NGŨ TUẦN MỚI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bà Elisabeth được đầy Thánh Thần”.

“Điều Giáo Hội cần ngày nay không phải là máy móc hiện đại, các tổ chức bề thế hay các kế hoạch quy mô; điều Giáo Hội cần là những con người cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần có thể sử dụng! Chúa Thánh Thần không tuôn tràn ân sủng qua các kế hoạch, mà qua con người; không đến bằng máy móc, mà bằng con người; không xức dầu cho các tổ chức, mà xức dầu con người – những con người cầu nguyện. Ở đâu có họ, ở đó có một lễ Ngũ Tuần mới!” – E. M. Bounds.  

Kính thưa Anh Chị em,

“Ở đâu có những con người cầu nguyện, ở đó có một lễ ‘Ngũ Tuần mới!’”. Tin Mừng ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng cho thấy Đức Maria là một trong những con người đó.

Vậy thì điều gì đã thôi thúc Maria mạo hiểm thực hiện một cuộc du hành đầy rủi ro và vội vã đến thế? Thưa đó là sức mạnh không thể cưỡng lại đang tác động trong Mẹ! Chính sự hiện diện của Thánh Thần từ ngày Truyền Tin đã làm lu mờ người thôn nữ và lấp đầy ‘thiếu nữ Sion’ này. Chính Thánh Thần giục giã Mẹ cất bước cùng lúc với sự thôi thúc bên trong của hài nhi Giêsu Mẹ cưu mang. Để rồi, Mẹ cùng Con, Con cùng Mẹ, đồng hành với Thánh Thần trong niềm vui; và như thế, sấm ngôn của Xôphônia được ứng nghiệm, “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!” – bài đọc một. Cũng Thánh Thần đó, đã ngập tràn Elizabeth khi bà vừa nghe lời chào của người em họ, đến nỗi, Gioan trong dạ mẹ cũng nhảy lên vì vui sướng.

Có thể nói, cuộc viếng thăm của Đức Maria là một lễ ‘Ngũ Tuần mới’ mà Elizabeth tự coi mình bất xứng để tham phần, “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Câu hỏi bồi hồi của Elizabeth phản ánh cùng một đức tính cần thiết nơi một con người cầu nguyện, đó là sự khiêm nhường! “Hãy luôn luôn và trên hết là những linh hồn cầu nguyện, tôn thờ, yêu thương. Catharina Siêna một con người cầu nguyện đã từng viết, “Trong bản chất của Ngài – Đấng Tối Cao Vĩnh Cửu – con sẽ biết bản chất của con!”. Và chị thánh tự hỏi, “Bản chất của con là gì? Đó là lửa!” – Gioan Phaolô II.

Anh Chị em,

“Bà Elisabeth được đầy Thánh Thần”. Nhờ cuộc thăm viếng của Maria, Elisabeth ngập tràn niềm vui và lửa Thánh Thần. “Đây là niềm vui mà trái tim cảm nhận khi chúng ta quỳ gối để tôn thờ Chúa Giêsu trong đức tin. Niềm vui mang Chúa Kitô, đầy Thánh Thần với lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vốn thúc đẩy chúng ta mang Chúa đến cho người khác một cách tất yếu!” – Bênêđictô XVI. Vì thế, khi cất lên Magnificat, Mẹ không còn dè giữ niềm vui cho mình, nhưng nghĩ tưởng về những gì Chúa làm cho nhân loại, cho dân tộc mình; một dân tộc, rồi đây, sẽ nhận biết ơn cứu độ nơi Đấng Mẹ cưu mang. Kìa! “Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi!” – Thánh Vịnh đáp ca. Ước gì, niềm vui cầu nguyện, niềm vui sống trong lửa Thánh Thần cũng mang đến một lễ ‘Ngũ Tuần mới’ cho gia đình, cho những người thân yêu, cho những anh chị em chung quanh cuộc sống của bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên một cỗ máy vô hồn, nhưng là một con người cầu nguyện đầy Thánh Thần; để ở đâu có con, ở đó có một lễ Hiện Xuống mới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*************************************************

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh

Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.     Lc 1,39-56

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

 47thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới ;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn !

50Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.


 

THI HÀI KHÔNG HƯ NÁT – DẤU LẠ CỦA THIÊN CHÚA GIỮA LÒNG GIÁO HỘI

Thao Teresa

Thiên Chúa tỏ mình trong Giáo Hội Công Giáo Thánh Thiện của Ngài!

Đức Hồng Y Gregorio Pietro XV Agagianian – qua đời năm 1971 – mới đây được phát hiện với thi hài không hư nát, tựa như chỉ đang yên nghỉ.

Sự kiện xảy ra tại Rôma vào năm ngoái, khi phần mộ của ngài được khai mở: các chuyên viên sửng sốt vì thi thể gần như nguyên vẹn, không dấu hiệu phân hủy sau hơn nửa thế kỷ an táng.

Đức Hồng Y Agagianian (1895–1971) là một vị mục tử lỗi lạc: từng giữ chức Thượng phụ Công Giáo Armenia từ năm 1937 đến 1962, và là một trong những vị giáo sĩ được kính trọng nhất tại Công đồng Vaticanô II.

Ngày 12 tháng 9 năm 2024, thi hài ngài đã được long trọng chuyển từ Rôma về Beirut.

Đến nay, sau 54 năm an nghỉ, thân xác vị giám mục khả kính vẫn giữ được vẻ bình an và nguyên vẹn cách kỳ lạ — như một dấu chỉ thánh thiêng cho thời đại hôm nay.

HỒ SƠ PHONG THÁNH ĐỨC HỒNG Y AGAGIANIAN CHÍNH THỨC ĐƯỢC MỞ TẠI GIÁO PHẬN RÔMA

Trong phiên khai mạc án điều tra cấp giáo phận về đời sống, các nhân đức và danh tiếng thánh thiện của Đấng Đáng Kính Gregorio Pietro XV Agagianian – Hồng Y của Giáo Hội Rôma và Thượng phụ Công Giáo Armenia (1895–1971), Đức Hồng Y Angelo De Donatis đã nhấn mạnh:

“Trong hành trình đức tin của mình, Hồng Y Agagianian thấu hiểu sâu sắc rằng: Giáo Hội luôn cần đến người giáo dân – những người cộng tác cách cá vị, mãnh liệt, tự do và đầy yêu mến với hàng giáo phẩm – để tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô.”

Đối với ngài, những người bé mọn luôn chiếm trọn trái tim. Ngài thường trìu mến gọi họ là:

“Những tâm hồn non trẻ và trí tuệ còn nguyên tuyền, chưa bị thế gian vẩn đục.”

Một tấm gương mục tử khiêm nhường, thánh thiện và đầy lòng yêu thương đang được Giáo Hội bước đầu chính thức công nhận – có thể là một vị thánh tương lai cho thời đại hôm nay.

photogennari

Jos Nguyen chuyển ngữ – diocesidiroma


 

Chúa bảo ông Phao-lô: “Đừng sợ! Cứ nói đi.” – Cha Vương

Một ngày thật mạnh mẽ trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 6, 6PS: 30/5/2025

TIN MỪNG: Một đêm, Chúa bảo ông Phao-lô trong một thị kiến: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.” (Cv 18:9-10)

SUY NIỆM: Trong cuộc sống thường nhật, có hàng trăm ngàn thứ để sợ, nhưng thực ra không nên gộp tất cả thành một vì không phải nỗi sợ nào cũng không tốt. Có những nỗi sợ giúp ta trở nên tốt hơn điển hình như sợ phạm tội mất lòng Chúa, sợ làm buồn bố mẹ… 

Tin Mừng hôm nay Chúa bảo ông Phao-lô: “Đừng sợ! Cứ nói đi.” Ðừng sợ người đời, cứ mạnh dạn nói Lời Chúa. “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10:28)

Ước mong bạn hãy đặt hết tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, xin cho bạn có được lòng DŨNG CẢM, không sợ khổ, không sợ vất vả, không sợ chết… để tự do ra đi loan báo Tin Vui đến cho mọi người.

LẮNG NGHE: Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta. (Is 41:10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin ban cho con sức mạnh của Chúa để con kiên tâm bền chí mà vững bước qua gian lao thử thách theo Chúa đến cùng.

THỰC HÀNH: Tìm hiểu nỗi sợ lớn nhất của bạn trong lúc này và xin Chúa trợ giúp bạn để vượt qua nó.

From: Do Dzung

************************

Đừng Sợ (Sáng tác: Lm. Mi Trầm) – Thể hiện: Anh Nguyên

Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (Ga 16:20) – Cha Vương

Zui zẻ, bình an và hạnh phúc trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5, 6PS: 29/5/2025

TIN MỪNG: Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (Ga 16:20)

SUY NIỆM: Thật khó khăn khi phải nói lời từ biệt. Từ người nói đến người nghe không tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi. Để chuẩn bị cho sự ra đi của Chúa, Ngài nói với các môn đệ của Người rằng họ sẽ khóc lóc và than van, nhưng nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Trong cuộc sống bạn không thể nào tránh khỏi những đau khổ và buồn phiền. Nếu cuộc đời cho bạn một quả chanh, vậy bạn phải làm gì để biến nó thành ly nước chanh tuyệt hảo? Bạn hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đã đến để mang những đau khổ của nhân loại vào trong thân thể Ngài và chỉ cho bạn cách vượt qua đau khổ bằng tình yêu và tín thác, bằng hy vọng và trung kiên. Nói cách khác, khi chết đi, Ngài mang lấy cái chết vốn là thuộc tính của thế gian vào trong thân thể Người, để khi sống lại, Ngài trả lại cho con người sự sống mới. Những đau khổ và cái chết thảm thương không phải là câu trả lời cuối cùng cho niềm tin Ki-tô Giáo nhưng là cánh cửa dẫn đưa ta đến sự sống vĩnh cửu. Đây là niềm vui của Tin Mừng cứu độ!— “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Ước gì, Đường Đau Khổ của Chúa Giê-su mở ra cho bạn con đường hy vọng để bạn tiến lên trên con đường nhân đức trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. 

LẮNG NGHE: Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. (Dt 12:2b)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, với hết lòng tín thác vào tình yêu bao la của Chúa xin biến đổi những nỗi buồn của con trở thành niềm vui hôm nay. 

THỰC HÀNH: Nỗi buồn sầu của bạn trong lúc này là gì? Đọc 10 Kinh Kính Mừng và đặt hết lòng tin tưởng vào sự cầu bầu của Mẹ Maria. 

From: Do Dzung

***************************

ĐƯỜNG THẬP GIÁ…Ns Giang Ân

KHÔNG AI LẤY MẤT – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được!”.

Trong “Cuộc Nổi Loạn Thánh”, “A Holy Rebellion”, Thomas Ice & Robert Dean đặt vấn đề, “Khi nào chúng ta hành động như Satan?”. Câu trả lời đơn giản là “Khi bạn và tôi đặt lợi ích bản thân trên lợi ích của Chúa Kitô; và khi chúng ta coi khổ đau và thử thách như một bế tắc, thất bại, thay vì coi đó như khúc dạo đầu cho một niềm vui không ai lấy mất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Quan điểm của Thomas Ice & Robert Dean được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay. Thông điệp Chúa Phục Sinh ngỏ với Phaolô, “Thầy ở với anh!” cũng là thông điệp Ngài gửi cho các môn đệ mọi thời; rằng, khổ đau, bắt bớ, chỉ là khúc dạo đầu cho một niềm vui ‘không ai lấy mất’.

Khi thúc giục Phaolô “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh!”, Chúa Giêsu muốn xác nhận những gì rồi đây Phaolô sẽ chịu là có thật; việc người ta sẽ tìm cách bịt miệng Phaolô là có thật; việc chống lại lời Phaolô là có thật. Bởi thế, lý do Ngài bảo Phaolô “Đừng sợ!” là “Vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được!”. Qua đó, Ngài cho biết cấm cách, tù đày Phaolô và các môn đệ Giêsu mọi thời sẽ chịu là những gì phải đến trước để chuẩn bị cho một niềm vui có tên ‘Nên Giống Thầy’. Và còn hơn thế, nó còn là niềm vui ‘không ai lấy mất’ khi Thiên Chúa được vinh quang; dân thành này rồi sẽ tuyên xưng cùng dân các thành khác; rằng, “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, khẳng định của Chúa Giêsu về những gì sẽ đến càng rõ nét hơn, “Anh em sẽ khóc lóc và than van”; nhưng Ngài kịp hứa – cũng một điệp khúc – “Thầy sẽ gặp lại anh em!”. Nghĩa là, “Thầy sẽ ở cùng anh em, ở với anh em, ở trong anh em!”. Và không thể tin được! Ngài dùng một hình ảnh sống động, thú vị, tưởng chừng như Ngài từng trải nghiệm, “Người phụ nữ sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”. Ngài bảo đảm sự hiện diện thường xuyên của Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào vốn cũng chỉ là khúc dạo đầu cho một niềm vui ‘không ai lấy mất’, niềm vui có Ngài kề bên!

 Anh Chị em,

“Thầy ở với anh!” – như một tước hiệu mới – cũng là điều Thiên Chúa thường hứa với những ai Ngài gọi. Khi sai Môsê đi giải phóng dân, ông hỏi một đàng, Chúa trả lời một nẻo, “Con là ai mà dám ra trước Pharaô?” – “Ta sẽ ở cùng ngươi!” – một tên mới của Môsê! Trong biến cố Truyền Tin, “Mừng vui lên, Đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng bà!”. Mỗi Thánh Lễ, chúng ta chào nhau, “Chúa ở cùng anh chị em!”, “Và ở cùng cha!”. “Chúa ở cùng chúng ta” quả là một sự thật đáng vui mừng. Vì thế, bao khốn khổ, đớn đau Chúa Giêsu chịu, kể cả cái chết trên thập giá… tất cả chỉ là để chuẩn bị cho một niềm vui lớn hơn, “Niềm Vui Phục Sinh”. Và còn hơn thế, “Niềm Vui Phúc Kiến” bên Cha đời đời, vốn đã xuất hiện ở cuối chân trời mà chúng ta đang hướng về – Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đang cầm trên tay triều thiên long lanh của con; vì thế, mọi ‘thánh giá mềm cứng’ đời con chỉ là khúc dạo đầu cho một niềm vui không bao giờ mất!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

*************************************

Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh

Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 16,20-23a

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23a Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.”


 

KHÔNG CÓ KẾ HOẠCH HẬU THUẪN – Lm. Mark Link, S.J.

Lm. Mark Link, S.J.

Chúa Giêsu trao cho các môn đệ nhiệm vụ hoàn tất công trình của Người bằng cách chia sẻ Tin Mừng cho toàn thể thế giới.

Có một huyền thoại xưa về việc lên trời của Đức Giêsu.  Theo huyền thoại này, khi Đức Giêsu đến thiên đường, thân thể của Người vẫn còn các vết thương của khổ hình thập giá.

Chân tay của Người vẫn còn mang vết đinh.  Cạnh sườn Người vẫn còn dấu vết của cây giáo.  Lưng của Người vẫn còn các vết sẹo vì roi vọt, và đầu của Người vẫn còn các thương tích vì gai nhọn.

Khi các thánh trên trời nhìn thấy các dấu vết này, họ phủ phục trước mặt Chúa Giêsu.  Họ bàng hoàng khi thấy sự đau khổ Người đã gánh chịu.  Sau đó thiên thần Gabrien đứng lên nói với Chúa Giêsu:

“Lạy Chúa, sự đau khổ mà Ngài gánh chịu ở thế gian thật lớn lao chừng nào!  Nhưng tất cả mọi người dưới thế có biết và có cảm kích những gì Ngài đã kinh qua vì họ, và yêu thương họ như thế nào không?”

Chúa Giêsu trả lời:

“Ô, không! Chỉ có một ít người ở Palestine biết điều đó.  Phần còn lại thì không nghe biết gì về ta.  Họ không biết ta là ai.  Họ không biết ta phải đau khổ thế nào, và ta yêu thương họ thế nào.”

Thiên thần Gabrien bàng hoàng khi nghe thế. Sau đó người nói với Chúa Giêsu:

“Làm thế nào những người còn lại ở dưới thế có thể biết về sự đau khổ và tình yêu của Ngài?”

Chúa Giêsu nói:

“Trước khi từ giã, ta có nói với Phêrô, Giacôbê, và Gioan, và một vài người bạn của họ, là hãy đi nói với toàn thể thế giới về ta.

“Họ nói với nhiều người mà họ có thể.  Những người ấy, đến lượt họ, sẽ nói với người khác.  Theo cách ấy, sau cùng toàn thể thế giới sẽ biết về tình yêu của ta dành cho họ.”

Bấy giờ thiên thần Gabrien lại càng bối rối hơn nữa.  Vì thiên thần biết loài người dễ thay đổi chừng nào.  Người biết họ dễ quên chừng nào.  Người biết họ dễ hồ nghi chừng nào.  Do đó người quay sang Chúa Giêsu và nói:

“Nhưng, lạy Chúa, nếu Phêrô, Giacôbê, và Gioan mệt mỏi hay thất bại thì sao?  Nếu họ quên Ngài thì sao?  Nếu họ bắt đầu có những hồ nghi về Ngài thì sao?

“Và ngay cả khi không có điều gì xảy ra, nếu những người được nghe họ nói trở nên thất vọng thì sao? Nếu họ quên đi thì sao?  Nếu họ bắt đầu có những hồ nghi về Ngài thì sao?

“Ngài không nghĩ đến các điều này hay sao?  Ngài không có một kế hoạch hậu thuẫn hay sao – nếu trong trường hợp?”

Chúa Giêsu trả lời:

“Ta có nghĩ đến tất cả những điều này, nhưng ta quyết định không có một kế hoạch hậu thuẫn.  Đây là kế hoạch duy nhất ta có.

“Ta trông nhờ vào Phêrô, Giacôbê, và Gioan không làm ta thất vọng.  Ta trông nhờ vào những người mà họ nói không làm ta thất vọng.”

Hai mươi thế kỷ sau, Chúa Giêsu vẫn không có kế hoạch nào khác.  Người trông nhờ vào Phêrô, Giacôbê, và Gioan, và họ đã không làm Người thất vọng.  Người trông nhờ vào những người mà các tông đồ nói với họ, và họ đã không làm Người thất vọng.  Và giờ đây Chúa Giêsu trông nhờ vào chúng ta.

Lễ Thăng Thiên là một trong những lễ quan trọng nhất của niên lịch phụng vụ.

Đó là ngày mà chúng ta cử hành việc Chúa Giêsu trở lại với Chúa Cha.

Chúng ta có thể so sánh Lễ Thăng Thiên với việc chuyền gậy từ lực sĩ này sang lực sĩ kia trong cuộc chạy đua tiếp sức.

Vào ngày này 2,000 năm trước, Chúa Giêsu đã chuyền chiếc gậy công việc của Người cho ông Phêrô, Giacôbê, và Gioan.  Sau đó, đến lượt họ chuyền gậy này sang những người sau họ.  Lần lượt, những người này chuyền gậy cho chúng ta.  Và giờ đây đến lượt chúng ta chuyền gậy cho những người khác.

Nói về thực tế, điều này có nghĩa gì?

Có phải nó có nghĩa chúng ta hãy ra đi và rao giảng về Chúa Giêsu, như các ông Phêrô, Giacôbê, và Gioan đã làm?  Có phải điều đó có nghĩa hãy đặt loa phóng thanh trong các thương trường và nói với mọi người về Chúa Giêsu?

Nó có thể có nghĩa như thế cho một số người, nhưng với hầu hết chúng ta nó có nghĩa căn bản hơn việc này.  Nó có nghĩa cơ bản hơn.  Nó có nghĩa sống lời giảng dạy của Chúa Giêsu ngay trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Cách bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu cho thế gian là bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu cho chính mình.  Một ngạn ngữ Trung Hoa có nói:

“Nếu có điều đúng trong tâm hồn, sẽ có sự mỹ miều trong con người.
Nếu có sự mỹ miều trong con người, sẽ có sự hài hòa trong gia đình.
Nếu có sự hài hòa trong gia đình, sẽ có trật tự trong quốc gia.
Nếu có trật tự trong quốc gia, sẽ có hòa bình trên thế giới.”

Cách mở đầu rao giảng về Chúa Giêsu cho thế gian là bắt đầu sống lời Chúa trong cuộc đời mình.  Một khi chúng ta bắt đầu thi hành điều này, thông điệp của Chúa Giêsu sẽ bắt đầu gợn sóng trong thế giới.  Và nếu có đủ Kitô Hữu làm điều này, gợn sóng đó sẽ trở nên một cơn thủy triều, và thủy triều đó sẽ thay đổi mặt đất trong một phương cách mà chúng ta không bao giờ mơ tưởng có thể được.

Đây là thông điệp của buổi lễ hôm nay.  Đây là thách đố mà các bài đọc hôm nay đề ra cho chúng ta. 

Chúa Giêsu trông nhờ vào chúng ta.

Hãy kết thúc với những lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Bài Giảng Trên Núi.  Trong ánh sáng của những gì chúng ta vừa nói, những lời này có một ý nghĩa đặc biệt.  Chúa Giêsu nói:

“Các con giống như muối cho toàn thể nhân loại.  Nhưng nếu muối mất vị mặn của nó, không cách chi làm cho nó mặn lại.  Nó trở nên vô dụng, bị quăng ra ngoài và người ta chà đạp lên.

“Các con giống như ánh sáng cho toàn thế giới.  Một thành xây trên núi thì không thể che giấu được.  Cũng thế, ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mọi người, có như thế họ sẽ thấy những điều tốt lành các con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời.” (Mt 5:13-16).

Lm. Mark Link, S.J.

From: Langthangchieutim

RỒI SẼ HÂN HOAN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui!”.

Trong “Niềm Vui Của Các Thánh”, Jean Pierre de Caussade chỉ ra bí quyết để xua tan lo lắng và u buồn, “Mỗi ngày, bạn hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và ‘phó dâng’ hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi. Được như thế, bạn sẽ nghiệm ra rằng, niềm vui luôn chiếm ưu thế, linh hồn bạn rồi sẽ hân hoan như các thánh đã hân hoan!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay đề cập nỗi buồn và niềm vui; nhưng vì niềm vui luôn chiếm ưu thế nên sau những muộn phiền lo lắng, các môn đệ của Chúa Giêsu ‘rồi sẽ hân hoan!’.

Chúa Giêsu nói đến u buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài; nhưng sau đó, Ngài nói, “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” – niềm vui “lại thấy Thầy”. Lần đầu đến Côrintô, Phaolô được cặp đôi Aquila và Priscilla tiếp; họ cho ông một chỗ ở, một việc làm. Và còn nhiều hơn thế! Về sau, qua các thư, Phaolô tiết lộ, họ còn có những ‘căn phòng’ tương tự ở Êphêsô, Rôma, nơi các tín hữu học và dạy giáo lý, chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhớ lễ “Hai thánh dệt lều Aquila và Priscilla” mừng vào ngày 8/7 hàng năm! “Họ là các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt” cho việc phát triển đức tin” – Bênêđictô XVI. Nhờ họ, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân” – Thánh Vịnh đáp ca. Phaolô và các giáo đoàn sơ khai hẳn đã trải nghiệm sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa Phục Sinh qua họ.

Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Đó là một ‘cộng đồng các kẻ tin’ vốn sẵn sàng nâng đỡ nhau, đặc biệt những lúc khó khăn; một sứ vụ mà chúng ta – ở bất cứ thời điểm nào – trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, trẻ hay già, độc thân hay lập gia đình. Đó là sứ vụ mà Thánh Thần luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng, để mỗi người trở nên sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa Phục Sinh cho người khác. Nhờ đó, ai ai cũng có thể trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’; giữa bao khó khăn, mỗi người ‘rồi sẽ hân hoan’ nhờ sự bổ trợ của các thành viên khác.

Anh Chị em,

“Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui!”. “Giêsu Nguồn Vui” luôn nhịp bước bên chúng ta, Ngài không cất đi những khốn khổ trên hành trình, nhưng luôn hiện diện để bạn và tôi đi trọn con đường Ngài đi. Vấn đề là chúng ta có biết ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi? Tắt một lời, nếu Chúa Phục Sinh luôn ‘chiếm chỗ’ ưu tiên ở trung tâm cuộc sống chúng ta, chúng ta ‘sẽ lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời, và nhất là thấy Ngài trong những con người mà chúng ta phục vụ hay những con người đang tiếp sức cho chúng ta. Đó là những thành viên của Hội Thánh – hoặc ngay cả – chưa gia nhập Hội Thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể chia sẻ ‘Giêsu Nguồn Vui’ cho những ai vui ít buồn nhiều, cho con nhận ra sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa trong từng phút giây ngày sống của con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)   

***********************************************************

Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh

Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 16,16-20

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”

17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau : “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’ ?” 18 Vậy các ông nói : “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì !” 19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông : “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”


 

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8) – Cha Vương

Hôm nay Chúa ao ước bạn có một quả tim đơn sơ và trong sạch đó. Bạn có thể làm Chúa hài lòng được không?

Cha Vương

Thứ 4: 28/05/2025 

TIN MỪNG: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)

HOA QUẢ THỨ 12: Khiết Tịnh (thanh khiết, đức thanh sạch) là thói quen tiết chế ham muốn tình dục vì lý do chính đáng. (Theo Thánh Thomas Aquino và triết gia Aristotle)

SUY NIỆM: Trong xã hội mà những phim ảnh đồi truỵ đang len lỏi vào từng ngõ nhách của môi trường sống của con người một cách quá dễ dàng thì thật là nguy hiểm quá. Có những người ôm cái iPhone/iPad của mình trong phòng riêng hoặc trong mền đến nỗi mặt mũi họ phờ phạc ra, họ quên ăn quên ngủ. Mình không giám kết án họ đã xem gì hoặc chơi những trò chơi gì nhưng đây là nỗi lo âu rất lớn của các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục. Khi con người đã không kiềm chế được ham muốn dục vọng của mình như—tình dục, chè chén, chơi bời, dâm đãng, bài bạc… thì việc giáo dục về đức khiết tịnh lại càng trở nên cấp bách. Con người sẽ bị mất đi nhân tính và họ quên đi những việc họ đang làm hoàn toàn trái ngược với ý định của Thiên Chúa. Do đó đức kiết tịnh rất cần thiết để giúp con người biết tự chủ hoặc chế ngự các đam mê để được bình an hạnh phúc, nếu không thì họ sẽ trở thành nô lệ của những đam mê và trở nên bất hạnh. Sống khiết tịnh là nhiệm vụ của mỗi người tuỳ theo mỗi ơn gọi. Có ba hình thức sống khiết tịnh: khiết tịnh của bậc hôn nhân, khiết tịnh của người góa bụa và khiết tịnh của kẻ đồng trinh. Giáo Hội không ca tụng lối sống này mà loại bỏ lối sống khác. Hiển nhiên, như hoa quả của Chúa Thánh Thần, khiết tịnh không phải là điều người ta có thể đạt đến nếu không muốn bỏ công cầu nguyện hay nỗ lực. Quả ngọt trên cây thường xuất hiện sau cùng. Vì thế, để là hoa quả  của Thánh thần, đòi hỏi một quá trình vun trồng thật tốt trong ơn nghĩa Chúa. Để bắt đầu sống khiết tịnh trong thế giới với đủ loại cám dỗ, bạn phải có một đời sống nội tâm mạnh mẽ; kết hiệp với Chúa qua việc ăn chay hãm mình, tham dự Thánh Lễ thường xuyên và lãnh nhận các bí tích sẽ là những việc cần thiết cho những ai muốn đạt được nhân đức này.

LẮNG NGHE: Thánh Phaolô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là hơi thở của hồn con, xin tạo cho con một quả tim trong sạch, với đôi mắt trong ngần và thanh khiết để con chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa.

THỰC HÀNH: Xoá bỏ những kênh YouTube không lành mạnh. 

From: Do Dzung

**************************

Quả Tim Trong Sạch – Thánh Vịnh 50

Đám đông nổi lên chống hai ông [Phao-lô và Xi-la] . Các quan tòa, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. (Cv 16:22)- Cha Vương

Ngày Thứ 3 tràn đầy ân sủng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần nhé.

Cha Vương

Thứ 3, : 27/5/2025

TIN MỪNG: Đám đông nổi lên chống hai ông [Phao-lô và Xi-la] . Các quan tòa, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. (Cv 16:22)

SUY NIỆM: Tại sao Phao-lô và Xi-la bị đánh đòn và tống giam? Trong Sách Tông Đồ Công Vụ 16:16-20 kể rằng Phao-lô tỏ vẻ bực mình vì “một đầy tớ gái đón gặp chúng tôi; cô ta bị quỷ thần ốp và thuật bói toán của cô làm lợi nhiều cho các chủ của cô.” Tức khắc Phao-lô quay lại bảo quỷ: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này!” Ngay lúc ấy, quỷ thần liền xuất. Điều này làm chấn động và gây rối mưu toan tính toán riêng của họ trong thành phố khiến đám đông tham gia cùng quan tòa tấn công Phao-lô và Si-la. 

Nhìn vào thế giới ngày nay tuy nạn cấm đạo vẫn còn đang xảy ra ở một số vùng nhưng hầu hết các giáo hữu không phải đương đầu với những thử thách khó khăn như Phao-lô và Si-la. Tuy nhiên, bạn có thể bị những cám dỗ như mê tín dị đoan hoặc bị những hoạt động tội lỗi đang hoành hành trong đời sống hằng ngày. Đây cũng là một thử thách không nhỏ cho nên Chúa muốn bạn hãy đặt hết niềm tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần để xin Ngài trợ giúp. Ngài đang hoạt động mạnh mẽ trong cuộc sống và thế giới. Sự lựa chọn là do bạn. Chúa hay ma quỷ? Đừng có nửa vời, nguy hiểm to đó! Chúa Thánh Thần được mệnh danh là: Đấng Phù trợ, Đấng Thánh hoá, Đấng ban Sự Sống, Đấng Bầu Chữa, Đấng An Ủi, Thần Chân lý. Vậy hôm ngay mời bạn hãy chạy đến Chúa Thánh Thần để xin Ngài hướng dẫn phù trợ.

LẮNG NGHE: Này con được THIÊN CHÚA phù trì, / thân con đây, CHÚA hằng nâng đỡ. / Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, / lạy CHÚA, con xưng tụng danh Ngài, / vì danh Ngài thiện hảo. (Tv 54:6,8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho con luôn biết lắng nghe và tìm kiếm Ngài để mọi việc làm của con hôm nay được hoàn thành dưới sự linh ứng của Ngài hầu mang lại hiệu quả tốt đẹp.

THỰC HÀNH: Bỏ ra 5 phút cầu nguyện cho hoà bình trên thế giới. 

From: Do Dzung

*************************

Thánh Thần Hãy Đến – Diệu Hiền ft. Phi Nguyễn

 

BỒN CHỒN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn!”.

“Chúng ta chỉ có thể viết nên cuộc đời mình trong ‘bàn tay viết lách và luôn làm trổ sinh’ của Chúa Thánh Thần. Hãy dành chỗ cho Ngài, chính Ngài sẽ thổi, sẽ hoạ nên những kiệt tác bất ngờ với những nét rồng bay phượng múa. Nhưng trước hết, Ngài bồn chồn hồi sinh chúng ta từ những gì chết chóc; bởi lẽ, có quá nhiều thứ hoại tử trong đời sống và nơi linh hồn mỗi người!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự ‘bồn chồn’; Phaolô ‘bồn chồn’, Chúa Giêsu ‘bồn chồn!’.

Trên hành trình truyền giáo, Phaolô dừng chân ở Athêna, nơi ông thấy một bàn thờ “Kính thần vô danh”; Phaolô ‘bồn chồn’ lên tiếng, “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị!”. Ngài là Thiên Chúa, “Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất” – bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ‘bồn chồn’ muốn các môn đệ nhận ra vai trò quan yếu của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội cũng như trong đời sống mỗi người, “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn!”. Như các tông đồ, chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu; tuy nhiên, vẫn rất mù mờ và sẽ không bao giờ biết Ngài hoàn toàn. Bao lâu còn trên dương thế, chúng ta vẫn mãi dò dẫm hướng tới sự hiểu biết này! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói đến sự cần thiết về Đấng Chúa Cha sẽ sai đến, Ngài sẽ là người hướng đạo dẫn chúng ta đến sự hiểu biết Thiên Chúa toàn vẹn.

Cùng lúc, hoạt động kín đáo của Chúa Thánh Thần trong đời sống sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân. Nhưng trước hết, Ngài sẽ hồi sinh chúng ta từ những gì chết chóc; bởi lẽ, có quá nhiều thứ hoại tử trong đời sống và trong linh hồn mỗi người. Tiếp đến, chính Chúa Thánh Thần sẽ trợ lực để mỗi người chúng ta khám phá những chân trời mới; ở đó, Ngài muốn mỗi người sẽ cùng Ngài thổi vào thế giới những làn gió mới – làn gió Thần Khí sự sống – bắt đầu với tất cả những gì nhỏ bé nhất với những con người gần gũi nhất.

Chính Thánh Thần, Đấng rất ‘bồn chồn’ để làm sao mọi việc lành phúc đức của chúng ta có một giá trị thật, giá trị cứu độ vĩnh cửu. Khi chúng ta cầu nguyện, hy sinh; khi chúng ta ngợi khen, làm chứng; hoặc khi chúng ta thực thi bác ái yêu thương, nhịn nhục hay tha thứ; xua tan bất hoà, xây dựng hiệp nhất… thì chính Ngài là tác nhân và là động lực giúp cho những công việc đó hoàn thành và mang ý nghĩa cứu độ.

Anh Chị em,

“Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn!”. Đức Phanxicô nói, “Đây là lời cầu nguyện mà chúng ta phải thưa lên mỗi ngày: ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin mở rộng lòng con với lời Chúa, mở rộng lòng con với sự thiện, mở rộng lòng con với vẻ đẹp của Thiên Chúa mỗi ngày!’”. Và này, với con – một người hèn yếu – Ngài cũng sẽ thổi, sẽ hoạ nên một kiệt tác bất ngờ bằng những nét rồng bay phượng múa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật không hiểu nổi khi Chúa vừa chữa lành những hoại tử trong con, vừa sai con đi. Xin cứ dùng con như một khí cụ bình an của Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

************************************

Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh

Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 16,12-15

12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.


 

TƯƠI MỚI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện”.

“Kền kền và chim ruồi bay qua các sa mạc. Những gì kền kền tìm kiếm là thịt rữa; những gì chim ruồi kiếm tìm là những đoá xương rồng rực rỡ. Kền kền sống với những gì đã có thuộc quá khứ, những gì đã chết và hư thối. Chim ruồi sống bằng những gì đang có, sẽ có; những bông hoa tươi mới, đầy sức sống. Mỗi loài chim tìm kiếm những gì nó kiếm tìm. Cũng thế, loài người tìm kiếm, tuy không giống nhau!” – Steve Goodier.

Kính thưa Anh Chị em,

Hình ảnh những đoá xương rồng rực rỡ, tươi tắn đưa chúng ta về sự ‘tươi mới’ sống động của những con người luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, những con người thuộc về Đấng Phục Sinh cũng là Đấng luôn ở cùng họ.

Công Vụ Tông Đồ tường thuật, từ ngục tối, “Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện”. Thật không dễ để có thể cất lên những lời chúc khen trong những hoàn cảnh như thế; có chăng, cũng chỉ là những lời khẩn nguyện, nài van. Qua đó, Phaolô và Sila vô tình tiết lộ xác tín bên trong của mình: rằng, Chúa Phục Sinh đang ở với họ; lòng thương xót của Ngài mạnh hơn ác tâm con người. Và câu chuyện kết thúc tuyệt đẹp với việc viên cai ngục và cả gia đình ông chịu phép rửa sau lời chỉ dạy của các ngài. Như vậy, Chúa  Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đang thực sự hoạt động một cách linh hoạt trong những tình huống bất trắc nhất để các tông đồ được cứu thoát, trở nên ‘tươi mới’, lòng đầy hân hoan; “Lạy Chúa, Ngài ra tay uy quyền giải thoát con!” – Thánh Vịnh đáp ca.

“Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta!”. Đó cũng là điều Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ qua Tin Mừng hôm nay. Bối cảnh là phòng Tiệc Ly, khi các môn đệ đang buồn sầu vì Ngài sắp rời xa. Qua đó, Ngài hứa ban Thánh Thần – Đấng Bảo Trợ – như rọi một tia sáng vào bóng tối tâm linh; Ngài bảo đảm sự ra đi của Ngài mang đến cho họ ‘những hạt giống mới’, ‘những cơ hội mới’; tạo nên ‘một sự khác biệt’ mới mẻ và Ngài – Đấng rồi đây sẽ  phục sinh – luôn tiếp tục hoạt động một cách ‘tươi mới’, sống động trong mọi hoàn cảnh. Ngài nói đến Chúa Thánh Thần, Đấng tiếp tục công việc của Ngài không chỉ ‘qua họ, trong họ, cùng họ’, nhưng còn ‘qua những ai nối tiếp họ’; trong đó, có bạn và tôi!

Anh Chị em,

“Mỗi loài chim tìm kiếm những gì nó kiếm tìm!”. Bạn tìm kiếm gì mỗi ngày? Hãy thôi tìm kiếm những gì hư rữa, chết chóc; đừng sống trên quá khứ! Hãy tìm kiếm những ‘đoá Giêsu’ ngọt ngào thanh khiết giữa sa mạc khô khốc chợ đời. Loài hoa ấy cũng không quá hiếm hoi nhưng vẫn có ở đây, ở đó và chúng đang vẫy gọi bạn và tôi đến để ‘đậu lại’ lâu hơn: hoa Thánh Thể, hoa Lời Chúa, hoa cầu nguyện, hoa bác ái, hoa yêu thương! ‘Hoa Giêsu’ đợi chúng ta thống hối trở về, giã từ một tội lỗi; mong chúng ta ra khỏi mình để chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn và trở nên chứng tá yêu thương trong môi trường của mình. Đó chính là sự ‘tươi mới’, đầy sức sống mà Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài sẵn sàng ban tặng cho những ai tìm kiếm Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tìm kiếm những gì xem ra tươi tắn nhưng tiềm ẩn chết chóc. Cho con một chỉ tìm kiếm những bông hoa bình an và hoan lạc trong Thánh Thần!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*********************************

 Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh

Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 16,5-11

5 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi : ‘Thầy đi đâu ?’ 6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7 Song, Thầy nói thật với anh em : Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử : 9 về tội lỗi : vì chúng không tin vào Thầy ; 10 về sự công chính : vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa ; 11 về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”


 

Vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha- Phùng Văn Phụng

 Phùng Văn Phụng

Nhân đọc trong Facebook Lương Văn Can có nói đến hạnh phúc và bình an như sau:

Hạnh phúc không phải là trời yên biển lặng, mà là trải qua sóng gió nhưng vẫn đủ trầm tĩnh sáng suốt để chèo chống bình an.
Không có sự bình an trong cuộc đời mà chỉ có sự bình an trong tâm hồn. Đừng trách đời, trách người cũng đừng tự trách mình, điều quan trọng là ta vẫn tìm ra được chính mình dù trải qua bao nhiêu gian khó.
Hạnh phúc không đến từ cuộc đời, không đến từ người khác, hạnh phúc chỉ nảy nở từ bên trong khi mình biết sống trọn vẹn với chính mình, với những gì mình đang có”.

******

Kinh thánh có viết: “(27) Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em” Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (Gioan 14, 27-28)”

Bình an của Chúa Giêsu là bình an như thế nào?

Có phải là tình trạng không có chiến tranh, chết chóc, không có tai nạn không có bảo tố, cuộc sống êm ả như đang sống ở đồng quê miền Nam Việt Nam vào buổi chiều êm ả không?.

Bình an của Chúa không phải là bình an của thế gian như tình trạng hoà bình, êm ả

như nói trên.

Mà bình an của Chúa là bình an trong lòng, trong tâm hồn mình trước các thử thách khó khăn, thông thường người đời coi là ghê gớm, quá khủng khiếp, khó vượt qua được như trường hợp bà Thánh Anê Lê thị Thành (bà thánh Đê) (1781-1841)

“Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra.

Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: “Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa“. Quả thật bà đã thể hiện trọn vẹn mối phúc thứ tám:

“Tin yêu Chúa Tể muôn trùng,

Tan vàng nát ngọc chữ trung một lòng”.

Cô Lucia Nụ, con bà, đến thăm mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: “Con đừng khóc nữa. mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”.(1)

Vì sao rất nhiều các thánh tử đạo Việt Nam như bà Lê Thị Thành chịu đựng được gian nan, khốn khó đó?

Vì họ biết được là chết vì Chúa Giêsu thì sẽ giống như Thầy mình là sẽ về Thiên Đàng ở cùng Chúa Cha.

“Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha” (câu 28)

Thánh Phaolô cũng nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là mối lợi”. (Trong Bài trích thư Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philípphê:)

Kết:

Như vậy bình an của Thầy Giêsu hoàn toàn khác với bình an của thế gian, bình an theo quan niệm của người đời, cho nên nếu gặp gian nan, đau khổ, thử thách ở đời này vì Chúa Giêsu, và với niềm tin, hy vọng mai sau sẽ về cùng Thiên Chúa hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu thì đâu có gì mà lo âu, sợ hãi nữa phải không?

Phùng Văn Phụng

(1) nguồn:https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/thanh-ane-le-thi-thanhba-thanh-de-1781-1841.html