sách Công vụ Tông đồ, mà thánh Lu-ca là tác giả.  Như một phóng sự dài, chủ đề chính của cuốn sách này nói về hoạt động của các tông đồ, đời sống đức tin và sự phát triển của cộng đoàn Giáo hội tiên khởi.  Tác giả khẳng định: Đấng Phục sinh luôn hiện diện giữa các tín hữu.  Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa nhanh chóng lan rộng và số tín hữu ngày càng thêm đông.  Các tông đồ hăng say đi khắp mọi nơi để làm chứng về Chúa Giê-su phục sinh.  Niềm xác tín nơi các ông mạnh mẽ đến nỗi các ông sẵn sàng chịu đau khổ, thậm chí chấp nhận cái chết, để làm chứng cho lời rao giảng của mình.  Những địa danh khác nhau được tác giả sách Công vụ liệt kê (Bài đọc I), cho thấy nỗ lực loan báo Lời Chúa của các tông đồ và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần.  Tuy vậy, dù phát triển nhanh chóng, cộng đoàn tín hữu cũng phải đối diện với những khó khăn từ phía người Do Thái.  Họ đã giết Chúa Giê-su, người mà họ lên án là “phản loạn,” và nay họ tiếp tục tẩy chay các tông đồ và vu khống cho các ông mọi điều xấu xa.  Hai vị tông đồ là Phao-lô và Bác-na-ba đã khích lệ động viên các cộng sự, củng cố tinh thần của họ, với lời khẳng định: “Chúng ta phải chịu nhiều đau khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.”

 Cộng đoàn tín hữu của sách Công vụ Tông đồ trải dài trong lịch sử hai ngàn năm và hôm nay lan rộng toàn thế giới.  Mỗi Ki-tô hữu chúng ta đều là những người nối tiếp anh chị em tín hữu tiên khởi, tiếp tục sống đức tin và loan báo Lời Chúa, với niềm xác tín Chúa Phục sinh đang hiện diện, với tác động của Chúa Thánh Thần.  Chính Chúa Thánh Thần đã nối kết mọi nền văn hóa và mọi ngôn ngữ chủng tộc, đồng thời vẫn tôn trọng và lưu giữ những khác biệt.  Giáo hội của Chúa Giê-su mang tính duy nhất trong những dị biệt, làm nên một Giáo hội phong phú đa dạng và cùng tôn thờ một Thiên Chúa là Cha chung của gia đình nhân loại, lấy đức yêu thương làm luật căn bản. 

Các Ki-tô hữu tin vào sự hiện diện của Chúa Giê-su, và cùng nhau làm nên những cộng đoàn yêu thương.  Từ thời ban đầu, Đạo Ki-tô được gọi với cái tên rất dễ mến là “Đạo yêu thương.”  Lời mời gọi yêu thương của Chúa Giê-su chính là nền tảng cho các cộng đoàn Ki-tô hữu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.  Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hồi tưởng giờ phút linh thiêng sau bữa tiệc ly.  Chúa Giê-su đã truyền lại một di chúc quan trọng.  Người gọi đó là “giới răn mới.”  Yêu thương là điều kiện cốt yếu để trở nên môn đệ của Chúa Giê-su, đồng thời cũng là dấu chỉ để mọi người nhận ra Chúa Giê-su đang hiện diện nơi các tín hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn. 

Yêu thương là cốt lõi của Ki-tô giáo.  Đó cũng là lời mời gọi thường xuyên được nhắc lại trong giáo huấn của Giáo hội.  Tuy vậy, lời mời gọi này có nguy cơ trở thành một công thức lỗi thời và nhàm chán đối với một số tín hữu.  Đây đó vẫn tồn tại những Ki-tô hữu chỉ mang danh nghĩa mà thiếu chiều sâu.  Vì vậy đức tin không thực sự thấm nhập vào cuộc đời, để tác động và chi phối hành vi, lời nói và cử chỉ của các tín hữu.  Vẫn còn đó những cộng đoàn chỉ sống đức tin một cách hình thức mà thiếu lòng đạo đức nội tâm.  Một đức tin hời hợt, khi đối diện với thử thách hoặc tranh chấp quyền lợi, sẽ dễ bị nhường chỗ cho xung đột, chia rẽ và bất hòa. 

Nếu Bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ, nhắc cho chúng ta về quá khứ, là thời sơ khởi của Giáo hội, thì Bài Tin Mừng lại là giáo huấn dành cho hiện tại, và Bài đọc II lại hướng chúng ta về tương lai.  Thánh Gio-an đã được chiêm ngắm khung cảnh huy hoàng của Thiên Đàng, đó là Trời mới Đất mới.  Nơi đó sẽ không còn nước mắt và tang tóc, nhưng tràn ngập niềm vui.  Nơi đây, điều mà hai tông đồ Phao-lô và Bác-na-ba khích lệ các cộng sự: “Chúng ta phải chịu nhiều đau khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” đã trở thành hiện thực.  Khung cảnh Trời mới Đất mới là nguồn động viên chúng ta trong hành trình đức tin.  Đó cũng là câu trả lời cho những vấn nạn về tương lai và hậu vận của con người.  Đối với những ai tin cậy yêu mến Chúa, Ngài sẽ dành cho họ vinh quang vĩnh cửu.  Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta ngay ngày hôm nay và trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, hãy cùng cộng tác với Người để đổi mới bộ mặt thế giới, làm cho tình yêu thương lan tỏa nơi mọi nẻo đường trần thế, và như vậy, Nước Thiên Chúa đang ngự đến giữa chúng ta.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

NHÀ CỦA CHA – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”; “Để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

Tháng 4/1667, John Milton bán bản quyền “Thiên Đàng Đã Mất” – bộ sử thi vĩ đại nhất của nước Anh – cho nhà xuất bản Samuel Simmons với giá 10 bảng. Ông qua đời, bà Elizabeth Milton bán tất cả tác quyền vĩnh viễn còn lại cho cùng nhà xuất bản với giá 8 bảng. Thật khó để tưởng tượng “giá” một kiệt tác tầm cỡ quốc gia, tầm cỡ thế giới, lại hời đến thế!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không nói đến một “Thiên Đàng Đã Mất”, nhưng nói đến một “Thiên Đàng Sẽ Được”. Chúa Giêsu giục giã chúng ta nhìn vào thực tế vinh quang thiên đàng, đó là ‘Nhà của Cha’ – Vương Quốc – nơi mà Ngài hằng thao thức, cuối cùng, làm sao bạn và tôi cùng Ngài chung sống.

“Ngài từng nói với anh trộm, “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng!”. Trong toàn bộ Phúc Âm, đây là lần đầu, cũng là lần cuối, chữ “thiên đàng” xuất hiện trên môi Chúa Cứu Thế; điều này có nghĩa là, thiên đàng, một sự thật 100%. Thiên đàng là có thật!” – Phanxicô. Nó không phải là khu vườn hoang tưởng của chuyện cổ tích! Nếu ‘hiểu đúng’ thiên đàng, bạn sẽ khát khao nó với một tình yêu sâu sắc; mong chờ nó với một ước vọng mãnh liệt; tưởng nhớ nó với một niềm vui ngập lòng. Tuy nhiên, thật không may, với một số người, ý nghĩ rời khỏi trái đất để ở với Chúa Thiên Đàng là một suy nghĩ không mấy vui, nếu không nói là sợ hãi. Đó là một nỗi sợ về ‘những điều chưa biết’; họ nghĩ, họ sẽ bỏ lại những người thân yêu, hoặc thậm chí sợ rằng, thiên đàng không phải là nơi an nghỉ.

Là con cái Chúa, điều cần thiết là chúng ta cần nuôi dưỡng một tình yêu lớn lao đối với thiên đàng bằng cách ‘hiểu đúng’ về nó, hiểu rõ ‘mục đích của cuộc sống hôm nay’ là hướng về nó. Thiên đàng phải ‘định hướng và sắp xếp’ cuộc sống của chúng ta! Chúa Giêsu nói về ‘đích đến’ này bằng cách đưa ra một hình ảnh rất thân thiện, gần gũi: ‘Nhà của Cha!’. Nó tiết lộ thiên đàng là ‘nhà mình’, một nơi an toàn mà chúng ta thư thái bên những người thân yêu và cảm nhận nó là chốn những con trai, con gái của Cha ‘thuộc về’.

“Chúa Giêsu đã dành một chỗ trên trời cho mỗi chúng ta. Đừng quên, ‘nơi ở’ chờ đợi chúng ta là thiên đàng. Bạn đang quá cảnh ở trần gian, chỉ quá cảnh thôi! Bạn được tạo dựng cho thiên đàng, để sống mãi mãi với những người thân yêu; và cùng họ, chia sẻ niềm vui vĩnh cửu trong ‘Nhà Cha mình!’” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Chúng ta có nhiều chỗ để đi, nhưng chỉ có một chỗ ‘để ở’; đúng hơn, ‘để về’ – thiên đàng! Vậy mà, thật bất ngờ, thiên đàng không ở đâu xa, không chỉ ở đời sau; nó ‘ở đây, lúc này!’. Ở đâu có Giêsu, ở đó có thiên đàng; Giêsu là thiên đàng. Vì thế, ở đâu có Thánh Thể, ở đó là ‘một góc’ thiên đàng. Mỗi ngày, với lòng sạch tội, rước Chúa Giêsu, bạn và tôi ‘ẵm’ thiên đàng. Tác giả “Giêsu Khoan Nhân” – một thánh ca xưa – viết, “Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày, linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây; thiên đàng chớm nở, chớm nở ngay dưới thế, tháng năm hoan lạc trôi từ đây!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trần gian là lữ điếm mà con – lữ khách – quá cảnh; đừng để con quên, con đang về ‘nhà Cha’. Bằng không, con sẽ ‘vất vưởng’ không chỉ mai ngày nhưng ngay hôm nay!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

********************************

Thứ Sáu Tuần IV Phục Sinh

Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.        Ga 14,1-6

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường ?” 6 Đức Giê-su đáp : “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”


 

PHẢN BỘI, TRUNG THÀNH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con!”.

Không phản bội nào tồi tệ hơn phản bội của một thành viên trong gia đình hay của một người bạn! Caesar đã trải nghiệm điều đó. Một trong những kẻ mưu hại ông là Brutus, người ông tin tưởng và ưu ái như con ruột. Theo các sử gia, trong cuộc mưu sát, Caesar chống lại sự tấn công của các sát thủ; nhưng khi thấy Brutus với con dao trong tay, ông lặng trân! Kéo áo qua mặt, Caesar để lại một lời bất hủ, “Cả ngươi nữa, Brutus, con ta?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trải nghiệm của Julius Caesar 44 năm trước Chúa Giêsu cũng là trải nghiệm của chính Ngài. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn yêu đến cùng, bất chấp các môn đệ của Ngài ‘phản bội!’ hay ‘trung thành’.

Bối cảnh Tin Mừng hôm nay là bữa Tiệc Ly; qua đó, Chúa Giêsu cho biết một trong các môn đệ sẽ phản Ngài. Biết trước điều đó, lẽ ra, Chúa Giêsu không để con người này đến gần; không, Ngài vẫn tỏ ra yêu thương, trìu mến. Ngài “trao bánh” cho Giuđa, một cử chỉ thân ái của người đang yêu, kèm theo một lời Thánh Kinh gợi ý bóng bẩy, “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”; may ra nhờ đó, Giuđa suy nghĩ lại. Ngài mở rộng tình bạn cho Giuđa đúng vào lúc ông đang mưu phản. Tình yêu thuỷ chung của Chúa Giêsu bền bỉ đến cùng, đến tận thập giá, đến tận phục sinh! Khi Ngài tắt hơi, trừ một mình Gioan, không môn đệ nào có mặt; vậy mà sau khi sống lại, Ngài không hề nhắc đến sự bất tín của một ai. Chúa Giêsu thấu hiểu, tha thứ; và với họ, tiếp tục đồng hành.

Phaolô cũng đã rao giảng một Thiên Chúa trung thành, Đấng đã chọn Israel, giải thoát và chịu đựng nó. Thiên Chúa trung thành với giao ước Ngài đã lập; đặc biệt, lời hứa với Đavít, “Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu!” – bài đọc một.

“Cả ngươi nữa, Brutus, con ta?”, lời của một trái tim tan nát; “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con!”, lời của một tâm hồn vỡ vụn! Đó là gót của một trong những môn đệ mà Ngài đã thức suốt đêm để cầu nguyện và chọn ra; một môn đệ đã ba năm gần gũi Thầy, nghe bao điều, thấy bao dấu lạ, vậy mà vẫn đang tâm phản bội. Dẫu thế, Chúa Giêsu vẫn một lòng yêu; và có thể nói, Ngài đeo bám Giuđa để yêu; “Nếu ta không trung tín, Ngài vẫn một lòng trung tín, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình!” – Phaolô.

Anh Chị em,

“Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con!”. Trung tín là bản chất của Thiên Chúa, và bất tín ‘xem ra’ là bản chất của con người! Vậy mà, với Thiên Chúa, con người ‘trung thành’ hay ‘phản bội’ xem ra không thành vấn đề; vì lẽ, Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối trung thành và sự trung thành của Ngài chính là tình yêu Ngài dành cho mọi người. Chớ gì bạn và tôi đừng phản bội; phản bội thiên chức, phản bội lời khấn, phản bội lời thề! Để từ đó, trở nên những sứ giả nói cho thế giới rằng, “Nhân loại này đang có một Đấng tuyệt đối yêu thương, tuyệt đối trung thành, trung thành đời đời!”; “Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ranh giới giữa ‘trung thành’ và ‘phản bội’ thật mong manh. Giúp con trung tín với Chúa từng ngày, hầu con có thể tín trung với những ai con cam kết!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*****************************************************

Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

16 Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”


 

44 năm sau vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II – Một bài học tha thứ vượt thời gian

Thao Teresa 

Một câu chuyện đẹp về tha thứ.

Ngày 13 tháng 5 năm 1981 – Ngày viên đạn không giết được đức tin

Hôm nay, ngày 13 tháng 5 năm 2025, chúng ta tưởng niệm một biến cố chấn động thế giới Công giáo: vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II tại Quảng trường Thánh Phêrô. Vào một buổi chiều tháng Năm cách đây đúng 44 năm, ngài bị bắn hai phát súng bởi một phần tử cực đoan khi đang đứng trên xe chào đón các tín hữu. Viên đạn xuyên qua bụng, máu chảy lênh láng, nhưng điều không ai ngờ: ngài đã sống sót.

Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ngài vẫn nói lời tha thứ với người ám sát mình.

Với giọng nói yếu ớt được ghi lại từ giường bệnh, ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho người anh em đã nổ súng vào tôi, người mà tôi đã thật lòng tha thứ. Hiệp nhất với Đức Kitô, Vị Linh mục và Lễ vật, tôi dâng những đau khổ của mình cho Giáo hội và cho thế giới.” (Vatican News)

Lời ấy không phải là một cử chỉ mang tính biểu tượng. Hai năm sau, chính ngài đã bước vào phòng giam, đối diện với Mehmet Ali Ağca – kẻ từng muốn lấy mạng mình – và siết chặt tay anh ta. Không một lời lên án, không một ánh mắt giận dữ. Chỉ có sự tha thứ.

Ngài tin rằng chính Đức Mẹ Fatima đã che chở cho ngài hôm đó. Viên đạn găm trong người ngài sau đó được ngài dâng lên đền thánh Fatima như một lời tạ ơn. Ngày bị bắn – 13/5 – cũng chính là ngày kỷ niệm lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ tại Fatima năm 1917.

Vụ ám sát không giết chết Đức Giáo hoàng. Trái lại, nó làm nổi bật một con người sắt thép trong đức tin, nhưng dịu dàng trong tình yêu thương. Sau vụ việc, ngài không sống trong thù hận, không đóng cửa với thế giới. Ngài đi khắp năm châu, đối thoại với người trẻ, với người nghèo, với người không tin.

Trong một thế giới ngày càng dễ nổi giận và khó tha thứ, câu chuyện của ngài là một bài học cần được nhắc lại: Tha thứ không làm yếu đi công lý, mà làm sáng lên chân dung người môn đệ Đức Kitô.

Ảnh : Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (trái) gặp gỡ Mehmet Ali Agca tại nhà tù Rebibbia, Rôma, vào ngày 27 tháng 12 năm 1983. Agca là kẻ đã ám sát hụt ngài vào ngày 13 tháng 5 năm 1981. Ảnh: ARTURO MARI/AFP/Getty Images

Ảnh cuối : Triều thiên Đức Mẹ Fatima chứa viên đạn từ vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II.

https://phailamgi.com/…/44-nam-sau-vu-am-sat-duc-gioan…/


 

HÃY CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

HÃY CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

  Thánh Alphonso Ligouri là Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế và cũng là tác giả của nhiều tác phẩm thiêng liêng đã cho rằng cầu nguyện có quyền năng vô cùng vì cầu nguyện làm thay đổi bộ mặt thế giới. Ngài nói: “Ai cầu nguyện thì sẽ được ơn cứu độ.”

Nhà thơ Frances Morton đã nói về cầu nguyện như sau:
1. Lời cầu nguyện vào buổi sáng sẽ bảo đảm cho chúng ta một ngày đầy ơn lành.
2. Lời cầu nguyện vào buổi tối sẽ cho chúng ta một đêm nghỉ ngơi bình an.
3. Lời cầu nguyện khi chúng ta yếu đuối thì chắc chắn chúng ta có bàn tay mạnh mẽ của Chúa giúp đỡ.
4. Lời cầu nguyện khi chúng ta cô đơn thì Chúa sẽ đồng hành và giúp đỡ.
5. Lời cầu nguyện khi đau khổ thì sẽ được Chúa an ủi, ban bình an và nghỉ ngơi.
6. Lời cầu nguyện khi nghi ngờ thì Chúa sẽ an ủi và soi sáng và ban ơn đức tin cho chúng ta.
7. Lời cầu nguyện khi vui mừng thì sẽ gặt hái nhiều niềm vui và sự vui thỏa.
8. Lời cầu nguyện để cảm tạ lòng từ bi của Chúa thì chúng ta sẽ hạnh phúc trong mọi lúc.
9. Mỗi ngày, mỗi mùa và mỗi giờ, chúng ta cần cầu nguyện để được chúc phúc mỗi giây phút trong cuộc sống.
10. Không có linh hồn nào mà không cần ơn thánh Chúa và khi chúng ta cùng nhau kết hợp để cầu nguyện thì Chúa sẽ ban cho chúng ta những quyền năng vô biên.

From: Ngoc Bích & KimBang Nguyen

‘THƯƠNG’, ‘CHỌN’ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em!”.

“Mỗi khi thất vọng, tôi để tâm hồn lắng dịu và hồi tưởng về Jamie, một bé gái luôn mơ có một vai diễn trong vở kịch của ngày bế giảng. Vào buổi ban tổ chức tuyên bố các vai, tôi theo mẹ Jamie đến trường. Từ xa, Jamie hớt hơ hớt hải chạy về phía mẹ, bộc lộ niềm vui chực vỡ oà. Sau khi lấy lại bình tĩnh, Jamie đã nói những lời mà tôi vẫn giữ mãi trong ký ức, “Mẹ ơi! Con được chọn làm người vỗ tay!”” – Maya Angelou.

Kính thưa Anh Chị em,

Việc thánh Matthia Giáo Hội mừng kính hôm nay được chọn – không phải để làm người vỗ tay, nhưng làm tông đồ, thế chỗ Giuđa – cho thấy quyền năng và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa một khi Ngài ‘thương’ và ‘chọn’ một ai.

Chúa thương ai, Ngài chọn kẻ ấy, chọn cách tự do; chẳng hỏi ai, không bàn bạc với ai. Một Abraham, một Giacob, một Môsê, một Đavít, một Giuse, một Maria, một Phêrô, một Phanxicô; hoặc gần gũi hơn cả, một Lêô hay một Matthia – người trúng thăm. Đừng quên, đây là công việc của Chúa Thánh Thần! Tất cả họ là những con người xem ra ‘nhỏ’ được mời tham gia một kế hoạch ‘lớn’ – cứu độ nhân loại – cứu độ đời đời. Đó là những con người ‘đủ yếu’ vốn sẽ trở thành những ‘người khổng lồ’ của Chúa. Chúa chọn ai, không vì người đó xứng đáng, nhưng vì người đó đáng được xót thương! “Xót thương và Tuyển chọn!” – khẩu hiệu của Đức Phanxicô.

Matthia hẳn rất hạnh phúc khi được ‘thương’, ‘chọn’ làm tông đồ dù có người cho rằng, ông chỉ là tông đồ hạng hai. Nhưng, nếu điều kiện “Phải là người đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta”; “Cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” thì Matthia đã đạt tiêu chuẩn đó. Matthia không bỏ đi vì Lời chói tai, cũng không quay lưng với nhóm mười một khi Thầy mất. Người môn đệ này không ưa xuất hiện nhưng lặng lẽ lẩn quẩn bên Nhóm Mười Hai đến nỗi có tài liệu nói, Chúa Giêsu coi ông như các môn đệ khác, những bạn nghĩa thiết – Tin Mừng hôm nay. Dẫu vậy, Matthia vẫn không có trong danh sách Nhóm Mười Hai!

Trong cái nhìn của Thiên Chúa, không có gì là may, chẳng có gì là rủi; không ai hạng hai, chẳng ai hạng ba; không quan trọng khi anh đạo gốc, chị đạo dòng, tôi là dự tòng. Không ít anh chị em tân tòng sống Tin Mừng tuyệt vời hơn chúng ta – giữ đạo ‘dòng dòng’ sao? Mọi người đều bình đẳng và Thiên Chúa thật quyền năng, tự do. Gioan XXIII có một kinh nghiệm ‘thương’, ‘chọn’ tương tự, “Lúc được bầu làm Giáo Hoàng, tôi luôn lo lắng và sợ hãi. Một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một lời nói với mình, ‘Roncalli, đừng xem mình quan trọng!’. Tôi đem áp dụng câu nói ấy; và từ dạo đó, tôi ăn ngon ngủ yên như khi chưa được chọn để dẫn dắt Giáo Hội toàn cầu!”.

Anh Chị em,

“Mẹ ơi, con được chọn làm người vỗ tay!”, “Roncalli, đừng xem mình quan trọng!” được tìm thấy nơi Chúa Giêsu. Ngài đã hạ mình tận chỗ rốt hết và Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài. Khiêm nhượng ví tựa chỗ trũng khi so với tính tự tôn như một ngọn đồi vừa đầy đá vừa cheo leo. Nước luôn tìm chỗ thấp như ân sủng Chúa luôn tưới đẫm kẻ rốt hèn. Khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp để đón nhận bao mưa hồng ân vốn không ở lâu trên những chỏm cao; trái lại, chảy xuống và đọng dưới chân đồi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hạnh phúc thay, con đang ở chỗ trũng; và đang hứng thật nhiều!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

********************************

Kính Thánh Matthia Tông Đồ, 

Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.        Ga 15,9-17

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”


 

VĂN HOÁ KHUYẾN KHÍCH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

“Hãy tâng bốc tôi, tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, tôi có thể không tha cho bạn! Nhưng hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!” – William Arthur Ward.        

Kính thưa Anh Chị em,

Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người luôn khích lệ mà Giáo Hội và thế giới sẽ không bao giờ lãng quên: Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’; và Giêsu, ‘Chúa của sự khích lệ!’. Lời Chúa muốn chúng ta sống ‘văn hoá khuyến khích!’. Vì lẽ, một ngọn nến sẽ không mất gì khi thắp sáng cho những ngọn nến khác!      

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba; “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khích lệ!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xem hiện tình. Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa” ban, Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, Barnaba đến Taxô tìm Phaolô, người mới tin; đưa ông đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”, Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ niềm vui, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói những lời đầy khích lệ, “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi!”. Mục tử nhân lành Giêsu ra sức bảo vệ đoàn chiên; nhưng để khỏi bị cướp, mỗi con chiên cần đóng góp phần tích cực của mình, nghĩa là, phải im ắng đủ để nghe tiếng Ngài, quen thuộc với tiếng của Ngài; đồng thời, mỗi con chiên còn phải hỗ trợ những con chiên khác, cách riêng những con đau yếu và luôn đi chậm trong đàn. Hãy khuyến khích nhau, “Nếu bạn không thể bay, hãy chạy! Nếu bạn không thể chạy, hãy đi! Nếu bạn không thể đi, hãy bò! Nhưng dù bạn làm gì, hãy tiếp tục tiến về phía trước!” – Martin Luther King Jr..

Anh Chị em,

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Noi gương Chúa Giêsu, ‘Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta cũng ao ước “sự sống đời đời” cho mình và cho tha nhân. Như các ngài, chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau lớn lên khi sống mật thiết mối quan hệ với Chúa, với nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau để nên thánh mỗi ngày; vì “Không ai lên thiên đàng một mình!”. Ước gì chúng ta có một trái tim lặng đủ để giúp nhau nhanh nhạy ‘ngẩng lên’ mỗi khi nghe Giêsu Mục Tử gọi và mau mắn thi hành điều Ngài muốn! Từ đó, dám dấn thân, trở nên những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời. Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò nhất định, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và cả trong thế giới hiện đại!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con nhìn mọi sự dưới lăng kính tiêu cực. Cho con luôn dấn thân để khơi dậy niềm cảm hứng nơi anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

******************************************

Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh

Tôi và Cha tôi là một.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.        Ga 10,22-30

22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” 25 Đức Giê-su đáp : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”