Giáo hoàng Francis chỉ để lại tài sản trị giá 100 USD sau khi qua đời

Những câu chuyện Nhân Văn – My Lan Pham

 Giáo hoàng Francis chỉ để lại tài sản trị giá 100 USD sau khi qua đời ở tuổi 88! Lúc còn sống, Ngài từ chối nhận lương, từ chối ở tại khu biệt thự trong Điện Tông tòa, từ chối đi xe sang, khong sử dụng trang phục và phục sức đắt tiền. Giáo hoàng sống cuộc đời giản dị cho đến khi về với Chúa!

Ngài cũng không nhận bất kỳ khoản tiền lương nào kể từ khi trở thành giáo hoàng vào tháng 3-2013. Kể cả sau khi được tấn phong hồng y vào năm 2001, Ngài vẫn sống trong một căn hộ nhỏ và sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm thay vì những chiếc ô tô sang trọng có tài xế riêng hay có đội bảo vệ riêng dành cho các hồng y để giữ gìn tinh thần khó nghèo, vâng phục lời khấn “khó nghèo” mà Ngài tuyên hứa với Dòng Tên. (Trích từ TT)

Trong ký ức của những người dân nghèo ở Buenos Aires, nhất là khu ổ chuột lớn nhất thủ đô Argentina Villa 21-24, Giáo hoàng Francis, khi đó là linh mục Jorge Mario Bergoglio, mãi mãi là “linh mục của dân nghèo”, là người cha luôn yêu thương, giúp đỡ những người nằm bên rìa xã hội.

Tôi là người ngoại đạo nhưng vô cùng trân trọng nhân cách của Ngài- những người ngày càng hiếm trong thời đại này.

Nhà báo Hà Phan


 

CÂU CHUYỆN LỚN HƠN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”.

Anh trộm bị đóng đinh thủng cả hai tay để không thể làm gì cho Chúa; một cái đinh xuyên hai bàn chân để anh không thể chạy vặt cho Ngài. Vậy mà Chúa Kitô đã tặng anh món quà cứu rỗi. Ngài ném cho anh tấm hộ chiếu và anh vào thiên đàng! Câu chuyện tuy gãy gọn nhưng nó là một ‘câu chuyện lớn hơn’ câu chuyện một đời bôn tẩu của bạn và tôi!

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với câu chuyện của anh trộm lành, Lời Chúa hôm nay là những câu chuyện thật đẹp! Chuyện anh què ngồi ăn xin bên cửa đền thờ, chuyện hai môn đệ Emmaus nhận ra người khách lạ đồng hành, cũng là người sẽ kể cho họ một ‘câu chuyện lớn hơn!’.

Trước hết câu chuyện anh què, rồi đây sẽ khá rắc rối! “Ngày ngày, họ đặt anh bên cửa Đền Thờ”; ở đó, anh xin bố thí. Phêrô và Gioan “nhân danh Đức Giêsu Kitô”, tặng anh món quà ‘đôi chân mới’ và “anh vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót mà ca tụng Thiên Chúa” – bài đọc một. Câu chuyện anh què chứng tỏ một ‘câu chuyện lớn hơn’ về Đấng Phục Sinh, Đấng mà rồi đây, Phêrô rao giảng, khiến “3.000 người trở lại”. Và mọi người ngợi khen Chúa, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Câu chuyện thứ hai – Emmaus – hấp dẫn hơn! Emmaus – phía tây, so với Giêrusalem – phía đông. Hai môn đệ đi về phía mặt trời lặn, phía đêm tối, chết chóc và tuyệt vọng. May thay, ở đó, Chúa Phục Sinh kịp có mặt, dù lúc ẩn lúc hiện. Ngài đồng hành và lòng họ cháy lên; Ngài lắng nghe họ, trách họ ‘vô tín’. Đoạn, kể cho họ một ‘câu chuyện lớn hơn’, “Bắt đầu từ Môsê, giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Thật hồi hộp với phần kết! Khi gần tới làng, hai người “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Để khi ngồi ăn, “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người”, Đấng buộc họ quay lại Giêrusalem, phía mặt trời mọc!

Nhân loại cần nghe câu chuyện vĩ đại đó! Ai sẽ kể về Chúa Kitô cho thế giới nếu không phải bạn và tôi? Nhưng trước hết, câu chuyện lớn nhất là bạn và tôi phải được Chúa Phục Sinh biến đổi! Từ đó, chúng ta mới có thể đồng hành với những ai đang trên ‘đường Emmaus’ đời họ, kể cho họ về Giêsu, Đấng Cứu Độ họ, cứu độ thế giới, hầu mắt họ cũng sáng ra mà ‘quay về phía Mặt Trời’.

Anh Chị em,

“Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. “Có lẽ toàn bộ lịch sử của Chúa Giêsu nằm trong chuỗi cử chỉ này! Ngài ‘cầm lấy’ chúng ta, ‘chúc lành’ chúng ta, ‘bẻ’ cuộc sống chúng ta – vì không có tình yêu nào mà không có hy sinh – và tặng nó cho người khác, cho mọi người. Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ Emmaus cho biết rằng, cộng đồng Kitô hữu không thể bị nhốt trong một thành trì kiên cố, nhưng đúng hơn là một hành trình dọc theo môi trường thiết yếu nhất của mình, đó là con đường – trên đó – Kitô hữu trao tặng Lời Sự Sống, chứng tá của một tình yêu trung thành cho đến cùng. Và như vậy, trái tim của mọi người bừng cháy hy vọng!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xô con trở lại phía mặt trời mọc; con sẽ kéo theo anh chị em con, kể cho họ ‘câu chuyện lớn hơn’ rằng, Chúa đã thương xót con và luôn thương xót họ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********************************************************

Thứ Tư trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.


 

Nguyên nhân trực tiếp gây ra tử vong cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Nguyên nhân trực tiếp gây ra tử vong cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô

VietCatholic Media

21/Apr/2025

Theo giấy chứng tử do Vatican công bố, Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời vì đột quỵ, dẫn đến hôn mê và suy tim “không thể phục hồi”.

Ngài qua đời trong căn phòng của ngài tại nhà trọ Santa Marta ở Vatican, lúc 7:35 sáng ngày 21 tháng 4 năm 2025, giờ địa phương, tức là 12:35 trưa thứ Hai theo giờ Việt Nam, sau một thời gian dưỡng bệnh vì nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng.

Vị Giáo Hoàng 88 tuổi đã qua đời gần một tháng sau khi được xuất viện sau 5 tuần nằm bệnh viện, nơi ngài gần như đã tử vong vì bệnh viêm phổi kép.

Tuy nhiên, ngài qua đời không phải vì các vấn đề liên quan trực tiếp đến bệnh viêm phổi nhưng vì “đột quỵ não, hôn mê, suy tim mạch không hồi phục”, giấy chứng tử cho biết.

Đức Giáo Hoàng từng bị suy hô hấp cấp tính khi ngài bị viêm phổi kép trong bệnh viện, giấy chứng tử cho biết thêm.

Ngài cũng bị tăng huyết áp động mạch, giãn phế quản nhiều lần và tiểu đường loại 2 – một căn bệnh trước đó chưa từng được biết đến.

Giấy chứng tử được ký bởi giám đốc y tế của Thành phố Vatican, bác sĩ Andrea Arcangeli.

Viêm phổi kép là tình trạng nhiễm trùng phổi ảnh hưởng đến cả hai lá phổi, làm viêm các túi khí trong phổi hoặc phế nang, chứa đầy dịch hoặc mủ.

Tình trạng viêm này khiến việc thở trở nên khó khăn và nếu nhiều phân đoạn phổi bị nhiễm trùng, dù ở một lá phổi hay cả hai lá phổi, thì bệnh có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn.

Giáo hoàng Phanxicô có tiền sử bệnh tật kéo dài trong suốt cuộc đời, một số bệnh có từ thời trẻ và một số bệnh khác phát triển trong thời gian làm giáo hoàng.

Ở tuổi21, ngài đã phải cắt bỏ một phần phổi do nhiễm trùng nặng, có thể là viêm phổi hoặc u nang phổi.

Mặc dù vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là đã sống một cuộc sống rất năng động và không bao giờ để bệnh ảnh hưởng đáng kể đến sức sống của mình.

Ngài cũng bị đau thần kinh tọa mãn tính, một tình trạng đau thần kinh thường khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Tình trạng này khiến ngài đôi khi phải hủy các sự kiện hoặc tỏ ra khó chịu rõ rệt trong các buổi lễ dài.

Trong suốt cuộc đời, có nhiều báo cáo cho rằng ngài bị các vấn đề nhẹ về tim, bao gồm nhịp tim không đều, mặc dù có vẻ như tình trạng này chủ yếu được kiểm soát mà không có bất cứ sự việc nào.

Khi bước vào độ tuổi cuối 80, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên phải sử dụng xe lăn do các vấn đề về khớp và đau đầu gối, vì ngài được chẩn đoán bị rách dây chằng ở đầu gối và viêm xương khớp mãn tính.

Quay trở lại tháng 7 năm 2021, ngài đã trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng để cắt bỏ một phần ruột do viêm túi thừa, một tình trạng phổ biến ở người cao tuổi có thể gây đau và viêm.

Trong những năm cuối đời, Đức Giáo Hoàng đã bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, bao gồm viêm phế quản và viêm phổi, có khả năng dẫn đến cái chết của ngài.

Ngài vừa xuất viện sau 38 ngày nằm viện.

Vào Chúa Nhật Phục sinh, Đức Giáo Hoàng đã bất ngờ xuất hiện trước công chúng tại Vatican, ban phước lành cho đám đông chỉ vài giờ trước khi qua đời vào sáng Thứ Hai.

Bất chấp các vấn đề sức khỏe trước đó, ngài vẫn giữ lịch trình bận rộn cho đến những tuần cuối đời.

Vào tháng 9 năm 2024, ngài đã thực hiện chuyến công du kéo dài 12 ngày qua Đông Nam Á và Châu Đại Dương, bao gồm các chuyến thăm tới Indonesia, Papua New Guinea và Singapore. 

Nguyên nhân trực tiếp gây ra tử vong cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Di Chúc của Đức Giáo Tông Francesco

Thao Teresa  

Roma, ngày 21 tháng Tư năm 2025 – Đây là di chúc của Đức Giáo Tông Francesco, được loan truyền từ văn phòng báo chí của Tòa Thánh.

Di Chúc của Đức Giáo Tông Francesco :

Trong danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Amen.

Tôi cảm nhận rằng ngày giờ của tôi trên trần gian không còn nhiều. Với hy vọng sống động về Cuộc Sống VĨnh Cửu, tôi muốn bày tỏ di nguyện duy nhất của tôi liên quan đến Chốn An Nghỉ của mình (nơi chôn cất). Cuộc đời và sứ vụ Linh mục-Giám mục của tôi, tôi luôn tín thác nơi Mẹ Rất Thánh. Cho nên, tôi muốn được an nghỉ và chờ đợi ngày Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả. Tôi muốn rằng hành trình trần thế sau cùng của tôi sẽ là tại ngôi thánh đường cổ kính dâng kính Đức Mẹ này. Trước và sau mỗi chuyến Tông du tôi luôn đến nơi này để phó thác và tạ ơn Đức Mẹ, vì sự quan tâm dịu dàng từ mẫu của Đức Mẹ. Cụ thể, tôi muốn mộ phần của tôi sẽ nằm ở giữa nhà nguyện Paolina (Nhà Nguyện Đức Mẹ Cứu Dân Thành Roma) và nhà nguyện Sforza trong Vương Cung Thánh Đường Giáo Tông này. Mộ phần phải được chôn dưới lòng đất, đơn giản,  không cần trang trí cầu kỳ và chỉ có một văn khắc duy nhất: Franciscus.

Những phần chi phí cho sự mai táng tôi sẽ được chi trả bằng số tiền của nhà hảo tâm mà tôi đã thu xếp, để chuyển đến Vương Cung Thánh Đường Giáo hoàng Santa Maria Maggiore và tôi đã hướng dẫn cụ thể cho Mons Rolandas Makrickas, là viên phụ trách đặc biệt của Vương Cung Thánh Đường. Nguyện xin Chúa ban phần thưởng xứng đáng cho những ai đã yêu thương tôi và sẽ tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi dâng những đau khổ xảy đến trong phần đời cuối cùng của mình lên Chúa để cầu xin hòa bình cho thế giới và tình huynh đệ giữa các dân tộc.

Santa Marta, ngày 29 tháng 6 năm 2022

Nguồn : LM Ngô Đức Thiện, CSsR dịch từ https://www.tv2000.it/…/il-testamento-di-papa-francesco/

Hình: Đức Giáo Tông Francesco cầu nguyện trước bức linh ảnh Đức Mẹ cứu dân thành Roma (Salus Populi Romani) trong Đền Thờ Đức Bà Cả (Basilica di Santa Maria Maggiore)


 

MUỐN NHIỀU HƠN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đừng giữ Thầy lại!”.

“Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tuỳ thích! Chúa Kitô trao chìa khoá vào tay bạn. Nếu một người được phép vào kho vàng thỏi của ngân hàng, lấy bao nhiêu tuỳ thích; nhưng người ấy chỉ lấy mấy cắc, thì lỗi tại ai mà người ấy nghèo? Hãy muốn thật nhiều! Và đừng quên, Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!” – Alexander MacLaren.

Kính thưa Anh Chị em,

Luôn ‘muốn nhiều hơn’, đó cũng là những gì Chúa Giêsu muốn cho Maria trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho cô với dáng vẻ một người làm vườn. Cô muốn ôm chân Ngài; Ngài nói, “Đừng giữ Thầy lại!”. Tại sao? Ngài muốn cô thay đổi cách nhìn, lối xử với Ngài một cách hoàn toàn khác! Ngài ‘muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là cô đã có mặt dưới chân thập giá; hoặc do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô! Và dẫu sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu đẹp đẽ và thanh khiết – tuy chưa hoàn thiện – Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn. Vì lý do đó, Ngài bảo, “Đừng giữ Thầy lại!”.

Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, “Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn. Nó không còn ở cấp độ con người! Ta sẽ không chỉ là bạn của con; Ta ‘muốn nhiều hơn’ cho con. Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực”; Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta; Ta sẽ ở trong tim con, nên một với con, trở thành Lang Quân của con cho đến đời đời!”. Đây là ‘cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất’, một ‘hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa’, một ‘tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với các tội nhân’. Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên’; và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên dương thế!

Sẽ rất bất ngờ khi bạn và tôi đọc lại những lời này – “Đừng giữ Thầy lại!” – với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được giữ lại’ hơn ai hết và hơn bao giờ hết! Ngài muốn được mỗi người ‘ôm chặt’ với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha! Ngài muốn chúng ta ‘ôm chặt’ Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân. Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người để biến đổi từng người theo cách riêng của Ngài. Maria đang tận hưởng hạnh phúc này; và hạnh phúc này cũng được trao cho bạn và tôi ngay hôm nay, không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!”. Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi”, chứ không chỉ nhặt “mấy đồng cắc”. Ngài muốn chúng ta yêu Ngài tha thiết hơn từng ngày, từng giờ; từ đó, sống cho Ngài từng phút, từng giây. Ngài không chỉ ‘muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, cả những tội lỗi cùng những gì ‘hơi hướng thế tục’ nơi mỗi người. Đó là tất cả những gì Ngài đang chờ và đang muốn nhất. Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá. Phải, cả thập giá! Thú vị thay, thập giá đó còn là sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và tội lỗi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con khôn ngoan ôm lấy ‘vàng thỏi’, đừng nhặt ‘tiền cắc!’, để con yêu Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ cho Đấng yêu con từng giây!”, Amen. 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*********************************************

Thứ Ba trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

11 Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.


 

TÔI ÐÃ XEM THẤY CHÚA PHỤC SINH – Radio Veritas Asia 

Radio Veritas Asia 

Trong thời gian sống tại thành phố Paris, thi sĩ Viler Maria thường có thói quen đi bách bộ vào mỗi buổi chiều.  Dọc theo lối đi của thi sĩ có một bà già ngày ngày ngồi ăn xin.  Bà ta ngồi đó âm thầm câm nín, dáng vẻ trơ trơ không cảm xúc, ngay cả khi nhận quà bố thí bà cũng chẳng biểu lộ một dấu hiệu biết ơn nào. 

Ngày kia, thi sĩ đi bách bộ với người bạn gái trẻ, cô ta quá đỗi ngạc nhiên khi thấy thi sĩ đi ngang qua chỗ ngồi của bà già ăn xin mà chẳng cho bà chút gì.  Ðọc được tư tưởng của bạn gái, nhà thơ trả lời: “Quà tặng phải đưa vào tận con tim, chứ không phải chỉ đưa bằng đôi tay.”

 Qua ngày hôm sau, thi sĩ đến chỗ hẹn với đóa hồng vừa hé nở trên tay.  Dĩ nhiên cô gái nghĩ rằng đóa hồng đó dành riêng cho cô, lòng cô rộn lên với tư tưởng: “Ôi! Thi sĩ quá quan tâm đến mình biết bao.”  Nhưng không.  Thi sĩ đã đến trao đóa hồng đó vào đôi tay gầy guộc của bà già ăn xin và rồi sự lạ đã xảy ra là bà già bấy lâu trơ trơ như khúc gỗ giờ đây đã hồi sinh.  Bà vội vàng đứng dậy, bước tới cầm tay thi sĩ và hôn lên đôi tay của thi sĩ.  Rồi với cử chỉ nâng niu, bà ôm chặt lấy đóa hoa hồng vào lòng và thanh thản bước đi. 

Suốt một tuần qua đi, bà mới trở lại chỗ ngồi ăn xin hằng ngày cùng với vẻ câm nín và vô hồn như trước kia.  Người bạn gái hỏi thi sĩ xem suốt tuần qua không xin ăn thì bà sống bằng gì.  Thi sĩ trả lời: “Bà sống bằng đóa hoa hồng.”

Anh chị em thân mến! 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cũng thuật lại cho chúng ta câu truyện của một người đàn bà đang u buồn tuyệt vọng, nhưng bỗng nhiên nhận được món quà trao tận con tim, một niềm vui không gì đo lường được, đó là niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh. 

Ðọc lại đoạn Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào.  Theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến chuyện hóa bánh ra nhiều. 

Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng nữa.  Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà.  Ðó là bà được thấy Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào. 

“Gọi tên” đó là một dấu chỉ thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên.  Người mục tử tốt lành nhận biết từng con chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm vui no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi.  Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này.  Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô. 

Sư sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời.  Con người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô. 

Lạy Chúa, nếu tội lỗi làm cho con vô cảm, u buồn, tuyệt vọng, thì xin cho con được luôn nhớ rằng: Chúa đang đứng bên con và đang gọi tên con.  Con không nhận thấy, không nghe biết vì con không nhiệt tâm yêu mến, tìm kiếm như thánh nữ Maria Madalena.  Biết kiếm tìm trong tinh thần yêu mến chắc chắn con sẽ không thất vọng vì Chúa đang ở bên con, đang đợi chờ con. 

Radio Veritas Asia

From: Langthangchieutim


 

Các nghi lễ sau khi Giáo hoàng Francis qua đời – Cù Tuấn biên dịch

Cù Tuấn biên dịch

Tóm tắt: Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, các nghi lễ chính bắt đầu, bao gồm việc niêm phong căn hộ của ông, phá hủy chiếc nhẫn và chuẩn bị tang lễ

Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, được Vatican công bố vào thứ Hai, Giáo hội Công giáo La Mã sẽ bắt đầu các nghi lễ phức tạp mang đậm truyền thống để đánh dấu sự kết thúc của một triều đại giáo hoàng và mở đầu cho triều đại giáo hoàng tiếp theo.

Hầu hết đều tuân theo hiến pháp được gọi là Universi Dominici Gregis (Của toàn thể đàn chiên của Chúa) được Giáo hoàng John Paul II phê chuẩn vào năm 1996 và được Giáo hoàng Benedict XVI sửa đổi vào năm 2007 và 2013.

Một hồng y được gọi là thị thần (giám mục), hiện là Hồng y người Mỹ gốc Ireland Kevin Farrell, sẽ điều hành các công việc thường ngày của Giáo hội Công giáo La Mã với gần 1,4 tỷ thành viên trong giai đoạn được gọi là “sede vacante” (trống toà).

Thị thần sẽ chính thức xác nhận cái chết của Giáo hoàng, một vấn đề đơn giản ngày nay, liên quan đến bác sĩ và giấy chứng tử. Cho đến một thời điểm nào đó trong thế kỷ 20, điều này được thực hiện theo nghi lễ bằng cách gõ một chiếc búa bạc vào trán Giáo hoàng ba lần.

Thị thần và ba trợ lý được chọn trong số các hồng y dưới 80 tuổi, được gọi là hồng y cử tri, sẽ quyết định thời điểm đưa thi hài của giáo hoàng vào Vương cung thánh đường Thánh Peter để công chúng đến tỏ lòng thành kính.

Họ cũng đảm bảo rằng “Chiếc nhẫn của ngư dân” và con dấu bằng chì của giáo hoàng sẽ bị hủy đi để không ai khác có thể sử dụng chúng. Không có cuộc khám nghiệm tử thi nào được thực hiện.

Thị thần sẽ khóa và niêm phong nơi ở riêng của giáo hoàng. Trước đây, nơi này nằm trong các căn hộ tại Cung điện Tông đồ, nhưng Francis sống trong một dãy phòng nhỏ tại nhà khách Vatican được gọi là Santa Marta.

Thị thần và các hồng y khác không thể đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến Giáo hội hoặc thay đổi giáo lý của Giáo hội. Người đứng đầu hầu hết các bộ phận của Vatican đều từ chức cho đến khi giáo hoàng mới xác nhận hoặc thay thế họ.

Lễ tang sẽ kéo dài chín ngày, ngày tổ chức tang lễ và chôn cất sẽ do các hồng y quyết định. Universi Dominici Gregis cho biết lễ tang sẽ bắt đầu vào khoảng ngày thứ tư đến ngày thứ sáu sau khi ngài qua đời.

  1. Lễ tang của Giáo hoàng

Giáo hoàng Francis, người đã tránh xa phần lớn sự phô trương và đặc quyền khi lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu, đã sửa đổi và đơn giản hóa các nghi lễ tang lễ của giáo hoàng vào năm 2024.

Lễ tang vẫn được tổ chức tại Quảng trường Thánh Peter, nhưng không giống như nhiều người tiền nhiệm, Giáo hoàng Francis đã yêu cầu được chôn cất tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria ở Rome để gần bức tượng Đức Mẹ mà ngài yêu thích nhất.

Giáo hoàng Francis cũng yêu cầu được chôn cất trong một chiếc quan tài gỗ đơn giản, không giống như những người tiền nhiệm được chôn cất trong ba chiếc quan tài lồng vào nhau làm bằng gỗ bách, chì và gỗ sồi. Ông yêu cầu không đặt thi thể của mình trên một bệ cao, hay còn gọi là catafalque, tại Vương cung thánh đường Thánh Peter để du khách ở Rome có thể chiêm ngưỡng, như trường hợp của các giáo hoàng trước đây.

  1. Mật nghị Hồng y

Các hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Rome sau khi một giáo hoàng qua đời. Họ tổ chức các cuộc họp hàng ngày được gọi là các hội đồng chung để thảo luận về các vấn đề của Giáo hội và nêu ra những đặc điểm mà mỗi người tin rằng giáo hoàng mới nên có.

Các hồng y từ 80 tuổi trở lên có thể tham dự các phiên họp chung nhưng không được phép vào mật nghị để bầu giáo hoàng tiếp theo, đây là cuộc họp của các hồng y dưới 80 tuổi. Phần lớn các cuộc thảo luận diễn ra trong các tương tác cá nhân giữa các hồng y.

Theo truyền thống, thời gian để tang là 15 ngày trước khi một mật nghị có thể bắt đầu. Trước khi từ chức vào năm 2013, Giáo hoàng Benedict đã sửa đổi hiến pháp để cho phép bắt đầu sớm hơn nếu các hồng y chọn, hoặc tối đa là 20 ngày sau khi qua đời nếu một số hồng y gặp khó khăn khi đến Rome.

Mật nghị được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine. Cho đến hai mật nghị năm 1978 bầu ra John Paul I và John Paul II, các hồng y vẫn ở trong những căn phòng tạm bợ xung quanh Nhà nguyện Sistine.

Kể từ cuộc mật nghị năm 2005 bầu Giáo hoàng Benedict, họ đã bỏ phiếu tại Nhà nguyện Sistine nhưng vẫn ở nhà khách Santa Marta, với khoảng 130 phòng. Santa Marta sẽ bị phong tỏa và họ được đưa bằng xe buýt đến Nhà nguyện Sistine.

Từ conclave bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “có chìa khóa”. Nó bắt nguồn từ một truyền thống bắt đầu từ thế kỷ 13, khi các hồng y bị nhốt lại để buộc họ phải quyết định càng nhanh càng tốt và hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài.

Ngày nay, những Hồng y tham gia mật nghị bị cấm giao tiếp với thế giới bên ngoài. Điện thoại, internet và báo chí là không được phép và cảnh sát Vatican sử dụng thiết bị an ninh điện tử để thực thi các quy tắc.

Ngoại trừ ngày đầu tiên của mật nghị, khi chỉ có một lần bỏ phiếu, các hồng y sẽ bỏ phiếu hai lần một ngày.

Cần phải có đa số hai phần ba cộng một để bầu cử thành công. Nếu không có ai trúng cử sau 13 ngày, một cuộc bầu cử vòng hai sẽ được tổ chức giữa hai ứng cử viên hàng đầu, nhưng vẫn cần đa số hai phần ba cộng một. Điều này nhằm thúc đẩy sự thống nhất và ngăn cản các ứng cử viên tìm kiếm sự thỏa hiệp.

  1. ‘Habemus Papam’

Khi mật nghị bầu thành công một giáo hoàng, mọi người sẽ hỏi ông có chấp nhận không và muốn lấy tên nào. Nếu người được chọn từ chối, quy trình sẽ bắt đầu lại từ đầu.

Giáo hoàng mới sẽ mặc lễ phục trắng được chuẩn bị theo ba kích cỡ và ngồi trên ngai vàng trong Nhà nguyện Sistine để tiếp các hồng y khác, những người tỏ lòng tôn kính và tuyên thệ vâng phục.

Thế giới sẽ biết rằng một giáo hoàng đã được bầu khi một viên chức đốt các lá phiếu giấy bằng hóa chất đặc biệt để tạo ra khói trắng bốc ra từ ống khói của nhà nguyện. Khói đen báo hiệu một cuộc bỏ phiếu không có kết quả.

Vị cử tri cao cấp nhất trong số các hồng y phó tế, hiện là Hồng y người Pháp Dominique Mamberti, sẽ bước lên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để tuyên bố với đám đông tại quảng trường bằng tiếng Latin: “Habemus Papam” (Chúng ta đã có một Giáo hoàng).

Sau đó, Giáo hoàng mới sẽ xuất hiện và ban phước lành lần đầu tiên cho đám đông trên cương vị chính thức.

From: NguyenNThu


 

 Ngài đã sống lại, và thực sự đang sống!- Cha Vuong

 Alleluia! Alleluia! Mừng Chúa Phục Sinh đến bạn gia đình nhé. 

CN Phục Sinh: 20/4/2025

TIN MỪNG: Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20:8)

SUY NIỆM: Tin Mừng Thánh Gioan diễn tả việc hai môn đệ chạy đến mộ để kiểm chứng những gì họ đã nghe mấy người phụ nữ kể lại. Các bà này đã nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Các bà bàng hoàng và lo sợ vì mất Chúa, và các bà cảm thấy đau xót về điều đó. Hai môn đệ là Phêrô và Gioan đã vội vàng chạy đến xem và họ thấy ngôi mộ trống. Khác với mấy người phụ nữ, hai ông không lo sợ bàng hoàng, mà tin vào sự phục sinh của Chúa, vì Người đã tiên báo với các ông điều này. Nếu như nấm huyệt vẫn được đậy kín, thì Chúa Giêsu cũng chỉ như một vĩ nhân, khi còn sống thì rao giảng những điều uyên bác cao siêu, nhưng khi chết thì cũng giống như bao người khác. Ngôi mộ trống khẳng định một điều: Chúa Giêsu không còn ở đây. Người đã sống lại! Người không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Người không bị giam cầm bởi sự chết cũng như bởi nấm mộ. Sự phục sinh của Chúa mang đến cho bạn 3 điều: 

(1) niềm hy vọng vào quyền năng và sức mạnh của Chúa, Ngài đã đánh bại sự chết, cái chết không làm chủ được Ngài được nữa

 (2) cuộc sống mới (x 2 Cr 5:17), 

(3) sự sống vĩnh cửu cho những ai yêu mến Ngài.

Đây là niềm vui và an ủi của  Mầu nhiệm lễ Phục sinh mà bạn được thông phần vào sự Phục sinh của Ngài! Ngài đã sống lại, và thực sự đang sống!

LẮNG NGHE: Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. (2 Cr 5:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin giúp con biết hướng tâm hồn lên cao để con thấy Chúa đang đồng hành với con và dẫn con đến một một cuộc sống tươi sáng và huy hoàng hơn.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Tin Kính 

From: Do Dzung

*********************

REO VANG MỪNG CHÚA PHỤC SINH – Khắc Thiệu 

BA NỖI ĐAU KHỔ – Lm. Mark Link, S.J. 

Lm. Mark Link, S.J. 

Chủ đề: “Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trong ba phương cách như chúng ta chịu về tinh thần, thể xác và tâm linh”

Trong thời thế chiến II, linh mục Titus Brandsma làm viện trưởng một đại học tại Hòa Lan.  Người bị Đức Quốc Xã đem về trại tập trung ở Dachau.  Nơi đây, người bị biệt giam trong một chiếc cũi nhốt chó cũ kỹ.  Bọn lính gác mua vui bằng cách bắt người phải sủa lên như chó mỗi lần chúng đi ngang qua.  Cuối cùng người bị chết vì bị tra tấn.  Bọn lính kia đâu có ngờ rằng ngay giữa cơn thử thách, vị linh mục ấy vẫn tiếp tục viết nhật ký giữa những dòng chữ in trong quyển sách kinh cũ của người.  Người kể lại rằng, sở dĩ người có thể chịu đựng được nỗi đau đớn là vì người biết rằng Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ như thế.  Trong một bài thơ ngỏ gởi Chúa Giêsu, người viết: “Sẽ không có đau đớn nào làm con gục ngã, bởi con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy khổ đau của Chúa.  Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua đã giúp con chịu đựng nỗi cay đắng một cách khôn ngoan.  Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ.  Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, chỉ cần ở lại thôi.  Con sẽ chẳng còn sợ hãi chi nếu khi đưa đôi tay ra con cảm thấy Chúa đang ở bên con.” (Kilian Healy, Walking with God).

 Sự thống khổ của Chúa Giêsu được chúng ta đặc biệt nhắc lại trong ngày hôm nay đã từng là nguồn sức mạnh cho rất nhiều người trong lịch sử.  Giống như linh mục Brandsma, những người này sẽ không bao giờ chịu đựng nổi sự đau đớn nếu họ không biết rằng Chúa Giêsu đã từng chịu đau khổ như vậy, và Người hiện đang nâng đỡ họ trong giây phút thử thách.

 Khi nhìn lại sự thống khổ của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người đã chịu đau khổ dưới cả ba hình thức khác nhau.

 Trước hết là đau khổ tinh thần.  Chúa Giêsu chịu đau khổ này trong vườn Cây Dầu, Người đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến thử thách trước mặt, đồng thời Người rất đau khổ khi các môn đệ phản bội và bỏ Người chạy trốn hết.  Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm sự đau khổ tinh thần này, tỉ như một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà ra đi đã mô tả sự đau khổ tinh thần của mình trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Parade như sau: “Tôi không bao giờ thực sự có được một mái nhà, tôi không bao giờ được thực sự nhìn thấy người cha của tôi.  Tôi luôn cô độc… Tôi cảm thấy có gì sái quấy nơi tôi.  Chắc là tôi tệ lắm.  Tôi cảm thấy mình không hiện hữu, vì chẳng có ai yêu mến tôi.”  Trong lúc đau khổ tinh thần như thế, chúng ta chỉ còn một nguồn an ủi duy nhất, đó là biết rằng chính Chúa Giêsu từng bị đau khổ như thế trước chúng ta, và Người hiện đang nâng đỡ chúng ta trong khi bị thử thách.

 Tiếp đến, Chúa Giêsu từng bị đau khổ nơi thể xác.  Người bị đánh đập tàn bạo, bị đội mão gai và bị đóng đinh vào thập giá.  Và chúng ta, ít nhiều cũng đã từng chịu những đau đớn phần xác.  Đây là loại đau đớn mà bác sĩ Sheila Cassidy đã phải gánh chịu khi ở Chile vào đầu thập niên 1970.  Cô là một bác sĩ y khoa và đã phạm một lỗi lầm tai hại là đã chữa lành vết thương cho một phần tử chống đối chính phủ.  Cảnh sát đã bắt cô và tra tấn buộc cô phải khai tên những người dính líu đến phong trào chống đối.

 Giống như Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, cô cũng bị căng thây trong bốn ngày.  Nhớ về sự thử thách ấy cô viết:

 Tôi cảm nghiệm được một cách mơ hồ về sự đau đớn mà Chúa Giêsu từng chịu.  Trong suốt cơn thử thách, tôi luôn luôn cảm thấy Người ở đó, và tôi nài xin Người giúp tôi được kiên vững. 

Cũng thế, trong giờ phút chịu đau đớn thể xác, chúng ta thường chỉ còn nguồn an ủi là biết rằng Chúa Giêsu đã từng chịu đau đớn như thế, và Người hiện đang nâng đỡ chúng ta trong cơn thử thách này.

 Và cuối cùng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu cũng từng chịu đau đớn về tâm linh.  Tỉ như, khi Người bị treo bơ vơ trên thập giá, dường như chính Chúa Cha cũng đã ruồng bỏ Người.  Chúa Giêsu cầu xin: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Ngài lại bỏ rơi con” (TV 22:1).  Tất cả chúng ta cũng từng gặp đau khổ tâm linh giống như Người.  Nhiều lần, chúng ta cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi.  Đây là sự đau đớn mà Walter Ciszel, vị linh mục người Hoa Kỳ đã từng chịu khi bị cầm tù ở Nga suốt 23 năm.  Có lúc, tâm linh người bị suy sụp đến mức gần như tuyệt vọng.  Nhưng thay vì đầu hàng, người lại biết noi gương Chúa Giêsu trên thập giá, hướng về Thiên Chúa Cha trong cơn thử thách.  Cha Walter Ciszel viết:

 Tôi thưa với Chúa rằng, ‘hiện giờ mọi khả năng của tôi đều cạn kiệt và chỉ còn Ngài là nguồn hy vọng duy nhất của con’…  Tôi chỉ có thể mô tả lại cảm nghiệm này giống như một sự ‘phó mặc’”.

Vào lúc bấy giờ, lần đầu tiên, cha Ciszel hiểu được những lời cuối cùng trên thập giá của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc. 23:46).  Về sau, cha Ciszel nói rằng chính quyết định phó thác ấy đã giúp người kiên định và sống sót.

 Như thế, Chúa Giêsu đã từng chịu cả ba sự đau đớn mà con người có thể gặp phải.  Người đau đớn tinh thần vì bị các môn đệ phản bội.  Người đau đớn thể xác vì bị tra tấn, và sau cùng Người đau đớn tâm linh khi cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi.  Đây chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu trao lại cho chúng ta, để khi gặp bất cứ đau khổ nào, chúng ta cũng biết hướng về Chúa Giêsu.  Người hiểu được sự đau khổ của chúng ta và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta.  Từ đó, chúng ta hãy trở lại câu chuyện mở đầu nói về Cha Brandsma.  Khi gặp đau đớn dưới bất cứ hình thức nào, không có gì tốt hơn là chúng ta hãy lập lại những lời mà Cha Brandsma đã cầu nguyện với Chúa Giêsu: “Sẽ không có đau đớn nào làm con gục ngã, bởi con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy khổ đau của Chúa.  Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua đã giúp con chịu đựng nỗi cay đắng một cách khôn ngoan . Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ.  Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, chỉ cần ở lại thôi.  Con sẽ chẳng còn sợ hãi chi nếu khi đưa đôi tay ra con cảm thấy Chúa đang ở bên con.”

 Lm. Mark Link, S.J.

From: Langthangchieutim 


 

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Này là mình Thầy!”.

“Người khôn ngoan không coi trọng món quà của người yêu cho bằng tâm tình của người tặng. Chúa Giêsu vừa là người yêu, vừa là người tặng! Độc đáo hơn, món quà Ngài tặng chính là mình Ngài. Không chỉ một lần, Ngài tặng trao mỗi ngày! Một lần tặng, muôn lần trao!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý nghĩa Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh có thể được tóm gọn trong hai từ: “Tự Hiến!”. Vì yêu thương đến cùng các môn đệ và những ai sẽ dõi bước theo Ngài, Chúa Giêsu đã tự hiến đến ‘ba lần’ vào hai buổi chiều cuối đời; nhưng không chỉ ‘ba’, Ngài tự hiến đến ‘n’ lần, muôn lần! Bởi lẽ, mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài tiếp tục tự hiến cho đến tận thế. Ngài quả là một món quà ‘một lần tặng, muôn lần trao!’.

Chính trong bữa tiệc yêu thương mà người Do Thái phải cử hành hằng năm – bài đọc một – Chúa Giêsu tự hiến khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Cũng trong bữa tối đó, Ngài tự hiến dưới hình thức của ăn của uống khi cầm lấy bánh rượu thiết lập Bí tích Thánh Thể – thiết lập chức Linh mục – “Hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy!”, “Hãy nhận lấy mà uống, này là Máu Thầy!”. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết!”.

Như vậy, khi cúi xuống rửa chân các môn đệ hay khi cầm bánh rượu là chính Thịt Máu Ngài để trao cho họ, Chúa Giêsu đã tiên liệu một món quà ít trừu tượng hơn, thiết thực hơn mà Ngài sẽ trao vào ngày hôm sau: một thân xác rách bươm đỏ một màu máu trên thập giá. Vì thế, chỉ trong hai ngày Tuần Thánh đầu tiên ấy, Ngài đã tự hiến chính mình đến ba lần. Và còn hơn thế! “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”; với các Linh mục của Ngài, mầu nhiệm đức tin đó còn được cử hành liên lỉ trên các bàn thờ. Qua Bí tích này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tự hiến phục vụ lẫn nhau. Khi chúng ta phục vụ nhau, Ngài tiếp tục phục vụ mỗi người; và qua chúng ta, Ngài phục vụ những người khác trên toàn thế giới, nhất là những ai đang thiếu thốn. Bởi đó, Món Quà Giêsu không chỉ được trao một lần, ba lần, nhưng liên lỉ trao đến tận thế!

Anh Chị em,

“Này là mình Thầy!”. “Chúa Giêsu muốn ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể và chúng ta trở thành nhà tạm của Chúa, mang Chúa theo với chúng ta. Rửa chân, cử chỉ này là điều kiện để vào Vương Quốc. Vâng, để phục vụ mọi người. Nếu tôi không để Chúa là ‘tôi tớ’ của tôi, không để Chúa rửa sạch tôi, giúp tôi lớn lên, tha thứ cho tôi, thì tôi sẽ không vào Vương Quốc. Và cả chức Linh mục nữa. Hôm nay tôi muốn gần gũi với tất cả Linh mục từ những người mới được thụ phong cho đến Giáo hoàng. Tất cả chúng ta đều là Linh mục. Chúng ta được Chúa xức dầu để cử hành Bí tích Thánh Thể, được xức dầu để phục vụ” – Phanxicô. Thánh Thể nuôi dưỡng phục vụ; phục vụ, hiện thực hoá Thánh Thể. Hãy để Thứ Năm Tuần Thánh; hãy để Thánh Thể dạy chúng ta tự hiến như Ngài mỗi ngày, chết cho mình, khiêm nhường phục vụ tha nhân và yêu như Ngài đã yêu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhờ việc tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con, ước chi Thánh Thể Chúa biến đổi con mỗi ngày nên ‘một Giêsu khác!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***********************

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Phúc Âm: Ga 13, 1-15

“Ngài yêu thương họ đến cùng”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, con Si-môn, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Si-môn Phê-rô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giê-su đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phê-rô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giê-su bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phê-rô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giê-su nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

Ðó là lời Chúa.


 

CHỌN LỰA NGÀN VÀNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?”.

“Quả là một sự dữ khi mắc đầy lầm lỗi, nhưng sẽ là một sự dữ lớn hơn khi đầy lầm lỗi mà không nhận ra!” – Pascal.

Kính thưa Anh Chị em,

Qua Tin Mừng hôm nay, ý tưởng “một sự dữ lớn hơn” của Pascal lộ rõ nơi con người Giuđa, “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?”. Giá mà Giuđa thừa nhận tội mình để ăn năn thống hối, thì quả đây là một ‘chọn lựa ngàn vàng!’.

Vậy mà đến phút này, Giuđa vẫn không nghĩ mình phản bội! Không ai biết điều gì diễn ra trong tâm trí ông lúc đó; nhưng rõ ràng, ông đã phản bội! Nhưng xem ra Giuđa không mảy may tự vấn lương tâm; có lẽ ông đã quá lún sâu trong ý định nộp Thầy nên ông phủ nhận nó, một phủ nhận chết chóc! “Phủ nhận” có nghĩa là “Tôi thậm chí không biết mình đang nói dối!”. Phải chăng vì quá tham tiền, phải chăng vì quá hụt hẫng bởi tham danh khi Thầy mình chọn con đường trị vì bằng khiêm nhu phục vụ… Vì thế, Giuđa đắm chìm trong tội và sa lầy trong đó đến nỗi không thể thừa nhận với chính mình, chứ đừng nói thừa nhận với người khác; rằng, ông đang nói dối và chuẩn bị phản Thầy.

Đây là một bài học quan trọng. Tội lỗi không bao giờ là điều thú vị khi nhìn vào nó; phải hết sức can đảm mới có thể đối diện nó! Nếu Giuđa thực sự thú nhận những gì ông sắp làm; hoặc nếu ông sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, trước các bạn đồng môn, nói cho Thầy và anh em biết toàn bộ sự thật, thì có lẽ, hành động lương thiện này đã cứu được linh hồn và mạng sống ông. Điều này rất khó vì đau đớn và sĩ diện, nhưng nếu vượt qua, thì đó là một chọn lựa sáng suốt nhất, một ‘chọn lựa ngàn vàng!’.

Có lẽ chúng ta không ở vào thời điểm mà tội lỗi có thể dẫn đến phản bội Chúa Giêsu như Giuđa; nhưng mỗi người đều có thể tìm thấy một số loại hình phản bội của mình. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Linh, bạn và tôi hãy tìm khám phá một số ‘nếp tội’ hoặc một thói quen xấu vốn đã hình thành nơi bản thân. Hãy gọi tên nó; và quan trọng hơn đem nó đến cho Chúa Giêsu! Đây là một khám phá tuyệt vời nếu chúng ta dũng cảm đối mặt với một tội ‘đầu nậu’ nào đó. Điều này cho phép bạn bóc trần tội mình; chiến thắng nó, để khám phá sự tự do mà Chúa Phục Sinh muốn bạn trải nghiệm!

Anh Chị em,

“Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?”. Câu hỏi này hẳn đã làm cho trái tim Chúa Giêsu tan nát. “Và câu chuyện kết thúc thế nào? Ma quỷ là một người trả lương kém: hắn không phải là một người trả lương đáng tin cậy. Hắn hứa hẹn mọi thứ, cho bạn thấy mọi thứ và cuối cùng, bỏ bạn lại một mình trong tuyệt vọng để tự treo cổ mình!” – Phanxicô. Đừng để ma quỷ thắng bạn. Lòng thương xót Chúa lớn hơn tội chúng ta vạn lần, đến nỗi nếu hiểu được nó, không ai cần phải tiếp tục chối nhận tội mình. Hãy có cho mình một ‘chọn lựa ngàn vàng!’. Chúa Giêsu sẵn sàng “nâng đỡ sự nhọc nhằn”, Ngài “biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” – bài đọc một. An ủi biết bao khi chúng ta hiểu được điều này! “Lạy Chúa, đây giờ phút thi ân; vì ơn cả nghĩa dày!” – Thánh Vịnh đáp ca. Tuần Thánh, tuần Thiên Chúa thi ân!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, vẫn còn kịp! Xin giúp con dám sấp mình trước toà Cáo Giải ngay hôm nay; ở đó, Chúa đang đợi để ôm lấy con. Và đó là một chọn lựa quý hơn ngàn vàng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

********************************************************

 Thứ Tư Tuần Thánh

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 26,14-25

14 Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : “Tôi nộp ông Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 18 Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : “Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói : “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” 23 Người đáp : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !” 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” Người trả lời : “Chính anh nói đó !”


 

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15:13)

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới! Ước mong bạn mãi mãi gắn liền với Chúa để được bình an. 

Thứ 4, TT, 16/4/2025

TIN MỪNG: Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. (Mt 26:14-15)

SUY NIỆM: Sống ở đời này cái gì cũng có cái giá của nó. Cái giá của chần chừ chính là mất mát. Cái giá của thành công chính là đã trải qua nhiều lần thất bại. Cái giá của sự giàu có chính là kiệt sức, thiếu thốn về tinh thần. Cái giá của một người tử tế là chính những thử thách họ phải phấn đấu hằng ngày. Vậy còn cái giá của tình yêu là gì, nhất là tình yêu hiến mạng cho người mình yêu? Có phải là đau khổ và cái chết?

Đức Giê-su đã phải trả giá cho Tình Yêu dành cho con người bằng chính mạng sống của mình, dù Ngài biết rằng Tình Yêu ấy đang bị phản bội bởi chính tội lỗi, bởi sự thờ ơ và vô tâm của con người. Hôm nay, bạn được mời gọi biết ăn năn hối lỗi vì đã phản bội Tình Yêu ấy, để nhận ra mình luôn được yêu thương và để biết sống thế nào cho xứng đáng với Tình Yêu ấy.

LẮNG NGHE: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho con để con quyết tâm không phạm tội xúc phạm đến tình yêu lớn lao của Chúa.

THỰC HÀNH: Nghiền ngẫm Kinh Ăn Năn Tội để hối lỗi về những tội lỗi bạn đã xúc phạm đến tình yêu của Chúa dành cho bạn. 

From: Do Dzung

**********************

Còn Tình Yêu Nào Như Tình Chúa Giêsu