Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.”- Cha Vương

Alleluia! Xin Chúa Phục sinh luôn ở với bạn trong mọi xao xuyến cuộc đời nhé.

Cha Vương

Thứ 6, BNPS: 25/4/2025

TIN MỪNG: Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (Ga 21:6)

SUY NIỆM: Có bao giờ bạn cảm thấy Chúa đang bỏ quên, đang im lặng lánh mặt làm ngơ trước những lời cầu nguyện khẩn thiết của bạn chưa? Có lẽ đây cũng là tâm trạng của Phê-rô và các môn đệ. Bạn hãy nhớ rằng, trong mọi biến cố của cuộc đời, Thiên Chúa hằng lắng nghe lời cầu nguyện của bạn và can thiệp một cách kỳ diệu. Có thể bạn không nhận ra việc tay Chúa làm ngay bây giờ nhưng nếu bạn kiên nhẫn chịu đựng thêm một tí nữa thì bạn sẽ thấy việc Chúa làm rất là tinh vi và kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của con người. Điển hình như mảnh lưới đầy cá trong bài Tin Mừng hôm nay. Có lẽ bạn không nhận được những lời bạn ao ước van xin nhưng Chúa lại dùng cơ hội đó để mời gọi bạn làm những việc khác đẹp lòng Chúa hơn, hữu ích cho chính mình và cho những người chung quanh hơn. Do đó, thay vì bực bội, bạn hãy kiên nhẫn bình thản đặt mình vào sự quan phòng của Chúa, hãy hình dung rằng Chúa là người tài xế U-bờ giỏi sẽ đưa bạn tới đích. Đừng cho mình là người chỉ đạo “backseat driver” trong chuyến đi nhé. Nếu Chúa không kiên nhẫn với bạn thì bạn sẽ ra thế nào nhỉ? Bạn nên nhớ rằng Chúa kiên nhẫn chịu đựng là để giải thoát chứ không phải để dung túng và để bạn muốn làm gì thì làm. Ngài sẽ đưa bạn đến bến bình an. Cứ yên tâm và vững tin!

LẮNG NGHE: Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ, ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con bên bàn thờ của Chúa! (Tv 84:4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin ban cho con sự kiên nhẫn chịu đựng của Chúa để con lớn lên trong sự kiên nhẫn, trong niềm hy vọng và trong tình thương mến. 

THỰC HÀNH: Tập vui vẻ nói lời “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh .

From: Do Dzung

**************************

VÂNG LỜI THẦY CON THẢ LƯỚI – Lm. Thiên Ân ll Gia Ân – Thanh Sử – Trần Ngọc 

VƯỢT QUÁ TƯỞNG TƯỢNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Đến mà ăn!”.

“Điểm phân biệt lớn nhất về sự toàn năng của Thiên Chúa, là khi nghĩ về nó, trí tưởng tượng của con người triệt tiêu! Ngài luôn nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng, luôn vượt quá tưởng tượng!” – Pascal.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng tỏ rằng, với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể phục hồi – kể cả những đổ vỡ, phản bội. Ngài có khả năng làm mới lại mọi sự, và những gì Ngài làm sẽ ‘vượt quá tưởng tượng!’.

Với tâm trạng thất bại, người ta thường có xu hướng trở lại nếp cũ hầu khôi phục sự tự tin và giá trị bản thân. Với Phêrô, nếp cũ là đánh cá; vì vậy ông ra biển, rủ các bạn cùng đi. Là những người cảm thấy cũng có lỗi với Thầy nên họ dễ dàng nhập cuộc với Phêrô. Vậy mà nhóm bạn chài đáng thương ấy thật may mắn, Thầy Giêsu đi tìm họ, Ngài sẽ băng bó và chữa lành những trái tim thương tổn của họ, dẫu họ không nhận ra Thầy.

Chúa Giêsu hiện ra – nơi lần đầu tiên Ngài gọi họ – bảo họ buông chài ‘bên phải’ mạn thuyền và họ bắt được rất nhiều cá. Mẻ cá mang tính biểu tượng cao! Biểu tượng trọng tâm là Chúa Phục Sinh đang ở với họ giữa những thất bại, ‘nếp cũ’. Và nếu họ tự nỗ lực để làm điều này, họ sẽ trắng tay; nhưng làm theo ‘cách mới’, tức là theo lệnh, theo cách, ‘trong thời gian của Ngài’, nỗ lực của họ sẽ mang lại thành quả ‘vượt quá tưởng tượng!’.

Chưa hết, “Bước lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Với Phêrô, lại là một biểu tượng! Ánh lửa của đêm nào sống lại trong ông, lửa phản bội, lửa chối Thầy; nhưng nay, lửa xót thương, lửa tha thứ! Trong đêm đó, ông đã nói, “Tôi không biết người ấy!”; nhưng giờ đây, cũng bên bếp lửa hồng, ‘Người Ấy’ lại nói “Đến mà ăn!”. Quá đỗi thâm trầm, ‘vượt quá tưởng tượng’; bởi lẽ, nó gợi lên những lời của đêm Tiệc Ly, lời từ các phép lạ bánh cá hoá nhiều, lời của những bữa ăn thắm tình Thầy, đượm tình trò.

Với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể phục hồi – kể cả những đổ vỡ, phản bội. Trước thượng hội đồng, Phêrô – người chối Thầy – chẳng hề sợ hãi, “Đấng quý vị đã đóng đinh vào thập giá, Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường!” – bài đọc một và Thánh Vịnh đáp ca. 

Anh chị em,

“Đến mà ăn!”. “Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh biến đổi mọi sự: bóng tối trở thành ánh sáng, công việc phù phiếm trổ sinh hoa trái và đầy hứa hẹn, cảm giác mệt mỏi và bị bỏ rơi nhường chỗ cho một động lực mới và niềm tin chắc rằng, Chúa ở cùng chúng ta!”; “Khi lưới của chúng ta trống rỗng trong cuộc sống, thì đó không phải là lúc để cảm thấy thương hại cho bản thân, để quên đi mọi thứ, để quay lại với những trò tiêu khiển cũ. Nhưng đã đến lúc bắt đầu lại với Chúa Giêsu, đã đến lúc tìm lại lòng can đảm để bắt đầu lại, đã đến lúc ra khơi một lần nữa với Ngài!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, ân sủng phục sinh không chỉ kết thúc với việc con được tha thứ; hồi kết của nó ‘vượt quá tưởng tượng’ – con được biến đổi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************

Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ ; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.  Ga 21,1-14

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” 6 Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.


 

TÌM LẠI NIỀM TIN ĐÃ MẤT – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Cả ba năm A, B, C của Chúa nhật thứ hai Phục sinh đều có chung một bài Phúc âm.   Đó là trình thuật của tác giả Gio-an về việc Chúa Giê-su phục sinh hiện đến với các tông đồ, lần thứ nhất không có Tô-ma, và lần thứ hai, có Tô-ma ở đó (x. Ga 20,19-31).  Biến cố thập giá đã gây cho ông Tô-ma một cú sốc quá lớn.  Trước đó, khi Chúa Giê-su quyết định đến Bê-ta-ni-a để làm cho ông La-gia-rô đã chết được sống lại, bất chấp những nguy hiểm đe dọa, ông Tô-ma đã khẳng khái nói với các tông đồ khác rằng: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).  Điều này chứng tỏ ông là một người bạo dạn cương quyết trong việc theo Thầy mình.

 Trước biến cố thập giá, Tô-ma là người đã mất niềm tin.  Khi gặp Đấng Phục sinh bằng xương bằng thịt, ông tìm lại được niềm tin đã mất.  Trước cuộc thương khó của Thầy mình, Tô-ma cũng như các tông đồ khác đã cùng ăn uống với Người, nhưng bây giờ để tin, ông cần bằng chứng.  Cũng như biết bao người khác của mọi thời đại, Tô-ma cần có chứng cớ xác thực, làm nền tảng cho niềm tin của mình.  Ông đã thách thức: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  Điều kiện của Tô-ma đưa ra cũng hợp lý.  Bởi lẽ để gửi gắm niềm tin nơi một người nào đó, người ta cần có chứng cớ cụ thể.  Ba động từ được ông dùng trong câu trích dẫn trên là thấy, xỏ ngón tay, đặt bàn tay.  Ông muốn khẳng định: để tin thì phải mắt thấy tai nghe và thân xác phải chạm tới.  Tuy vậy, tám ngày sau đó, khi Chúa Giê-su phục sinh hiện ra và chấp nhận những điều kiện của Tô-ma, thì ông lại “đứng hình” khiếp vía.  Ông không còn dám xỏ ngón tay và đặt bàn tay vào các vết thương của Người nữa.  Cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su Phục sinh bằng xương bằng thịt đã làm cho Tô-ma hoàn toàn bị thuyết phục.  Điều đặc biệt ở đây là Tô-ma tuyên xưng đức tin bằng một công thức chưa hề có trước đó trong Tin Mừng thánh Gio-an: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Qua lời tuyên xưng này, ông Tô-ma đã diễn tả định nghĩa tín lý cốt lõi sau này của Ki-tô giáo.  Đối với Tô-ma và các tông đồ, từ nay Đức Giê-su không còn phải là Chúa, mà là Thiên Chúa, tức là Đấng quyền năng đã tỏ mình ra trong lịch sử của dân tộc Ít-ra-en.  Quyền năng ấy thể hiện ở việc cửa nhà đóng kín mà Người vẫn vào được.  Cũng vậy, dù các ông nhìn thấy Chúa bằng con mắt thể lý, nhưng vẫn chưa nhận ra Người vì chưa được Người soi sáng.  Đấng Phục sinh không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian.  Người là Thiên Chúa thật.  Niềm tin đã mất không chỉ được thấy lại, mà còn hoàn hảo và trọn vẹn sâu sắc hơn nhiều.

 “Phúc thay những người không thấy mà tin!”  Đây không phải chỉ là lời dành cho Tô-ma, mà còn là thông điệp cho mọi thế hệ.  Cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi lúc đó đâu có nhìn thấy Đức Giê-su bằng xương bằng thịt, vậy mà số tín hữu càng ngày càng đông.  Niềm xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh đã giúp ông Phê-rô có thể chữa bệnh, thậm chí cái bóng của ông phủ lên bệnh nhân, cũng làm cho họ được chữa lành khỏi những bệnh hiểm nghèo.  Cũng chính từ niềm tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa mà các Ki-tô hữu hội họp tại hành lang Sa-lô-môn, tức là một phần của Đền thờ Giê-ru-sa-lem, là nơi thờ phượng Thiên Chúa của người Do Thái để ôn lại giáo huấn của Người.  Từ nay, Thiên Chúa của các Tổ phụ cũng là Thiên Chúa của các Ki-tô hữu (Bài đọc II).

 Hai mươi thế kỷ sau sự kiện Phục sinh, hôm nay Giáo Hội vẫn tiếp tục rao giảng Đấng Phục sinh và khẳng định: Người đang hiện diện giữa chúng ta!  Chúa Ki-tô đang sống!  Các tín hữu hôm nay và chúng ta đang được Đấng Phục sinh chúc phúc, vì chúng ta là những người “tuy không nhìn thấy mà vẫn vững niềm tin.”

 Trong Bài đọc II, tông đồ Gio-an chia sẻ với chúng ta hạnh phúc thiên đàng, là tương lai và lý tưởng của Ki-tô hữu.  Đó là hình ảnh Con Người trong vinh quang thiên quốc.  Phúc cho những ai vững niềm xác tín vào sự hiện diện của Đấng Hằng Sống, người đã chiến thắng tử thần và âm phủ.  Người đang được tôn vinh nơi thiên quốc và đồng thời cũng đang hiện diện giữa chúng ta. 

Hôm nay cũng là Chúa nhật của lòng Chúa Thương Xót, do sáng kiến của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô từ năm 2000.  Mục đích của ngày này giúp chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Chúa Cha thể hiện qua cuộc đời Chúa Giê-su mà đỉnh cao là biến cố thập giá, từ đó chúng ta sẽ thực thi lòng thương xót đối với tha nhân.  Nếu Chúa Giê-su chúc phúc cho những người tin vào Chúa, thì Người cũng chúc phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa, Đấng Tối cao (x.Mt 5,7).  Thế giới hôm nay rất cần đến lòng thương xót, không chỉ là từ nhu cầu vật chất, mà còn thiếu tình thương, tình liên đới cảm thông và giúp nhau hướng về sự thiện.  Mỗi chúng ta cũng cần đến lòng thương xót của Chúa, như lá chắn che chở chúng ta giữa những xô đẩy của dòng đời.  Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa!

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

“Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích!” (Thánh Bernadette, Lộ Đức) – Cha Vương

Alleluia, Alleluia! Xin Chúa đồng hành với bạn luôn mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 5, BNPS: 24/4/2025

TIN MỪNG: Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc 24:40-41)

SUY NIỆM: Thánh Bernadette, Lộ Đức nói: “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích!” (Thánh Bernadette, Lộ Đức) Một lối giải thích về đức tin hữu hiệu nhất là hãy sống đức tin. Chúa Giêsu sau khi phục sinh dường như vẫn luôn hiện diện đồng hành thật gần gũi với các môn đệ và với những người thân quen để nâng đỡ, cảm thông và khích lệ họ sống và làm chứng cho Chúa Phục sinh. Có khi Ngài đến với họ như một người làm vườn để thăm hỏi an ủi: “Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20:13). Bà tìm ai? Có khi ngài hiện diện như người đồng hành với hai môn đệ đi làng Emmau. “Các ông vừa đi vừa nói những chuyện gì vậy?” (Lc 24:17). Và rồi qua sự gần gũi ấy, Chúa Giêsu từng bước dùng Kinh Thánh để soi dẫn cho họ hiểu về những gì đang xảy ra trong mầu nhiệm ơn cứu độ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Vậy thì, Chúa Phục sinh có gần gũi hoặc đang hành động trong cuộc đời của bạn hay không?

LẮNG NGHE: Anh em là dân riêng của THIÊN CHÚA, hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1 Pr 2:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, trong Chúa sự sự sống là tiếng nói cuối cùng trên sự chết, xin tăng thêm niềm tin cho con.

THỰC HÀNH: Đọc một Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng và một Kinh Vực Sâu cầu nguyện cho Linh Hồn Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

From: Do Dzung

***************************

Chúa Đồng Hành Cùng Con (Sáng tác: Đại Tài) – Th. Nguyễn Trí

ĐƠN SƠ ĐẾN TẬN CÙNG – MỘT CÁI CHẾT NÓI LÊN CẢ MỘT CUỘC ĐỜI-Lm. Anmai, CSsR

Thao Teresa

Lm. Anmai, CSsR

Không hương hoa.

Không đèn nến.

Không di ảnh lộng lẫy.

Linh cữu Đức Thánh Cha Phanxicô lặng lẽ nằm đó – giữa đền thờ Thánh Phêrô uy nghi, chỉ là một cỗ quan tài gỗ trơn, mộc mạc, không một hoa văn, không một điểm nhấn xa hoa.

Ngài đến với Hội Thánh bằng đôi chân trần của Tin Mừng.

Ngài sống giữa trần gian với trái tim của một người cha nghèo – gần gũi, đơn sơ, không ồn ào, không phô trương.

Và rồi, Ngài ra đi – cũng nhẹ nhàng như thế.

Đám tang của một Giáo Hoàng – người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ, nhưng lại được tổ chức giản dị đến ngỡ ngàng. Không vì thiếu tôn kính. Mà vì sự tôn kính cao cả nhất chính là tôn trọng nguyện ước cuối cùng của một con người – được trở về với Chúa trong tinh thần khó nghèo và khiêm hạ.

Người ta biện hộ cho việc có hoa, có di ảnh, có nến sáng chói lọi vì “đó là phong tục”, là “để tỏ lòng hiếu thảo”, là “cho trang trọng”. Nhưng phong tục nào cũng có thể đổi thay nếu chân lý nói lên điều gì đó đẹp hơn, sâu sắc hơn, đúng hơn với tinh thần Tin Mừng.

Chúng ta không phủ nhận nét đẹp văn hóa của từng vùng miền. Nhưng có những điều giản dị đến mức ta phải dừng lại để tự hỏi: có thật cần thiết không khi phải tổ chức một đám tang quá hoành tráng cho một người đã chọn sống cả đời đơn sơ?

Sự đơn sơ nơi Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ là phong cách – mà là chứng tá.

Là một tiếng nói mạnh mẽ giữa thời đại chuộng hình thức.

Là một cái tát nhẹ vào não trạng khoác áo đạo đức mà quên mất căn cốt Tin Mừng.

Là một bài học sống động cho tất cả chúng ta – những người đang sống trong thế giới quá nhiều ồn ào, quá nhiều “bề ngoài”.

Ngài từng nói: “Giáo Hội phải nghèo và vì người nghèo.”

Và rồi chính Ngài đã làm nghèo chính mình để Tin Mừng được sáng lên.

Không cần lời ca ngợi ồn ào.

Không cần những thước phim lộng lẫy.

Chỉ cần một cỗ quan tài mộc, nằm lặng lẽ như một lời tuyên xưng:

Tôi đã sống cho Chúa.

Tôi đã sống cho con người.

Giờ đây tôi về với Ngài, trong sự nhẹ nhàng của người hành hương.

Có những người thích lễ tang rộn ràng, nhiều người đưa tiễn, nhiều vòng hoa, nhiều nến, nhiều ảnh.

Nhưng cũng có những người chọn cho mình cái chết thầm lặng – bởi cuộc đời họ đã quá đủ tiếng nói bằng hành động.

Không cần thêm gì nữa.

Sự lặng thinh ấy – mới chính là âm vang mạnh mẽ nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy chúng ta một bài học bằng chính cái chết của mình:

Sự vĩ đại không cần tô vẽ.

Sự thánh thiện không cần chứng minh.

Và lòng tin – không cần phô trương.

Giáo Hội, cũng như từng người tín hữu, được mời gọi nhìn lại:

Chúng ta có đang sống quá nhiều cho hình thức?

Chúng ta có đang đánh đổi bản chất Tin Mừng để lấy sự hoành tráng bề ngoài?

Và rồi, đến khi lìa đời, ta sẽ để lại gì? Một di ảnh to? Một vòng hoa đắt tiền? Hay một trái tim từng sống thật, yêu thật, và chết đi trong bình an vì đã sống đúng?

Đơn sơ không có nghĩa là sơ sài.

Mà là chọn sống có chiều sâu – để đến cuối cùng, không còn gì để tiếc nuối.

Bởi vì, sống đẹp nhất không phải là được người ta nhớ lâu, mà là sống trọn vẹn từng phút giây theo cách mình tin là đúng.

Tạm biệt Đức Thánh Cha Phanxicô – vị Giáo hoàng của sự thật, của lòng thương xót, và của tinh thần nghèo khó Tin Mừng.

Cảm ơn Ngài, vì đã sống và chết như một người môn đệ đích thực.

Và xin cho tất cả chúng con – những người đang sống – biết học lấy sự đơn sơ ấy, để cuối cùng cũng được ra đi bình an như Ngài, trong bàn tay Thiên Chúa.

Lm. Anmai, CSsR


 

Tiểu sử Đức Thánh Cha Phanxicô (1936-2025)

-Dưới đây là tiểu sử chi tiết của Đức Giáo hoàng Phanxicô – vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Rôma, người vừa qua đời ngày 21/4/2025. Bản tiểu sử này bao gồm các chặng đường chính trong cuộc đời, ơn gọi, hoạt động mục vụ, những cải cách lớn cũng như tầm ảnh hưởng toàn cầu của ngài.

* THỜI NIÊN THIẾU VÀ GIA ĐÌNH

Tên khai sinh: Jorge Mario Bergoglio

Sinh ngày: 17 tháng 12 năm 1936

Nơi sinh: Buenos Aires, Argentina

Cha: Mario José Bergoglio (nhân viên đường sắt, người Ý)

Mẹ: Regina María Sívori (nội trợ, người Argentina gốc Ý)

Là con cả trong một gia đình có 5 người con.

Ngay từ nhỏ, Jorge đã nổi bật bởi sự thông minh, tính kỷ luật và lòng đạo đức sâu sắc. Tuy mắc bệnh nặng thời niên thiếu (viêm phổi nặng dẫn đến phải cắt bỏ một phần phổi), Ngài vẫn kiên cường vượt qua và tiếp tục học tập.

* HỌC VẤN VÀ ƠN GỌI

Tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học tại Trường Kỹ thuật Công nghiệp.

Năm 1958, ở tuổi 21, Ngài gia nhập Dòng Tên (Jesuit).

Học triết học và thần học tại Colegio Máximo de San José.

Được thụ phong linh mục ngày 13 tháng 12 năm 1969.

Ngài nổi tiếng là một nhà giáo dục nghiêm túc và sống khắc khổ. Từng giảng dạy văn học, tâm lý học, thần học và triết học.

* TRONG DÒNG TÊN

1973 – 1979: Bề trên tỉnh Dòng Tên tại Argentina (ở tuổi 36).

Sau đó, giữ các vai trò linh hướng và giám đốc chủng viện.

Dưới thời độc tài quân sự tại Argentina, cha Bergoglio được cho là đã can đảm bảo vệ các tu sĩ, người nghèo và người bị đàn áp — một thời kỳ nhạy cảm mà sau này được nhìn lại với nhiều tranh cãi và suy ngẫm.

* GIÁM MỤC VÀ HỒNG Y

1992: Được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Buenos Aires.

1998: Trở thành Tổng Giám mục Buenos Aires.

2001: Được phong Hồng y.

Tại đây, Ngài nổi bật với lối sống giản dị: từ chối xe riêng, sống trong một căn hộ nhỏ, tự nấu ăn, đi làm bằng phương tiện công cộng. Ngài được người dân gọi thân thương là “Giám mục của người nghèo”.

* TRỞ THÀNH GIÁO HOÀNG

Ngày bầu chọn: 13/3/2013

Lúc ấy: 76 tuổi

Là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ, đầu tiên từ Dòng Tên, và đầu tiên lấy danh hiệu “Phanxicô” – theo gương Thánh Phanxicô Assisi, biểu tượng của hòa bình, nghèo khó và khiêm nhu.

* PHONG CÁCH GIÁO HOÀNG ĐỘC ĐÁO

Ở Nhà Thánh Marta thay vì Dinh Tông Tòa.

Mặc áo chùng trắng đơn sơ, không đeo thánh giá vàng.

Luôn gần gũi người nghèo, tù nhân, người di cư, người vô gia cư.

Ngài thúc đẩy Giáo hội “đi ra” – nghĩa là hướng về vùng ngoại vi, đến với người bị bỏ rơi, không ở trong “tháp ngà”.

* CÁC CẢI CÁCH QUAN TRỌNG

  1. Cải tổ Giáo triều Vatican

Thành lập Hội đồng Hồng y cố vấn (C9) để tư vấn cải cách.

Tái cấu trúc bộ máy Giáo triều theo hướng phục vụ hiệu quả và minh bạch.

  1. Minh bạch tài chính

Cải cách Viện Giáo vụ (Vatican Bank).

Thành lập bộ Kinh tế Vatican, đưa chuyên gia giáo dân vào quản lý.

  1. Đồng hành mục vụ thay vì phán xét

Hướng mục vụ dành cho người đồng tính, người ly dị tái hôn, phụ nữ…

Chống lại thái độ “luật lệ khắt khe”, cổ vũ lòng thương xót và đồng hành thiêng liêng.

* ẢNH HƯỞNG TOÀN CẦU

Kêu gọi bảo vệ môi trường (Thông điệp Laudato Si’, 2015).

Nhấn mạnh công lý xã hội, lên án nền kinh tế loại trừ.

Tăng cường đối thoại liên tôn, gặp gỡ cả giáo sĩ Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo.

Gặp Thượng phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga (2016) – lần đầu sau 1000 năm.

Nỗ lực hiện đại hóa và làm mới hình ảnh Giáo hội trong thế giới thế tục hóa.

* NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI VÀ QUA ĐỜI

Những năm cuối, Ngài bị viêm phổi mạn tính, thoái hóa khớp gối, phải ngồi xe lăn.

Vẫn giữ nhịp làm việc cao: tiếp khách, dâng lễ, viết Tông huấn.

Nhập viện lần cuối vào tháng 3/2025 tại Bệnh viện Gemelli, Rôma.

Qua đời vào sáng 21 tháng 4 năm 2025 (Thứ Hai Phục Sinh), tại Nhà Thánh Marta, thọ 88 tuổi.

* DI SẢN THIÊNG LIÊNG

Biểu tượng của Giáo hội gần gũi, khiêm nhường, cải cách và lòng thương xót.

Truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, kể cả ngoài Công giáo.

Được ca ngợi là “một vị thánh sống”, người thực thi Tin Mừng bằng hành động nhỏ bé mỗi ngày.

From: NguyenNThu

ĐƠN SƠ ĐẾN TẬN CÙNG. Không hương hoa. Không đèn nến

ĐẾN VỚI MẸ HẰNG CỨU GIÚP

Linh cữu Đức Thánh Cha Phanxicô lặng lẽ giữa đền thờ Thánh Phêrô – một cỗ quan tài gỗ trơn, mộc mạc, không một hoa văn.

Ngài đã chọn sống nghèo khó và khiêm hạ – và ra đi cũng như thế.

Mong sao các đám tang Công giáo cũng bày trí đơn sơ như thế này.

Tạm biệt Đức Thánh Cha Phanxicô, chứng nhân của Tin Mừng, người hành hương của hy vọng.


 

Di Chúc Cuối Cùng Của Giáo Hoàng Francis: Một Lời Nguyện Cho Hòa Bình và Một Nơi An Nghỉ Giản Dị

Ba’o Dat Viet

April 23, 2025

Không vương miện vàng, không cỗ quan tài dát ngọc, không lễ tang xa hoa trong hầm mộ Vatican – chỉ một mong ước duy nhất: được yên nghỉ trong lòng đất, nơi ngài từng đến cầu nguyện trước mỗi chuyến tông du. Đó là điều mà Đức Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng của lòng khiêm nhường và đức ái, để lại trong bản di chúc thiêng liêng được Vatican công bố hôm 21 Tháng Tư.

Được lập ngày 29 Tháng Sáu 2022 – khi ngài vẫn còn minh mẫn và đầy tâm lực – bản di chúc không nói về quyền lực, tài sản hay địa vị. Thay vào đó, toàn bộ nội dung chỉ là một lời nguyện cuối cùng dành cho Mẹ Maria và một chỉ dẫn chi tiết về nơi chôn cất ngài.

“Cảm thấy rằng hoàng hôn cuộc đời trần thế đang đến gần, với niềm hy vọng sống động vào Cuộc sống Vĩnh hằng, tôi muốn viết di chúc của mình chỉ liên quan đến nơi chôn cất tôi…”

Trong di chúc, Giáo hoàng Francis bày tỏ nguyện vọng được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore) ở Rome – ngôi đền thánh lâu đời gắn bó với ngài suốt hành trình mục vụ. Mỗi chuyến tông du, dù xa xôi đến đâu, ngài đều ghé nơi đây để cầu nguyện trước Đức Mẹ. Và giờ đây, đó cũng sẽ là nơi khép lại hành trình trần thế của ngài.

Ngài yêu cầu được chôn dưới lòng đất, trong một hốc giữa Nhà nguyện Pauline và Nhà nguyện Sforza, không có bất kỳ trang trí đặc biệt nào, và chỉ khắc một dòng chữ duy nhất bằng tiếng Latinh: Franciscus.

Chi phí cho việc chôn cất sẽ được thanh toán từ quỹ ân nhân mà ngài đã sắp xếp trước và giao phó cho Đức ông Rolandas Makrickas quản lý.

Nhưng điều khiến hàng triệu người xúc động không chỉ là sự đơn sơ, mà là tấm lòng mục tử bao trùm cả nhân loại trong lời kết của di chúc:

“Xin Chúa ban phần thưởng xứng đáng cho những người đã quý mến tôi và sẽ liên lỉ cầu nguyện cho tôi. Tôi đã dâng Chúa những đau khổ vào cuối đời mình để cầu xin cho hòa bình trên thế giới và tình huynh đệ giữa các dân tộc.”


 

NIỀM VUI LẠ THƯỜNG- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”.

Một ấn phẩm Anh trao giải cho ai định nghĩa hay nhất về “Một Người Bạn Tốt Nhất”. Trong hàng nghìn câu trả lời, có những câu sau đây: “Một người hiểu được sự im lặng của bạn!”; “Một người đến, khi cả thế giới ra đi!”; “Một người xuất hiện đúng lúc để nhân lên niềm vui, chia sẻ hạnh phúc và nỗi đau; giúp bạn trải nghiệm một niềm vui lạ thường ngay giữa những mất mát!”. Câu trả lời cuối cùng đạt giải.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chỉ ra “Người Bạn Tốt Nhất!” – Giêsu – Đấng Phục Sinh, người xuất hiện đúng lúc cho các bạn của Ngài. Luca ghi lại một tâm trạng khó tả vì vừa không thể, lại vừa rất thật, “Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Họ vui mừng nhưng chưa chuẩn bị đủ để có thể trải nghiệm ‘niềm vui lạ thường’ này.

Bất cứ cuộc gặp nào với Chúa Giêsu đều luôn dẫn đến trải nghiệm một ‘niềm vui lạ thường!’. Nó là một kinh nghiệm rất khác vượt quá sự nhiệt tình, hâm mộ hoặc phấn khích. Các môn đệ vui mừng, nhưng ‘điều này là không thể’. Hãy chụp lại ‘cái khung tâm trí’ đẹp đẽ này! “Chưa tin” có nghĩa là không chắc mình phải tin điều gì. Kìa, một Giêsu bị đóng đinh đang đứng trước họ với những hõm sâu còn chưa khô trên thân mình; nhưng kìa, một Giêsu đang yêu cầu một chút gì đó để ăn. Họ sốc! Nhưng dường như nơi họ, vẫn có một niềm vui đang chực bùng nổ vì những gì đang thấy nhưng có một điều gì đó đang kìm hãm. Tất cả là quá tốt nhưng không biết có đúng như vậy không?

Một đôi khi, được hưởng nếm ân sủng Chúa, nhưng chúng ta vẫn do dự! Một trong những lý do là sự nản lòng! Trước cái chết của Thầy, các môn đệ vô cùng nản lòng; và bây giờ, dù Thầy ở trước mặt, họ vẫn tần ngần để ‘buông bỏ’ nó – điều mà họ đang cố ‘ôm chặt’. Cũng thế, chúng ta dễ dàng để sức nặng của thế giới, sức nặng tội lỗi của mình hoặc của người khác ghì xuống; chúng ta tức giận, khó chịu và ủ rũ. Chúng ta ‘ôm chặt’ chúng; đang khi nhận lấy niềm vui phục sinh giả thiết là phải ‘buông bỏ’ sự nản lòng để chăm chút nhìn vào thực tại Chúa muốn chúng ta tập trung vào. Ngài mời bạn nhìn xa hơn để đạt được một điều gì đó vĩ đại hơn; nhìn vào chiến thắng của Ngài để vui mừng.

Kìa, Phêrô đang hướng niềm vui của đoàn người đang chạy theo ông đến việc trải nghiệm ‘niềm vui lạ thường’ ở Đấng mà nhờ danh Ngài, anh què đi được – bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi hân hoan, “Lạy Chúa, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!”.

Anh Chị em,

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. “Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, mà là một Người sống; khi đến gần chúng ta, Ngài lấp đầy chúng ta bằng niềm vui đến mức không tin. Trở thành Kitô hữu trước hết, không phải là người của một học thuyết hay một lý tưởng đạo đức; nhưng là sống mối quan hệ sống động với Ngài – Chúa Phục Sinh!” – Phanxicô. Ngài là “Người Bạn đến, khi cả thế giới ra đi”; “Người Bạn Tốt Nhất xuất hiện đúng lúc để nhân lên niềm vui”; “Người Bạn Tốt Nhất” có thể giúp bạn và tôi trải nghiệm ‘niềm vui lạ thường’ ngay giữa những mất mát, đổ vỡ. Hãy sống chết cho tình bạn cao cả này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lấy khỏi con những vui thú ‘tầm thường’; giúp con buông bỏ những gì vô nghĩa, hầu có thể hưởng nếm niềm vui ‘khác thường’ mang tên “biến đổi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************************************

Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 24,35-48

35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”


 

Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người – Cha Vương

Happy Easter đến bạn và gia quyến nhé! Alleluia! Alleluia! Ước mong bạn nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong mọi sự của ngày hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 4, BNPS, 23/4/2025

TIN MỪNG: Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24:30b-32)

SUY NIỆM: Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”… vì thực ra có những biến cố xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, và chính Thiên Chúa cũng không muốn bạn lúc nào cũng phải trải nghiệm những điều này. Như các môn đệ trên đường Em-mau, trong lúc bối rối và thất vọng, lòng trí họ hoá ra lung lay và “thật là chậm tin”.  Có bao giờ, khi bị một cú “sốc” đến, bạn cảm thấy đức tin của bạn bị lung lay chưa? Có lẽ các môn đệ đang rớt vào tình trạng này sau khi Chúa chết. Đúng!Chỉ có Chúa mới hiểu thấu con tim yếu đuối của họ cho nên Ngài đã củng cố đức tin của họ bằng cách giúp cho họ nhận ra Ngài qua 3 yếu tố: 

(1) Nhận ra Chúa trong Kinh Thánh: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.” (Ga 5:24)

 (2) Nhận ra Chúa trong Bí tích Thánh Thể: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51), 

(3) Nhận ra Chúa trong cộng đoàn sống đức tin: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18:20)  Vậy khi đức tin của bạn bị lung lay, bị thử thách, bạn cần kiểm điểm lại coi thái độ của bạn đối với 3 yếu tố trên như thế nào nhé.

LẮNG NGHE: CHÚA nói: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc,  

hãy đến mà thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thành trời đất.” (Mt 25:34)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, con thật là người có phúc vì Chúa đã tìm gặp con trong lữ hành cuộc đời, giữa những mất mát ê chề trong cuộc sống, xin khơi dậy trong con niềm tin yêu bừng cháy. 

THỰC HÀNH: Tích cực sống 3 yếu tố kể trên.

From: Do Dzung

***********************

Trên Đường Emmau (St: Thành Tâm) | Nhật Hạ, Chiron, Xuân Mai


 

Giáo hoàng Francis chỉ để lại tài sản trị giá 100 USD sau khi qua đời

Những câu chuyện Nhân Văn – My Lan Pham

 Giáo hoàng Francis chỉ để lại tài sản trị giá 100 USD sau khi qua đời ở tuổi 88! Lúc còn sống, Ngài từ chối nhận lương, từ chối ở tại khu biệt thự trong Điện Tông tòa, từ chối đi xe sang, khong sử dụng trang phục và phục sức đắt tiền. Giáo hoàng sống cuộc đời giản dị cho đến khi về với Chúa!

Ngài cũng không nhận bất kỳ khoản tiền lương nào kể từ khi trở thành giáo hoàng vào tháng 3-2013. Kể cả sau khi được tấn phong hồng y vào năm 2001, Ngài vẫn sống trong một căn hộ nhỏ và sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm thay vì những chiếc ô tô sang trọng có tài xế riêng hay có đội bảo vệ riêng dành cho các hồng y để giữ gìn tinh thần khó nghèo, vâng phục lời khấn “khó nghèo” mà Ngài tuyên hứa với Dòng Tên. (Trích từ TT)

Trong ký ức của những người dân nghèo ở Buenos Aires, nhất là khu ổ chuột lớn nhất thủ đô Argentina Villa 21-24, Giáo hoàng Francis, khi đó là linh mục Jorge Mario Bergoglio, mãi mãi là “linh mục của dân nghèo”, là người cha luôn yêu thương, giúp đỡ những người nằm bên rìa xã hội.

Tôi là người ngoại đạo nhưng vô cùng trân trọng nhân cách của Ngài- những người ngày càng hiếm trong thời đại này.

Nhà báo Hà Phan


 

CÂU CHUYỆN LỚN HƠN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”.

Anh trộm bị đóng đinh thủng cả hai tay để không thể làm gì cho Chúa; một cái đinh xuyên hai bàn chân để anh không thể chạy vặt cho Ngài. Vậy mà Chúa Kitô đã tặng anh món quà cứu rỗi. Ngài ném cho anh tấm hộ chiếu và anh vào thiên đàng! Câu chuyện tuy gãy gọn nhưng nó là một ‘câu chuyện lớn hơn’ câu chuyện một đời bôn tẩu của bạn và tôi!

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với câu chuyện của anh trộm lành, Lời Chúa hôm nay là những câu chuyện thật đẹp! Chuyện anh què ngồi ăn xin bên cửa đền thờ, chuyện hai môn đệ Emmaus nhận ra người khách lạ đồng hành, cũng là người sẽ kể cho họ một ‘câu chuyện lớn hơn!’.

Trước hết câu chuyện anh què, rồi đây sẽ khá rắc rối! “Ngày ngày, họ đặt anh bên cửa Đền Thờ”; ở đó, anh xin bố thí. Phêrô và Gioan “nhân danh Đức Giêsu Kitô”, tặng anh món quà ‘đôi chân mới’ và “anh vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót mà ca tụng Thiên Chúa” – bài đọc một. Câu chuyện anh què chứng tỏ một ‘câu chuyện lớn hơn’ về Đấng Phục Sinh, Đấng mà rồi đây, Phêrô rao giảng, khiến “3.000 người trở lại”. Và mọi người ngợi khen Chúa, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Câu chuyện thứ hai – Emmaus – hấp dẫn hơn! Emmaus – phía tây, so với Giêrusalem – phía đông. Hai môn đệ đi về phía mặt trời lặn, phía đêm tối, chết chóc và tuyệt vọng. May thay, ở đó, Chúa Phục Sinh kịp có mặt, dù lúc ẩn lúc hiện. Ngài đồng hành và lòng họ cháy lên; Ngài lắng nghe họ, trách họ ‘vô tín’. Đoạn, kể cho họ một ‘câu chuyện lớn hơn’, “Bắt đầu từ Môsê, giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Thật hồi hộp với phần kết! Khi gần tới làng, hai người “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Để khi ngồi ăn, “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người”, Đấng buộc họ quay lại Giêrusalem, phía mặt trời mọc!

Nhân loại cần nghe câu chuyện vĩ đại đó! Ai sẽ kể về Chúa Kitô cho thế giới nếu không phải bạn và tôi? Nhưng trước hết, câu chuyện lớn nhất là bạn và tôi phải được Chúa Phục Sinh biến đổi! Từ đó, chúng ta mới có thể đồng hành với những ai đang trên ‘đường Emmaus’ đời họ, kể cho họ về Giêsu, Đấng Cứu Độ họ, cứu độ thế giới, hầu mắt họ cũng sáng ra mà ‘quay về phía Mặt Trời’.

Anh Chị em,

“Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. “Có lẽ toàn bộ lịch sử của Chúa Giêsu nằm trong chuỗi cử chỉ này! Ngài ‘cầm lấy’ chúng ta, ‘chúc lành’ chúng ta, ‘bẻ’ cuộc sống chúng ta – vì không có tình yêu nào mà không có hy sinh – và tặng nó cho người khác, cho mọi người. Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ Emmaus cho biết rằng, cộng đồng Kitô hữu không thể bị nhốt trong một thành trì kiên cố, nhưng đúng hơn là một hành trình dọc theo môi trường thiết yếu nhất của mình, đó là con đường – trên đó – Kitô hữu trao tặng Lời Sự Sống, chứng tá của một tình yêu trung thành cho đến cùng. Và như vậy, trái tim của mọi người bừng cháy hy vọng!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xô con trở lại phía mặt trời mọc; con sẽ kéo theo anh chị em con, kể cho họ ‘câu chuyện lớn hơn’ rằng, Chúa đã thương xót con và luôn thương xót họ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********************************************************

Thứ Tư trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.